Những dòng nước độc giữa Hà thành
Nước thải từ đủ các nguồn độc hại thi nhau ùn ùn xối xả xuống kênh mương. (Ảnh minh hoạ)
Từ bánh phở, bún khô đến dệt nhuộm, làm nhựa… tất tật đều xả các chất thải chưa được xử lý xuống ao hồ, mương máng quanh nơi mình đang sống.
Sông hồ thành “ao chứa độc”
Làng nghề dệt nhuộm Vạn Phúc và Dương Nội của quận Hà Đông từ lâu đã nổi tiếng với lụa tơ tằm, gần đây lại nức danh vì… ô nhiễm. 2 làng này hiện có tới trên 5.000 nhân khẩu tham gia nghề dệt và 35 cơ sở chuyên tẩy, nhuộm. Trong quá trình sản xuất, họ sử dụng không ít loại hóa chất để tẩy, in, nhuộm. Nước thải dung dịch nhuộm hấp sau các công đoạn sản xuất hầu như không được xử lý mà đổ thẳng ra cống rãnh và… sông Nhuệ.
Vào mùa khô khi nước bốc hơi, lòng mương cạn dần thì các dòng chảy này mới bốc lên mùi hôi, hắc ngây ngất. Còn những hôm trời mưa, nước thải dệt nhuộm từ các ao tù, hồ, mương máng trong các làng chảy tràn xuống ruộng canh tác khiến hoa màu chết non, lúa chẳng trổ nổi bông, ngô khô không hạt. Bà Nguyễn Thị Thu, thôn Ỷ La, La Nội, xã Dương Nội cho biết: “Đi làm ruộng chúng tôi phải đi ủng cao để tránh nước thải dệt nhuộm tràn ra khiến chân tay mẩn ngứa, lở loét”.
Bã sắn làm miến đổ trước cổng làng Dương Liễu. Ảnh: M.H
Sự ô nhiễm ở sông Nhuệ cũng khiến người ta rùng mình. Sợi dệt phải dùng các hóa chất khá độc hại là Jave, Sut, Silicat, Soda tẩy nhuộm để tạo màu khác nhau. Nước thải từ các loại dung dịch này cuối cùng đều được tuồn thẳng ra sông khiến con sông này cũng liên tục đổi màu xanh, đỏ, tím, vàng. Không chỉ ô nhiễm nguồn nước, người dân ở đây còn bị ảnh hưởng nặng nề về tiếng ồn của máy dệt, khí thải từ lò hơi và các lò nấu tẩy nhỏ dùng than để phục vụ cho quá trình giặt nóng, nấu, sấy, nhuộm…
Rửa miến bằng… nước mương(?!)
Các xã Dương Liễu, Tràng Trũng, Cát Quế, La Phù, Đức Giang thuộc huyện Hoài Đức có nghề làm miến, bánh phở, bún khô khá lâu đời. Khi chúng tôi đến làng Dương Liễu (xã Dương Liễu), khắp đường làng, ngõ xóm, trên cống rãnh bốc mùi chưa vì không nắp đậy… cơ man nào là miến. Tất tần tật mọi khoảng trống trong làng đều được tận dụng để phơi miến. Bên cạnh cổng làng, nơi có tấm biển: “Kính chào quý khách” là một đống bã sắn chất cao bốc mùi hôi thối, chua lòm. Người dân ở đây có thói quen đổ rác thải sinh hoạt xuống kênh, khiến con kênh bị ô nhiễm trầm trọng.
Video đang HOT
Mương của làng nghề Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì ô nhiễm nghiêm trọng từ nhiều năm nay. Nhưng hằng ngày người dân vẫn làm nghề bên bờ con mương.
Khi được nghe chị Đinh Thị Mùi, xóm 2, xã Dương Liễu kể về các công đoạn làm miến chúng tôi dựng tóc gáy: “Làm được mẻ miến mệt lắm. Chúng tôi phải lọc, tẩy bột qua 4- 5 lần thì miến mới trắng được. Nghĩa là phải đổ nước vào bột, sau đó đổ thuốc tẩy vào ngâm rồi lại rửa, lại tẩy đến bao giờ bột trắng thì thôi”. Sau đó, nước thải từ việc tẩy bột, làm miến lại đổ ra mương khiến nguồn nước ở đây bị ô nhiễm rất nặng.
Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết những người làm nghề miến, móng tay đều bị biến dạng vì nấm, bị thuốc tẩy ăn mòn. Kinh hãi hơn khi chị Mùi vô tư kể: “Ở đây chẳng ai rửa miến bằng nước giếng vì một ngày dùng đến chục khối nước, giếng nào cho đủ. Nhà nào làm miến cũng dùng nước mương lọc qua bể cát để… rửa”(?!). Không hiểu chị Mùi có thêm thắt cho câu chuyện làm miến thêm phần “vất vả” hay không song chỉ nghe đến chuyện lọc nước mương bằng bể cát ở một vùng ô nhiễm thế này để rửa miến, quả thực có nhắm mắt lại chúng tôi cũng còn thấy… ớn lạnh! Ớn lạnh hơn nữa khi hầu hết những làng nghề này, sau khi thải độc chất xuống sông hồ, xuống nguồn nước ngầm lại đào giếng, khoan nước lên để ăn uống, sinh hoạt như chẳng có chuyện gì xảy ra?!.
Khi đặt vấn đề về việc thiếu nước sạch với các làng nghề, nhiều ý kiến cho rằng do đó là những vùng quê cách Thủ đô khá xa, điều kiện khó khăn nên mạng lưới nước sạch chưa thể phủ kín. Vậy nhưng, ngay cả các làng nghề nằm ngay cạnh trung tâm Hà Nội như làng làm thừng Trung Văn (Từ Liêm) cũng chẳng có nước sạch, người dân phải dùng nước ngầm để sinh hoạt. Mà nguồn nước ngầm ở đây thì cũng ô nhiễm khủng khiếp vì quá trình làm thừng buộc phải tẩy rửa rác lẫn hóa chất nhưng tất cả nước thải đều được tuồn thẳng ra sông, kênh, mương. Ông Đoàn Đăng Hơn, trưởng thôn Trung Văn phàn nàn: “Các hộ gia đình đều khoan giếng với độ sâu vài chục mét nhưng nước bơm lên vẫn có mùi khét, tanh… Gần đây trong thôn có nhiều nguời bị ung thư mà một trong những căn nguyên có thể do nguồn nước”.
Biết là nguy hại sức khỏe, là có thể mắc các chứng bệnh nan y khi dùng lâu dài nguồn nước ngầm ô nhiễm này, song hầu hết cư dân ở các làng nghề mà chúng tôi đề cập đến đều có chung câu trả lời “không ăn nước giếng khoan thì lấy nước ở đâu để thay thế!”.
Sát thủ vô hình
Ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) khẳng định: Tại Việt Nam 80% trường hợp bệnh tật là do nguồn nước bị ô nhiễm gây ra. 4 năm trở lại đây, đã có khoảng 6 triệu ca thuộc 6 loại bệnh liên quan đến nước. Riêng chi phí trực tiếp cho việc khám chữa các bệnh tả, thương hàn, lỵ và sốt rét đã lên tới 400 tỷ đồng. Tại nhiều địa phương cũng đang xuất hiện những căn bệnh lạ. Đặc biệt rộ lên hiện tượng nhiều người trong một làng, một thôn bị ung thư khiến người dân rất hoang mang. Kết quả kiểm tra của các nhà khoa học, bác sĩ cho thấy, thủ phạm gây nên một số bệnh chính là nguồn nước.
Phía cơ quan quản lý nhà nước, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, UBND thành phố đã phê duyệt “Chương trình cung cấp nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội giai đoạn 2009-2020″, trong đó có công trình sửa chữa, nâng cấp nước sạch cho một số làng nghề ở Hà Nội. Vậy nhưng bao giờ những làng nghề nói trên có nước máy để dùng thì… vẫn phải đợi. Có nghĩa là trong khoảng thời gian chờ đợi chưa biết bao lâu, hàng chục vạn người dân Thủ đô này vẫn phải dùng nguồn nước ngầm ô nhiễm để ăn, uống, sinh hoạt. Cư dân ở đây vẫn phải đối mặt với nguy cơ có thể mắc các loại bệnh nguy hiểm đến từ nguồn nước “bẩn”.
Chưa có con số thống kê về người dân mắc bệnh do nguồn nước ô nhiễm từ các làng nghề nói trên nhưng những năm gần đây số người dân chết do các bệnh nan y… tại các địa phương này đang gia tăng. Điều lạ là, người dân trong các làng nghề cũng bảo khó chịu vì ô nhiễm, bức bối vì nguồn nước nhưng họ vẫn vô tư xả nước thải, chất độc ra môi trường!
Ông Bùi Cách Tuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, nước ở những làng nghề phải sử dụng chất tẩy, nhuộm có độ pH rất cao, chứa nhiều hóa chất, màu khó tan. Nếu nước thải không được xử lý sẽ gây ô nhiễm nước bề mặt thậm chí lắng hóa chất làm ảnh hưởng đến nước ngầm. Trong khi đó, mỗi năm ở Hà Nội có khoảng 5 triệu mét khối nước thải công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp không qua xử lý xả ra các sông Đáy, sông Nhuệ cũng như hệ thống kênh, mương. Lượng nước bẩn nguy hiểm này sẽ thẩm thấu vào mạch nước ngầm nên ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Theo Gia Đình
Nước hồ bơi chứa chất thải, đờm dãi... dễ nhiễm bệnh
Đây là nguyên nhân làm người đi bơi mắc bệnh tai mũi họng, đau mắt, các bệnh ngoài da...
Ở những hồ bơi không đảm bảo vệ sinh, nước hồ bơi có thể chứa những chất như đàm dãi, nước mũi, thậm chí cả nước tiểu... Đây là nguyên nhân làm người đi bơi mắc bệnh tai mũi họng, đau mắt, các bệnh ngoài da...
Hồ bơi quá tải
Theo khảo sát của PV, trong vài tuần trở lại đây, khi mà nhiệt độ ở khu vực TP.HCM đang lên rất cao, thời tiết oi bức thì cũng là lúc các hồ bơi công cộng tại TP này luôn trong tình trạng quá tải trầm trọng, nhất là vào các buổi trưa và chiều.
Tại hồ bơi Kỳ Đồng (Q.3), mới chỉ hơn 14h chiều, đã có rất đông các em nhỏ và cả người lớn đến để vùng vẫy trong làn nước mát ở cả 2 hồ lớn và nhỏ. Trời nóng hầm hập, nên ai cũng muốn cho mình có được cơ hội ngâm mình trong làn nước mát rượi.
Phó Chủ nhiệm CLB bơi lội Kỳ Đồng - ông Trần Đình Dũng cho biết, từ khi nhiệt độ tăng cao, lượng khách đến hồ cũng tăng mạnh hơn trước.
"Trung bình mỗi ngày, hồ bơi của chúng tôi bán ra từ 1.200 - 1.300 vé vào cổng ở cả hai hồ người lớn và trẻ con. Cá biệt, có những ngày chúng tôi bán hết 1.500 - 1.700 vé..." - ông Dũng cho biết.
Mùa nắng nóng, đến bơi tại các hồ bơi công cộng rất dễ mắc bệnh nếu không cẩn thận lựa chọn hồ vệ sinh (ảnh có tính minh họa)
Qua quan sát thực tế, lượng khách đến bơi tăng quá cao, nhưng rất nhiều người đi bơi (kể cả người lớn và trẻ em) đã không sử dụng các biện pháp bảo hộ cần thiết. Hầu hết các khách hàng này chỉ sử dụng kính bơi, còn các dụng cụ khác như bịt mũi bằng cao su...rất ít người trang bị. Lực lượng cứu hộ thì không được trang bị nhiều trong một hồ bơi có đông số lượng khách đến như vậy.
Tại một số hồ bơi khác như Nguyễn Tri Phương (Q.10), Tân Bình, Yết Kiêu, Văn Thánh...cũng rất đông khách đến bơi. Một số khách phản ánh những hồ bơi đã nêu ở trên rất hay có tình trạng mùi clo nồng nặc.
"...Rất nhiều lần tôi phải tắm đi tắm lại bằng xà phòng hàng mấy lần...nhưng vẫn không thể khử hết mùi này..." - Một khách đến từ quận 3 thường đi bơi hồ Nguyễn Tri Phương khẳng định.
Tìm hiểu thông tin tại Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, ThS Hoàng Thị Ngọc Ngân - Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng cung cấp: Hiện toàn TP.HCM có khoảng trên dưới 100 hồ bơi cấp quận và TP. Qua phối hợp cùng các cơ quan chức năng, có đến 30% trong tổng số 71 hồ bơi được kiểm tra có mùi clo dư trong nước.
Theo ThS Ngân, các kết quả này dù chỉ phản ánh ở mức độ tương đối nhất định (một năm chỉ kiểm tra hai lần), nhưng cũng đủ để thấy được vi trùng, mủ xanh, nấm...có điều kiện để gây bệnh cho khách đến bơi.
Nhiều bệnh lây từ hồ bơi
Thấy con trai 5 tuổi của mình bỗng nhiên bị ngứa ở mắt liên tục trong 3 ngày vừa qua, chị Nguyễn Thị Thu Trang (phường 13, quận 10 - TP.HCM) đã mua thuốc nhỏ mắt cho con chữa tại nhà nhưng không hết. Khi đến khám tại BV Mắt TP.HCM, các BS nơi đây cho biết con chị đã bị nhiễm bệnh đau mắt đỏ.
BS Nguyễn Ngọc Thụy Khanh (khoa khám - BV Mắt TP.HCM), trong vài tuần trở lại đây, khi thời tiết tại TP.HCM nắng và nóng dữ dội, nhu cầu đến các hồ bơi, vùng vẫy dưới làn nước mát để "giải nhiệt" thì cũng là lúc mà phòng khám của BV Mắt đông lên trông thấy. Qua tiến hành hỏi thăm thông tin, hầu hết các bệnh nhân có dấu hiệu bị đau mắt đỏ đều đã từng đến các hồ bơi công cộng nhiều lần.
Ngoài bệnh đau mắt đỏ, theo BS Nguyễn Thành Lợi (BV Tai Mũi Họng TP.HCM), các bệnh viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, viêm tai, bệnh đường hô hấp. các bệnh về da, tóc cũng có thể bị lây từ chính nước ở các hồ bơi, nếu như chưa được khử khuẩn theo đúng quy trình và tiêu chuẩn nhất định.
Theo BS Lợi, mũi họng thuộc đường hô hấp trên, trong sinh hoạt hằng ngày, mũi họng như là cửa ngõ chính của cơ thể tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài. Mũi họng có liên quan mật thiết với tai, thông với tai qua vòi nhĩ. Ở những hồ bơi không đảm bảo vệ sinh, nước hồ bơi có thể chứa những chất thải do một số người vô ý thải ra (như: đàm dãi, nước mũi, thậm chí cả nước tiểu...). đây là những yếu tố lớn làm người đi bơi mắc bệnh tai - mũi - họng, đau mắt, các bệnh ngoài da...
Chính vì vậy, khuyến cáo của BS Lợi và của ThS Ngân dành cho những người thích ngâm mình trong nước hồ bơi vào mùa nắng nóng, cần lựa chọn hồ bơi thích hợp, nước sạch, phù hợp với lứa tuổi của mình, không khạc nhổ, tiểu tiện khi bơi; trong khi bơi tránh để sặc nước, hạn chế để nước lọt vào mũi họng; sau khi bơi xong tránh việc ngoáy tai làm trầy xước da ống tai vì sẽ tạo điệu kiện cho vi trùng xâm nhập (trường hợp nước bẩn vào tai); sau khi trẻ bơi xong nên tắm lại cho trẻ bằng nước sạch (phòng nước hồ bơi nhiễm bẩn), xì nhẹ mũi để nước bẩn còn trong mũi ra hết...
Quản lý các hồ bơi cần tăng cường châm clor dư cho nước luôn đảm bảo nồng độ 0,4-0,8mmg/lít, thường xuyên vệ sinh, thay nước hồ bơi.
Theo VTC