Những đứa trẻ trong sương giành Giải Phim châu Á xuất sắc
Giải thưởng mong đợi và danh giá nhất tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ Nhất 2023 – DANAFF I với chủ đề là ‘Việt Nam hội nhập’ đã được trao cho đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm với bộ phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương (Children of the Mist).
Đây là bộ phim tài liệu của Việt Nam, kể về tuổi thơ bị đánh mất của một cô bé người dân tộc Mông.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng các đại biểu dự lễ khai mạc tối 13/5. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm với bộ phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương (Children of the Mist). (Ảnh: ANH ĐÀO)
Phim làm theo phong cách tài liệu trực tiếp, được đạo diễn tự quay và trải nghiệm cuộc sống bên một gia đình người Mông.
Trước đó, phim tài liệu này lần đầu tiên lọt vào danh sách rút gọn 15 phim tài liệu xuất sắc của Oscar 2023; phim cũng thắng giải “Phim quốc tế xuất sắc” tại Liên hoan phim Docaviv và giải “Đạo diễn xuất sắc” tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam vào tháng 11/2021.
“Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến em Má Thị Di là nhân vật chính của tôi, tất cả những người bạn của tôi trong cộng đồng người Mông. Hôm nay, tôi đã mặc chiếc váy do chính em Di may. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến các nhà sản xuất của tôi, những người đã theo tôi từ năm 2017 đến 2021 hoàn thành phim. Cảm ơn những người bạn TPD đã tin tưởng tôi” – đạo diễn Hà Lệ Diễm xúc động đón nhận giải thưởng và nói lời cảm ơn các cộng sự.
Sau 5 ngày diễn ra với nhiều sự kiện, hoạt động sôi nổi, Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ Nhất chính thức bế mạc, trao giải tối nay (13/5) tại Nhà hát Trưng Vương, Đà Nẵng. Tham dự sự kiện có đông đảo các nghệ sỹ nổi tiếng, các nhà làm phim, đạo diễn trong nước và khu vực châu Á. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự, công bố, trao thưởng Giải Phim châu Á xuất sắc cho phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương (Children of the Mist) của đạo diễn Hà Lệ Diễm.
DANAFF I do UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam ( VFDA) phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng tổ chức. Diễn ra từ 9 – 13/5, DANAFF 1 với chủ đề “DANAFF- Nhịp cầu Châu Á”, Liên hoan phim đưa tinh hoa điện ảnh châu Á và thế giới đến Việt Nam, đồng thời giới thiệu đến bạn bè đồng nghiệp hình ảnh Việt Nam sống động qua những bộ phim Việt chọn lọc, tạo sự gắn kết với khu vực châu Á Thái Bình Dương và thế giới.
Liên hoan phim có tổng cộng 12 giải thưởng thuộc 2 hạng mục: Hạng mục Giải thưởng Phim châu Á dự thi do Ban Giám khảo Phim châu Á quyết định, Hạng mục Giải thưởng Phim Việt Nam dự thi do Ban Giám khảo Phim Việt Nam quyết định. Cùng với đó là giải NETPAC cho phim Việt Nam xuất sắc do Ban Giám khảo NETPAC quyết định, được chọn trong Phim Việt Nam dự thi và Giải khán giả cho phim Việt Nam được yêu thích nhất do khán giả bình chọn trong các phim tham dự Chương trình “Điện ảnh Việt Nam hôm nay”.
Giải Phim châu Á xuất sắc là giải thưởng quan trọng nhất thuộc về phim Những đứa trẻ trong sương (Children of the Mist) của đạo diễn Hà Lệ Diễm. Giải đặc biệt của ban giám khảo phim châu Á: World War III – bộ phim của Iran năm 2022. Phim do Houman Seyyedi là biên kịch, đạo diễn, quay phim và biên tập. Đạo diễn xuất sắc: Kavich Neang của phim White Building. Diễn viên nam chính xuất sắc: Mohsen Tanabandeh trong phim World War III. Diễn viên nữ chính xuất sắc: Juliet Bảo Ngọc Doling – với vai diễn trong Tro tàn rực rỡ Kịch bản xuất sắc: Joyland – biên kịch Saim Sadiq và Maggie Briggs.
Video đang HOT
Bà Moon So Ri – Chủ tịch ban giám khảo hạng mục phim châu Á và ông Phạm Quang Vinh – nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên đại sứ Việt Nam tại Mỹ, chủ tịch Hội Việt – Mỹ, trao Giải Đặc biệt của ban giám khảo hạng mục Phim châu Á cho phim World War III do Houman Seyyedi là biên kịch, đạo diễn, quay phim và biên tập. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Ở Hạng mục phim Việt Nam, Phim Việt Nam xuất sắc thuộc về phim Nhà bà Nữ; Giải đặc biệt của ban giám khảo phim Việt Nam: Đêm tối rực rỡ; Đạo diễn xuất sắc: Trấn Thành phim Nhà bà Nữ; Diễn viên nam chính xuất sắc: Huỳnh Kiến An của phim Đêm tối rực rỡ; Diễn viên nữ chính xuất sắc: Nhã Uyên phim Đêm tối rực rỡ; Kịch bản xuất sắc: biên kịch Nhã Uyên và Aaron Toronto của phim Đêm tối rực rỡ và Giải NETPAC cho phim Việt Nam: Memento Mori: Đất
Giải thưởng Phim châu Á hay nhất tại DANAFF là 5.000 USD (116 triệu đồng). Giải thưởng cho Phim Việt Nam hay nhất là 70 triệu đồng.
Phim Việt Nam xuất sắc và Đạo diễn xuất sắc nhất thuộc về phim Nhà bà Nữ (Ảnh: ANH ĐÀO)
Theo đánh giá của TS Ngô Phương Lan – Chủ tịch VFDA, Giám đốc LHP Châu Á Đà Nẵng: Với chủ đề “DANAFF- Nhịp cầu Châu Á”, Liên hoan phim đưa tinh hoa điện ảnh Châu Á và thế giới đến Việt Nam, đồng thời giới thiệu đến bạn bè đồng nghiệp hình ảnh Việt Nam sống động qua những bộ phim Việt chọn lọc, tạo sự gắn kết với khu vực Châu Á Thái Bình Dương và thế giới.
“Không thể so sánh Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng với các Liên hoan phim Quốc tế lâu năm và nổi tiếng trên thế giới hoặc trong khu vực. Tuy nhiên, Ban tổ chức DANAFF I ý thức rõ trách nhiệm xây dựng Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng theo thông lệ quốc tế nhưng phù hợp với điều kiện Việt Nam và có dấu ấn của thành phố biển miền Trung Việt Nam – thành phố Đà Nẵng tươi đẹp, năng động và hiện đại. DANAFF I thật sự đã tạo được dấu ấn riêng của một Liên hoan phim trẻ, tươi mới, giàu sức sống, hứa hẹn một thương hiệu Liên hoan phim có chỗ đứng trong khu vực” – TS Ngô Phương Lan khẳng định.
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến, khẳng định: Liên hoan Phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ I, năm 2023 với chủ đề “DANAFF I – Nhịp cầu Châu Á” đã trở thành chiếc cầu nối điện ảnh giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, giữa khán giả thành phố với đất nước, con người, đời sống và nghệ thuật của các nước có phim tham dự Liên hoan.
“Đây là lần đầu tiên thành phố Đà Nẵng tổ chức một sự kiện quốc tế thuộc lĩnh vực điện ảnh, chắc chắn không phải tất cả các nội dung đều đạt kết quả như mong muốn. Chúng tôi mong quý vị vui lòng chia sẻ và hy vọng sẽ tiếp tục nhận được những góp ý xây dựng thiết thực, sự hỗ trợ nhiệt tình của quý vị, nhất là Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam để chúng tôi ngày càng hoàn thiện, chuyên nghiệp hơn trong những lần tổ chức tiếp theo” – bà Yến nói.
Các đại biểu tham dự chương trình bế mạc (Ảnh: ANH ĐÀO)
Với lợi thế về tự nhiên, Đà Nẵng kỳ vọng có thể xây dựng ngành điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo vị thế trong khu vực. Từ thành công bước đầu của DANAFF I, Đà Nẵng mong muốn tạo dựng sự kiện thương hiệu mang tầm khu vực và quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh, góp phần thúc đẩy sự hội nhập và hợp tác của điện ảnh Việt Nam nói chung và điện ảnh Đà Nẵng nói riêng; là cơ hội trao đổi nghề nghiệp giữa các nhà điện ảnh chuyên nghiệp trong và ngoài nước; tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất, mở rộng thị trường điện ảnh Việt Nam ra khu vực và thế giới.
'Những đứa trẻ trong sương' - Phim châu Á hay nhất từng lọt top 15 Oscar 2023
Tại lễ bế mạc Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng (DANAFF), bộ phim 'Những đứa trẻ trong sương' (tựa đề tiếng Anh: Children of the Mist) - bộ phim tài liệu Việt Nam của đạo diễn Hà Lệ Diễm, xuất sắc giành giải Phim châu Á.
Thêm một lần 'Những đứa trẻ trong sương' được tôn vinh.
Tối 13/5, Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng (DANAFF) lần thứ 1 năm 2023 đã trao 14 giải thưởng thuộc 2 hạng mục Phim châu Á dự thi và Phim Việt dự thi. Cả hai giải cao nhất tại DANAFF đã thuộc về những đạo diễn và nhà sản xuất Việt Nam khi Những đứa trẻ trong sương được xướng tên ở hạng mục Phim châu Á, còn Nhà bà Nữ của Trấn Thành chiến thắng ở hạng mục Phim Việt. Đây có thể xem là động lực để những nhà làm phim, đạo diễn Việt Nam tự tin tiếp tục cho ra đời những tác phẩm điện ảnh xuất sắc hơn.
Đạo diễn Hà Lệ Diễm chia sẻ cảm xúc khi được trao giải thưởng phim hay nhất hạng mục Phim châu Á dự thi.
Thắng lớn tại nhiều liên hoan phim quốc tế
Chiến thắng của Những đứa trẻ trong sương của đạo diễn Hà Lệ Diễm thực ra không quá bất ngờ, bởi bộ phim từng ghi điểm kể từ khi ra rạp cách đây hơn hai năm.
Trước khi đến với khán giả Việt Nam vào giữa tháng 3/2023, Những đứa trẻ trong sương đã có buổi chiếu chính thức ra mắt thế giới lần đầu tiên tại "Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam" (IDFA) vào tháng 11/2021, đây được xem là "Liên hoan phim tài liệu lớn nhất thế giới".
Tại đây, nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm đã đoạt giải "Đạo diễn xuất sắc nhất" - Giải thưởng cá nhân quan trọng nhất tại liên hoan phim và giải Tuyên dương của Ban Giám khảo cho phim đầu tay xuất sắc nhất.
Từ đó đến nay, Những đứa trẻ trong sương đã tham gia hơn 100 liên hoan phim trên thế giới, ra rạp tại Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan và Singapore. Đặc biệt, Những đứa trẻ trong sương đã vượt qua 143 tác phẩm đến từ nhiều nước trên thế giới để lọt vào danh sách rút gọn Top 15 Oscar 2023 ở hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc. Tác phẩm cũng có điểm "tươi" 94% từ 18 bài đánh giá của giới phê bình, theo thống kê của Rotten Tomatoes.
Bộ phim của nữ đạo diễn 9x cũng nằm trong danh sách 20 bộ phim tài liệu năm 2022 của tạp chí Paste Magazine; nhận giải thưởng của Liên Hợp Quốc tại Thụy Sĩ và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Nhật Bản, giải thưởng của Liên hoan phim Giáo dục tại Pháp.
Những đứa trẻ trong sương cũng trở thành bộ phim được các trường Đại học tại Mỹ mời chiếu cho sinh viên và được chiếu tại các hệ thống trường Đại học ở Pháp. Bộ phim đã giành được 34 giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế khác và hành trình của phim tới khán giả vẫn đang tiếp tục.
Nhân vật Di trong phim. Ảnh: Beta
Một cảnh phim trong "Những đứa trẻ trong sương". Ảnh: Beta Cinema
Một cảnh quay trong phim "Những đứa trẻ trong sương"
'Những đứa trẻ trong sương': Tuổi thơ bị đánh cắp
Kịch bản của bộ phim xoay quanh Di, sống trong một ngôi làng ở vùng núi Sa Pa. Khi tới tuổi dậy thì tính cách của Di thay đổi rõ rệt. Cô gái nhỏ vô tư trở nên bốc đồng, nhạy cảm và thường xuyên xung đột với mẹ, người đang cố gắng giữ Di tránh xa những mối quan hệ mà em chưa đủ trưởng thành để xử lý.
Một ngày mùa xuân, Di đi chơi hội và bị một cậu bé hơn tuổi bắt về làm vợ. Cô cố gắng chống cự và nhất quyết không lấy chồng, muốn được tiếp tục đi học.
Phim gây ấn tượng mạnh nhờ câu chuyện về số phận của bé gái dân tộc thiểu số và tình trạng tảo hôn. Ở đầu phim, Di cùng đám bạn vui vẻ chơi trò cướp vợ, không biết phong tục đó có thể hoàn toàn thay đổi số phận của mình. Trong mắt chúng, việc một ngày có chàng trai nào đó kéo đi như một điều tự nhiên, không tồn tại sự lựa chọn khác.
Đạo diễn tập trung khai thác những biến đổi tâm lý của Di trong ba năm, dẫn đến cao trào khi cô bé bị một chàng trai mới quen bắt về làm vợ lúc 14 tuổi. Bộ phim trở thành cuộc xung đột về ý thức giữa các thế hệ, xoay quanh câu hỏi về phong tục tập quán và quyền con người. Di không muốn thuận theo tục cướp vợ, nhưng cô cũng sợ cha mẹ phải xấu hổ với làng xóm khi đi ngược nét văn hóa cổ truyền.
Đạo diễn Hà Lệ Diễm thể hiện góc nhìn trung dung, không phán xét khi khai thác đề tài dân tộc. Bộ phim không phải câu chuyện về hung thủ hay nạn nhân. Tác phẩm có nhiều phân đoạn đắt giá là các cuộc phỏng vấn ngắn giữa đạo diễn và các nhân vật. Qua lời giải thích của họ, khán giả thấu hiểu hơn suy nghĩ của người H'Mông về phong tục cướp vợ, về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Tất cả đặt dấu hỏi nghi ngại nhưng không chống lại hành động đã tồn tại bao đời. Vàng - chàng trai kéo Di về làm vợ - nói: "Hình như nước đi này sai sai. Em cũng không biết sao lại bắt nó. Em vẫn còn trẻ".
Cha mẹ Di hay Vàng không ép buộc các con phải sống theo kiểu cũ. Khúc mắc giữa họ và lũ trẻ cũng giống như bao bậc cha mẹ, xuất phát từ tình yêu thương con.
Bộ phim cũng thể hiện sự tiếp cận của chính quyền, nhà trường tới đời sống tinh thần của người dân tộc thiểu số. Thầy cô, công an địa phương xuất hiện can thiệp khi sự việc trở nên căng thẳng, nhưng chỉ dừng ở mức tư vấn, tuyên truyền, không ép buộc. "Bây giờ cưới mà đẻ là không làm giấy khai sinh cho con được đâu đấy", một cô giáo nói khi gặp mặt hai gia đình.
Bên cạnh câu chuyện của Di, đạo diễn Hà Lệ Diễm ghi lại những khoảnh khắc chân thực về cuộc sống người H'Mông ở Sa Pa. "Người Mèo thì chắc chắn là nghèo thôi", một nhân vật trong phim nói khi mẹ Di hỏi thông tin về gia đình cậu bé kéo con gái mình về làm vợ. Người dân nơi đây phải tính toán từng tiểu tiết, như việc có nên đổi con gà nhà mình lấy con gà khác to hơn. Tuy nhiên, họ luôn lạc quan, chăm chỉ lao động và tận hưởng cuộc sống.
Ngoài việc thể hiện nội dung hấp dẫn, Những đứa trẻ trong sương còn có những hình ảnh đẹp mắt và cách kể chuyện, cắt dựng hấp dẫn. Khung cảnh rừng núi phía Bắc Việt Nam hiện lên trong các khung hình giàu tính nghệ thuật.
Moon So Ri: "Vai chính trong Phong Hậu không dễ dàng" Nữ diễn viên Moon So Ri - trưởng giám khảo Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng - chia sẻ nhân vật Oh Kyung Sook không phải vai diễn dễ dàng. Xuất hiện trong buổi gặp gỡ truyền thông trong khuôn khổ liên hoan phim sáng 10/5, minh tinh Hàn Quốc xuất hiện với tư cách trưởng giám khảo hạng mục châu Á....