Những “đốm lửa hồng” du lịch ở Sơn La
Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La là vùng đất đậm đà bản sắc dân tộc với những nét văn hóa riêng biệt của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Bắc, có hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa đa dạng…
Đó là những tiềm năng lớn để phát triển kinh tế du lịch nói chung và loại hình du lịch cộng đồng (homestay) nói riêng của TP Sơn La. Tuy mới phát triển không lâu, nhưng mô hình du lịch cộng đồng đã và đang khẳng định được sức hút đối với du khách thập phương khi đến với địa phương này.
Homestay Tiến Quân tại bản Bó, phường Chiềng An, TP Sơn La. Ảnh: Thanh Thuận
Biến văn hóa thành tài sản
TP Sơn La với khí hậu ôn hòa, mát mẻ, được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng những danh lam, thắng cảnh đẹp, núi non hùng vĩ, hệ thống hang động, ao hồ, sông suối… tạo nên cảnh quan sinh động. Có thể kể đến một số điểm di tích lịch sử, văn hóa thu hút khách tham quan như: Văn bia Quế Lâm Ngự Chế, đền thờ vua Lê Thái Tông, Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, Bảo tàng tỉnh Sơn La… 12 dân tộc thiểu số nơi đây đều có bản sắc văn hóa độc đáo với những điệu dân ca, dân vũ, các lễ hội đặc trưng của người bản địa, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, những bản nhà sàn bên sườn núi, ven sông, suối… đã tạo nên nét đặc trưng riêng có, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Bắc.
Hằng năm, khi hương xuân ngập tràn khắp núi rừng Tây Bắc cũng là lúc những lễ hội Xên Bản, Xên Mường, lễ Hết Chá, Lễ hội đền thờ vua Lê Thái Tông… được phục dựng, góp phần tạo ra sản phẩm văn hóa độc đáo, thu hút khách thập phương. Bên cạnh đó, một số ngày hội giao lưu văn hóa, du lịch được tổ chức tại TP Sơn La cũng đã góp phần quảng bá nét văn hóa của các dân tộc Tây Bắc đến với du khách trong và ngoài nước.
Homestay là một loại hình được quan tâm thời gian gần đây với du khách yêu thích khám phá văn hóa tại các vùng đất mới theo hướng tự nhiên bằng cách hòa mình vào cuộc sống của cư dân địa phương du lịch. Nhận thấy tiềm năng trong phát triển du lịch nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng, TP Sơn La đã hỗ trợ 4 hộ người dân tộc Thái xây dựng điểm du lịch cộng đồng tại bản Bó, phường Chiềng An; bản Hụm, xã Chiềng Xồm và bản Hùn, xã Chiềng Cọ. 4 hộ được lựa chọn đều có nhà sàn đẹp, khuôn viên rộng rãi, sạch sẽ, để mở homestay.
Bên cạnh đó, các bản đều có đội văn nghệ, những phong tục, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Thái…, đây là môi trường thuận lợi để phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
Những khởi sắc ban đầu
Video đang HOT
Điểm du lịch cộng đồng đầu tiên của TP Sơn La là homestay Tiến Quân ở bản Bó, đi vào hoạt động từ tháng 7-2017. Được TP Sơn La chọn làm điểm, hỗ trợ làm du lịch cộng đồng, dựa trên ngôi nhà sàn sẵn có rộng rãi của gia đình, ông Lù Tiến Quân đã vay tiền, đầu tư xây thêm khu nhà khép kín nối với nhà sàn có sẵn, công trình vệ sinh sạch sẽ và mua thêm một số bộ chăn, ga, gối, đệm hợp thị hiếu của khách. Sau khi tu sửa, ngôi nhà sàn có sức chứa khoảng 30 người.
Đến homestay Tiến Quân, du khách được sống trong không gian thoáng mát, hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên, tận hưởng không khí trong lành, tìm hiểu những phong tục, tập quán, khám phá nét văn hóa đặc trưng của người Thái đen…, được thưởng thức các món ăn dân tộc đặc trưng trong ẩm thực núi rừng Tây Bắc như: Thịt trâu gác bếp, gà nướng, cá nướng gập…, được giao lưu văn hóa, văn nghệ với đội văn nghệ của bản và trải nghiệm ngủ nhà sàn…
Chị Lèo Minh Châu, chủ homestay Minh Châu tại bản Hụm, xã Chiềng Xồm, TP Sơn La chăm sóc không gian nghỉ của khách. Ảnh: Thanh Thuận
Ông Lù Tiến Quân cho biết: “Làm homestay rất hợp với tôi. Năm đầu tiên, sau 5 tháng hoạt động, homestay Tiến Quân đón hơn 1.000 lượt khách. Những năm tiếp theo, khách đến homestay Tiến Quân tăng hơn trước. Không chỉ phục vụ khách du lịch, nơi đây còn phục vụ các hoạt động họp lớp, họp các nhóm, hội, sinh nhật… Năm 2018, tôi đã đầu tư xây dựng thêm một nhà sàn trị giá gần 1 tỷ đồng”.
Cách trung tâm thành TP La khoảng 10km, homestay Minh Châu và Long Trang ở bản Hụm, là 2 địa điểm dừng chân lý tưởng cho du khách yêu thích vẻ đẹp nơi bản làng của núi rừng Tây Bắc. Đến những homestay ở bản Hụm, du khách được sống trong không gian mát mẻ và gần gũi với tự nhiên, trải nghiệm cảm giác tĩnh lặng và nhẹ nhàng khi ngắm chiếc cầu treo bắc ngang suối, những cánh đồng lúa, cây ăn quả trải rộng, những ngọn núi biếc in bóng trên nền trời xanh thẳm… Cùng với đó là những nếp nhà sàn truyền thống và bản sắc văn hóa lâu đời của dân tộc Thái đen, cùng tham gia các hoạt động sản xuất hằng ngày của bà con như làm ruộng, nương, lội suối, bắt cá, dệt thổ cẩm… Người dân nơi đây còn rất thân thiện, hồn hậu và mến khách.
Chị Lèo Minh Châu, chủ homestay Minh Châu cho biết: “Làm du lịch cộng đồng đỡ vất vả hơn so với làm nương, ruộng, mà thu nhập lại khá hơn nhiều. Hơn thế nữa, làm du lịch thì nhà cửa, ngõ xóm lúc nào cũng sạch sẽ, nhà cửa đẹp lên trông thấy. Do đó, du khách cũng đến với homestay của tôi ngày một nhiều hơn”.
Homestay Minh Trường cách trung tâm TP Sơn La khoảng 12km đi về hướng Bắc phía Quốc lộ 6, là một địa chỉ không thể bỏ lỡ của du khách khi đặt chân đến TP Sơn La. Đến với homestay Minh Trường, ở bản Hùn, du khách được thưởng thức các món ăn dân tộc, giao lưu văn hóa-văn nghệ, khám phá cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng của hồ chứa nước Chiềng Cọ, những đồi hoa mận, hoa mơ trắng núi rừng khi xuân đến; được tìm hiểu phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc và trải nghiệm các trò chơi dân gian, nghề truyền thống, tham gia các hoạt động sản xuất với bà con. Nơi đây hứa hẹn sẽ là một nơi đầy sức hút cho những ai muốn trải nghiệm cuộc sống nông thôn giản dị, mộc mạc.
Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, TP Sơn La đang tập trung phát triển các loại hình du lịch cộng đồng thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm. Điều này không chỉ mang lại việc làm cho nguồn nhân lực sẵn có, mà còn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đóng góp tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao đời sống của đồng bào Thái.
Thanh Thuận
Theo bienphong.com.vn
Thưởng ngoạn rừng tràm Trà Sư mùa nước nổi
Rừng tràm Trà Sư từ lâu nổi tiếng là điểm dừng chân không thể bỏ qua của rất nhiều du khách khi đến với An Giang. Vào mùa nước nổi, Trà Sư càng thu hút du khách phương xa bởi phong cảnh hữu tình, không khí trong lành giữa mênh mông nước phù sa.
Rừng tràm Trà Sư từ lâu đã trở thành điểm đến yêu thích của những du khách yêu thiên nhiên. Trong đó mùa nước nổi được xem là mùa đẹp nhất trong năm, khu rừng tràm xanh mướt nổi bật giữa mênh mông nước đỏ phù sa. Du khách đắm chìm trong cảnh sắc mênh mông nước, ngồi trên chiếc thuyền máy, xuôi theo dòng nước, dưới những cánh rừng tràm bạt ngàn; lướt trên biển bèo xanh ngắt và bạt ngàn sen, bìm bịp nở hoa...
Năm 2018, UBND tỉnh quyết định cho Công ty Cổ phần Du lịch An Giang (thành viên của Tập đoàn Sao Mai) thuê 159ha rừng để làm du lịch. Từ đó, rừng tràm Trà Sư chuyển mình ngoạn mục với hàng loạt công trình hấp dẫn du khách, đặc biệt là vào mùa nước nổi như hiện nay. Để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch tại rừng tràm Trà Sư, Tập đoàn Sao Mai đẩy mạnh đầu tư và tạo nên một diện mạo hoàn toàn mới, như: đường vào rừng tràm, bãi đậu xe cho khách tham quan, bến tàu đưa khách từ bãi xe vào khu du lịch, quảng bá hình ảnh...
Đặc biệt, đầu tư nâng cấp xây dựng các hạng mục như: chuỗi bungalow nghỉ dưỡng, nhà hàng trung tâm, nhà bán vé, quầy ẩm thực, trồng hoa và cây xanh tạo cảnh quan. Trà Sư nay khoác lên mình áo mới nổi tiếng là "thiên đường xanh - sống ảo" với bầu trời luôn xanh biếc vào mùa nắng và làn nước trong vắt vào mùa đón lũ đầu nguồn. Du khách đắm mình với cây cầu tình yêu giữa rừng tràm, thong thả đạp xe trong những cánh rừng nhỏ man mác, ngắm nhìn những cánh chim nhỏ trên rừng tràm...
Du khách được di chuyển bằng xuồng máy, lướt trên mặt bèo, tận hưởng cảnh thiên nhiên hoang sơ
Để tạo thuận lợi cho du khách, Tập đoàn Sao Mai đã mua đất người dân để đào một hồ lớn gần 1.000m2 làm tuyến đường huyết mạch chuyển du khách từ lộ lớn vào khu du lịch. Sau khi công trình "hồ nhân tạo" hoàn chỉnh, Sao Mai đầu tư thêm các hạng mục nhà bán vé, nhà nghỉ chân cho du khách; toàn bộ những hạng mục đều được xây dựng bằng vật liệu thân thiện với môi trường.
Vườn bách thú được kỳ công chăm tạo, con đường hoa nắng dưới hàng bạch đàn rợp mát, vườn địa đàng có nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn là câu chuyện cổ tích được tái hiện giữa đời thực. Vào những ngày cuối tuần có đờn ca tài tử phục vụ du khách...
Trên lối vào, những bè hoa nổi với đủ loại hoa giấy, cẩm tú mai, xung quanh có dừa cạn, quỳnh anh, mười giờ... tạo nét riêng của vùng sông nước đón du khách đến với rừng tràm. Khách đến đây vô cùng thích thú khi tại bến mới của khu du lịch sinh thái Trà Sư bỗng xuất hiện những lâu đài tráng lệ dành cho những chú chim bồ câu xinh đẹp, vừa lên bến hàng trăm chú chim bồ câu bay, nhảy đón du khách đến với cánh rừng.
Sáng sớm tới rừng tràm Trà Sư, du khách sẽ được thưởng thức bản nhạc giao hưởng của muôn loài chim rừng ríu rít hòa lẫn với tiếng gà rừng vang vọng xa xa. Thưởng ngoạn rừng tràm Trà Sư hành trình khám phá bắt đầu bằng phương tiện tắc ráng. Tại đây, du khách thoải mái ngắm rừng tràm ngập nước, những bãi sen, tổ chim... trên cung đường mênh mông nước.
Tiếp đó, khách sẽ được những cô thiếu nữ mặc áo bà ba, đội nón lá, quấn khăn rằn đậm nét miền Tây uyển chuyển bơi xuồng ba lá đưa khách lướt trên những thảm bèo xanh ngắt, dưới bầu không khí trong xanh, thoáng đãng và yên tĩnh. Ngắm cảnh rừng xa xa có thể thấy cây tràm nở hoa và chim cò ríu rít làm tổ dưới những tán cây tràm cao vút đan nhau như mái nhà. Với chút sáng tạo khi "check-in", cư dân mạng đã khiến Trà Sư trở nên sống động hơn. Khách đến Trà Sư luôn thích thú với những tấm ảnh cực chất khó nơi nào có được.
Đi sâu hơn vào khu rừng tràm, du khách sẽ càng cảm nhận rõ sự độc đáo của khu rừng sinh thái nổi tiếng của ĐBSCL. Nhất là khi lên đài quan sát cao 25m, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh rừng Trà Sư, thấp thoáng những cánh cò trắng điểm xuyến cho thảm xanh của cây lá bạt ngàn.
Khi hoàng hôn xuống, đàn cò bay về đậu trên những vạt rừng như những dải lụa phơi trên đầu cây. Với sự quan tâm đầu tư của Tập đoàn Sao Mai, diện mạo khu du lịch Trà Sư đã được thay đổi, tạo sự hài lòng cho du khách. 9 tháng của năm 2019, Trà Sư thu hút gần 150.000 lượt du khách, tăng gần 30% so cùng kỳ năm trước, trong đó có gần 12.000 lượt khách quốc tế.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai Trương Vĩnh Thành cho biết, hiện nay, Sao Mai đang chờ quy hoạch của tỉnh. Khi có quy hoạch, Sao Mai sẽ đầu tư rất nhiều hạng mục đem đến nhiều bất ngờ mới cho du khách. Trước mắt sẽ xây dựng cây cầu để du khách không phải đi tàu từ bãi xe vào khu du lịch.
Ngoài ra, gần 20ha trước cửa rừng tràm Trà Sư sẽ xây dựng các hạng mục dịch vụ mang phong cách náo nhiệt để không ảnh hưởng đến môi trường yên tĩnh bên trong rừng. Tại đây sẽ được đầu tư vườn bách thú, phát triển văn hóa dân gian (đua heo, đua chó, tái hiện các lễ hội Khmer...), tạo ra các trải nghiệm cho du khách (câu cá, bắt cá, làm bánh, cởi trâu, tắm bùn...) cùng các dịch vụ lưu trú, ẩm thực...
Đó là tổ hợp 4 hòn đảo ngọc nhân tạo được xây dựng ở những khu rừng thưa với mục tiêu tái tạo cảnh quan. Đây là điểm nghỉ dưỡng trong rừng vô cùng đặc biệt và với ý tưởng biến khu này thành làng du lịch để khách trải nghiệm... Tất cả được đầu tư hoành tráng hứa hẹn là điểm đến độc đáo khi trải nghiệm ở Trà Sư.
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU
Theo baoangiang.com.vn
Bản sắc vùng miền - yếu tố quan trọng phát triển du lịch Có thể thấy bản sắc vùng miền là một trong những "mỏ neo" quan trọng níu giữ du khách ở lại. Do đó tận dụng và bảo tồn, phát huy nét đặc sắc trở nên cần thiết hơn bao giờ hết trong tiến trình phát triển du lịch. Thổ cẩm Sa Pa - sản phẩm lưu giữ nét đẹp truyền thống Sản phẩm...