Những điều kinh ngạc về vũ trụ bạn chưa từng nghe qua (phần 1)
Hố trắng có tồn tại hay không? Sao Diêm vương nhỏ hơn nước Mỹ? Vũ trụ luôn có nhiều điều thú vị khiến bạn phải kinh ngạc.
Sao Thủy và sao Kim là 2 hành tinh duy nhất trong Hệ Mặt trời không có Mặt trăng. Tổng số có 176 vệ tinh đã được phát hiện quay quanh các hành tinh trong Hệ Mặt trời của chúng ta và một số vệ tinh thậm chí còn lớn hơn cả sao Thủy.
Hệ Mặt trời của chúng ta đã 4,6 tỷ năm tuổi. Các nhà khoa học ước tính, trong 5 tỷ năm nữa, Mặt trời sẽ mở rộng thành 1 sao lùn đỏ và trong 7,5 tỷ năm nữa, bề mặt của nó mở rộng tới nỗi có thể nuốt chửng Trái Đất vào trong quả cầu lửa khổng lồ.
Bởi vì bề mặt toàn là băng nên Enceladus – một trong những vệ tinh của sao Thổ phản chiếu 90% ánh sáng Mặt trời và nhiệt độ của nó chỉ khoảng âm 200 độ C.
Dải Ngân hà rộng 105.700 năm ánh sáng. Điều đó tức là một phi thuyền hiện đại sẽ phải mất tới 450 triệu năm để đến được trung tâm thiên hà của chúng ta.
Trái Đất là hành tinh duy nhất không được đặt tên theo tên một vị thần. Không ai biết cái tên Earth – Trái Đất ra đời như thế nào. Tất cả những gì chúng ta biết là tên gọi này là sự kết hợp của các từ tiếng Anh và tiếng Đức cổ, nghĩa là mặt đất (ground).
Video đang HOT
Sao Diêm Vương nhỏ hơn cả nước Mỹ. Thực tế là đường xích đạo của sao Diêm Vương nhỏ hơn chiều dài của nước Mỹ.
Theo Toán học, có thể các hố trắng cũng tồn tại mặc dù cho tới nay chúng ta chưa phát hiện ra chúng. Một hố trắng là một khu vực không-thời gian giả định không có bất kỳ thứ gì từ bên ngoài có thể lọt vào được mặc dù vật chất và ánh sáng có thể thoát ra từ bên trong. Về cơ bản, cơ chế của nó ngược với hố đen.
Sao Kim có nhiều núi lửa hơn bất kỳ hành tinh nào khác trong Hệ Mặt trời với khoảng hơn 1.600 ngọn núi lửa nhưng không có ngọn núi lửa nào còn phun trào cho tới ngày nay.
Hệ Mặt trời có 4 hành tinh khí khổng lồ là sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên vương và sao Hải vương. Hành tinh khí được tạo nên chủ yếu từ khí hydro và heli, đồng thời chỉ có một lõi đá tương đối nhỏ.
Chúng ta biết nhiều về sao Hỏa và Mặt trăng còn hơn cả những gì chúng ta biết về các đại dương. Chúng ta có bản đồ đầy đủ 100% bề mặt sao Hỏa và Mặt Trăng trong khi chúng ta mới chỉ có thể vẽ được bản đồ của khoảng 5% thềm đại dương.
Trạm Vũ trụ Quốc tế quay quanh Trái Đất 92 phút/lần.
Các ngôi sao nhấp nháy là bởi đường đi của ánh sáng bị gián đoạn khi nó truyền qua bầu khí quyển Trái Đất.
Nếu nhìn bằng mắt thường, bạn có thể trông thấy 3 – 7 thiên hà từ Trái Đất. Bạn có thể trông thấy thiên hà Tiên nữ (M-31), cả 2 Đám mây Magellan, Dải Ngân hà của chúng ta, thiên hà Tam giác (M-33), thiên hà Omega Centauri và thiên hà elip lùn Nhân mã.
Năm 2016, các nhà thiên văn học phát hiện ra một tín hiệu radio từ một nguồn nào đó cách chúng ta 5 tỷ năm ánh sáng./.
Kiều Anh/VOV.VN
Theo The Fact Site
Thiên hà Tiên Nữ sắp "ăn ngấu nghiến" Dải Ngân hà?
Các nhà thiên văn học dự đoán trong 4 tỷ năm nữa, thiên hà Tiên Nữ - "người hàng xóm" gần nhất và lớn nhất sẽ va chạm với Dải Ngân hà của chúng ta.
Sự vận động của các thiên hà mang tính cạnh tranh hơn là sự hữu hảo. Thiên hà Tiên Nữ từng là một "kẻ phàm ăn" trong quá khứ để có thể trở thành một thiên hà lớn như ngày nay. Thiên hà này được bao quanh bởi những thiên hà nhỏ hơn và có thể nó đã "ăn" hàng trăm thiên hà trong số đó trong vài tỷ năm qua.
Hình ảnh minh họa cho thấy cuộc sáp nhập ngoạn mục giữa Dải Ngân hà và thiên hà Tiên Nữ - "hàng xóm" của chúng ta. Ảnh: NASA
Thiên hà Tiên Nữ từng "ăn" M32p - đây từng là thiên hà lớn thứ 3 chỉ sau Tiên Nữ và Dải Ngân hà. Sự kiện này đã khiến thiên hà Tiên Nữ lớn hơn ít nhất 20 lần so với bất kỳ thiên hà nào từng sáp nhập với Dải Ngân hà.
Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra những vệt sáng mờ của các thiên hà nhỏ hơn mà thiên hà Tiên Nữ từng sáp nhập cách đây 10 tỷ năm khi nó đang hình thành.
"Dải Ngân hà đang trong quá trình va chạm với thiên hà Tiên Nữ trong khoảng 4 tỷ năm nữa. Vì thế, hiểu được thiên hà "quái vật" mà thiên hà chúng ta phải đối mặt sẽ hữu ích trong việc đoán biết được vận mệnh cuối cùng của Dải Ngân hà", Dougal Mackey - nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Australia cho biết.
"Tiên Nữ là một thiên hà lớn hơn nhiều so với Dải Ngân hà nên điều đó cũng có nghĩa là nó sẽ tiếp tục "ăn" nhiều thiên hà nữa, có thể là những thiên hà lớn hơn cả thiên hà của chúng ta", nhà khoa học Dougal Mackey nhận định.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận ra rằng thiên hà Tiên Nữ sáp nhập các thiên hà khác theo những hướng khác nhau và điều này vẫn là một bí ẩn cần giải mã.
Nghiên cứu thiên hà Tiên Nữ có thể giúp chúng ta hiểu hơn về sự tiến hóa của Dải Ngân hà. Bởi chúng ta sống trong Dải Ngân hà nên sẽ gặp khó khăn hơn trong việc nghiên cứu nó, tương tự như việc tìm hiểu về toàn bộ khu rừng khi chúng ta đang đứng ở trong đó vậy.
"Chúng tôi là các nhà khảo cổ học vũ trụ, nghiên cứu "hóa thạch" của các thiên hà đã chết trong một thời gian dài thay vì lịch sử con người", Geraint Lewis giáo sư tại Viện Thiên văn học Sydney thuộc Trường Vật lý Đại học Sydney cho biết.
Tuy nhiên, cuộc đụng độ với thiên hà Tiên Nữ không phải là cuộc va chạm duy nhất mà Dải Ngân hà phải đối mặt. Thiên hà "Đám mây Magellan lớn" (Large Magellanic Cloud) sẽ có một cuộc va chạm ngoạn mục với Dải Ngân hà trong 2 tỷ năm nữa, một nghiên cứu trong Thông báo hàng tháng của Hội Thiên văn Hoàng gia cho biết hồi tháng 1/2019.
Thiên hà của chúng ta được bao quanh là những thiên hà vệ tinh nhỏ hơn với những chuyển động hầu như không bị xáo trộn gì trong hàng tỷ năm qua. Tuy nhiên, đến một thời điểm nào đó, mọi thứ sẽ thay đổi và các thiên hà vệ tinh này có xu hướng chuyển động về phía Dải Ngân hà cho tới khi chúng tự sáp nhập hoặc bị thiên hà của chúng ta "nuốt chửng".
Đám mây Magellan lớn là một thiên hà còn khá mới quay quanh Dải Ngân hà, được hình thành cách đây 1,5 tỷ năm. Đây là thiên hà vệ tinh sáng nhất mà chúng ta biết, cách Dải Ngân hà 163.000 năm ánh sáng. Trước đây, các nhà thiên văn học cho rằng thiên hà này hoạt động một cách im lặng và đang chuyển động xa dần trọng lực của Dải Ngân hà. Tuy nhiên, các số liệu mới đây cho thấy thiên hà vệ tinh nhỏ bé này có thể đang che giấu 1 bí mật lớn và nó có khối lượng lớn hơn nhiều chúng ta ước tính. Điều ấy tức là Đám mây Magellan lớn đang mất dần năng lượng và một ngày nào đó sẽ sáp nhập vào với Dải Ngân hà của chúng ta.
"Sự hủy diệt của Đám mây Magellan lớn khi bị Dải Ngân hà "ăn thịt" sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thiên hà của chúng ta, đánh thức hố đen ở trung tâm thiên hà và biến Dải Ngân hà thành một "nhân thiên hà hoạt động" hoặc một chuẩn tinh", chuyên gia Marius Cautun thuộc Viện Vũ trụ học thuộc Đại học Durham cho biết./.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo vov.vn
Dải Ngân Hà đối mặt với nguy cơ bị người hàng xóm 'ăn thịt', Trái Đất ấn định ngày diệt vong? Trái Đất có thể sẽ không còn dung dưỡng nổi sự sống nếu dải Ngân Hà bị người hàng xóm bạo lực "ăn thịt" trong 4,5 tỷ năm tới. Theo dự đoán của các nhà thiên văn học, thiên hà Tiên Nữ, người hàng xóm bạo lực và phàm ăn nhất sẽ va chạm với dải Ngân Hà trong hơn 4 tỷ năm...