Những dự án nghìn tỷ bị… “ngủ quên”
Nhiều dự án với quy mô cả nghìn tỷ đồng được đầu tư ở Hà Nội nhưng hiệu quả hoạt động không cao cho thấy sự lãng phí không chỉ về tiền bạc, mà cả không gian của thành phố.
Được khánh thành từ gần 6 năm nay, nhưng Bảo tàng Hà Nội vẫn là một địa điểm vắng lặng. Lượng khách tham quan đến với bảo tàng nghìn tỷ này ngày càng thưa thớt.
Năm 2010, bảo tàng đón hơn 300.000 lượt khách. Năm 2014 giảm chỉ còn 1/3 và tiếp tục giảm trong năm 2015. Vắng khách, bảng biểu chỉ dẫn của Bảo tàng Hà Nội cũng mịt mờ dần vì sương gió sau gần 6 năm đưa vào hoạt động.
Một dự án khác cũng đang được dư luận đặt câu hỏi về sự lãng phí đầu tư đó là nhà chờ xe bus nhanh thuộc diện 5 sao đầu tiên ở Hà Nội. Dự án này được đầu tư với hơn 1.000 tỷ đồng.
Video đang HOT
Theo dự kiến, khi đi vào hoạt động, phía bên trong nhà chờ sẽ trang bị máy bán vé, máy quét thẻ và soát vé tự động. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhà chờ vẫn trống không và cũng chẳng ai trông giữ hay bảo vệ dự án nghìn tỉ này.
Để đầu tư cho dự án nhà chờ xe bus nhanh, Hà Nội đã vay hơn 55 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới. Dự án đã được phê duyệt từ những năm 2007 và phải hoàn trả trong vòng 30 năm.
Nếu tính từ ngày dự án được khởi động đã 1/3 thời gian cho khoản vay này, nhưng dự án xe bus nhanh của Hà Nội vẫn giậm chân tại chỗ. Tiền đi vay đã tiêu gần hết, nhưng hiệu quả của dự án vẫn chưa thấy đâu.
Theo Chí Sơn-Chí Hiếu (VTV)
Bảo tàng Hà Nội sau 5 năm khánh thành vẫn... trưng bày tạm
Ngày 25/8/2015, ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết, Bảo tàng Hà Nội hoạt động từ năm 2010, nhưng chỉ "mới" được khánh thành. Hiện vật trong bảo tàng chỉ là trưng bày tạm, dẫn đến không hấp dẫn du khách.
Ngày 25/8, tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, đại diện các sở ngành của Hà Nội đã làm rõ những thông tin liên quan đến Bảo tàng Hà Nội. Ông Đồng Huyền Ngọc, Ban quản lý dự án bảo tàng Hà Nội, Sở Xây dựng cho biết, tổng kinh phí quyết toán xây lắp, lắp đặt thiết bị cho Bảo tàng Hà Nội là 1.697 tỷ đồng.
Hiện vật trong Bảo tàng Hà Nội mới chỉ trưng bày tạm
Trước những băn khoăn tại sao Bảo tàng Hà Nội xây dựng theo hình tháp ngược và có kiến trúc giống với bảo tàng nước ngoài, ông Ngọc giải thích khi ta trực tiếp ký hợp đồng với đơn vị tư vấn thiết kế của Đức được họ lý giải, theo quy trình khách tham quan từ tầng 1 lên tầng 4, thiết kế như vậy là phù hợp. Hơn nữa, cách làm đó còn thể hiện sự phát triển của Hà Nội, càng về sau thì bảo tàng càng phải nở ra.
Bảo tàng Hà Nội được đưa vào hoạt động từ tháng 10/2010, đến nay, đơn vị quản lý luôn mở cửa miễn phí tiếp đón du khách tham quan. Số lượng khách đến tham quan bảo tàng năm 2010 là hơn 313 nghìn người, năm 2011 hơn 117 nghìn người, năm 2012 hơn 88 nghìn người, năm 2013 hơn 84 nghìn người, năm 2014 hơn 111 nghìn người, trong 6 tháng đầu năm 2015 hơn 50 nghìn người.
Trong buổi họp đại diện Sở Văn hóa Thể thao nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến việc tại sao bảo tàng tầm cỡ khu vực nhưng lượng du khách đến tham quan không ổn định, thậm chí một số năm bị giảm đáng kể so với năm trước đó. Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội giải thích: "Bảo tàng mới khánh thành, đã có gì đâu mà hấp dẫn khách".
Theo ông Tiến từ năm 2010 đến nay, toàn bộ nội dung trưng bày trong Bảo tàng Hà Nội chỉ mang tính chất tạm thời. Còn nếu như hiện vật trong bảo tàng được trưng bày chính thức, ông Tiến hi vọng du khách đến tham quan sẽ đông. Khi đó, đơn vị này sẽ tổ chức bán vé tham quan chứ không để miễn phí như hiện nay.
Đại diện Sở Văn hóa Thể thao cũng cho biết, hiện vật bảo tàng còn hạn chế về chất lượng, chưa thể đáp ứng 100% theo kịch bản trưng bày. Hiện còn thiếu hiện vật độc đáo, có giá trị thẩm mỹ, giá trị lịch sử văn hóa cao để Bảo tàng Hà Nội xứng tầm với các bảo tàng trong khu vực.
Kế hoạch tổng thể trưng bày được chủ đầu tư phê duyệt từ năm 2009, tại thời điểm đó đã đáp ứng được thiết kế tổng thể. Thế nhưng khi đi vào thiết kế chi tiết, có một số nội dung không còn phù hợp với đề xuất của Hội đồng tư vấn khoa học và chuyên gia nước ngoài đưa ra.
Ngoài ra, công tác sưu tầm hiện vật được thực hiện theo hình thức mua giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức, cá nhân cũng gặp nhiều bất cập trong các công đoạn triển khai, biến động về giá trên thị trường, chưa có quy trình thẩm định giá, cơ chế đặc thù cho việc mua, bán, trao đổi hiện vật.
Quang Phong
Theo Dantri