Những đồ vật đặc trưng trong các phim kinh dị Việt
Nếu như vũ trụ kinh dị ‘The Conjuring’ có búp bê Annabelle, ‘Gã Hề Ma Quái’ có bóng bay đỏ, bàn cầu cơ xuất hiện trong hàng loạt siêu phẩm đình đám, các ‘anh tài’ của thể loại kinh dị của Việt Nam cũng không hề kém cạnh với những món đồ đậm chất Việt, trở thành điểm nhấn cho các bộ phim.
Bức ảnh gia phả và bù nhìn rơm – Bắc Kim Thang
Bắc Kim Thang là một trong những phim kinh dị Việt Nam nổi bật của năm 2019. Phim xoay quanh một gia đình miền Tây, khai thác yếu tố kinh dị xung quanh bài đồng dao Bắc Kim Thang vốn đã rất quen thuộc trong văn hóa của người Việt. Phim được xây dựng để phản ánh quan niệm ‘trọng nam khinh nữ’ đã và đang tồn tại trong nhận thức của nhiều thế hệ, dẫn đến bi kịch của một cô gái, biến cô thành ác quỷ.
Ngay từ những hình ảnh đầu tiên được tung ra, phim gây tò mò bởi bức ảnh gia phả đầy ma mị đến rợn người. Biểu cảm nhân vật, vị trí của mỗi nhân vật trong khung hình cũng đều rất kỳ lạ và bí ẩn, dấy lên nhiều câu hỏi đáng ngờ.
Bên cạnh bức ảnh gia phả ghê rợn, hình tượng bù nhìn rơm của Bắc Kim Thang cũng ấn tượng không kém. Ngay từ teaser đầu tiên, hình ảnh bù nhìn rơm đẫm máu, tóc đen xõa dài trên nền nhạc Bắc Kim Thang phiên bản tăm tối thực sự khiến nhiều người khiếp đảm.
Trong phim, nhân vật Hai Lầm là cô gái phải gánh chịu bi kịch của hệ tư tưởng trọng nam khinh nữ. Hồn ma của cô được xem như một con bù nhìn rơm đứng giữa cánh đồng, chỉ như một vật thế mạng cho kẻ khác, phải chết thay cho anh họ mình – cháu đích tôn của dòng họ.
Cũng chính nhờ những chi tiết này, Bắc Kim Thang đã thành công mang đến nhiều thông điệp về quan niệm dân gian, cũng như truyền tải được yếu tố châm biếm và sự xót thương cho số phận con người Việt Nam phải sống trong phong tục cổ hủ nhiều thập kỷ trước.
Bàn Thờ – Thất Sơn Tâm Linh
Chuyện phim Thất Sơn Tâm Linh bắt đầu với Sỏi (Hoàng Yến Chibi) – cô gái câm điếc thường xuyên chịu sự sỉ nhục của dân trong làng. Một ngày, thầy lang Huỳnh (Quang Tuấn) xuất hiện, tạo ra nhiều kỳ tích chữa bệnh thần kỳ khiến mọi người rất nể phục và giữ lại. Huỳnh nảy sinh tình cảm với Sỏi sau khi cô gái mù được cử tới để giúp việc cho anh. Cả hai nên duyên vợ chồng, nhưng Sỏi dần nhận ra chân tướng thực sự của gã.
Poster đầu tiên của phim đã gây rúng động dư luận với hình ảnh bàn thờ ‘ác mộng’ cùng chiếc đầu lâu đầy ghê rợn. Xuyên suốt bộ phim, hình ảnh ban thờ trong không gian hẹp, khép kín; màu phim tăm tối ma mị đã tạo ra yếu tố kinh dị vô cùng ấn tượng với khán giả.
Búp bê – Đoạt Hồn
Đoạt Hồn được đánh giá là phim kinh dị có chất lượng tốt của điện ảnh Việt năm 2014 với một câu chuyện hay, cùng diễn xuất đáng nể của sao nhí Lâm Thanh Mỹ – góp mặt trong nhiều phim Việt đình đám sau này như Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh, Thất Sơn Tâm Linh, Bóng Đè.
Phim là câu chuyện về Ái, một bé gái 8 tuổi vì cố vớt một con búp bê mà bị trượt chân xuống sông và mất tích. Một tuần sau, xác của cô bé được tìm thấy. Nhưng bất ngờ, khi người thân tới nhận thi thể, cô bé bỗng dưng ngồi bật dậy, trở về từ cõi chết. Tuy nhiên từ khi bé Ái về nhà, nhiều sự việc kỳ lạ xảy ra. Gia đình nhận ra Ái đã bị một bóng ma bí ẩn đoạt hồn…
Dù con búp bê ‘đoạt hồn’ không xuất hiện nhiều, nhưng là yếu tố quan trọng trong mạch phim và là chất xúc tác hiệu quả cho yếu tố kinh dị, tâm linh của phim.
Cái võng và nhà thờ tổ – Bóng Đè
Dù chưa ra mắt, nhưng phim kinh dị Bóng Đè của Lê Văn Kiệt – đạo diễn được đông đảo khán giả Việt biết tới qua thành công của Hai Phượng – đã khiến nhiều người không khỏi tò mò. Phim xoay quanh gia đình người đàn ông góa vợ cùng hai cô con gái. Sau một biến cố, ba cha con chuyển từ thành phố về một ngôi nhà cổ ở vùng quê, bắt đầu cuộc sống mới. Thế nhưng, đây cũng chính là khởi đầu cho chuỗi ngày kinh hoàng đầy ám ảnh sắp tới của họ.
Bóng Đè là cơ hội giúp đạo diễn đi sâu khai thác các yếu tố đậm màu sắc Việt Nam, biến những hình ảnh vốn đã quen thuộc của người Việt trong đời sống thường ngày thành những chi tiết đắt giá, đầy tính bất ngờ trong tác phẩm của mình.
Với nhiều người Việt Nam, trong đó có cả vị đạo diễn Việt kiều xa quê như Lê Văn Kiệt, cánh võng luôn là một hình ảnh đẹp mang tính biểu tượng đặc trưng, và gợi nhớ tới không khí tổ ấm bình yên. Nhưng ngay từ lúc những tài liệu phim đầu tiên được tung ra, một trong những yếu tố gây ‘hoang mang’ nhất chính là Lâm Thanh Mỹ với tạo hình bị ‘lật ngược’ trên chiếc võng, một cái bóng ‘quỷ’ đang chực chờ lao về phía mình. Cô bé đang vô cùng hoảng loạn và sợ hãi trước con quỷ đang hành hạ cuộc sống của hai chị em và gia đình.
Teaser trailer Bóng đè
Bên cạnh đó, Bóng Đè còn lấy bối cảnh một ngôi nhà cổ ẩn chứa nhiều bí mật. Và với các fan cứng của phim và truyện kinh dị, đây chính là nguồn cảm hứng bất tận của những lời đồn, câu chuyện được truyền tai nhau. Nào là những căn biệt thự cổ bị yểm bùa, hay bị chủ nhân xưa cũ ám… Dù sự thật thế nào, những câu chuyện xung quanh đó không bao giờ nguội tắt… Bấy nhiêu đó thôi, chắc đã đủ để tạo nên một chuyện phim đầy tính giật gân.
Bóng Đè với sự tham gia của dàn diễn viên Quang Tuấn, Diệu Nhi, Lâm Thanh Mỹ, Mai Cát Vy… sẽ ra rạp vào 18/03 năm nay.
Bài toán trăm tỷ đồng của phim kinh dị Việt
Nhiều dự án kinh dị Việt Nam rục rịch ra mắt năm nay, nhưng đứng trước nhiều thách thức về chất lượng.
Thập niên 2010 là thời điểm làng phim Việt phân hóa rõ về yếu tố thể loại. Trong đó, khán giả thường mặc định hài là dòng phim dễ kiếm lời nhất. Đây là nhận định có cơ sở, bởi nhiều tác phẩm từng thắng lớn ít nhiều mang yếu tố này như Em chưa 18, Bố già, Tiệc trăng máu.
Những con số ổn trong quá khứ và loạt phim đổ bộ năm 2022
Bên cạnh hài, kinh dị cũng là dòng phim từng ghi dấu ấn vài năm qua ở phòng vé, bắt đầu bằng Quả tim Máu (85 tỷ đồng, năm 2014). Năm 2019 có thể xem là thời điểm vươn mình của phim kinh dị với loạt tác phẩm ăn khách Lật mặt 4 (117,5 tỷ đồng), Pháp sư mù (59 tỷ đồng), Thất sơn tâm linh (53 tỷ đồng) và Bắc kim thang (43 tỷ đồng). Mùa Tết năm 2020, Đôi mắt Âm Dương cũng thu đến 51 tỷ đồng, con số đáng kể với một phim kinh dị ra "trái mùa".
Chuyện ma gần nhà ra mắt khán giả ngay sau Tết.
Trailer Chuyện ma gần nhà
Nhưng đà tăng trưởng của thể loại này bị chặn do sự ngưng trệ chung của điện ảnh Việt hai năm qua do Covid-19. Một ví dụ đáng tiếc là Thiên thần hộ mệnh (2021), đang bán tốt trong dịp lễ 30/4 thì phải ngưng vì dịch bệnh. Khi rạp mở lại, bộ phim của đạo diễn Victor Vũ tái chiếu nhưng không còn sức hút. Phim chỉ thu được 40 tỷ đồng, không quá tệ nhưng kém kỳ vọng ban đầu.
Do nhiều dự án dời lịch, năm 2022 vô tình trở thành điểm hội tụ của nhiều phim kinh dị. Tác phẩm Nhà không bán quy tụ Kim Xuân, Việt Hương, Nam Em sẽ gia nhập đường đua Tết 2022. Phim là câu chuyện về bà Ngọc (NSND Kim Xuân) - một Việt kiều Mỹ - dẫn theo cháu ngoại về thăm quê. Bà và em trai là ông Ngà (Minh Hoàng) muốn nhanh chóng bán ngôi nhà được thừa kế để ổn định cuộc sống nhưng nhiều hiện tượng lạ xảy ra.
Ngày 11/2, Chuyện ma gần nhà của đạo diễn Trần Hữu Tấn sẽ ra mắt. Đây là phim đầu tiên của Việt Nam khai thác đề tài truyền thuyết đô thị, tức những câu chuyện ma được nhiều người kể cho nhau. Dự án quy tụ dàn diễn viên quen thuộc như Khả Như, Vân Trang và đặc biệt là nghệ sĩ gạo cội Mạc Can. Trailer phim cho thấy nhiều hình ảnh ghê rợn và câu chuyện xoay quanh "cô Mía" - cô gái được vẽ trên các xe nước mía Việt Nam.
Bóng đè cũng là phim đáng trông đợi do tên tuổi đạo diễn Lê Văn Kiệt và dàn sao Quang Tuấn, Diệu Nhi. Những thước phim đầu tiên cho thấy nhiều hiện tượng kỳ bí trong một ngôi nhà cổ, khi ba cha con (Quang Tuấn, Lâm Thanh Mỹ, Mai Cát Vi) chuyển đến một căn nhà ở quê. Tác phẩm từng "đặt lịch" vào ngày 24/12 năm 2021, nhưng rồi dời lại.
Oanh Kiều trong Người lắng nghe.
Phim kinh dị tâm lý Người lắng nghe: Lời thì thầm tạo một số thu hút nhờ các giải thưởng quốc tế. Trong phim, nhà văn trẻ An Nhiên (Oanh Kiều) vừa hoàn thành tiểu thuyết Lời thì thầm. Sau đó, cô liên tục bị một "bóng ma" đến mức rơi vào khủng hoảng. An Nhiên phải cố vượt qua nỗi sợ bằng cách vẽ các bức tranh kỳ dị. Tác phẩm của đạo diễn Khoa Nguyễn chưa chốt ngày khởi chiếu. Một phim kinh dị khác cũng đang chờ ngày ra mắt là Vô diện sát nhân, với Phương Anh Đào đóng chính.
Nhiều dự án kinh dị, rùng rợn đang ở giai đoạn tiền kỳ và sản xuất. Trên mạng xã hội, một số diễn viên và nhà làm phim nói đến dự án Đảo Độc Đắc - Tử Mẫu Thiên Linh Cái, liên quan đến tác phẩm Thất Sơn Tâm Linh (tên cũ là Thiên Linh Cái). Ở diễn biến khác, đạo diễn Trần Hữu Tấn đăng tải poster phim Con Cám, được cho là phiên bản đen tối của câu chuyện cổ tích Tấm Cám.
Hồi giữa năm 2021, phần hai của Mười cũng được bật đèn xanh sau 14 năm từ phần một. Năm 2007, Mười - tác phẩm hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc - là dấu mốc mở đầu cho dòng phim kinh dị hiện đại của Việt Nam. Chưa có nhiều thông tin về Mười 2, ngoài các diễn viên Hồng Ánh, Anh Thư, Bình Minh và đạo diễn Danny Đỗ.
Anh Thư (giữa) trong phim Mười.
Làn sóng làm phim rùng rợn cũng lan tỏa đến thị trường phim truyền hình và trực tuyến đang nổi lên trong Covid-19. Đạo diễn Victor Vũ đang ghi hình series Trại hoa đỏ, chuyển thể từ truyện trinh thám kinh dị cùng tên của Di Li. Với sự chỉn chu của nhà làm phim Việt kiều, dự án mới được trông chờ sẽ gây tiếng vang. Series rùng rợn Lost in Mekong Delta từ nhà sản xuất Cua lại vợ bầu cũng đang ở giai đoạn tiền kỳ.
Khó thu trăm tỷ khi không phải mảng miếng béo bở
Năm 2022 là thời điểm quyết định xem phim kinh dị Việt có thể tiếp đà bứt phá của năm 2019 hay không. Với tình hình dịch bệnh khó lường, khó có thể dự đoán kết quả phòng vé. Mỗi đợt bùng dịch luôn là nguy cơ chực chờ cho bất cứ phim nào ra rạp.
Về mặt nội dung, có thể nhận ra xu hướng nhiều phim kinh dị được gắn với yếu tố văn hóa Việt. Trong số này có Chuyện ma gần nhà xoay quanh các câu chuyện truyền miệng của người dân, Bóng đè gây tò mò với truyền thuyết về hiện tượng cùng tên. Con Cám lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám, còn Mười 2 nhiều khả năng sẽ có hình tượng ma nữ áo dài nổi tiếng từ phần một.
Dù có thuận lợi là vốn sản xuất không quá lớn, nội dung dễ gây tò mò, phim kinh dị Việt không hề là miếng bánh béo bở. Không ít tác phẩm thể loại này như Phim trường ma, Lời nguyền gia tộc, Xưởng 13... từng kém sức hút phòng vé. Những nhà làm phim ở thể loại này phải thật sự nghiêm túc để làm bật nỗi sợ của khán giả. Yêu cầu này còn khó hơn trong hoàn cảnh người hâm mộ đã nhiều năm tiếp cận với các phim kinh dị tầm thế giới. Một bộ phim hù dọa non tay dễ khiến khán giả chán ngán, hay thậm chí chuyển sang cười cợt.
Phim kinh dị Việt vẫn còn một chặng đường đáng kể để chinh phục người xem. Nhiều fan chưa đặt niềm tin ở dòng phim này vì những chuyện đáng tiếc trong quá khứ, như bản chiếu rạp bị cắt quá nhiều, hay một số phim kết thúc theo hướng không có ma thật (gần đây là Thiên thần hộ mệnh). Một phương án từng thành công là pha kinh dị với hài, như Lật mặt 4 hay Pháp sư mù. Nhưng về lâu dài, khán giả có lẽ vẫn trông chờ một tác phẩm thật sự đáng sợ với những pha hù dọa đủ ấn tượng. Đó cũng là thách thức lớn với các đạo diễn của thể loại này trong tương lai.
Hàng loạt phim điện ảnh Việt tiếp tục hoãn chiếu tại rạp Cách đây một tháng, loạt phim Việt như Bẫy ngọt ngào, Bóng đè, Người lắng nghe: Lời thì thầm có động thái rục rịch sẽ ra mắt sau một thời gian dài hoãn chiếu vì dịch bệnh... Bẫy ngọt ngào tiếp tục hoãn chiếu Trailer Bẫy ngọt ngào Trong lúc người xem đang trông chờ sẽ được dịp ra rạp để thưởng thức...