Những đứa trẻ đi ‘đòi’ trâu
Chợ Ú, chợ trâu bò ở xã Đại Sơn (Đô Lương, Nghệ An) cứ đến ngày phiên là cả nghìn con trâu bò được đưa về đây. Hòa trong cảnh mua bán nhộn nhịp ấy là những đứa trẻ mưu sinh bằng công việc dắt trâu thuê, hay còn gọi là đòi trâu.
Mặt trời vừa ló rạng, từng đoàn người đem trâu bò tới chợ Đại Sơn. Lấp ló trong đám người ấy là những em bé chỉ 11-12 tuổi đi dắt trâu thuê. Ở trong chợ, có rất nhiều tốp 3-4 em nhỏ đang ngồi chờ người thuê. Em nào cũng khoác trên mình bộ đồ cũ kỹ, đầu trần, chân nhuốm bùn đất, da mặt cháy đen vì nắng.
Nhỏ thỏ nhất đám trẻ đứng ở đầu chợ là Nguyễn Trọng Đông ở xã Trù Sơn. Là con út trong gia đình có 3 anh em, bố mẹ làm nông, gia đình khó khăn nên Đông bắt đầu đi dắt trâu thuê từ năm lớp 4, đến giờ cũng có thâm niên hơn 2 năm. “Đi đòi trâu mệt lắm, nhiều lúc đi qua quán chè, cháu khát quá mà chỉ biết chép miệng, mong cho tới nơi giao trâu mới được nhận tiền”, Đông kể và cho hay để có mặt ở chợ lúc 6h sáng, em phải thức dậy từ lúc 4h, chẳng kịp ăn uống.
Một phiên chợ may mắn của Đông. Ảnh: Duy Ngợi.
Đứng từ sáng đến non trưa, Đông được chủ buôn thuê dắt 3 con trâu mới lớn về xã bên cho khách. Là trâu non nên chúng rất bướng và nhát, khó khăn lắm Đông mới kéo được 3 con trâu ra đường cái. Đôi chân trần còm nhom lầm lũi tiến về phía đường xa, hai tay Đông nắm chặt 3 sợi dây dắt 3 con trâu bướng bỉnh kéo đi. Em được trả 60.000 đồng cho chuyến dắt trâu này.
“Thế là may lắm chú ạ, cháu lại có tiền về đưa mẹ mua cá rồi. Có hôm chợ tan, trâu bò về hết mà chẳng ai thuê”, Đông vừa nói vừa lấy cánh tay lau mồ hôi trán.
Đi cùng Đông là Phạm Bá Phúc, người anh em họ. Dù mới 11 tuổi nhưng Phúc cũng tỏ ra là tay “đòi trâu” có tiếng trong nhóm. Khi được hỏi đi dắt trâu như vậy có khó lắm không, Phúc hồn nhiên trả lời: “Cứ đến chợ thấy người ta đòi trâu thì mình cũng vào đòi thôi. Đôi khi gặp con dữ bị nó húc hay giật phăng dây thừng rồi chạy, cháu phải rượt đuổi nó mệt lử”.
Trong đám trẻ dáo dác đi đòi trâu ở chợ lớn nhất miền Trung này, hầu như ai cũng biết Phạm Xuân Công ở xã Trù Sơn vì có “thâm niên” dắt trâu thuê. Nhà 5 anh em, là con đầu, gia cảnh khó khăn nên Công không có điều kiện tới trường đều đặn như bao bạn bè cùng trang lứa. Đi học buổi được, buổi mất vì vậy Công phải ở lại lớp 2 năm. Năm nay dù đã 13 tuổi nhưng Công mới lên được lớp 6. “Em học dốt nên chắc hết năm nay là nghỉ rồi đi đòi trâu và làm đồng phụ bố mẹ”, Công nói giọng buồn rầu.
Việc khống chế những con trâu lạ không phải dễ dàng. Ảnh: Duy Ngợi.
Trường hợp của Đông và Phúc cũng chẳng khá hơn. Là học sinh tiên tiến từ lớp 1 đến lớp 5 nhưng do phải đi đòi trâu, mò cua bắt ốc mưu sinh, Đông không có nhiều thời gian học nên cả năm lớp 6, học lực của em chỉ đạt trung bình.
Video đang HOT
Tuy nhiên, cũng có em thích đi đòi trâu hơn là đi học vì nhanh kiếm được tiền. Lý, con một chủ buôn trâu tại xã Đại Sơn, kể bố mẹ mải mê buôn trâu, ít thời gian chăm lo việc học nên Lý chỉ học hết lớp 5 rồi bỏ. Nhiều lái buôn cũng cho biết, cứ 5 ngày có phiên chợ nên không ít học sinh thường mượn cớ nghỉ ốm với cô giáo rồi đến đây đòi trâu kiếm tiền.
Phần lớn em nhỏ dắt trâu thuê đến từ các xã Trù Sơn, Đại Sơn của huyện Đô Lương, xã Nghi Văn của huyện Nghi Lộc. Bà Vinh, một người dân sống bên chợ Ú nói giọng đượm buồn: “Phần đa trẻ đi đòi trâu vì nghèo. Tội nghiệp, mới tý tuổi mà đã phải bươn chải kiếm sống, dang dở học hành”.
Duy Ngợi
Theo VNE
Ngày ấy, 98 thanh niên đã bị vùi lấp như thế...
Ngày 3/1/1978, trên công trường cải tạo cống Hiệp Hòa (Hòa Sơn, Đô Lương, Nghệ An), một vụ tai nạn kinh hoàng đã xảy ra vùi lấp 98 thanh niên...
Mái kênh, nơi xẩy ra vụ lở đất khiến 98 thanh niên thiệt mạng.
35 năm sau, câu chuyện tri ân những lớp thanh niên đã ngã xuống trên công trình Hiệp Hòa lại được nhắc ghi. Không phải khơi lại ký ức đau thương, mà để thấy rằng vẫn còn nhiều điều phải nghĩ suy.
Đại tang nơi công trường thủy lợi
Cho đến bây giờ, ông Phan Văn Hợi - nguyên Phó Bí thư huyện đoàn, Tổng đội trưởng Tổng đội thanh niên tình nguyện xây dựng quê hương huyện Thanh Chương (gọi tắt là Tổng đội Thanh Chương), vẫn còn nhớ như in thời khắc đau thương đó. Ông kể: "Ngày đó, đất nước vừa thống nhất, phong trào 3 sẵn sàng ở thời chiến chuyển sang phong trào xây dựng quê hương đất nước. Tỉnh có chủ trương huy động lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia đào đắp kênh mương, hoàn chỉnh hệ thống thủy nông.
Ngày 26/3/1976, Tổng đội Thanh Chương ra đời với khoảng 2.200 đoàn viên thanh niên (còn gọi là lực lượng 202). Sau khi hoàn thành một số công trình, Tổng đội Thanh Chương được điều lên Đô Lương tham gia vào việc cải tạo lại cống Hiệp Hòa. Cống Hiệp Hòa nằm trên hệ thống nông giang dẫn nước từ Bara Đô Lương tưới tiêu cho cánh đồng các huyện Đô Lương - Diễn Châu - Yên Thành - Quỳnh Lưu. Lúc bấy giờ cống này có 3 ống dài khoảng 50m, được san phẳng có đường phía trên để qua lại.
Ông Nguyễn Hữu Miệu: Chúng tôi đã từng kiến nghị phải xây dựng những công trình tưởng niệm, ghi danh nhưng vẫn không có hồi âm.
Vì xây dựng từ thời Pháp thuộc nên đường dẫn nước của nó đã bị hạn chế, buộc phải mở rộng nhằm tăng lưu lượng nước chảy. Đúng 11 giờ 55 phút ngày 3/1/1978 (tức ngày 24/11 Đinh Tỵ), khi toàn bộ công trường đang chuẩn bị đến giờ nghỉ ca, thì hàng ngàn mét khối đất đá được đổ tạm trên mái núi đã đổ ập xuống, 98 thanh niên đã bị vùi lấp hoàn toàn, 132 người khác bị thương".
Đây có lẽ là nỗi đau lớn nhất trong lịch sử đưa nước về xuôi ở xứ Nghệ. Hàng ngàn thanh niên đã hồ hởi lên đường, với suy nghĩ phải đem bằng được nước về giúp cây lúa tốt tươi. "Chúng tôi làm việc bằng tất cả niềm hăng say, công trường lúc nào cũng rộn tiếng ca, tiếng hò khoan xốc dậy tinh thần. 80% công việc đã được hoàn thành, những hàng dài thanh niên đang chuyền những khối đất đá cuối cùng từ dưới lòng kênh lên phía trên. Có những tổ đã xong việc còn nán lại chờ tổ bạn. Bữa trưa bằng miếng bánh mì vắt được đưa đến chân công trường chỉ vừa kịp cắn dở. Thế mà..." - ông Hợi nghẹn ngào.
Ông Nguyễn Cảnh Mai - nguyên xã đội trưởng xã Hòa Sơn, nhớ lại: "Sau khi tai nạn xảy ra, cả công trường nhuốm một màu tang thương. Tiếng bạn khóc bạn, cha mẹ khóc tìm con như lạc đi. Tất cả các lực lượng được huy động đào bới, sau 3 ngày mới tìm được thi thể cuối cùng, khiến tất cả đều không thể cầm lòng".
Trong số 98 chàng trai, cô gái tử nạn ngày đó, có đến 94 người thuộc Tổng đội Thanh Chương, nhiều nhất là người của xã Cát Văn có 37 người chết; Phong Thịnh 18 người; Thanh Liên 11 người..., tất cả đều còn rất trẻ, có người vừa nhận giấy báo trúng tuyển đại học, có người vừa mới ăn hỏi, chuẩn bị đi lấy chồng nên ra công trường chia vui, tạm biệt anh em, bạn bè lần cuối, thì gặp nạn.
Cần lắm một tượng đài
Cho đến bây giờ khi về Cát Văn, Phong Thịnh, Thanh Liên... ngày 24/11 âm lịch hàng năm vẫn được coi như một ngày giỗ chung của nhiều gia đình. Ở Cát Văn, hình ảnh những đoàn người đưa tiễn cứ nối nhau đi lặng lẽ giữa cái rét cắt da chiều cuối năm Đinh Tỵ (1977) vẫn không phai mờ trong ký ức của biết bao người.
"Trước nỗi đau thương quá lớn, ngay tết năm đó, cả làng không ai đốt pháo. Chính quyền địa phương lúc đó cũng đã chôn cất những người tử nạn vào một khuôn viên. Sau này có ý định đưa vào nghĩa trang liệt sĩ của xã, nhưng có nhiều ý kiến khác nhau nên đành thôi. Bây giờ thì các gia đình đã chuyển về nghĩa trang riêng cả" - ông Giản Tư Ngộ - Chủ tịch UBND xã Cát Văn chia sẻ.
Ông Nguyễn Cảnh Mai, nguyên xã đội trưởng xã Hòa Sơn, Đô Lương.
Ngày đó, Cát Văn là xã bị thiệt hại nặng nề nhất đã được tỉnh đầu tư cho một trạm bơm, coi như là "công trình đáp nghĩa". Tại các địa phương có người chết, chính quyền đã tính đến việc chôn cất những người tử nạn về một nghĩa trang, để sau này quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ chung, nhưng về sau không thực hiện được.
Trong hành trình tìm lại những ký ức về sự kiện Hiệp Hòa, tôi có mặt tại xã Thanh Liên, tại đây hài cốt của những người tử nạn tại cống Hiệp Hòa đã được quy tập về một nghĩa trang riêng nằm bên cạnh đập Cao Điền và hằng ngày vẫn được các em học sinh Trường Tiểu học Thanh Liên chăm sóc. Chỉ vẻn vẹn hai chữ "Ghi công" thôi, nhưng dù sao đó cũng là một sự an ủi đối với vong linh của những người đã khuất.
Tôi tự vấn, thế hệ trẻ bây giờ liệu mấy ai được biết và đã biết về sự kiện cống Hiệp Hòa. Sự tri ân đối với những người đã tử nạn dừng lại ở việc trợ cấp 360.000đ/tháng cho thân sinh của họ, và thăm hỏi vào ngày lễ, tết liệu đã xứng đáng?.
Cô Đặng Thị Thanh Xuân (xóm 1, xã Cát Văn, công tác tại Trường Tiểu học Phong Thịnh) - người đã may mắn sống sót một cách kỳ diệu dù bị vùi lấp trong đống đổ nát, vào ngày 24/11 âm lịch hàng năm vẫn cùng gia đình làm "giỗ sống" cho mình. Nhưng điều khiến cô xót xa nhất vẫn là việc mình chưa thể làm gì nhiều hơn để tri ân đối với bạn bè, các anh chị em - những người đã nằm xuống.
Tại khu vực cống Hiệp Hòa, những dấu tích về vụ tai nạn vẫn còn đó, 3 ống cống dài đã bị sập một nửa vẫn hàng ngày chuyển nước về xuôi tưới tốt cho hàng ngàn hécta lúa ở các huyện Diễn - Yên - Quỳnh. 98 con người đánh đổi cho một khúc kênh được khơi dòng thực sự là một cái giá quá đắt. Thế nhưng bên công trình lịch sử này, một tấm bia ghi công, ghi danh những người đã ngã xuống vẫn chưa có. Cách đây mấy năm, một cái am nhỏ đã được các cán bộ thủy lợi dựng lên ngay mép núi, nơi xẩy ra vụ tai nạn, chừng đó thôi liệu đã đủ cho một sự tri ân?
Ông Nguyễn Hữu Miệu, nguyên Trưởng CA huyện, Thường vụ huyện ủy huyện Thanh Chương thời kỳ đó, cho rằng: "Các cháu mất đi là một thiệt thòi lớn cho gia đình, về mặt tinh thần phải coi các cháu là lực lượng TNXP và phải được hưởng các chế độ như TNXP. Ngày trước và cả sau này nữa, nhiều cán bộ lão thành cũng đã từng kiến nghị phải xây dựng những công trình tưởng niệm, ghi danh những người đã ngã xuống, thế nhưng không hiểu sao vẫn không có hồi âm". Nói đoạn, ông nhìn về phía xa xăm, tôi chợt thấy hai mắt ông ngấn nước.
Một am nhỏ được dựng lên đối diện với vị trí xẩy ra tai nạn ngày trước.
Cuối cùng xin dẫn lời ông Nguyễn Hoàng Thông (xóm 7, Cát Văn) có con gái là Nguyễn Thị Kim Thanh và thầy giáo Trần Văn Đồng, công tác tại trường THCS Cát Văn, có chị gái là Trần Thị Ngọc Kim, cả hai người đều đã nhận được giấy báo trúng tuyển Đại học, khi ra công trường chia vui với bạn bè lần cuối thì gặp nạn tại đây: "Chúng tôi cũng không mong muốn gì về chế độ, thế nhưng những hi sinh cống hiến của người thân chưa được ghi nhận, hàng năm đến ngày lễ tết lên Hiệp Hòa, muốn thắp một nén hương cũng không biết cắm vào đâu, tủi thân lắm chú ạ".
"Sự tri ân đối với các bậc tiền bối đã ngã xuống trên công trình xây dựng cống Hiệp Hòa là điều cần thiết, một cách để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Tỉnh đoàn cũng đã nhận được một số kiến nghị, hiện nay đang giao cho huyện đoàn Thanh Chương hoàn thiện các hồ sơ thủ tục để trình các cấp xem xét xây dựng một số công trình tưởng niệm" - anh Nguyễn Đình Hùng, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An.
Tại Thanh Liên, mộ của những người tử nạn đã được quy tập về một nghĩa trang riêng, dù vẻn vẹn hai chữ ghi công nhưng dù sao đó cũng là một niềm an ủi.
Theo Dantri
Gần 3.000 công nhân đình công vì bị bạc đãi Bức xúc trước các quyền lợi lao động không được giải quyết kịp thời, gần 3000 công nhân đang làm việc tại công ty may mặc xuất khẩu Hàn Quốc Prex Vinh và nhà máy may Nam Đàn Hanosimex (Nghệ An) đã đồng loạt đình công sáng ngày 17/7. Công nhân "vạ vật" với bữa trưa 11.500 đồng Sáng ngày 17/7, hơn 2500...