Những điều studio game Việt thiếu nhưng có thể khắc phục
Những vấn đề các studio game Việt đang mắc phải, tuy nhiên nếu để ý họ có thể khắc phục được những khâu còn yếu này.
Tại Hội thảo phát triển trò chơi trực tuyến (OGDC) 2014 được tổ chức vừa qua, ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG, một lần nữa nhắc lại câu chuyện câu chuyện của Flappy Bird, hay hiện tượng game Bắt Chữđang nổi lên trong thời gian gần đây…để khẳng định về chất lượng của các game trên di động Việt Nam hiện nay. Rõ ràng chúng ta đã có game di động ở tầm thế giới và chất lượng các game làm ra không thua kém của nước ngoài.
Và thực tế, các studio game trong nước như Divmob, Tofu Games, B-gate, Joy Entertainment, M.D, Colorbox, Emobi Games, ZoyGame hay Weplay…cũng đã cho ra đời hàng loạt game di động có chất lượng rất cao và nhiều lần xuất hiện ở các vị trí dẫn đầu trong các kho ứng dụng như App Store, Google Play và cả việc phát hành sang Trung Quốc, một nước có nền sản xuất game rất mạnh hiện nay.
Tất cả những sản phẩm do các studio trong nước sản xuất, nếu so với các game quốc tế hoàn toàn không thua kém. Thậm chí, rất nhiều cơ quan truyền thông nước ngoài còn đánh giá rất cao các sản phẩm game di động do người Việt làm ra.
Video đang HOT
Tuy nhiên, có một thực tế, mặc dù tạo ra những game chất lượng như trên, ngoại trừ một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mobile còn biết đến, còn lại đa số người Việt đều không biết rằng trong nước có các studio có thể làm game Việt chất lượng như trên. Nguyên nhân chính, đó là các studio này gần như chưa quan tâm đến vấn đề truyền thông và vẫn chỉ làm vì đam mê là chính.
Đây là một điều đáng tiếc, bởi sau thành công của Flappy Bird, các cơ quan truyền thông trong nước đã có cái nhìn rất khác về game, đặc biệt là các game di động. Họ sẵn sàng ủng hộ tất cả các sản phẩm game do người Việt làm ra, nhằm thúc đẩy sự phát triển của nó. Việc này được các kênh truyền thông từ chính thống, đến các kênh thông tin về game triển khai trong thời gian dài gần đây và hoàn toàn miễn phí.
Chính vì thế, có lẽ các studio làm game trong nước nên “tận dụng” cơ hội này, cần chú trọng hơn trong việc chủ động liên hệ với các cơ quan truyền thông để giới thiệu, quảng bá về sản phẩm của mình, thay vì vẫn âm thầm làm như hiện nay. Việc chủ động liên hệ là điều rất quan trọng, bởi thực tế nhiều cơ quan truyền thông họ muốn tìm hiểu, nhưng rất khó để có được thông tin cụ thể và chi tiết về các game và studio, trong bối cảnh hiện nay.
Đến câu chuyện về kinh phí đầu tư
Cũng tại OGDC 2014, đại diện một studio game đã đặt ra một câu hỏi rất thực tế với tình hình chung của các studio hiện nay, đặc biệt là các studio nhỏ. Đó là, làm thế nào các studio nhỏ, ít tiền có thể triển khai các dự án của mình một cách thành công, bởi họ gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí.
Câu trả lời của các diễn giả tại hội thảo vẫn mang tính chung chung, nhưng nếu để ý, việc giải quyết vấn đề kinh phí để phục vụ việc sản xuất game của mình hiện nay là không khó với các studio.
Một trong những hình thức phổ biến hiện nay là các studio game nên tìm đến các nhà phát hành để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Hiện các nhà phát hành game trong nước sẵn sàng hỗ trợ các studio phát triển sản phẩm của mình, từ khâu đầu tư về kinh phí lẫn việc hỗ trợ phát hành sau này. Việc hợp tác được thực hiện một cách nghiêm túc và đã đem lại một số thành công nhất định.
Rất nhiều sản phẩm game đã ra đời nhờ sự kết hợp này như game Đại Minh Chủ của Emobi Games làm với nhà phát hành Soha Game, Chiến Binh CS của Joy Entertainment kết hợp với CMN Online, các game như Tem Pháp Thuật, Phá Đảo của AVA Game làm với VTC Game…
Bên cạnh đó, có một hình thức để gọi kinh phí cho các studio game trong nước nữa, đó là tham gia các chương trình khởi nghiệp, để kêu gọi đầu tư. Hiện nay, rất nhiều các quỹ đầu tư quốc tế vẫn đang tìm kiếm các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam để đầu tư vào những sản phẩm có ý tưởng tốt và có tiềm năng phát triển trong tương lai.
Game là một lĩnh vực đang được các quỹ đầu tư rất quan tâm, vấn đề quan trọng là các studio phải biết trình bày ý tưởng và cho thấy được trình độ cũng như tiềm năng sản phẩm của mình làm ra.
Theo VNE