Những điều cần biết về biến thể mới ở Nam Phi đang khiến thế giới lo ngại
Các nhà khoa học Nam Phi đã xác định được một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có những đột biến khác với chủng virus SARS-CoV-2 gốc được phát hiện ở tỉnh Vũ Hán (Trung Quốc).
Người dân xếp hàng bên ngoài một trung tâm tiêm vaccine ở Cape Town, Nam Phi. Ảnh: Reuters
Theo trang The Guardian (Anh), hôm 30/8, Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm ở Nam Phi (NICD) đã đưa ra cảnh báo về C.1.2 và cho biết biến thể này đã được phát hiện ở tất cả các tỉnh trong cả nước, nhưng với tỉ lệ tương đối thấp.
Cảnh báo cho biết biến thể C.1.2 được phát hiện lần đầu tiên hồi tháng 5, trên phần lớn các tỉnh ở Nam Phi và ở 7 quốc gia khác trải dài khắp châu Phi, châu Âu, châu Á và châu Đại Dương. Tuy nhiên, Delta vẫn là biến thể lây lan chủ yếu ở Nam Phi và trên thế giới.
Biến thể C.1.2 đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học vì dù có tỉ lệ lây nhiễm thấp, nhưng nó sở hữu các đột biến trong bộ gien tương tự như những đột biến được phát hiện trong các biến chủng đáng lo ngại khác, như Delta, cũng như một số đột biến bổ sung.
C.1.2 có đáng lo ngại?
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa liệt kê C.1.2 là biến thế đáng lo ngại hay biến thể đáng quan tâm. Hiện NICD vẫn tiếp tục theo dõi mức độ lây lan của C.1.2 và xác định cách thức hoạt động của biến thể này. Các nhà khoa học đang tiến hành thử nghiệm đánh giá tác động các đột biến của biến thể C.1.2 với khả năng lây nhiễm và khả năng kháng vaccine. Cho đến nay, biến thể này vẫn chưa đáp ứng các tiêu chí của WHO để đủ điều kiện trở thành “biến thể đáng quan tâm” hoặc “biến thể đáng lo ngại”.
Biến thể đáng lo ngại – chẳng hạn như Delta – là những biến thể có khả năng lây truyền, độc lực hoặc thay đổi triệu chứng bệnh lâm sàng ở mức cao. Những biến thể này cũng có thể làm giảm hiệu quả của các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng.
Video đang HOT
Biến thể đáng quan tâm là những biến thể được chứng minh có khả năng lây lan tạo ra nhiều ổ dịch trong cộng đồng và đã được phát hiện ở nhiều quốc gia, nhưng không nhất thiết được chứng minh là có độc lực cao hoặc dễ lây lan hơn.
Tại sao chuyên gia đưa ra cảnh báo với biến thể C.1.2?
Tiến sĩ Megan Steain, nhà virus học và giảng viên miễn dịch học và bệnh truyền nhiễm tại Trường Đại học Sydney, cho biết cần đưa ra cảnh báo với biến thể C.1.2 là do biến thể này chứa nhiều đột biến đặc biệt.
Chủng C.1.2 có tỉ lệ khoảng 41,8 lần đột biến mỗi năm. Ảnh: Reuters
“C.1.2 chứa khá nhiều đột biến đặc biệt mà chúng tôi từng thấy trong các biến thể đáng lo ngại hoặc đáng quan tâm khác. Bất cứ khi nào phát hiện những đột biến này, chúng tôi cần theo dõi xem chúng sẽ hoạt động như thế nào, chúng có ảnh hưởng đến việc né phản ứng miễn dịch hay lây lan nhanh hơn hay không”, Tiến sĩ Steain nói và cho biết việc thực hiện nghiên cứu này trong phòng thí nghiệm sẽ mất khá nhiều thời gian.
Ngoài ra, biến thể này chứa nhiều đột biến nhất so với chủng virus SARS-CoV-2 gốc ở Vũ Hán, Trung Quốc. C.1.2 có tỉ lệ khoảng 41,8 lần đột biến mỗi năm, gần gấp đôi tốc độ của các biến thể khác. Nó chứa những đột biến đáng lo ngại, trong đó có khả năng xoá mã gien di truyền bên trong protein gai – phương tiện để virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào người – khiến nó trở nên khó đánh bại hơn.
C.1.2 có khả năng biến mất hay không?
Câu trả lời là có. Các biến thể COVID-19 luôn xuất hiện và nhiều biến thể trong số đó có khả năng biến mất trước khi lây lan rộng rãi. Nhiều biến thể virus có khả năng sống sót rất mong manh.
“C.1.2 sẽ rất khó có thể cạnh tranh với Delta trong giai đoạn này,” bà Steain khẳng định. “Tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn đang ở thời điểm mà biến thể này có thể biến mất, tỉ lệ lây lan rộng rãi thực sự rất thấp”.
Bà nói thêm: “Chúng tôi đã chứng kiến điều này với biến thể Beta và các biến thể đáng quan tâm khác. Thậm chí các biến thể đó ở những khu vực có cơ hội lây lan khá tốt, nhưng sau đó, chúng đã không thể sống sót theo thời gian và bị lấn át bởi các biến thể đáng quan tâm khác có khả năng lây nhiễm nhanh hơn. Và vì vậy về cơ bản chúng chỉ biến mất . Điều đó cũng có thể dễ dàng xảy ra với C.1.2″.
Biến thể C.1.2 có khả năng kháng vaccine không?
Một nhân viên y tế tiêm vaccine Johnson&Johnson cho một phụ nữ ở Houghton, Johannesburg, Nam Phi hôm 20/8. Ảnh: Reuters
Tiến sĩ Steain cho biết các nhà khoa học có thể đưa ra phỏng đoán khoa học dựa trên một số đột biến có trong biến thể C.1.2. Những đột biến này tương tự các đột biến ở biến chủng khác như Beta, Delta.
“Chúng tôi nghĩ rằng có lẽ kháng thể trong huyết thanh sẽ không vô hiệu hóa được chủng virus này cũng như ngăn ngừa các biến chủng ban đầu. Nhưng cho đến khi hoàn thành những thử nghiệm, điều này thực sự vẫn chỉ là suy đoán. Chúng tôi phải lưu ý rằng cho đến nay vaccine đang hoạt động rất tốt về mặt ngăn ngừa mắc bệnh nặng, nhập viện và tử vong khi nhiễm các biến thể COVID-19″, bà nhấn mạnh và cho rằng chúng ta không cần quá hoảng sợ.
Trong khi đó, NICD cho biết các nhà khoa học đang thận trọng nghiên cứu về những tác động của biến thể C.1.2, đồng thời tiến hành thu thập thêm dữ liệu để tìm hiểu về chủng virus này.
“Dựa trên hiểu biết của chúng tôi về các đột biến trong biến thể này, chúng tôi nghi ngờ C.1.2 có thể né được một phần phản ứng miễn dịch. Dù vậy, vaccine vẫn sẽ cung cấp mức độ bảo vệ cao ngăn ngừa việc nhập viện và tử vong”, viện nghiên cứu cho biết.
Nam Phi xác định biến thể mới của virus SARS-CoV-2
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, các nhà khoa học Nam Phi đã xác định được một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có những đột biến khác với virus ban đầu được phát hiện ở tỉnh Vũ Hán (Trung Quốc).
Đáng chú ý, biến thể này có nhiều đột biến hơn mọi biến thể đã được phát hiện từ trước đến nay trên toàn thế giới.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Richmond, Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo báo cáo chưa được công bố chính thức từ Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm (NICD) và Cơ quan đổi mới nghiên cứu và giải trình tự gene của tỉnh KwaZulu-Natal, biến thể mới thuộc nhóm biến thể tiềm năng cần quan tâm (VOI), được gán cho dòng PANGO C.1.2, gọi tắt là C.1.2. Biến thể này đã phát triển từ C.1, một trong những dòng virus truyền thống đã hoành hành trong làn sóng lây nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Nam Phi vào năm ngoái và được phát hiện lần cuối vào tháng 1/2021.
C.1.2 lần đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Mpumalanga và tỉnh Gauteng của Nam Phi hồi tháng 5/2021 khi quốc gia này đang gồng mình chống lại làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 3. Cho đến nay, biến thể này đã được phát hiện tại phần lớn các tỉnh ở Nam Phi và ở 7 quốc gia khác trải dài khắp châu Phi, châu Âu, châu Á và châu Đại Dương.
Theo nghiên cứu, C.1.2 có 41,8 đột biến mỗi năm. Tốc độ lây lan của biến thể này nhanh hơn khoảng 1,7 lần so với tốc độ toàn cầu hiện tại và nhanh hơn 1,8 lần so với ước tính ban đầu về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2. Tính đến ngày 20/8, 80 trình tự khớp với dòng C.1.2 đã được liệt kê trên cơ sở dữ liệu truy cập mở GISAID (Sáng kiến toàn cầu về chia sẻ dữ liệu cúm gia cầm).
Thứ trưởng Y tế Nam Phi Anban Pilla cho biết sự phổ biến của biến thể mới trong các mẫu đã được thử nghiệm "ở giai đoạn này là rất thấp". Tuy nhiên, số lượng bộ gene C.1.2 được giải trình tự ở Nam Phi đã tăng lên hàng tháng tương tự như những gì được quan sát trong những ngày đầu của các biến thể Beta và Delta. Vào tháng 5/2021, C.1.2 chiếm 0,2% tổng số bộ gene được giải trình tự. Vào tháng 6, con số đó đã tăng lên 1,6% và đến tháng 7 là 2%.
Theo các nhà nghiên cứu, các số liệu hiện có "rất có thể là sự trình bày không đầy đủ về sự lây lan và tần suất của biến thể này ở Nam Phi và trên toàn cầu".
Cathrine Scheepers, một trong những tác giả chính của nghiên cứu, cho biết biến thể mới "có thể xuất hiện sau một đợt nhiễm COVID-19 kéo dài và tích lũy thêm các đột biến, có khả năng thoát khỏi phản ứng miễn dịch".
Chủ tịch Ủy ban cố vấn quốc gia về vaccine Nam Phi, Giáo sư Barry Schoub khẳng định C.1.2 vẫn đang được điều tra kỹ lưỡng, và vẫn còn phải xem xét liệu biến thể này có thể nguy hiểm hơn các biến thể khác đang được quan tâm hay không.
Thế giới chạy đua nghiên cứu về biến chủng SARS-CoV-2 mới ở Nam Phi Các nhà nghiên cứu di truyền học thế giới đang chú ý tới biến chủng mới của Covid-19, tên gọi C.1.2, sau khi nó xuất hiện tại hầu hết các tỉnh của Nam Phi và 7 nước khác trên thế giới. Người dân xếp hàng chờ tiêm chủng tại một trung tâm ở Cape Town, Nam Phi (Ảnh: Reuters). Các nhà khoa học...