Những điều chưa biết về điều tra dịch tễ
Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, người ta thường chú ý đến lực lượng bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân, mà ít ai biết rằng lực lượng điều tra dịch tễ vẫn đang âm thầm, ngày đêm làm công việc của mình nhằm ngăn chặn, hạn chế tốt nhất việc lây lan ra cộng đồng.
Từ ngày có dịch, các cán bộ ngày nào cũng giao ban để đánh giá tình hình
Bác sĩ điều trị làm công việc của mình khi có bệnh nhân. Còn cán bộ điều tra dịch tễ là những người đi trước và đi sau dịch một bước. Công việc của họ khá vất vả khi phải nắm tình hình và điều tra từng người mà bệnh nhân tiếp xúc, khảo sát, nắm bắt tình hình và tư vấn những quyết định về vùng dịch đó. Công việc của họ âm thầm lặng lẽ, nhưng lại có ý nghĩa ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan.
Lặng lẽ, âm thầm
Theo tìm hiểu, từ trước khi có dịch, để đảm bảo an toàn và không để bệnh lây lan, ngành Y tế đã tiến hành điều tra dịch tễ những người tiếp xúc để theo dõi tình hình dịch bệnh. Điều tra dịch là tổ chức và tiến hành thu thập đầy đủ thông tin dịch tễ học cần thiết về cường độ và sự phân bố bệnh trong cộng đồng nhằm đạt được mục tiêu của dịch tễ học.
Cũng là cơ sở khoa học để chứng minh nguồn lây và tác nhân gây dịch, phương thức lây truyền dịch, sự phân bố dịch theo thời gian, địa điểm, con người. Từ đó, lựa chọn biện pháp can thiệp hợp lý, hiệu quả nhất.
TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), cho biết: “Ở đơn vị chỉ có một, hai người trực thôi, còn các cán bộ khác đang đi thực địa để điều tra dịch tễ”.
Bác sĩ Thái cho biết thêm, thời gian qua, Khoa đã tổ chức 6 đội cơ động, không được phép gián đoạn liên lạc để sẵn sàng lên đường tới các điểm dịch thực hiện công việc của mình. “Công việc của chúng tôi là điều tra, giám sát, cảnh báo, lấy mẫu xét nghiệm và sàng lọc thông tin từ tất cả các nguồn. Mỗi ngày chúng tôi nhận dồn dập rất nhiều loại thông tin và trách nhiệm của cán bộ ở đây là phải sàng lọc, nhận biết chỗ nào cần phải điều tra, phải cách ly…”, bác sĩ Thái chia sẻ.
Giải thích thêm về công việc rất đỗi lặng lẽ ấy, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm cho hay, khi nhận được thông tin là ở đâu đó có trường hợp người từ Hàn Quốc về thì cán bộ của Khoa phải biết được chính xác người đó ở đâu về, tiếp xúc với ai, có thuộc diện cần phải cách ly hay cần phải lấy mẫu xét nghiệm không… Nếu cần thì sẽ tiến hành lấy mẫu.
Từ trước Tết cổ truyền, Khoa đã thành lập các đội cơ động để lên đường tới vùng dịch bất cứ lúc nào. Do đó, ngay cả những ngày nghỉ Tết, đêm Giao thừa không có cán bộ nào nói nhà em có việc bận, con nhỏ, xin khất, thậm chí, nhiều người xung phong. Đến hôm nay, ngay cả khi ở Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên ( Vĩnh Phúc) tất cả các bệnh nhân dương tính với Covid-19 đã khỏi bệnh nhưng vẫn có một đoàn học viên, tình nguyện viên của Viện và một số Viện ở các tỉnh lân cận đang phối hợp với cán bộ điều tra dịch tễ đang nằm vùng ở xã Sơn Lôi do PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương lãnh đạo, để điều tra lại một cách tổng thể, toàn bộ các đối tượng với mục đích truy tìm ra những gì còn chưa hiểu để có biện pháp phòng chống tốt hơn.
Video đang HOT
Rất may chúng ta đã tạm yên tâm về vùng dịch ở Vĩnh Phúc khi đến nay chưa phát sinh ca bệnh mới. Nhưng với dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn có thể sẽ tiếp tục phải đối mặt với trường hợp mắc bệnh xâm nhập từ nước ngoài vào vùng dịch từ châu Á đã lan sang Âu và tiếp tục tới Trung Đông. Các cán bộ trong Khoa đều xác định phải luôn sẵn sàng vì làm sao biết được người nào đó là nguy cơ. Hiện nay chỉ biết trông chờ giám sát, thông tin, tự khai báo của người từ vùng dịch trở về.
Cán bộ điều tra dịch tễ
Vẫn còn quá sớm để… “ăn mừng”
Ngoài việc theo dõi dựa vào khai báo thì cán bộ dịch tễ còn theo dõi dịch tễ bệnh nhân đến khám tại các bệnh viện. Có bệnh nhân không có dấu hiệu tiếp xúc ca bệnh, không từ vùng dịch về nhưng bị viêm phổi nặng đều phải đi lấy mẫu để xét nghiệm. “Nếu bệnh nhân đe dọa tử vong thì chúng tôi phải đi lấy mẫu trong đêm, vì nếu tử vong sẽ không kịp lấy mẫu.
Cũng may tất cả những ca bệnh này đều có kết quả xét nghiệm âm tính nên diễn biến dịch không có yếu tố bất ngờ. Vì khi các bệnh nhân không tiếp xúc với người bệnh, không trở về từ vùng dịch mà kết quả xét nghiệm dương tính thì sẽ khó cho công tác điều tra dịch tễ, hành trình tiếp xúc của bệnh nhân, công tác ngăn chặn, phòng chống dịch. Do đó, để tránh điều này xảy ra, các cán bộ đã phải làm việc hết công suất”, bác sĩ Thái chia sẻ.
Không ít cán bộ sau khi điều tra dịch tễ về cũng “phát sốt” khi nghe tin bệnh nhân có kết quả dương tính. Đó là một lái xe sau khi trở về từ vùng dịch Sơn Lôi và một nữ bác sĩ của Khoa, một phần vì do áp lực công việc, mỗi ngày phải điều tra tới 20 người, từ 8h sáng tới 9h tối; một phần vì áp lực tâm lý chứ không phải vì lây bệnh Covid-19. Ngoài ra, các bác sĩ khác khi đi về từ vùng dịch cũng phải đeo khẩu trang liên tục, về nhà phải vào phòng riêng để tự cách ly.
Nói thêm về “chiến thắng” ở Sơn Lôi, bác sĩ Thái cho rằng, sự xuất hiện đội “cơ động” và sự hỗ trợ của các đoàn công tác chuyên môn của Trung ương đã giúp địa phương không bị lúng túng trong công tác thu dung bệnh nhân ra sao, ai cần đưa vào khu cách ly, điều tra tiếp tục như thế nào, phát hiện bệnh nhân mới, cô lập ra sao… từ đó góp phần ngăn chặn không cho dịch lan rộng, và kết quả là dịch chỉ dừng lại ở đó, không có ca tự phát.
Cho tới thời điểm này, chúng ta có thể tự hào về việc thực hiện phòng chống dịch Covid-19 một cách bài bản, hiệu quả, nhưng vẫn còn quá sớm để “ăn mừng” và các bác sĩ, cán bộ của Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm vẫn sẽ tiếp tục phải căng mình “chiến đấu”, lăn xả vào các vùng dịch mới.
Một cán bộ trong điều tra dịch tễ cho biết, việc đi trước và sau dịch, là mũi tiên phong chịu trách nhiệm nặng nề để chứng minh nguồn lây và tác nhân gây dịch, phương thức lây truyền dịch, sự phân bố dịch theo thời gian, địa điểm, con người. Từ đó, lựa chọn biện pháp can thiệp hợp lý, hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc dịch bệnh, thế nhưng mọi thứ đó không đáng sợ bằng ánh mắt, nhận định của người dân khi biết mình trở về từ vùng dịch. Họ lo lắng khi tiếp xúc với những y, bác sĩ từ vùng dịch hay điều trị cho người mắc bệnh.
Năm nay các y, bác sĩ trải qua một năm mới đặc biệt, đầy vất vả khi Tết đã không được nghỉ vì trực, chống dịch và lặng lẽ đi qua Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 vì Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng như nhiều bệnh viện, cơ sở y tế công bố không tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm để tập trung phòng chống dịch.
Bích Vân
Theo baophapluat
Cách ly phòng dịch Covid-19: Chuyện từ Sơn Lôi
Ngày 25-2, đã là ngày thứ 13 người dân Sơn Lôi thực hiện quyết định cách ly. "Nội bất xuất-ngoại bất nhập", cuộc sống của người dân tuy có nhiều xáo trộn nhưng chính quyền địa phương cũng như ngành y tế đảm bảo mọi điều kiện thuận tiện nhất cho người dân từ sinh hoạt đến việc chăm sóc sức khỏe với các bệnh thông thường.
Chia sẻ tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ Y tế tổ chức ngày 25-2, đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc-nơi có xã Sơn Lôi là tâm dịch được cách ly đã nói về những kinh nghiệm mà địa phương thực hiện trong thời gian qua.
Theo đó, để thực hiện chặt chẽ việc khoanh vùng kiểm soát dịch bệnh quy mô toàn bộ xã Sơn Lôi, xã đã kiểm soát chặt chẽ người ra vào vùng có dịch; không cho người ở địa phương khác đến vùng có dịch-trừ trường hợp đặc biệt và phải có sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền.
Đồng thời, cũng hạn chế tối đa người trong xã có dịch ra ngoài trừ trường hợp thực sự cần thiết thì phải xin ý kiến và được sự đồng ý của tổ công tác. Tất cả các lối ra, vào xã được kiểm soát với 12 chốt. Xã cũng không tập trung đông người, không tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi và lễ hội. Các trường học trên địa bàn xã có dịch cho nghỉ học trong thời gian có dịch.
Cách ly xã Sơn Lôi là quyết định trách nhiệm, kịp thời và dũng cảm ngăn chặn được nguồn lây nhiễm. Ảnh: L.H
Về công tác chuyên môn kỹ thuật: Xã đã rà soát, lập danh sách với tất cả các trường hợp tiếp xúc với người nghi nhiễm hoặc xác định mắc bệnh. Tổ chức cách ly triệt để người tiếp xúc gần không được đi đâu ra khỏi địa điểm cách ly; cán bộ y tế theo dõi sức khỏe ngày 2 lần và báo cáo trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên. Nếu có kế hoạch cách ly, yêu cầu chính quyền cưỡng chế cách ly. Giám sát chặt chẽ hàng ngày tại tất cả các hộ gia đình trong ổ dịch. Phân công cán bộ đến từng hộ gia đình, lập danh sách từng người trong hộ gia đình trên toàn xã.
Theo vị đại diện này, cán bộ phụ trách 2 ngày đến đo thân nhiệt, kiểm tra tình hình sức khỏe của người được theo dõi và sự có mặt có những người này tại địa phương. Nếu phát hiện bất kỳ ai có biểu hiện sốt, ho hắt hơi, mệt mỏi, đau người, khó thở thì lập tức cho đi cách ly tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm ngay; xử lý môi trường, ổ dịch theo quy định. Công tác tuyên truyền cho cộng đồng về trách nhiệm công dân trong phòng dịch là để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng cũng được thực hiện thường xuyên.
Đặc biệt, bên cạnh việc đảm bảo cách ly, phòng ngừa người dân khỏi dịch Covid-19 thì vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn cũng được quan tâm. Ngành y tế Vĩnh Phúc đã thiết lập điểm khám điều trị tại xã. Nguyên tắc những người nghi nhiễm Covid-19 thì khám riêng tại trạm y tế khu vực xã Sơn Lôi, không được đi ra ngoài.
Trạm Y tế được trang bị máy móc thiết bị và cán bộ y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh tăng cường hỗ trợ trạm y tế. Vì vậy, việc khám chữa bệnh thông thường được thực hiện ngay tại trạm y tế, tương đương phòng khám đa khoa với đủ chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi.
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cách ly được triển khai theo hình thức mỗi thôn thành lập đội liên ngành đủ các cơ quan đoàn thể làm thành viên. Hàng ngày kiểm tra, đội liên ngành đi giám sát, đôn đốc, tuyên truyền về dịch bệnh tại các thôn, tổ xóm. Đồng thời, theo dõi sự vắng mặt di chuyển của những người trong ổ dịch, báo cáo hàng ngày cho UBND xã và tổ y tế.
Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia quyết liệt phòng dịch tại Sơn Lôi nên đến nay, qua 11 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới, công tác cách ly vẫn được tiếp tục.
Là người trực tiếp cắm chốt tại tâm dịch Sơn Lôi, PGS-TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương-Tổ trưởng Tổ công tác của Ban chỉ đạo quốc gia về dịch Covid-19 nhớ lại: Sơn Lôi 2 tuần trước là tâm điểm dịch, có biểu hiện lây lan trong cộng đồng. Điều này đặt ra vấn đề uy hiếp lớn lây lan dịch từ địa phương này ra các tỉnh xung quanh Vĩnh Phúc và các địa phương trong cả nước vì sự di chuyển, giao lưu của người từ vùng có dịch ra bên ngoài là rất phức tạp không kiểm soát được.
"Chúng tôi cho rằng quyết định thực hiện khoanh vùng cách ly y tế xã Sơn Lôi là trách nhiệm, kịp thời, dũng cảm. Việc cách ly không chỉ chống dịch riêng cho Vĩnh Phúc mà còn với cả các tỉnh khác trên cả nước. Chúng ta nên cảm ơn người dân Vĩnh Phúc, người dân Sơn Lôi", TS. Trần Như Dương bày tỏ.
Nhìn lại thời gian thực hiện cách ly vùng dịch Sơn Lôi đã qua, TS. Trần Như Dương cho biết: Để ngăn chặn phải phát hiện nguồn lây và cô lập. Việc giám sát ca nghi ngờ sớm nhất để cách ly là cực kỳ quan trọng. Hàng ngày nhóm cán bộ giám sát thực hiện đo thân nhiệt từng người, từng nhà. Khi phát hiện nghi mắc thì cho bệnh nhân đeo khẩu trang và và đưa đi cách ly ngay tại Phòng khám đa khoa Quang Hà ở một khu riêng biệt với khu điều trị bệnh nhân xác định dương tính.
Để chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân thì tổ công tác đã phân công cán bộ trung tâm kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh, huyện cắm chốt 24/24g nắm thông tin dịch bệnh; bố trí sẵn 2 xe cứu thương: 1 xe để chuyên chở người dân khi có vấn đề về sức khỏe; 1 xe chở bệnh nhân nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 và 2 xe này được sử dụng riêng biệt.
Phong Châu
Theo PL&XH
Người phải cách ly trong dịch Covid-19 được phân loại thế nào? Theo PGS.TS Trần Như Dương, các nhóm cách ly được phân loại rõ ràng. Điều đó góp phần quan trọng trong việc quản lý dịch bệnh ở xã Sơn Lôi. Sáng 25/2, tại cuộc họp trực tuyến với 700 điểm cầu toàn quốc để triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng, chống dịch Covid-19, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện...