Những điều phi nhân trong thế giới nhân đạo
Trong bệnh viện là cả một thế giới ưu tư lo buồn của bệnh nhân với mong mỏi sức khoẻ hồi phục nhờ sự chữa trị, cứu sống bằng cả tấm lòng “ lương y như từ mẫu” của đội ngũ y bác sĩ. Nhưng có là người trong cuộc mới nghèn nghẹn nỗi lòng..
Những bài học đầu tiên
Mẹ tôi khám bệnh, bác sĩ chẩn đoán bị ung thư. Tin đó đến khiến cả gia đình bàng hoàng. Cả nhà cuống cuồng chuẩn bị mọi đồ dùng cần thiết để đưa mẹ lên Hà Nội nhập viện. Hàng xóm cũng kéo sang nhắc nhở dặn dò. Chuẩn bị kỹ thế nhưng khi vào viện tôi mới hiểu thực sự mình biết quá ít về thế giới bệnh viện và phải học rất nhiều những bài học… đầu tiên.
Ngày đầu tiên vào làm thủ tục để nhập viện. Cứ nghĩ đến cảnh phải chen chúc xếp hàng chờ đợi là tôi thấy ngán ngẩm. Nhờ người quen giới thiệu, tôi gặp một y tá, đưa tiền nhờ cô làm giúp các thủ tục cho nhanh. Tưởng thế là xong nên tôi đứng ngoài để cô y tá đưa mẹ vào trong phòng nhờ người lấy máu đem đi xét nghiệm. Nhưng chỉ mấy phút sau thấy một cô chạy ra, gắt gỏng với người y tá mà tôi nhờ giúp: “Bà ấy chả biết gì cả”. Cô kia liền rỉ tai tôi đưa cho chị đó 50.000đ. Một lúc sau, mẹ đi ra, mắt rớm lệ kể rằng cô y tá đó nói với mẹ đây là “tôi làm giúp thôi nhé” rồi cô ta quay ngoắt đi và mắng bà chẳng biết gì. Lúc đấy tôi mới hiểu cô ta nói “tôi làm giúp thôi nhé” có ý nhắc nhở bồi dưỡng nhưng mẹ tôi lại không hiểu.
Thật tội cho mẹ, đang buồn lo vì bệnh nên dễ tủi thân. Và tôi hiểu khi vào viện mình cần phải học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước để mẹ không bị gắt gỏng.
Chờ đợi trong nỗi lo lắng về bệnh tật và cả cách xử sự của bác sĩ với người thân của mình
Đổi tiền lẻ
Tôi ngồi cùng một chị cũng đang chờ làm thủ tục ra viện cho người thân. Tranh thủ, tôi hỏi chị luôn một số “đường đi nước bước” trong bệnh viện. Chị bảo tôi trước khi vào đây chị đã phải đổi rất nhiều tiền lẻ loại 10 ngàn, 20 ngàn và 50 ngàn. Ngạc nhiên tôi hỏi để làm gì. Chị giải thích để mỗi lần y tá tiêm hay thay băng thì nhét vào túi họ chứ không họ làm đau lắm. Tiêm thì nhét 10 ngàn, thay băng thì 20 ngàn, cứ thế mà làm. Chị ấy từng chứng kiến y tá khi thay băng giật soàn soạt khiến người bệnh đau chảy nước mắt mà không dám nói gì. Chị bảo đấy là luật bất thành văn ở đây, em phải biết để theo, không thì đau đớn người nhà của mình. Thậm chí cần xin bộ đồ mới hoặc drap trải giường thì cũng nên đút tiền cho nhanh.
Cuối cùng cũng làm xong thủ tục nhập viện sau những câu trả lời nhát gừng và thái độ lạnh lùng của mấy nhân viên hành chính, tôi đưa mẹ về phòng để chờ ngày phẫu thuật. Phòng chỉ có bốn cái giường thôi nhưng đến hơn chục bệnh nhân, cứ ba người thậm chí có lúc cao điểm lên tới bốn người một giường. Bệnh nhân nào mới phẫu thuật hoặc sức khoẻ quá yếu thì được ưu tiên nằm trên giường còn những bệnh nhân khác thì phải tự thu xếp hoặc trải chiếu ngủ dưới sàn nhà hoặc ghế bố.
Video đang HOT
Thấy cảnh đông đúc, chen chúc, tôi sang hành chính xin đăng ký phòng dịch vụ. Anh nhân viên mặt lạnh như tiền bảo tôi đứng chờ rồi cắm cúi ghi chép. Một lúc sau anh ta mới ngước mắt lên nhìn tôi một lúc rồi bảo đông lắm, phải đợi, có thì gọi. Tôi định hỏi thêm nhưng thấy anh ta lại cúi xuống quyển sổ. Khi nghe tôi kể lại, một bác nằm ở giường bên quay sang hỏi: “Cháu có đưa tiền cho anh ta không?” Tôi ngạc nhiên vì mình đăng ký phòng dịch vụ sẽ trả tiền sao còn phải “hối lộ”. Mọi người trong phòng đều cười. Tôi quay lại phòng hành chính, nói lại nguyện vọng với anh nhân viên lúc nãy và dúi vào túi anh ta 200 ngàn rồi đứng chờ. Anh ta liếc vào túi rồi cười bảo tôi, cứ về phòng cũ, chiều anh ta sẽ cho chuyển phòng. Mà đúng là mẹ tôi được chuyển phòng thật.
Đồng tiền đi trước
Thấy tôi than phiền bất bình nhiều chuyện, mọi người đều an ủi “luật” ở đây nó thế, đã vào viện thì phải chấp nhận. Người đi trước chỉ lại kinh nghiệm cho người đi sau phải biết mà theo, không làm thế có khi lại thiệt đến người thân của mình. Và mọi người đã không ngần ngại chia sẻ hết mọi kinh nghiệm với tôi. Ngoài việc vào bệnh viện phải trữ nhiều tiền lẻ thì vào đây phải có sẵn nhiều phong bì vì sẽ sử dụng thường xuyên. Đúng là có cầu thì sẽ có cung, thảo nào tôi thấy ngoài cổng bệnh viện, cô bán cam bán nho hay người bán hàng nước ai cũng có thêm một tập phong bì dày treo trước đầu xe hay trên gánh hàng để bán thêm. Và họ nói không sai, ngay hôm đó, tôi đã có việc cần dùng đến ngay.
Khi mẹ tôi vào viện, cũng may có một người quen thân với một bác sĩ trong viện nên đã nhờ gửi gắm. Anh bác sĩ này đã bảo tôi là nên nhờ ông bác sĩ giỏi nhất của khoa đó mổ thì sẽ yên tâm hơn. Và kết quả càng tốt thì việc điều trị hoá chất sau này càng thuận lợi. Anh bày tôi nên bỏ phong bì 2 triệu, ghi tên bệnh nhân và số phòng ở bên ngoài rồi đưa cho ông bác sĩ đó. Tôi làm theo, lên gặp ông bác sĩ kia, nói nguyện vọng và để phong bì lại trên bàn. Ông bác sĩ lạnh lùng nhìn tôi và bảo cứ về chờ rồi phòng hành chính sẽ xếp lịch sau. Chưa có gì chắc chắn nhưng đành phải chấp nhận chờ. Về phòng nói chuyện với mọi người mới biết không chỉ mình mà rất nhiều người khác vì muốn được bác sĩ đó mổ nên phải đưa phong bì. Người đưa 2 triệu, người đưa 3 triệu. Chỉ tội những người hoàn cảnh quá khó khăn, nên đành phải chấp nhận, mặc cho số phận mình theo sự sắp xếp ngoài chỉ dẫn của đồng tiền.
Trước ngày mẹ tôi lên bàn mổ, qua kinh nghiệm học được từ những bệnh nhân đã mổ trước đó, tôi bỏ vào phong bì 1 triệu gọi là tiền bồi dưỡng cho êkíp mổ. Tôi nhét chiếc phong bì vào túi mẹ và dặn dò lúc vào bàn mổ, khi cô y tá cởi áo giúp thì đưa và nói bồi dưỡng cho êkíp mổ. Mẹ vào phòng mổ rồi mà tôi cứ lo ngay ngáy, không biết trong lúc hồi hộp lo lắng cho ca mổ, mẹ có quên không. Và nếu mẹ quên thì không biết có vì thế mà bị đối xử khác không. Nhưng mọi người trấn an tôi cứ yên tâm, vì nếu có quên, thì y tá cũng sẽ có cách nhắc khéo. Nghe thế, tôi mới thấy tạm yên và hồi hộp chờ ca mổ hoàn thành.
Theo Sài Gòn tiếp thị
Nữ sinh trải lòng chuyện... bao cao su
"Mẹ đã bất ngờ và choáng váng khi thấy trong cặp sách của con ngoài sách vở ra còn có bao cao su. Nhưng mẹ không nên mắng con..." là dòng tâm sự của một nữ sinh 16 tuổi gửi mẹ.
Mẹ ơi, con đã lớn
"Mẹ không ngại buông lời mắng mỏ mình là đứa con hư hỏng, mất dạy mà không cho mình một cơ hội giải thích. Mình chỉ mang bao cao su để đề phòng trường hợp bất chắc. Mẹ không hiểu mà cũng chẳng lắng nghe mình", K.Q.H (Lớp 11, Trường THPT Hai Bà Trưng, Hà Nội) bày tỏ suy nghĩ về cách xử sự của mẹ khi phát hiện H. có bao cao su trong cặp.
H. còn nhớ như in cái ngày đưa cô bạn cùng lớp đến một phòng khám tư nhân để phá thai. Cái thai đã được 5 tháng, là kết quả của một lần đi quá giới hạn của cô bạn và người yêu. Vì cái thai quá to nên lúc đầu bác sĩ từ chối. Hai đứa khóc lóc van xin mãi bác sĩ mới chịu "giải quyết".
Đưa cô bạn mặt mũi xanh lét, nhợt nhạt ra khỏi phòng khám, H. tự nhủ giá như cô bạn biết cách tự bảo vệ mình thì đã không ra nông nỗi này.
Học sinh Mỹ học cách sử dụng bao cao su (Nguồn internet)
Ở cái tuổi 16, H. cũng như không ít bạn cùng lớp đều đã có người yêu. Tình yêu của tuổi học trò rất trong sáng nhưng cũng rất bồng bột. Chỉ một phút không làm chủ được bản thân là đã đi quá giới hạn.
"Mình nghĩ mang bao cao su bên cạnh không có gì là xấu cả. Đó là một cách tự bảo vệ mình khi không thể từ chối anh ấy. Mình biết mẹ sẽ rất lo lắng nhưng mẹ cũng cần hiểu rằng mình đã lớn", H. giãi bày.
Giá như mẹ hiểu con
Bố mẹ nào cũng sẽ lo lắng, hốt hoảng khi tình cờ phát hiện con có bao cao su hay thuốc tránh thai bên mình. Họ nghĩ chỉ người lớn mới được phép làm bạn với những thứ đó. Một số phụ huynh thường quát tháo, tra hỏi và cấm đoán con không được phép quan hệ với người yêu. Chính điều đó khiến cho mối quan hệ mẹ - con trở nên xa cách.
H. chỉ ước sao mẹ có thể nhẹ nhàng, bình tĩnh lắng nghe em giải thích: "Có rất nhiều điều thầm kín mình muốn hỏi mẹ, nhờ mẹ tư vấn nhưng chính thái độ gay gắt, áp đặt của mẹ khiến mình không thể mở lời. Mẹ chưa bao giờ chủ động nói chuyện với mình về vấn đề giới tính cả".
Sau khi đưa cô bạn đi phá thai, H. đã có lần hỏi mẹ rằng nạo phá thai có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ không. Mẹ không trả lời mà còn nặng lời quát tháo: "Mày còn là học sinh hỏi những chuyện đó làm gì? Hay là mày đã làm chuyện gì dại dột? Mẹ là mẹ cấm không có yêu đương gì đâu nhé".
Vì lo lắng cho sức khoẻ của cô bạn, lại không được mẹ giải đáp nên H. đã gọi điện đến trung tâm tư vấn sức khoẻ sinh sản để hỏi. Sự nhẹ nhàng của những tư vấn viên tạo cho H. cảm giác tin tưởng nên em có thể kể hết những chuyện thầm kín.
"Giá như mẹ cũng biết lắng nghe và chia sẻ như các cô ấy thì tốt biết mấy" - H. bộc bạch.
Bao cao su, tại sao không?
Có một người cha đã nói với con thế này "Hãy yêu khi con nghĩ đã tới lúc". Người cha ấy là Philip Van Munching, tác giả của cuốn sách "Nghe bố này con gái". Philip cho rằng các bậc cha mẹ ngày nay nên thẳng thắn nói chuyện với con gái về tất tần tật mọi thứ, cả tình yêu và giới tính. Đó là cách tốt nhất để con cái đủ hiểu biết để yêu và trân trọng bản thân trước những cám dỗ của cuộc sống.
Tình trạng quan hệ tình dục sớm ngày càng phổ biến ở Việt Nam, độ tuổi trung bình khi lần đầu quan hệ ngày càng thấp và hiện đang ở mức "teen". Ở độ tuổi này, kiến thức an toàn tình dục của các em chưa thể ở mức cao. Người Việt vẫn còn tâm lý e ngại, xấu hổ khi phải tới cửa hàng để mua bao cao su về sử dụng.
Các bậc cha mẹ ngày nay nên thẳng thắn nói chuyện với con gái về tất tần tật mọi thứ, cả tình yêu và giới tính. Đó là cách tốt nhất để con cái đủ hiểu biết để yêu và trân trọng bản thân trước những cám dỗ của cuộc sống.
Vậy nên, không có gì khó lý giải khi đây là một trong những nguyên nhân khiến cho tỉ lệ nạo phá thai và mắc bệnh truyền nhiễm nhiều nhất là tập trung về phía những người trẻ tuổi.
Hầu hết mọi người đều hiểu rằng, sử dụng bao cao su là hình thức tình dục an toàn cao nhất, tránh lây nhiễm bệnh tật và có con ngoài ý muốn.
Khi phát hiện con cái có bao cao su, cha mẹ nên bình tĩnh nói chuyện với con. Qua cuộc nói chuyện có thể cung cấp cho con thêm những kiến thức về an toàn tình dục.
"Nói như vậy không phải chúng ta khuyến khích giới trẻ quan hệ tình dục sớm, mà là giúp chúng nhận thức được hành vi, biết hướng tới cách sống lành mạnh", Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Kim Quý - Trung tâm tư vấn Gia đình & Trẻ em (Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam) chia sẻ.
Ham muốn tình dục ở lứa tuổi vị thành niên là ham muốn tự nhiên, không ai có thể ngăn cấm. Thay vì tìm cách cấm đoán thì người lớn nên cung cấp cho giới trẻ những kiến thức để tự bảo vệ mình.
Giống như Philip thủ thỉ với hai cô con gái: "Nếu đợi đến lúc hoàn toàn sẵn sàng để trao gửi cho một ai đó, con sẽ có mối quan hệ tốt đẹp, mỹ mãn hơn. Quan trọng là con có thể duy trì được nó suốt cuộc đời mình."
"Dính vào" và "chơi bời" chỉ dành cho những người chẳng biết gì. Những thứ đó sẽ hạn chế sức mạnh tuyệt vời mà tình dục mang lại. Con hãy yêu đương khi cảm thấy thực sự đã đến lúc!
Theo Vietnamnet