Những đứa trẻ không số phận ở Nigeria
Hàng triệu trẻ em không có trường học, hàng ngàn những mảnh đời non trẻ rơi vào tay các tổ chức vũ trang cực đoan, và chúng gần như là những con người không số phận tại Nigeria…
Cuộc sống khốn khó của trẻ em đang là mối lo lớn tại Nigeria – Ảnh: Reuters
Ngày 25.3, BBC cho biết chính phủ Nigeria bác bỏ thông tin nói rằng nhóm phần tử cực đoan Boko Haram bắt cóc hơn 400 phụ nữ và trẻ em nước này. Dù đúng hay sai, không ai phủ nhận Boko Haram từ năm 2009 đến nay là vấn nạn bạo lực lớn nhất Nigeria. Đặc biệt với mục tiêu chống lối giáo dục phương Tây, trẻ em tại Nigeria đang là nạn nhân bi thương nhất của Boko Haram.
Đói kém, thất học và nô lệ
“Cha tôi đã già và đang thất nghiệp. Mẹ tôi làm nghề tết tóc, nhưng bà ấy kiếm không đủ tiền để lo cho chúng tôi”, cậu bé 12 tuổi Bello Shehu nói với AFP. Shehu nằm trong số rất nhiều trẻ vị thành niên ở Nigeria phải bỏ học đi kiếm tiền lo cho cuộc sống.
Trên thực tế, Shehu hay các trẻ em khác muốn đi học cũng là một vấn đề lớn, bất chấp những bang như Borno đã có kế hoạch hỗ trợ phát đồng phục và giáo dục miễn phí. Đơn giản, các trường học ở Nigeria là mục tiêu tấn công phá hủy của Boko Haram.
Những đứa trẻ bỏ học mưu sinh tại Nigeria – Ảnh: AFP
Hoạt động với mục tiêu chống giáo dục kiểu phương tây, nhóm cực đoan này thường đánh bom vào trường học, bệnh viện, nhà cửa… Tính riêng bang Borno, 1.357 trường học đã bị tấn công và chỉ 400 trong số ấy được mở cửa trở lại từ chiến dịch tái xây dựng giáo dục của bang, theo AFP.
Hãng tin Pháp cũng dẫn số liệu của Liên Hiệp Quốc cho thấy 10,5 triệu trẻ em tại Nigeria không được đi học, con số cao nhất thế giới.
Video đang HOT
Hậu quả từ những gì Boko Haram mang lại là tình trạng trẻ em biến thành nô lệ. Bài viết của CNN hôm 24.3 mô tả thực trạng của những trại mồ côi tại Nigeria.
Trong dòng người trốn chạy khỏi khu vực bị Boko Haram kiểm soát, khu vực thị trấn Yola là nơi những “chủ trại” sẵn sàng bán trẻ em với giá 300 hay 500 USD, mức giá dành cho một bé gái 12 tuổi “có thể giữ trẻ em, quét dọn, lau chùi nhà cửa”.
CNN cũng dẫn thông báo từ chính phủ Nigeria cho biết có khoảng 8 triệu trẻ em hiện tại đang lao động ở dạng cưỡng bức.
Những mầm họa đáng thương
Lạc lối trong xã hội quá nhiều hiểm nguy, trẻ em tại Nigeria vô tình cũng đối diện nguy cơ bị cuốn vào vòng xoáy phạm tội.
AFP ví những đứa trẻ ở Nigeria như những quả bom hẹn giờ, có thể bùng nổ bất cứ lúc nào nếu chúng sa vào con đường do Boko Haram tạo ra.
Chính phủ Nigeria, đang dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Goodluck Jonathan, có thể thực hiện rất nhiều chiến dịch truy quét Boko Haram, nhưng dường như bất lực trong việc đưa giáo dục trở lại với trẻ em.
“Nếu không có giải pháp nhanh chóng lúc này, trong 10 năm tới cuộc nổi dậy của Boko Haram sẽ là cuộc chơi của những đứa trẻ”, Mohammed Dongel, người điều hành một ủy ban tái xây dựng trường tiểu học tại bang Borno nói.
Trẻ em tập trung tại một trại tị nạn trốn Boko Haram – Ảnh: AFP
“Những trẻ em không được giáo dục dễ bị tổn thương và dễ sa vào cạm bẫy tội ác. Nhiều trẻ em, thanh thiếu niên đang gia nhập Boko Haram vì thiếu hiểu biết, nghèo đói và thiếu giáo dục. Nếu không có giải pháp, chúng ta coi như đang ngồi trên một đống bom hẹn giờ”, ông Dongel nói thêm.
Hoặc nghèo đói, hoặc gia nhập Boko Haram, hoặc bị bán làm nô lệ, rất nhiều đứa trẻ ở Nigeria gần như không còn cách nào khác để cứu lấy số phận của mình, đơn giản vì chúng vốn dĩ đã rơi vào một vòng xoáy, nơi số phận không còn nằm trong tay…
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
'Bóng ma' Boko Haram ám ảnh bầu cử tổng thống Nigeria
Ngày 28.3 tới, Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, sẽ tiến hành cuộc bầu cử tổng thống sau 6 tuần bị hoãn. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi về sự chống phá của nhóm vũ trang Hồi giáo Boko Haram vẫn luôn hiện hữu.
Nigeria đang đối mặt với nỗi sợ hãi mang tên Boko Haram trước thềm bầu cử - Ảnh: Reuters
Tổng cộng có 14 ứng cử viên cho vị trí tổng thống, tuy nhiên chỉ 2 trong số đó mới thực sự có cơ hội, đó là đương kim Tổng thống Goodluck Jonathan và đối thủ chính Muhammadu Buhari, theo tờ Le Point (Pháp) ngày 22.3.
Ông Jonathan vài tháng gần đây bị chỉ trích nhiều vì thiếu năng lực trong việc kiểm soát sự lộng hành của Boko Haram. Và an ninh đang trở thành vấn đề gây đau đầu trong cuộc bầu cử sắp tới.
Trong phát biểu ngày 20.3 vừa qua, Tổng thống Jonathan cho biết Boko Haram đang yếu đi từng ngày và ông tự tin sẽ giành lại toàn bộ lãnh thổ trong vòng một tháng, theo đài BBC.
Nhờ sự giúp đỡ của các đồng minh như Cameroon, Chad và Niger, quân đội Nigeria tuyên bố đã giành lại 2 trong số 3 bang tại miền bắc bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc chiến với phiến quân, theo tờ The Guardian.
Mặc cho những sự lạc quan của giới chức Nigeria, các chuyên gia cho rằng đó là những tuyên bố hấp tấp nhằm kêu gọi sự ủng hộ cho chiến dịch tranh cử của ông Jonathan, đồng thời cảnh báo phiến quân Hồi giáo vẫn có khả năng thực hiện những cuộc tấn công chớp nhoáng.
Cố vấn an ninh quốc gia Mike Omeri ngày 18.3 cho biết "cuộc công kích cuối cùng" sắp diễn ra. Trong khi đó, phó giám đốc Mark Schroeder, chuyên gia về châu Phi của công ty cung cấp thông tin tình báo chiến lược Stratfot cho biết nhóm phiến quân chưa thật sự bị đánh bại.
"Cũng giống như tuyên bố vội vã của Tổng thống Bush (Mỹ) vào năm 2003 về việc hoàn thành nhiệm vụ tại Iraq. Nhưng rõ ràng là Iraq ngày nay vẫn đang đấu tranh với phiến quân Hồi giáo", ông Schroeder so sánh với tuyên bố tự tin của tổng thống Nigeria.
Thủ lĩnh Abubakar Shekau của Boko Haram tuyên bố sẽ chống phá cuộc bầu cử - Ảnh: AFP
Một số nhà quan sát nhận định, sau khi gia nhập tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS), phiến quân Boko Haram sẽ quay về với hình thức chiến tranh du kích. Chuyên gia Nnamdi Obasi thuộc Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) cho rằng Boko Haram mặc dù không thể chiếm thêm lãnh thổ nhưng luôn có thể phá rối các cuộc bầu cử, theo tờ Le Point.
"Tại nhiều vùng ở bang Borno, cái nôi của Boko Haram, tình hình an ninh luôn mong manh và những người lưu vong sẽ không thể tham gia bầu cử. Trong khi đó, những địa điểm khác trong vùng sẽ tiến hành bầu cử trong tâm thế lo lắng, bất an", ông Obasi nói.
Trong khi đó, quân đội Nigeria lại chưa sẵn sàng để đối đầu lại Boko Haram, nhất là sau khi tổ chức này liên kết với IS. Ngày 19.3, Boko Haram đã sát hại 11 dân thường tại thị trấn Gamboru, điều này cho thấy những khó khăn trong nỗ lực kết thúc bạo lực tại Nigeria. Cuộc tấn công này cũng thể hiện rõ khả năng phối hợp yếu kém giữa các quốc gia liên minh. The Guardian dẫn lời người dân địa phương cho hay sau khi chiếm lại được thị trấn, quân lính Chad đã rời đi mà không có người thay thế.
Nỗi sợ hãi về an ninh trong ngày bầu cử đang hiện hữu sau hàng loạt vụ tấn công đẫm máu tại miền bắc vài tuần gần đây, và sau khi thủ lĩnh Boko Haram, Abubakar Shekau tuyên bố sẽ phá hoại cuộc bầu cử.
Cuộc bầu cử tổng thống Nigeria sẽ diễn ra vào ngày 28.3 tới và sẽ chỉ có khoảng 68 triệu người tham gia bầu cử trên tổng số 173 triệu dân. Phe đối lập cho rằng kết quả bầu cử sẽ không đáng tin nếu hàng triệu người tị nạn ở miền bắc không thể đi bầu. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban bầu cử Attahiru Jega đảm bảo rằng các thùng phiếu sẽ được đưa đến các khu trại để mọi người có thể bỏ phiếu.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Số phận những phụ nữ mất chồng vì Boko Haram Từ khi nhóm cực đoan Boko Haram nổi dậy chống chính quyền Nigeria vào năm 2009, đến nay đã có hơn 5.400 phụ nữ trở thành góa phụ vì chồng họ bị Boko Haram sát hại. Cuộc sống của những góa phụ này và con cái họ rơi vào cảnh cùng cực, theo Al Jazeera. Falmata Gana bên cạnh 2 người con -...