Những điều chưa biết về mối tình đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tuổi 20, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên gặp Nguyễn Thị Quang Thái trong chuyến tàu Vinh-Huế, rồi sau này trở thành người yêu, thành vợ ông.
Đại tướng nói chuyện với đồng bào Điện Biên năm 2004. Ảnh: Đoàn Hoài Trung.
Tuổi 20, ông Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên gặp Nguyễn Thị Quang Thái (em gái ruột của nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai) trong chuyến tàu Vinh-Huế, gặp lại trong tù, rồi gặp lại tại Vinh để sau đó trở thành người yêu, người vợ.
LTS: Không chỉ là người lính, Trung tướng Nguyễn Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, còn gần gũi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp bởi duyên phận “anh em đồng hao” (phu nhân Đặng Bích Hà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân của Trung tướng Nguyễn Hồng Cư là hai chị em ruột).
Trong những ký ức riêng rẽ về tuổi trẻ, đặc biệt những ký ức về cuộc sống riêng, Đại tướng đã chọn người anh em đồng hao của mình nhờ phác bút hồi ký. Năm 2004, Trung tướng Nguyễn Hồng Cư – với sự cộng tác đặc biệt của bà Đặng Bích Hà – đã cho ra mắt tập sách “Đại tướng Võ Nguyễn Giápthời trẻ” được đông đảo bạn đọc mến mộ.
Một phần thú vị của cuốn sách này là những ký ức đặc biệt về “Tuổi 20 của Đại tướng”, trong đó có chuyện kể về cuộc gặp gỡ định mệnh với bà Nguyễn Thị Quang Thái. Đó là người phụ nữ Võ Nguyên Giáp gặp lần đầu tiên trong chuyến tàu Vinh-Huế, gặp lại trong tù khi hoạt động cách mạng, rồi gặp lại Vinh và sau đó trở thành người yêu, người vợ đầu của ông – một người phụ nữ đặc biệt, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động cách mạng của Võ Nguyên Giáp, cho đến khi bà qua đời vì bị giặc bắt cầm tù.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc:
Gặp gỡ
Cô tìm anh để xuất trình giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng.
Lúc ấy, anh Giáp ở trong một ngôi nhà khuất nẻo trong thành nội Huế. Từ cửa Đông Ba đi vào, rẽ trái, ngôi nhà nép sát thành Huế. Trong nhà treo la liệt các bức trướng phúng viếng cụ Phan Chu Trinh. Cô đi ngay vào nhà. Một cô học sinh xinh xắn, giọng nói nhẹ nhàng, âm ấm. Cô có dáng mảnh dẻ, hai con mắt to rất sáng.
“Đôi mắt này mình đã gặp ở đâu nhỉ?”. Anh Giáp thầm nghĩ. Xem thư giới thiệu, anh nhận ra: Đây là Quang Thái, em chị Minh Khai.
Anh Giáp nhớ lại hôm ở cơ quan Liên tỉnh ủy Nghệ – Tĩnh, cán bộ phụ trách cơ quan nói: “Chị Minh Khai có cô em đẹp người, đẹp nết, học giỏi, hoạt động cách mạng hăng hái không kém gì chị”. Lần đầu tiên anh Giáp nghe nói đến Quang Thái. Nhưng lúc đó, anh không chú ý.
Hôm đi từ Hà Nội về, anh gặp hai cô nữ sinh trên chuyến xe lửa Vinh-Huế. Anh quen cô Cầm, em chị Hoàng Thị Hải Đường, và qua cô Cầm biết người cùng đi với Cầm là Quang Thái.
Hôm ấy, anh Giáp mặc âu phục may theo lối ký giả. Anh vui vẻ nói chuyện với hai cô.
Video đang HOT
Gặp Quang Thái lần đầu, anh Giáp có ngay mối cảm tình đặc biệt. Người thiếu nữ ấy có điều gì thu hút tâm hồn anh: dáng vẻ dịu hiền, điềm đạm nhưng không kém phần kiên định, khuôn mặt trái xoan, đặc biệt là hai con mắt rất thông minh. Chia tay, anh Giáp nhớ mãi hai con mắt ấy.
Hôm nay gặp lại, anh Giáp gần như sững sờ. “Đúng là con người ấy, người con gái gặp trên chuyến tàu” – anh thầm nghĩ.
Anh hỏi chuyện:
- Tình hình dạo này thế nào?
Quang Thái đáp:
- Ngoài ấy cũng bị khủng bố. Nhiều cơ sở tan vỡ. Những người tích cực chuyển sang Cộng sản.
Quang Thái vào Huế để đi học. Cô tìm bắt liên lạc với tổ chức để nhận công tác với đoàn thể. Anh Giáp giới thiệu Quang Thái với anh Lê Viết Lượng.
Anh Giáp biết là Quang Thái đã tham gia sinh hoạt Hội học sinh đỏ. Anh mong có dịp gặp lại.
Quang Thái vào học lớp Đệ nhất niên trường nữ học Đồng Khánh niên khóa 1929-1930. Quang Thái học giỏi, bài luôn luôn có điểm chín điểm mười về tất cả các môn học nhưng Quang Thái rất giản dị, kín đáo.
Nhiệm vụ của đoàn thể giao cho Thái là phát triển tổ “nữ sinh đỏ”. Tâm trí của Thái dồn vào việc học và hoạt động bí mật. Thái có đến gặp anh Giáp vài lần ở nơi ở mới của anh tại Đông Ba, nhưng về phía Thái chưa nảy nở tình yêu đáp lại. Người mà Thái ngày đêm thương nhớ là chị Minh Khai, lúc này đã từ biệt gia đình lên đường cứu nước.
Năm học 1930-1931 không yên lặng. Những cuộc bãi công của công nhân Bến Thủy, Trường Thi, những cuộc biểu tình của nông dân Nghệ Tĩnh, phong trào Xô viết dội vào trường. Học sinh chuyền tay nhau những tờ truyền đơn in thạch, giấu kín đem vào nhà xí đọc. Họ hào hứng góp tiền ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ.
Thực dân Pháp đàn áp. Xe hòm đen xông vào trường bắt nhiều học sinh chở lên xe đóng kín đưa đi. Quang Thái bị bắt cùng với chị Nga, chị Lài, chị Lý. Khi anh Giáp hoạt động bị bắt rồi bị tống giam vào nhà lao Thừa Phủ, đi ngang qua trại giam nữ, anh Giáp giật mình: Quang Thái!
Khi đó, trong tù, Quang Thái làm bài thơ, được lưu truyền khắp nhà lao:
Mười sáu xuân qua sống ở đời
Nhân tình nghĩ đến lệ đầy vơi
Trông phường đế quốc lòng ngao ngán
Thấy bạn cần lao dạ rối bời
Quyết chí hy sinh thây kệ chết
Đem lòng phấn đấu mặc đầu rơi
Ngọn cờ vô sản bao giờ phất
Chín suối hồn ta mỉm miệng cười.
Bài thơ khiến anh Giáp càng mến phục Quang Thái.
Tình yêu của họ nảy nở từ những lý tưởng chung về cách mạng…
Theo Xahoi
Chuyện về gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh, Bí thư Quân ủy TW, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và được coi là một trong những danh tướng hàng đầu thế giới nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn là người rất dung dị, đời thường. Đằng sau ánh hào quang của chiến trận oai hùng, người ta vẫn gặp một "anh Văn" rất thương vợ, yêu con.
Nghỉ ngơi mới là... mệt!
Tôi đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư gia của ông ở 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) khi chỉ còn ít ngày nữa là ông bước sang tuổi 104. Đại tá Nguyễn Huyên, Trợ lý Đại tướng cho biết, sức khỏe của ông hiện vẫn ổn. Tuy Đại tướng không còn nói được nhưng ông vẫn nhận biết được những người vào thăm. Đại tá Nguyễn Huyên nói: "Hiện Đại tướng được các bác sỹ Bệnh viện 108 chăm sóc đặc biệt. Phải nói rằng công lao của các y bác sỹ ở đây rất lớn trong việc chăm sóc sức khỏe cho Đại tướng. Họ thay nhau trực bên giường Đại tướng không kể ngày đêm. 24/24h đều có người bên cạnh theo dõi".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911, là một nhà chỉ huy quân sự và nhà hoạt động chính trị Việt Nam. Là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông là chỉ huy chính trong Chiến tranh Đông Dương (1946-1954) và chiến tranh Việt Nam (1960-1975). Ông cũng trực tiếp hoặc tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng như Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950, Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), Chiến dịch Tết Mậu Thân (1968), Chiến dịch năm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh...
Sau khi thông báo về sức khỏe của Đại tướng, Đại tá Nguyễn Huyên kể khá nhiều chuyện khi cụ còn khỏe mạnh. Điều ông ấn tượng nhất ở Đại tướng chính là tinh thần làm việc không ngừng nghỉ. Ông nói: "Cụ là người rất hiếm có. Cụ đã làm việc một cách cần mẫn cả ngày nhưng đêm về cụ lại tiếp tục nghiên cứu. Anh em chúng tôi nhiều lúc nhìn mà xót. Khuyên cụ thi thoảng nên dành cho mình thời gian thảnh thơi để giữ sức khỏe thì cụ bảo: "Cậu tưởng cho mình nghỉ là mình khỏe à? Một ngày mà không có gì vào trong đầu thì còn thấy mệt hơn!".
Mặc dù bận rộn nhưng Đại tướng vẫn luôn cố gắng sắp xếp thời gian để gặp những người dân bình thường nhất. Đại tá Nguyễn Huyên còn nhớ, có lần, đội cảnh vệ vào báo với anh em trong Văn phòng có một người thương binh đến cổng xin được gặp Đại tướng. Do chưa có lịch hẹn nên anh em khá băn khoăn. Thế nhưng, Đại tướng vẫn đồng ý gặp người thương binh ấy. Hóa ra, người thương binh quê ở tận Hải Phòng. Anh bắt xe khách lên Hà Nội và chỉ mong được gặp Đại tướng một lần. Sau khi gặp gỡ, người thương binh ấy đã khóc rưng rức, nói: "Giờ em về quê có chết cũng được rồi. Cả đời em chỉ mong được gặp anh một lần"...
Gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp (năm 1963). (Ảnh tư liệu do gia đình cung cấp)
Đại tá Nguyễn Huyên cũng kể khá nhiều về sở thích của Đại tướng. Cụ sống khá giản dị và có thói quen ăn uống không cầu kỳ. Món mà Đại tướng thường xuyên ăn nhất là thịt kho trứng. Cụ cũng thích nhiều món ăn có xuất xứ từ quê hương Quảng Bình như bánh đa xúc hến, sò huyết nướng và bánh bèo. Đây là những món mà lần nào về quê cụ cũng ăn. Cụ cũng có sở thích trồng phong lan nên đến giờ trong vườn nhà vẫn còn hàng trăm giò phong lan. Chỉ tiếc rằng, chủ nhân của những giò lan ấy giờ không còn có thể trực tiếp hàng ngày chăm sóc, tưới tắm và ngóng đợi từng bông hoa bừng nở nữa.
Người chưa bao giờ cáu giận vợ con
Xuất thân là một giáo viên dạy sử, nhà báo, ông trở thành một chính trị gia và tướng lĩnh quân sự nổi bật trong lịch sử Việt Nam với các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết hôn lần đầu với bà Nguyễn Thị Quang Thái (em gái nhà yêu nước Nguyễn Thị Minh Khai). Bà Quang Thái trở thành liệt sỹ năm 1946 và để lại một người con gái là Giáo sư Võ Hồng Anh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp tái hôn với bà Đặng Bích Hà, con gái Giáo sư Đặng Thai Mai. Bà Hà sinh được 4 người con cùng Đại tướng gồm 2 trai 2 gái. Hiện cả 4 người con này đều rất thành đạt.
Bà Đặng Bích Hà vẫn thường dành sự chăm sóc đặc biệt cho chồng. Ảnh: TL
Tính đến giờ, đã 4 năm Đại tướng phải nằm trên giường bệnh. Bà Đặng Bích Hà cùng các con cháu vẫn thường xuyên vào viện thăm. Nhắc đến bà Đặng Bích Hà, Đại tá Nguyễn Huyên cho biết đó là một người phụ nữ cư xử rất khéo léo và đúng mực. Ngay kể cả với người con riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Giáo sư Võ Hồng Anh, bà cũng chăm sóc rất chu đáo và đối xử công bằng như với 4 người con ruột khác.
Có lẽ, chính vì thế mà suốt hơn 40 năm làm việc cận kề Đại tướng, người cộng sự này chưa bao giờ thấy Đại tướng cáu bẳn hay to tiếng với vợ con. Mỗi lần có chuyện gì không hài lòng, Đại tướng thường rất nhỏ nhẹ nhắc nhở. Theo Đại tá Nguyễn Huyên, Đại tướng cũng là người hết mực yêu thương vợ con. Tuy một tay bà Hà chăm sóc các con nhưng cụ vẫn là người luôn định hướng, nhắc nhở các con.
Linh tính người cha trong bậc thầy quân sự
Anh Lê Văn Hải, một cán bộ giúp việc trong Văn phòng Đại tướng cũng bảo bà Đặng Bích Hà là một người phụ nữ rất đặc biệt trong mắt anh. Bà tuy là phu nhân của một vị lãnh đạo cấp cao như Đại tướng nhưng lại có phong thái vô cùng mộc mạc, giản dị và cởi mở. Anh Hải cũng đã có thâm niên hơn 20 năm công tác tại Văn phòng Đại tướng. Tuy còn trẻ tuổi nhưng theo thói quen, anh vẫn thường gọi Đại tướng là "anh Văn" - cái tên trìu mến và gần gũi mà cán bộ, anh em thường gọi.
Đại tướng và con gái Võ Hồng Anh. Ảnh: TL
Không chỉ anh Hải mà rất nhiều người gần cận đều ấn tượng về tình yêu thương vô bờ bến với con cái của Đại tướng. Ngày Giáo sư Võ Hồng Anh, con gái của Đại tướng ra đi mãi mãi (năm 2009) thì Đại tướng đang nằm điều trị trong Bệnh viện 108. Ấy là do trong một lần đi họp, cụ bị vấp phải cái thảm nên bắt đầu vào nằm điều dưỡng trong Bệnh viện 108. Khi ấy cụ còn khá khỏe. Lúc cô Hồng Anh bắt đầu bị bệnh, cả nhà lo lắng nhưng giấu Đại tướng. Đến hôm cô mất, cả nhà vẫn không ai nói cho cụ biết nhưng chẳng hiểu linh tính sao, tối ấy anh Hải vào thăm cụ thì đột nhiên cụ hỏi: "Hải, ở nhà có việc gì không?". Anh Hải quay mặt đi nơi khác trả lời: "Dạ, mọi thứ vẫn bình thường anh ạ!". Thế nhưng, cứ một lát sau cụ lại nhắc lại câu hỏi ấy. "Đến lúc tôi về, ra đến cửa, cụ lại gọi giật lại: "Hải, lại đây anh hỏi!". Và đến lần thứ 5, vẫn một câu hỏi ấy: "Ở nhà có việc gì không?". Tôi vẫn không dám nói... Cho đến hôm sau thì gia đình mới quyết định cho cụ biết vì không thể giấu mãi. Có lẽ, bằng trực giác của người cha mà cụ linh tính có việc gì đó. Cụ thương cô Hồng Anh lắm. Cụ thương cô ấy vì mẹ mất sớm, ngày nhỏ lại không được gần cha mẹ... Sau ngày cô mất, cụ buồn lắm" - Anh Hải nghẹn ngào kể lại!
Sau lần đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải nằm trên giường bệnh với chế độ chăm sóc đặc biệt cho tới nay. Ngày 25/8 tới đây là sinh nhật lần thứ 104 của Đại tướng, người cha, người anh của quân đội anh hùng. Sự tôn kính mà thế giới cũng như đồng bào trong nước dành cho anh Văn vẫn mãi còn đó, không chỉ bởi đó là một vị tướng tài ba lỗi lạc mà còn bởi phong cách sống, những tình cảm đời thường dung dị trong đối nhân xử thế với bè bạn, gia đình và thuộc cấp của ông.
"Anh Văn có thói quen ăn nhẹ giữa bữa. Thông thường, đó là việc của anh em phục vụ. Tuy nhiên, bà cũng thường xuyên tự mình làm những việc đó như một cử chỉ ân tình với chồng. Đi đâu thì thôi chứ ở Hà Nội, dù có cách xa mấy, đến giờ là bà Hà lại mang bữa ăn lên cho Đại tướng. Trong gia đình, bà có công rất lớn trong việc chăm sóc và dạy bảo các con. Gia đình đầm ấm lắm. Tôi ấn tượng nhất là cảnh mỗi lần con cháu của Đại tướng gặp gỡ là lại chạy đến thơm lên má ông rất vui vẻ. Đó là hình ảnh không phải gia đình nào cũng có được". (Anh Lê Văn Hải, cán bộ giúp việc kề cận Đại tướng Võ Nguyên Giáp)
Theo 24h
Trung tâm Sài Gòn kẹt cứng vì cây xanh ngã đè taxi Trong cơn mưa chiều 11/9, một cây lim lớn đã bị bật gốc, đổ đè vào chiếc taxi đang chở khách trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP HCM) khiến hàng nghìn phương tiện kẹt cứng. 16h30 trời mưa, anh Lê Ngọc Thắng (27 tuổi, ngụ quận 12) chạy xe taxi 7 chỗ chở hai khách nước ngoài đi trên đường...