Những đổi thay trên quê hương Hoàng Văn Thụ nhờ nông thôn mới
Đến quê hương của chiến sĩ cách mạng kiên trung Hoàng Văn Thụ ở xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng ( Lạng Sơn), chúng tôi ngỡ ngàng bởi giờ đây đường sá đều được bê tông hóa, dọc các tuyến đường liên thôn, trục xã, nhiều ngôi nhà mới đang ngày một vươn cao.
Những ngày này, về nơi sinh ra đồng chí Hoàng Văn Thụ, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, đâu đâu chúng tôi cũng thấy những cánh đồng lúa trĩu bông đang ngả vàng báo hiệu thêm một mùa vụ bội thu. Con đường dẫn vào trung tâm xã rực rỡ cờ, hoa, băng rôn trang trí chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4/11/1909 – 4/11/2018). Với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, quê hương người chiến sĩ cộng sản kiên trung đang dần “thay da đổi thịt”.
Khu nhà tưởng niệm và dâng hương đồng chí Hoàng Văn Thụ tại thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.
Thăm khu nhà sàn nơi chôn nhau cắt rốn của đồng chí Hoàng Văn Thụ, chúng tôi gặp bà Hoàng Thị Slèng (80 tuổi). Bà cho biết, những câu chuyện về ông Thụ (đồng chí Hoàng Văn Thụ) là những câu chuyện bà được các ông bà kể lại. “Ông bà thân sinh của ông Thụ sinh được 3 người con gồm 1 chị, rồi đến ông Thụ và 1 người em trai. Ngoài ra, hồi đó ông bà cũng nhận nuôi thêm 1 đứa con gái, vì lớn tuổi nhất nên là chị cả trong nhà. Thời đó vất vả lắm, toàn thức đêm giã gạo, gánh nước, ăn cơm độn”, bà Slèng kể lại.
Bà kể: “Nghe mọi người kể lại, hồi đó rất ít ai nhìn thấy ông Thụ về làng bởi đi theo Cách mạng nên tay sai của Tây truy lùng ông khắp nơi. Nếu ông vào làng mà chúng nó thấy là bị giết ngay. Hồi đó nhà chị gái cả của ông Thụ có cái hầm dưới nhà bếp là nơi trốn của ông Thụ mỗi khi về thăm nhà. Quần áo giặt xong hay đồ đạc gì muốn gửi cho ông Thụ đều được người chị gái cả mang treo trên cây ở khu rừng sau nhà, rồi ông sẽ tự về lấy”.
Bà Hoàng Thị Slèng (80 tuổi) thường xuyên lên khu nhà sàn của đồng chí Hoàng Văn Thụ.
Theo bà leo lên những bậc thềm nơi ngôi nhà sàn, bà Slèng chỉ tay về những cánh đồng lúa óng vàng trước mắt, nói về những đổi thay của quê hương bà: “Giờ đây xóm làng đẹp đẽ, xanh tươi, không còn phải lo từng miếng ăn, cái mặc như xưa nữa. Những ngày này, chúng tôi lại càng thêm phấn khởi, tự hào bởi quê hương có một chiến sĩ quả cảm kiên trung được người người nhớ đến, đó là đồng chí Hoàng Văn Thụ”.
Thăm khu nhà tưởng niệm khang trang mới được Đảng, Nhà nước đầu tư xây dựng năm 2009, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Minh Hằng, cán bộ Trung tâm truyền thông văn hóa huyện Văn Lãng đang tất bật công việc giới thiệu tiểu sử của người chiến sĩ kiên trung năm ấy với các đoàn khách đến dâng hương. Chị Hằng cho biết, khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ gồm có khu nhà sàn và khu nhà trưng bày, dâng hương. Dịp kỉ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí, hàng ngày tại đây đón rất nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến dâng hương, tưởng nhớ.
Video đang HOT
Cô Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong huyện Văn Lãng phấn khởi: “Hôm nay quay lại quê hương Nhân Hòa thắp nén hương tưởng nhớ công ơn đồng chí Hoàng Văn Thụ, tôi thực sự bất ngờ bởi sự đổi thay của nơi đây. So với 10 năm trước, Nhân Hòa giờ đây đã khang trang hơn rất nhiều, đường sá sạch đẹp, cuộc sống người dân khởi sắc”.
Nhân dịp kỉ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ, đoàn của Hội cựu TNXP huyện Văn Lãng dâng hương tưởng nhớ công ơn người con của quê hương Nhân Hòa.
Tự hào với truyền thống quê hương cách mạng, phát huy những điều đó Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Hoàng Văn Thụ cũng đang nỗ lực từng ngày xây dựng xã ngày càng phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Thực hiện mục tiêu đó, ngoài việc tập trung lãnh đạo nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cây trồng, vật nuôi, chính quyền xã luôn chú trọng xây dựng đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Hện nay, tỷ lệ hộ có nhà ở đạt chuẩn là 92%; hạ tầng cơ bản hoàn thiện với 100% đường liên xã, trục chính của xã được nhựa hóa; đường trục thôn đã bê tông hóa được; thu nhập bình quân đầu người từ 18 triệu tăng lên 36 triệu/người/năm vào năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,36%…
Dẫn chúng tôi thăm khu NTM kiểu mẫu ở thôn Nhân Hòa, ông Hoàng Văn Tuân – Phó chủ tịch UBND xã cho biết, vài năm trở lại đây, bộ mặt nông thôn của xã đã có nhiều đổi thay, chính quyền xã luôn có những cách làm phù hợp, huy động sức dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn gắn với phát triển sản xuất.
Để người dân hiểu được vai trò của hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trong đời sống, sinh hoạt, sản xuất, xã đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền vận động bằng các hình thức khác nhau như: tập huấn lồng ghép với hoạt động của các tổ chức đoàn thể, tổ chức đi học hỏi kinh nghiệm các xã bạn, đồng thời phát huy vai trò của người có uy tín tại cộng đồng, khu dân cư. Khi nhận thức được nâng lên, bà con đã nhiệt tình ủng hộ chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như làm đường giao thông, nhà văn hóa, xây dựng công trình thủy lợi.
Đường làng ngõ xóm nơi quê hương Cách mạng ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Bà Hoàng Thị Thùy, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ, mặc dù khó khăn, thách thức còn đang ở phía trước nhưng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Hoàng Văn Thụ sẽ luôn đoàn kết một lòng, nỗ lực thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới.
Với sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy đảng, chính quyền và sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân, trong thời gian tới, xã Hoàng Văn Thụ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ để phát triển kinh tế – xã hội tại địa bàn, đồng thời, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, phát huy truyền thống trên quê hương cách mạng.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ là người dân tộc Tày, sinh ngày 4/11/1909 tại thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên.Tuổi thiếu niên, đồng chí được ra thị xã Lạng Sơn học trường Tiểu học Pháp – Việt. Trong thời gian học, nhiều biến động mới của phong trào yêu nước đã tác động mạnh mẽ tới tư tưởng của người thanh niên yêu nước Hoàng Văn Thụ. Hiểu rõ nỗi khổ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đồng chí đã giác ngộ lý tưởng cộng sản, hòa mình trong phong trào đấu tranh yêu nước, trở thành hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và là một trong những đảng viên đầu tiên của Đông Dương Cộng sản Đảng.
Theo danviet.vn
Hội Nông dân TP HCM đóng góp lớn xây dựng nông thôn mới
Chia sẻ về việc 10 năm tham gia xây dựng NTM, Chủ tịch Hội Nông dân (ND) TP.HCM Nguyễn Thị Bạch Mai (ảnh) cho biết, các cấp Hội ND đã đạt được một số kết quả nổi bật, góp phần cùng với thành phố xây dựng NTM đạt được tiến độ đề ra.
Thưa bà, cụ thể Hội ND thành phố đạt được những kết quả ra sao?
- Hội đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn về các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình, kế hoạch của thành phố về xây dựng NTM với 6.582 lớp, hơn 616.000 lượt cán bộ, hội viên ND tham gia. Qua tuyên truyền đã có hàng chục ngàn hộ hội viên ND đồng thuận với chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, tham gia hiến đất để thực hiện các công trình phúc lợi xã hội...
Chủ tịch Hội ND TP.HCM Nguyễn Thị Bạch Mai. Ảnh: T.Đ
Các cấp Hội đã tập trung vào công tác hỗ trợ ND, phối hợp với các sở, ngành tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn và giới thiệu việc làm cho học viên. Để giúp ND tiếp cận đầy đủ kiến thức KHKT, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT cho hội viên, đồng thời tổ chức cho hội viên tham gia học tập những mô hình nông nghiệp hiệu quả của thành phố và các tỉnh thành.
Thưa bà, còn các tiêu chí phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập... thế nào?
- Đồng hành cùng ND và cụ thể hóa chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố, Hội ND các cấp đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện cho hàng trăm nghìn hội viên ND tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của thành phố để đầu tư vào sản xuất với số tiền vay hơn 11.158 tỷ đồng. Riêng Quỹ Hỗ trợ ND đã giải ngân cho hơn 29.400 lượt hội viên vay với tổng số tiền gần 764,8 tỷ đồng.
Về tiêu chí tổ chức sản xuất, Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động hội viên ND trực tiếp sản xuất tham gia hình thức kinh tế hợp tác. Đến nay, thành phố có 108 HTX nông nghiệp với 2.476 thành viên, 29 tổ hợp tác với 3.750 tổ viên.
Về tiêu chí môi trường gắn với sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường, các cấp Hội phát huy CLB ND bảo vệ môi trường làm nòng cốt thực hiện công tác truyên truyền ở nông thôn.
Chủ tịch Hội ND TP.HCM Nguyễn Thị Bạch Mai (đứng trước) cùng với lãnh đạo thành phố tham gia dọn dẹp môi trường nông thôn. Ảnh: T.Đ
Sắp tới, Hội sẽ đẩy mạnh những công tác gì trong xây dựng NTM?
- Hội tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện các chương trình, kế hoạch của thành phố có hiệu quả. Tiếp tục hỗ trợ để nâng cao hoạt động theo hướng chuỗi liên kết giá trị của các HTX tiên tiến hiện đại; nghiên cứu đề xuất chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tham gia chuỗi sản xuất với HTX và ND.
Ngoài ra, tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cho ND; đẩy mạnh phong trào ND sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu...
Xin cảm ơn bà!
Theo Danviet
Bà Rịa-Vũng Tàu: Sôi nổi hội thi tuyên truyền về nông thôn mới Vừa qua, Hội ND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức hội thi tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới (NTM). Ông Trần Văn Mãng - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, mục đích tổ chức hội thi nhằm giúp cho cán bộ, hội viên ND nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách...