Những đứa trẻ mang chì trong máu
Hầu hết những đứa trẻ ở thôn Đông Mai (Chỉ Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên) mang chì trong máu, hậu quả của nghề tái chế pin, ắc-quy hơn 30 năm nay của địa phương. Nhiều bé có hàm lượng chì trong máu vượt ngưỡng cho phép 6-7 lần.
Đối mặt di chứng
Năm 2012, Viện Y học Lao động và Vệ sinh Môi trường (Bộ Y tế) về thôn Đông Mai, làm xét nghiệm cho 109 trẻ em. Theo khuyến cáo của Trung tâm Phòng chống Bệnh tật Mỹ, hàm lượng chì trong máu của trẻ em không được vượt quá giới hạn bình thường là 10mg/dl.
Đối chiếu tiêu chuẩn này, tất cả các bé đều vượt ngưỡng giới hạn, đa số vượt mức nhiều lần. Chỉ có sáu bé có hàm lượng chì vượt chuẩn chưa đến hai lần. 24 bé sau đó được xét nghiệm lại máu tĩnh mạch, kết quả hai có hàm lượng chì máu ở mức nguy hiểm, 17 ở mức báo động, bốn ở mức cao và một ở mức ranh giới. Các trường hợp này đều nên đi sàng lọc chì.
Tất cả trẻ em nhiễm chì trong máu đều chưa đến 10 tuổi, trong đó những bé có hàm lượng chì thuộc mức nguy hiểm và báo động chủ yếu 5-7 tuổi, có bé chỉ 2-3 tuổi.
Nhiều trẻ em ở thôn Đông Mai đối mặt nguy cơ nhiễm chì trong máu. Ảnh: Nguyễn Hoài.
Lê Ngọc Chuẩn, con anh Lê Ngọc Hai (một hộ làm nghề trong thôn), mới bốn tuổi, nhưng hàm lượng chì trong máu bé lên đến 74,52 mg/dl, gấp hơn bảy lần mức cho phép. Hằng năm, anh Hai đưa Chuẩn lên Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) lọc máu. Theo các bác sỹ, việc phục hồi hoàn toàn của Chuẩn là không thể. Bé sẽ phải đối mặt các di chứng như chậm phát triển trí não, còi cọc…
Bé gái Lê Phương Ly, con anh Lê Văn Quân, cũng bốn tuổi, có hàm lượng chì trong máu là 73,16 mg/dl, thuộc mức nguy hiểm, có nguy cơ tổn thương thần kinh cao, phải nhập viện và điều trị bằng thuốc thải chì truyền tĩnh mạch. Nhiều bé khác, mới 2-3 tuổi, nhưng hàm lượng chì trong máu gấp 6-7 lần mức cho phép như Đỗ Hoàng Gia Bảo (ba tuổi), hàm lượng chì trong máu gấp 5,5 lần, bé Lê Gia Bảo (ba tuổi), hàm lượng chì gần sáu lần, Lê Viết Đức (hai tuổi), hàm lượng chì gấp hơn năm lần…
Theo TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), trẻ em nhiễm độc chì đến 70mg/dl thì bị hội chứng não cấp, phù não, các rối loạn khác, có thể dẫn đến tử vong. Ô nhiễm chì làm trẻ em chậm phát triển trí tuệ, suy giảm chỉ số IQ, thay đổi hành vi, tính tình.
Có thể ảnh hưởng thế hệ sau
Video đang HOT
Làng Đông Mai làm nghề tái chế pin, ắc quy hơn 30 năm nay. Thời kỳ cao điểm, cả làng có gần 200 hộ làm nghề, giờ còn khoảng 60 hộ. Ông Nguyễn Văn Bải, kể, trước kia, người làng đi thu gom pin, ắc-quy ở khắp các vùng rồi mang về làng tái chế, hoàn toàn thủ công. Những hóa chất trong pin, ắc- quy như chì được xả ngay ra sân, rồi đổ trực tiếp theo kênh mương ra cánh đồng. Hóa chất gây sủi bọt ở khắp các kênh mương khiến nhiều diện tích không cấy trồng được. Mỗi hộ làm nghề có một lò tái chế, nên cứ chiều chiều cả làng chìm trong khói bụi.
Điều tra hàm lượng chì trong đất ở thôn Đông Mai ngày 13/8/2013. Ảnh: Nguyễn Hoài
Năm 2009, dự án cụm làng nghề xã Chỉ Đạo được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt với diện tích 21ha nhằm tách nghề khỏi làng. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thiện, nhưng hơn 40 hộ đã tự nguyện chuyển ra đó làm nghề, trong làng chỉ còn hơn chục hộ. Trước đó, Viện Y học và Vệ sinh Môi trường nghiên cứu mức độ ô nhiễm chì tại xã Chỉ Đạo. Kết quả, mức ô nhiễm chì trung bình trong không khí vượt tiêu chuẩn gần 3,5 lần. Có thời điểm, hàm lượng chì vượt ngưỡng hơn 10 lần. Các loại thực phẩm như rau, cá có hàm lượng chì nhiễm vượt tiêu chuẩn 4,6 lần. Theo TS Duệ, nhiễm chì ở trẻ có thể qua đường nước, không khí, đất, rau quả nhiễm chì. Bố mẹ làm nghề, quần áo dính chì, con cái cũng có nguy cơ nhiễm độc chì cao.
Trong quá trình lớn lên, trẻ sẽ tự đào thải chì trong máu, nhưng chắc chắn sẽ để lại di chứng, làm chậm phát triển trí tuệ, thậm chí đần độn, ngờ nghệch. Theo TS Duệ, có những bé bị nhiễm chì từ lúc hai tháng tuổi. Ba đến sáu tuổi, hàm lượng chì trong máu vẫn ở mức 30-40 mg/dl. Tinh thần và thể chất của các bé này đều thua các bé bình thường.
Nhiều trẻ bị nhiễm độc chì nhưng vẫn đi học, chơi đùa bình thường nên cha mẹ các cháu thường chủ quan, không đưa đi sàng lọc. Ngay ở thôn Chỉ Đạo, theo TS Duệ dù nhiều lần khuyến khích, nhưng cũng chỉ có hai cháu được đưa đi sàng lọc máu, trong khi số cháu được khuyến cáo là 24. Theo TS Duệ, khi mẹ mang chì trong máu thì con cũng mang chì trong máu qua đường bú sữa. Vì thế, nguy cơ ảnh hưởng đến thế hệ sau có thể xảy ra.
(Còn nữa)
Kiến nghị tách nghề khỏi làng
Góp ý cho Dự thảo lần bốn Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, nhiều chuyên gia môi trường khuyến nghị cần tách làng khỏi nghề. Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện Xã hội của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, muốn môi trường làng nghề được cải thiện, cần tách làng (nơi sinh sống) ra khỏi nghề (nơi sản xuất) như kiểu thành lập các khu công nghiệp nông thôn. Như thế làng vẫn còn, nghề vẫn còn. Tuy nhiên, nhiều nhà văn hóa lại không đồng tình với quan điểm này vì khái niệm “làng nghề” sẽ không còn.
Thời kinh tế thị trường, cả làng nghề lẫn nhà máy đều phát triển vô tội vạ. Và cái giá phải trả cũng không hề nhỏ: Có làng, hầu hết trẻ em đều nhiễm chì trong máu, có xóm dân đột nhiên ho ra máu, cá chết trắng ao, chó mèo biến dạng…
Theo Nguyễn Hoài (Tiền Phong)
Vụ gần 1000 cư dân dùng nước nhiễm độc: Người đấu tranh lĩnh "đòn thù" ?
Trong lúc lời kêu cứu mong được dùng nước sạch của Tổ dân cư 22 thị trấn Cầu Diễn chưa được giải quyết, UBND thị trấn Cầu Diễn đã quyết định miễn nhiệm thành viên Tổ bảo vệ với ông Hoàng Tiến An, người trực tiếp đứng đơn đòi quyền lợi cho cư dân.
Sau loạt bài phản ánh lời kêu cứu của gần 1000 nhân khấu thuộc tổ 22 thị trấn Cầu Diễn về nguồn nước bị nhiễm độc Asen nhiều năm đăng trên báo Dân trí, Công ty cổ phần tư vấn đầu tư & Phát triển nhà Hà Nội đã làm việc với Công ty kinh doanh nước sạch Hà Nội, huyện Từ Liêm, thị trấn Cầu Diễn để thống nhất phương án đấu nối hệ thống nước của khu tái định cư B3, B4, B4 và Tổ dân cư 22 với hệ thống nước sạch của TP. Hà Nội. Theo cam kết từ cơ quan chức năng, chậm nhất đến Tết Nguyên đán 2013, các hộ dân khu vực sẽ được dùng nước sạch sau gần 10 năm phải dùng nước giếng khoan ô nhiễm.
Ông Hoàng Tiến An đã lên tiếng phản ánh nguồn nước bẩn và nguy cơ ô nhiễm vệ sinh môi trường khu tái định cư
Khi vấn đề nước sạch đang được cơ quan chức năng giải quyết, ngày 24/9/2012, Chủ tịch UBND thị trấn Cầu Diễn Trần Mạnh Hùng bất ngờ ký quyết định miễn nhiệm số 427/QĐ - UBND đối với vị trí thành viên Tổ bảo vệ với ông Hoàng Tiến An mà không đưa ra lý do chính đáng. Điều đặc biệt, ông Hoàng Tiến An chính là người đứng tên đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng và truyền thông phản ánh nguồn nước bị nhiễm độc, cũng những nguy hại vệ sinh môi trường xuất phát từ công tác quản lý kém của chính quyền và chủ đầu tư.
Tâm nguyện nước sạch, nhà văn hóa, đèn chiếu sáng bị UBND thị trấn yêu cầu gỡ bỏ (Ảnh: Ngọc Cương)
Quyết định miễn nhiệm đưa ra đúng thời điểm nhạy cảm khiến ông Hoàng Tiến An và nhiều người dân cảm thấy bức xúc.
Trao đổi với PV Dân trí ngày 8/10/2012, ông An cho biết: "Tôi đâu có ham muốn chức vụ, việc tôi phản ánh nước bẩn và tham gia tổ bảo vệ là vì quyền lợi người dân. Tuy nhiên, cách miễn nhiệm với lý do tôi đá bóng ở khu dân cư do UBND thị trấn đưa ra khi tôi đang đấu tranh cho quyền lợi khu dân cư là không thuyết phục. 16h30' ngày 3/10 tôi mới nhận được quyết định miễn nhiệm sau khi tôi chủ động yêu cầu, nhưng thị trấn Cầu Diễn và tổ dân phố đã cho dán trước tại các bản tin nhằm bôi nhọ danh dự của cá nhân, quyết định chỉ được gỡ xuống khi báo chí lên tiếng.
Quyết định miễn nhiệm không nêu lý do của Chủ tịch UBND thị trấn Cầu Diễn Trần Mạnh Hùng
Việc thị trấn Cầu Diễn miễn nhiệm là cơ hội thuận lợi cho tôi được nghỉ ngơi, nhưng tôi cảm thấy thất vọng về cách hành xử mà không đưa ra lý do. Trong khi đó, hàng loạt quyền lợi chính đáng của cư dân như: nước sạch, vệ sinh môi trường nhà văn hóa hệ thống đèn chiếu sáng thì chính quyền không giải quyết dứt điểm".
Theo lời ông An, ông và một cá nhân khác đã bỏ gần 17 triệu đồng tiền túi dựng cổng chào đầu khu dân cư, làm băng rôn đề tâm nguyện của dân cư về những điều kiện an sinh. Hiện cổng chào vẫn đang tồn tại, còn bằn rôn đã phải gỡ xuống theo ý kiến của UBND thị trấn Cầu Diễn.
Đánh giá về quyết định miễn nhiệm của thị trấn Cầu Diễn đưa ra với ông Hoàng Tiến An, ông Nguyễn Thanh Tự, Trưởng nhà B5 cho rằng đó là việc làm thiếu thuyết phục: "Ai làm cũng có sai sót, nhưng chúng tôi thấy ông An là người có trách nhiệm nhất trong số các thành viên tổ bảo vệ nên việc miễn nhiệm là không thuyết phục. Trong khi đó những vấn đề an sinh cấp thiết như nguồn nước, vệ sinh, thang máy tại các tòa nhà thì không được chính quyền giải quyết.
Ông An khẳng định đã bỏ tiền túi để dựng cổng chào đầu khu dân cư
Để rộng đường dư luận, ngày 8/10/2012, PV báo Dân trí đã làm việc với UBND thị trấn Cầu Diễn, tổ dân phố, tổ bảo vệ cơ sở về những vấn đề liên quan trong quyết định miễn nhiệm bất thường UBND thị trấn Cầu Diễn vừa đưa ra với ông Hoàng Tiến An.
Tại buổi làm việc, ông Đinh Văn Long, Tổ trưởng tổ dân phố 22 thị trấn Cầu Diễn cho rằng ông Hoàng Tiến An không hoàn thành nhiệm vụ và chức năng của thành viên tổ bảo vệ. Theo lời ông Long, nguyên tổ phó Hoàng Tiến An đã không mặc quân phục khi đi tuần tra, tuần tra không theo sự phân công, đá bóng trong khu dân cư gây mất an toàn giao thông và an ninh khu vực dù đã được nhắc nhở nhiều lần. Ông Long cho biết được người dân bán hàng quanh khu vực phản ánh ông Hoàng Tiến An tự ý thu tiền của người kinh doanh, nhưng không nêu lý do hoặc ghi biên lai. Tuy nhiên, khi hỏi về nhân chứng và chứng cứ liên quan đến nội dung phản ánh, ông Đinh Văn Long lại thừa nhận ông Hoàng Tiến An vô can vì Tổ dân phố chỉ nghe nói miệng từ các hộ dân.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Hách cho rằng việc miễn nhiệm với ông An là đúng luật
Giải thích về quyết định miễn nhiệm với ông An, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cầu Diễn Nguyễn Văn Hách nói: "Chúng tôi ra quyết định miễn nhiệm dựa trên ý kiến đề xuất của người dân, của tổ dân phố, tổ bảo vệ và thực hiện theo đúng Nghị định của Chính phủ về tổ bảo vệ dân phố. Tôi khẳng định hoàn toàn không có chuyện chính quyền trù dập ông An, việc ban hành quyết định miễn nhiệm đúng lúc ông An gửi đơn đề nghị xem xét nguồn nước sạch chỉ là điều chung lặp mà thôi. Về nguồn nước, UBND thị trấn và các cơ quan chức năng đã 6 lần họp thống nhất, chứ không phải đợi tới lúc ông An gửi đơn chúng tôi mới xem xét".
Trước câu hỏi tại sao không nêu lý do trong quyết định miễn nhiễm đối với ông Hoàng Tiến An? Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cầu Diễn Nguyễn Văn Hách cho biết: Hiện những phản ánh của người dân về việc thu tiền của ông Hoàng Tiến An đang được chuyển cho Công an thị trấn Cầu Diễn, kết hợp tổ hình sự điều tra làm rõ hơn nên chưa nêu ra trong quyết định miễn nhiệm.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Theo Dantri
100% trẻ em nhiễm độc ở làng đúc chì Nhờ nghề đúc chì từ nhiều đời nay mà cuộc sống người dân thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên trở nên sung túc. Nhưng, sau nhiều năm lăn lộn, gắn bó với nghề, người dân nơi đây đã và đang phải hứng chịu những hệ lụy từ nghề đúc chì... Thời điểm hiện tại, lượng chì thành...