Những dự án thua lỗ nghìn tỷ thời ông Trịnh Xuân Thanh
Dưới sự điều hành của ông Trịnh Xuân Thanh, PVC từ làm ăn có lãi rơi vào dòng xoáy mất cân đối dòng tiền, thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng.
Sau gần một năm chạy trốn, Bộ Công an cho biết, ông Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú tại cơ quan an ninh điều tra.
Trước đó, ngày 16/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định truy nã Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (viết tắt PVC).
Ông Thanh bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố về tội Tham ô và Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng do liên quan trách nhiệm về hàng loạt sai phạm xảy ra ở Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam.
Dưới sự điều hành của ông Trịnh Xuân Thanh từ năm 2007 đến năm 2013, PVC đang từ đơn vị làm ăn có lãi trở thành con nợ lớn của các ngân hàng.
Dưới sự điều hành của ông Trịnh Xuân Thanh, PVC từ làm ăn có lãi rơi vào dòng xoáy mất cân đối dòng tiền, thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng – ảnh nguồn TTXVN.
Thua lỗ thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng tại PVC
Năm 2007, ông Trịnh Xuân Thanh được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam điều về làm Phó tổng giám đốc PVC, đến năm 2009 được bổ nhiệm làm Chủ tịch hội đồng quản trị PVC.
Báo cáo của Ban kiểm soát tại Hội đồng cổ đông thường niên của PVC năm 2014 cho biết năm 2013 PVC thua lỗ 2.228,5 tỉ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ 1.927 tỉ đồng. Lũy kế cuối năm 2013, công ty mẹ – PVC lỗ hơn 3.262 tỉ đồng.
Trong năm 2013, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các công ty con của PVC gặp rất nhiều khó khăn, nhiều đơn vị gần như không có việc làm.
Dưới thời điều hành của Chủ tịch Trịnh Xuân Thanh, PVC sử dụng phần vốn điều lệ đáng kể đầu tư góp vốn vào các công ty con, công ty liên kết. Tuy nhiên, các đơn vị này bộc lộ sự yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến tình trạng thua lỗ.
Riêng năm 2012, một số dự án trọng điểm bị ngừng, giãn tiến độ hoặc vướng mắc chưa triển khai được khiến PVC thua lỗ hơn 1.848 tỉ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và một số đơn vị thành viên (trong đó có PVC) đã phát hiện nhiều sai phạm.
Video đang HOT
Cụ thể, PVC đã tham gia liên kết, liên doanh với nhiều doanh nghiệp bên ngoài nhưng làm ăn không hiệu quả, gây thua lỗ và mất vốn của Nhà nước.
Tại nhiều công trình, dự án lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVC được tham gia thực hiện với tư cách là Tổng thầu hoặc nhà thầu lớn, nhưng sau khi nhận công trình, PVC lại chỉ định cho các công ty con hoặc bán thầu cho doanh nghiệp bên ngoài thi công.
Việc lãnh đạo PVC thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế đã để lại hậu quả lớn cho PVC cũng như ngân sách Nhà nước.
Theo các báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ và kiểm toán, trong giai đoạn năm 2011 đến năm 2013, PVC đã để xảy ra thua lỗ khoản tiền hơn 3.200 tỷ đồng.
Thua lỗ lớn, nên tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của PVC năm 2013 âm tới 150,09%. PVC tiếp tục rơi vào vòng xoáy mất cân đối dòng tiền.
Thua lỗ công ty con, công ty liên kết
Không chỉ khiến PVC suy sụp, dưới sự điều hành của ông Thanh và thuộc cấp, PVC sử dụng hơn 86% vốn điều lệ đầu tư góp vốn vào các công ty con, công ty liên kết.
Tuy nhiên, các đơn vị này bộc lộ sự yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến thua lỗ, bê bối mà điển hình là Công ty cổ phần thi công cơ giới và lắp máy dầu khí (PVC – ME).
PVC – ME được PVC thành lập năm 2009 với 102 tỷ đồng vốn rót từ công ty mẹ – PVC.
Một năm sau đó, PVC tiếp tục đổ thêm 200 tỷ đồng vốn vào doanh nghiệp này. Do năng lực Ban lãnh đạo công ty yếu kém nên PVC-ME chỉ nhận công trình, sau đó đi thuê nhà thầu phụ thi công, còn mình đứng giữa ăn phần trăm nên đã xảy ra hàng loạt bê bối.
Theo kết luận của các cơ quan thanh tra Chính phủ, sau 3 năm thành lập PVC – ME mất toàn bộ vốn chủ sở hữu và ghánh thêm khoản nợ trên 576 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng đã lập “quỹ đen trăm tỷ” để sử dụng vào việc tiếp khách, biếu xén hoặc đi đối ngoại.
Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ tại dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ, cơ quan chức năng đã làm rõ những sai phạm có liên quan đến nhà thầu là Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) – thời điểm ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch.
Dự án Phú Thọ tổng mức đầu tư khi phê duyệt là 1.317,5 tỷ đồng, giá trị gói thầu EPC hơn 59 triệu USD nhưng trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư PVB và nhà thầu PVC đã điều chỉnh giá trị hợp đồng EPC tăng thêm hơn 14,3 triệu USD.
Trong số 5 dự án thua lỗ của ngành dầu khí, duy nhất Ethanol Phú Thọ là dự án khởi công sớm nhất nhưng đến giờ vẫn chưa được hoàn thành. Dự án dừng thi công các hạng mục từ cuối 2011, và vẫn “án binh bất động” từ đó đến nay.
Tới 31/12/2016, tổng nợ phải trả của Ethanol Phú Thọ là 826 tỷ đồng.
Một dự án nữa của ngành dầu khí có “bóng dáng” của ông Trịnh Xuân Thanh và tới nay vẫn nằm trong số dự án ì ạch, chưa thể hoàn thành sau 5 năm đầu tư là Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Năm 2012, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PetroVienam và PVC được giao làm nhà thầu và liên doanh với một số nhà thầu khác tại dự án. Đây là dự án có công suất thiết kết 1.200MW với tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD). 5 năm sau dự án mới hoàn thành 79,4% kế hoạch.
Đa số nhà thầu không chủ động được nguồn lực để thi công hoặc thi công cầm chừng, như nhà thầu PVC – PT, PVC – MS… Công tác mua sắm vật tư thiết bị của tổng thầu PVC chậm, không đáp ứng tiến độ thi công lắp đặt hoặc đã ký hợp đồng nhưng do chưa thanh toán nên nhà cung cấp từ chối giao hàng.
Việc một số cán bộ chủ chốt tại PVC bị khởi tố, điều tra đã phần nào ảnh hưởng tới việc lựa chọn nhà thầu của gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị… Bản thân PVC sau một thời gian vật lộn cùng nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, tổng công ty này kiến nghị tập đoàn mẹ – PetroVietnam lập tổ công tác, hỗ trợ xử lý khó khăn, tồn đọng.
Mặc dù PVC và các đơn vị thành viên hoặc liên doanh thua lỗ lớn, thất thoát tài sản nhưng ông Trịnh Xuân Thanh vẫn được bổ nhiệm giữ các chức vụ cao hơn. Phải đến đầu tháng 7/2016, sau khi có chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc quyết liệt thì vai trò, trách nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh mới được đặt ra.
Theo Giáo Dục
Lùm xùm đấu thầu tại PVC
Thanh tra Chính phủ đang hoàn tất kết luận thanh tra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), trong đó có việc xem xét những vấn đề tại Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 - nơi đang nảy sinh lùm xùm trong đấu thầu gói "Vật liệu bảo ôn, cách nhiệt".
Như Dân trí phản ánh, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình về việc triển khai các công việc sau kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV. Trong đó lưu ý Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc, vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, hiện nay Thanh tra Chính phủ cũng đang trong giai đoạn hoàn tất cuộc thanh tra tại PVC, trong đó có việc xem xét tới những vấn đề nảy sinh tại Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Ngoài ra, thời gian vừa qua đã có nhiều phản ứng về việc tổ chức đấu thầu đối với gói thầu "Vật liệu bảo ôn, cách nhiệt" thuộc Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Phối cảnh Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Theo hồ sơ sự việc, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí VIệt Nam (PVN) làm chủ đầu tư và PVN đã ký hợp đồng tổng thầu EPC với Tổng công ty PVC.
Vào tháng 3/2016, PVC mời thầu gói thầu "Vật liệu bảo ôn, cách nhiệt" - Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và bán công khai hồ sơ mời thầu cho các nhà thầu.
Sau thời gian đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, ngày 19/10/2016, Tổ công tác của PVC đã có báo cáo đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, trong đó nêu rõ có 3 nhà thầu vượt qua kỹ thuật gồm Liên danh PVEIC - TBDST - TEMEX; Liên danh ENESCO - NAM AN; Liên danh Lilama 69-2 - Lisemco - Lilama.
Vào tháng 10/2016, Tổng giám đốc PVC đã phát hành tờ trình số 3652/TTr-XLXK về việc phê duyệt kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật với 3 nhà thầu đủ tiêu chuẩn theo báo cáo của tổ công tác và đề nghị HĐQT Tổng công ty PVC phê duyệt
Tuy nhiên, ngày 28/10/2016, HĐQT Tổng công ty PVC lại đưa ra quyết định phê duyệt kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật chỉ có 2 nhà thầu là Liên danh ENESCO - NAM AN và Liên danh Lilama 69-2 - Lisemco - Lilama. Liên danh PVEIC - TBDST - TEMEX bị loại và được yêu cầu rà soát lại kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật.
Sau đó, Tổ công tác PVC đã rà soát lại và vẫn giữ nguyên kết quả cũ là có 3 nhà thầu vượt qua kỹ thuật nhưng không được HĐQT Tổng công ty PVC chấp nhận.
Trong một văn bản báo cáo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ông Hồ Quyết Thắng- Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo dưỡng, sửa chữa công trình dầu khí (đại diện nhà thầu liên danh PVEIC - TBDST - TEMEX) khẳng định: Số lượng nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của hồ sơ mời thầu càng nhiều thì sẽ càng làm tăng yếu tố cạnh tranh trong đấu thầu, dẫn đến tối ưu hoá chi phí trong đầu tư, lựa chọn được nhà thầu đáp ứng kỹ thuật và giá tốt nhất cho PVC và PVN.
Chính vì thế, ông Hồ Quyết Thắng khẩn thiết nghị lãnh đạo PVN xem xét, quyết định và chỉ đạo người đại diện phần vốn tại PVC, đề nghị Chủ tịch HĐQT PVC thông qua hồ sơ đề xuất kỹ thuật của liên danh PCEIC-TBDS-TEMEX. Tuy nhiên từ đó tới nay PVN và PVC không có phản hồi nào về chuyện này.
Theo một chuyên gia đấu thầu, vấn đề nảy sinh tại gói thầu "Vật liệu bảo ôn, cách nhiệt" cần được cơ quan chức năng làm rõ, xem xét tại sao lại có quan điểm khác nhau về quan điểm đánh giá, lựa chọn nhà thầu như vậy giữa Ban giám đốc và HĐQT PVC.
Như Dân trí thông tin trước đó, việc ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch PVC, ông Vũ Đức Thuận - nguyên Tổng giám đốc PVC cùng một số cá nhân khác tại PVC bị khởi tố, điều tra có nội dung về việc sử dụng số tiền tạm ứng cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Tại cuộc họp báo thường kỳ hồi tháng 4 vừa qua, ông Ngô Văn Khánh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết khi cơ quan này thanh tra PVC thì bên cơ quan công an cũng đang điều tra tại đây.
"Chúng tôi đã làm việc, phối hợp với nhau chặt chẽ. Đến nay đã kết thúc thanh tra trực tiếp và đang trong quá trình hoàn thiện báo cáo Thủ tướng để có kết luận thanh tra chính thức"- ông Khánh nói.
Thế Kha
Theo Dantri
Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra PVC Nguồn tin của PV Dân trí cho biết, chiều nay 6/10, Thanh tra Chính phủ chính thức công bố quyết định thanh tra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ông Trịnh Xuân Thanh thời lãnh đạo PVC. Thanh tra Chính phủ...