Những đứa trẻ ở xã “cơm đen”
Những đứa trẻ trong sáng, vô tư, hồn nhiên lẽ ra phải được ôm ấp yêu thương nay phải chịu cảnh “mồ côi”, những cụ già ở cái tuổi gần đất xa trời lẽ ra phải được chăm sóc, phụng dưỡng nay lại thẫn thờ ôm cháu…
Đó là hệ lụy, kết cục buồn của những mảnh đời chỉ vì hám tiền, dấn thân vào vòng xoáy tội lỗi để rồi phải trả giá nơi trại giam để lại nỗi đau cho người thân.
Ma tuý và nỗi đau để lại
Xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An hay còn gọi là xã “cơm đen” nằm lọt thỏm dưới con đê 42 sừng sững. Phía trước là dòng sông Lam xanh biếc hiền hòa bao đời nay đã nuôi sống người dân nơi đây. Nhưng oái ăm, mảnh đất này cũng được xem là “địa lợi” cho ma túy từ các vùng rẻo cao được các lái bè tập kết hoặc xé lẻ để đưa xuống TP Vinh, tỉnh Nghệ An tiêu thụ.
Biết chúng tôi là nhà báo, anh Trương Đình Thành – Trưởng CA xã Hưng Long tình nguyện dẫn đường cho chúng tôi. Vừa bước chân vào ngôi làng đầu tiên, chúng tôi đã bắt gặp những ánh mắt tò mò, dò xét của hết thảy mọi người. Anh Thành cho biết: “Cứ thấy người lạ về là người ta lại lo lắng, sợ hãi. Ma túy nơi đây như một cơn lốc xoáy khủng khiếp càn quét nhiều năm trời khiến xóm làng xác xơ tiêu điều. Hàng trăm đàn ông, đàn bà ở Hưng Long đã sa vòng lao lý vì ma túy, nhiều người trong số đó đã chết, số còn lại cũng đang ở trong bốn bức tường nhà tù. Cái họ để lại sau lưng là những cảnh đời “mồ côi” của con trẻ, những mẹ già thẫn thờ ngồi ôm cháu với sự cô đơn, đau khổ tột cùng.
Nằm lẩn khuất trong lối nhỏ của xóm 7 là ngôi nhà của cụ Phạm Thị Biên. Ở tuổi 87, lẽ ra cụ phải được hưởng sự chăm sóc, phụng dưỡng từ con cháu. Thế nhưng, cuộc đời lại không cho cụ sự may mắn và hạnh phúc đó. Kể từ ngày con trai và con dâu vào tù vì tội buôn bán ma tuý, cụ đâm ra lẩn thẩn. Rơm rớm nước mắt, cụ Biên kể: Con trai đầu của cụ tên là Trường, bị một số kẻ lợi dụng, rủ rê lôi kéo vào con đường cờ bạc rồi nghiện ma túy. “Nó đã làm cho mọi thứ đảo lộn cả lên, bi kịch gia đình cũng xảy ra từ đó”, cụ Biên than thở. Khi phận người như bánh xe tuột dốc, không có cơ may cứu vãn, Trường phải chuyển sang làm nghề xách thuê từng tép Hêrôin và bị CA bắt quả tang. Năm 1999, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Trường 16 năm tù giam.
Từ ngày Trường bị bắt, kinh tế gia đình trở nên túng thiếu, nhiều bữa không có cơm ăn. Thương con, chị Phạm Thị Mỹ (vợ anh Trường) đành làm liều. Trên đường đi thăm chồng ở trại tạm giam, chị đã nhận xách thuê ma tuý và bị bắt, rồi bị tuyên án 17 năm tù. Anh Trường, chị Mỹ vào tù bỏ lại bà mẹ già đau yếu cùng hai đứa con thơ đang tuổi chập chững. Hiện 2 cháu là Lê Văn Nhật và Lê Văn Bảo đều đã nghỉ học. Hàng ngày, Nhật thường theo người trong làng đi quét sơn để kiếm tiền đỡ đần bà. Năm nay, Nhật mới bước sang tuổi 13, nhưng sự thiếu vắng thường xuyên của cha mẹ khiến cậu bé già đi trước tuổi. Sự học dang dở vì phải đi kiếm tiền nuôi bà, nuôi em khiến cho tính khí của cậu bé trở nên cộc lốc, ngang tàng…
Những đứa trẻ sống thiếu cha mẹ
Hoàn cảnh của bà Hoàng Thị Liên, 80 tuổi ở xóm 9A, cũng không kém phần bi đát. Anh Loan con trai bà sau khi đi bộ đội về cũng nuôi giấc mộng làm giàu. Ban đầu vay ngân hàng 7 triệu đồng làm vốn theo bạn đi bè ngược dòng lên Con Cuông, Tương Dương vào tận các bản làng heo hút để mua gỗ giá rẻ về Vinh bán. Bản làng xa tít lại lắm thuốc phiện, chuyến đi đầu tiên, anh hút thử một điếu. “Chỉ một điếu thôi mần răng say được….”, anh Loan tự bảo thế. Sau bữa đó, ai ngờ nhớ mãi. Từ điếu thuốc thứ 2 nơi rừng sâu, Loan trở thành kẻ khác, Loan nghiện nhanh, nghiện nặng. Những chuyến đi buôn bán lâm sản ngày càng thua lỗ, nợ ngân hàng không trả được đồng nào, đành làm liều chuyển sang nghề xách ma tuý. Sau 2 lần đầu khá thành công và trả được một số nợ nần, đến chuyến thứ 3 anh bị bắt và phải ngồi tù. Ngày nghe tin con bị bắt vì ma túy, bà Liên vốn bị bệnh tim đã bị ngất ngã gãy chân, nay đành chịu cảnh què, đi lại chống gậy khó khăn.
Video đang HOT
Cách đó không xa là nhà cụ Nguyễn Thị Tỉu ở xóm 9B. Năm nay cụ Tỉu đã bước sang tuổi 88 nhưng vẫn phải cưu mang 2 cháu là Nguyễn Sỹ Lâm và Nguyễn Sỹ Hải đang chịu cảnh “mồ côi”, bởi bố chúng đang thụ án 16 năm trong trại giam vì tội vận chuyển ma tuý trái phép, còn mẹ các cháu thì bỏ đi biệt xứ từ ngày chồng vào tù. Nỗi đau khi con trai vào tù, con dâu bỏ đi khiến bà Tỉu đổ gục. Mấy tháng trời nhờ vào tình thương của làng xóm, bà Tỉu lại phải gượng dậy gồng mình vượt qua đau đớn, bệnh tật để nuôi những đứa cháu côi cút.
Bà Tỉu với nỗi đau con trai vào tù, con dâu bỏ đi
“Tết này, bố có về không bà”?
Bà Tỉu đã nghe câu này không biết bao nhiều lần. Nghĩ về nỗi đau của gia đình, thương đứa cháu thơ ngây, tội nghiệp, lòng bà Tỉu như dao cắt. Ngày trước, Tết đến mấy đứa trẻ được bố mẹ đưa đi chợ Tết, sắm sanh, mua quần áo mới, chúng vui thích lắm. Hiểu tâm lý đó, bà Tỉu dành dụm mua đồ chơi cho cháu nhân dịp Tết, nhưng khuôn mặt Lâm, Hải vẫn đượm buồn, bà Tỉu mới hiểu, cái cần của các cháu không phải là những bộ quần áo, những món đồ chơi mà là sự có mặt, tình yêu thương của bố mẹ.
Ở chốn lao tù, những con người tội lỗi cũng đã khóc, bởi họ đã nhận ra lỗi lầm của mình. Đọc những dòng chữ sau đây, chúng tôi cũng không khỏi động lòng: “…. Đêm mồng 3 tết, mẹ thức suốt đêm để nhìn về hướng mà các con đang ở, nước mắt đầm đìa. Mẹ đau lòng xót ruột khi nghĩ về 2 con thơ dại. Mẹ ở trong cảnh tù tội khổ lắm, nhớ nhà, thương bà và các con không chịu nổi. Vì đồng tiền mẹ sa vào tội lỗi, làm khổ các con, khổ bà…” (Viết từ trại cải tạo Đồng Sơn- Đồng Hới- Quảng Bình).
“… Hôm nay là ngày đầu năm mới, quanh bố là 4 bức tường, bố không buồn vì đó là cái giá bố phả trả cho những lỗi lầm của mình. Bố chỉ thương 2 con, bởi nếu bố ở nhà các con đã có thể có được một cái Tết ấm áp hơn. Bố sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để nhà nước giảm án, sớm trở về với 2 con…” (Viết từ trại cải tạo Bình Điền I – Thừa Thiên Huế).
Dòng chữ trên những trang thư đã nhòe đi vì nước mắt. Dễ hiểu thôi, thay vì những món quà mừng tuổi cho con, ngày đầu năm mới, chị Nguyễn Thị Châu và chồng là Nguyễn Thái Hòa chỉ có thể gửi tới 2 đứa con Nguyễn Thanh Sơn và Nguyễn Thị Hảo ở xóm 8 xã Hưng Long (Hưng Nguyên), hiện đang ở với bà nội là Nguyễn Thị Du 84 tuổi những lời “tạ tội”.
Anh Trương Đình Thành, Trưởng CA xã Hưng Long cho biết thêm: Có nhiều gia đình cả vợ lẫn chồng đều phải “ăn cơm tù” vì dính đến ma túy. Lợi nhuận khổng lồ từ việc buôn bán “ cái chết trắng” đã lôi kéo nhiều người vào “giấc mộng đổi đời” và kết quả cho sự làm giàu phi pháp ấy là những án tử hình, chung thân. Chồng vợ đôi ngả, mẹ già đớn đau, con trẻ mồ côi. Có nhiều gia cảnh thật đáng thương… Được biết, thời kỳ cao điểm, xã Hưng Long có tới 103 người liên quan đến ma túy. Đến nay vẫn còn 43 người đang phải chịu các mức án khác nhau, 8 đối tượng hiện đang có lệnh bị truy nã, một số thì đã chết do HIV và những thứ bệnh khác.
Ông Hoàng Nghĩa Nhân – Phó chủ tịch UBND xã Hưng Long cho biết: Ma túy nay không còn “hoành hành” ở Hưng Long như trước nữa, và tất nhiên nỗi đau cũng dần dần được với đi, khi mỗi năm có không ít người được trở lại với cộng đồng. Năm 2010, xã có 13 người trở về từ các trại giam, và lao động sản xuất tốt. Như để chứng minh cho điều mình nói, trước khi chúng tôi có ý định rời xã Hưng Long, anh Nhân đã gợi ý để chúng tôi qua nhà chị Nguyễn Thị Liễu, người trở về từ nhà tù vì ma túy, nhưng đã tu chí làm ăn, xây được nhà cửa, chăn nuôi tốt và con cái học hành chu đáo. Trong ngôi nhà khang trang vừa mới được xây xong, chị Liễu kể: “Vì ma túy, cả hai vợ chồng đều phải vào tù. Thương hai đứa con phải bơ vơ vì lỗi lầm của bố mẹ, trở về sau 5 năm bên bốn bức tường, tôi quyết tâm bù đắp cho con cái. Tôi vay vốn làm ăn, và rất may được chính quyền hậu thuẫn, nên mới có cơ nghiệp như ngày hôm nay”.
Đứa con lớn của chị Liễu chuẩn bị đi xuất khẩu lao động, còn đứa nhỏ thì đang học cấp 2. Chị Liễu đang chờ ngày anh Loan, chồng chị ra tù để gia đình được đoàn tụ. Ít ra, nhìn vào gia đình chị Liễu, chúng tôi cũng thấy sáng lên một niềm tin nào đó, rằng 1 năm, 2 năm hay lâu hơn chút nữa, sẽ không có đứa trẻ nào ở Hưng Long phải đón Tết trong sự cô đơn, trơ trọi.
Buôn bán ma túy hoạt động mạnh ở xã Hưng Long trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến năm 2002. Thời kỳ cao điểm, xã có 103 người bị bắt vì liên quan đến ma túy, trong số này đa phần là các trụ cột trong gia đình. Theo lý giải của lãnh đạo địa phương thì nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng này là vị trí địa lý của xã Hưng Long thuận lợi, nằm bên dòng sông Lam, nơi các thuyền bè từ miền ngược qua lại, giấu ma túy từ các huyện giáp biên đưa xuống TP Vinh tiêu thụ.
Giới trẻ trả giá khi yêu "thoáng"
Tình dục là một phần không thể thiếu của tình yêu... (Ảnh minh họa)
"Đã yêu nhau trước sau gì chẳng có "chuyện ấy", nếu không thì chỉ có vấn đề" - một bạn nữ 19 tuổi đã mạnh dạn tuyên bố như thế trong lúc "tám" với nhóm bạn đồng lứa.
Đây không chỉ là phát ngôn gây sốc, mà nó thể hiện một phần lối sống của giới trẻ hiện nay: "thoáng" trong tình yêu. Nhưng họ chỉ "Tây" ở "đầu vào", còn khi đã lỡ mang thai, bị bỏ rơi thì lại quay về lối sống "truyền thống": lo lắng, sợ hãi, mất tự tin... vì phải đối mặt với nhiều hệ lụy.
"Chuyện ấy" hay chuyện nhỏ?
Xinh xắn, thông minh, học giỏi, Hồng Ngọc, một sinh viên thế hệ 9X có quan điểm sống khá hiện đại: yêu hết mình và sex chỉ là chuyện nhỏ. Ngọc lập luận: "Tình dục là một phần không thể thiếu của tình yêu. Vì vậy, đã yêu thật lòng thì "cho" cũng là lẽ thường và chẳng có gì phải hối tiếc".
Với suy nghĩ này, chẳng ai ngạc nhiên khi thấy Ngọc thường xuyên đưa bạn trai về nhà trọ sống như vợ chồng. Bạn bè đã nhiều lần cảnh báo nhưng Ngọc bỏ ngoài tai tất cả với lý lẽ: "Hạnh phúc không dễ tìm, nếu thấy hạnh phúc thì mình cứ tận hưởng, còn chuyện chia tay... để mai tính. Hơn nữa, khi không còn yêu thì đường ai nấy đi là chuyện bình thường".
Quan hệ tình dục (QHTD) trước hôn nhân không còn là khái niệm xa lạ với giới trẻ. Qua các chương trình tư vấn "Bạn trẻ trước ngưỡng cửa hôn nhân" tại TP HCM vào tháng 10 vừa qua cho thấy: giới trẻ đang yêu vội, "cho" nhanh và đặc biệt là các bạn gái không còn thụ động "cho", mà tự nguyện dâng hiến.
Trong một chuyến tàu về Nha Trang, Thu tình cờ quen Tuấn - người có vẻ ngoài lịch lãm, ga-lăng, nói chuyện rất thu hút, tự xưng là trưởng phòng marketing một công ty lớn. Chỉ sau ít giờ nói chuyện trên tàu, Thu cảm thấy "anh sinh ra là để dành cho em". Ngay sau khi về Sài Gòn, Thu đã đi uống cà phê, xem phim cùng Tuấn, chẳng cần tìm hiểu xem Tuấn đã có gia đình hay chưa theo gợi ý của chị gái. Và Thu đã "cho" với tâm thế "thoải mái và tự nguyện" theo đúng tinh thần... phóng khoáng.
Nhiều bạn gái đã phải đối mặt với những hệ lụy khó lường vì trót "thoáng"... (Ảnh minh họa)
Tự tin là thế, vậy mà Thu đã trở nên khép nép sau góc cột, chuyền mảnh giấy đăng ký tư vấn cho chuyên viên tâm lý trong một buổi tư vấn. Thu cho biết, vợ của Tuấn phát hiện sự việc và đã chặn đường Thu đánh ghen, đồng thời tìm đến cơ quan Thu tố cáo hành vi "giật chồng".
Không chỉ ở thành thị mà ở vùng ngoại ô TP HCM, như chuyến tư vấn ở Củ Chi, cũng có rất đông bạn trẻ xếp hàng xin tư vấn riêng ở bàn bác sĩ, chuyên viên tâm lý vì đều trót "lỡ".
Sau cơn say
Lý lẽ của những bạn trẻ khi làm "chuyện ấy" là đã "đủ tuổi, đủ ý thức để chịu trách nhiệm về hành vi của mình"... Vì vậy, các bạn nghĩ mình sẽ dễ dàng, bản lĩnh vượt qua nếu có những bất trắc, điều không như ý xảy ra trong quan hệ tình cảm. Nhiều bạn cho rằng đã độc lập về nhận thức, kinh tế, nên sẵn sàng QHTD trước hôn nhân như... Tây. Tuy nhiên, từ thực tế ở các trung tâm tư vấn, từ sự phản hồi của người trong cuộc cho thấy, dù là thụ động, bị bạn trai bắt "chứng minh tình yêu" hay sống thoáng, chủ động "cống hiến" thì kết cuộc đều tương tự: đau khổ, ân hận, lo lắng...
Cụ thể đối với Hoài Thu, dù lúc đầu Thu xác định chỉ cần cảm nhận được hạnh phúc khi yêu nhau là đủ và không nghĩ đến chuyện tương lai, nhưng cảm giác bị lừa dối cứ dằn vặt Thu suốt thời gian dài. Tương tự, Hồng Ngọc cũng "chết đi sống lại" khi bạn trai chia tay với lý do "không hợp nữa" sau hơn một năm quen nhau.
Rõ ràng, nếu thật sự yêu nhau người ta phải giữ gìn, tôn trọng nhau. Nhiều bạn gái đã phải đối mặt với những hệ lụy khó lường vì trót "thoáng".
Theo Phụ Nữ Online
Bản làng nghiệt ngã vì... 'ết' Đã hơn mười năm trôi qua kể từ ngày xã nghèo Châu Khê (Nghệ An) nổi lên phong trào làm gỗ, làm mây. Người dân tứ xứ đổ về. Bản nghèo bỗng trở nên nhốn nháo, khi có sự góp mặt của gái mại dâm và các đối tượng mua bán, sử dụng ma tuý... Bão "ết" tràn làng nghèo Từ đó số...