Những điều bất ngờ từ vụ nước sạch Sông Đà bị “đầu độc”
Từ vụ “đầu độc” nguồn nước sạch Sông Đà, PV Dân Việt vào cuộc tìm hiểu đã phát hiện ra “cuộc chiến” tranh giành hồ Đầm Bài ( Kỳ Sơn, Hòa Bình), nơi đóng vai trò là hồ chứa và sơ lắng nước trước khi đưa về xử lý ở nhà máy nước sạch sông Đà.
Hồ Đầm Bài được Nhà máy nước sông Đà dùng làm bể lắng cho sản xuất nước nhưng cũng là hồ cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp của nhiều xã tại Kỳ Sơn, Hòa Bình (Ảnh: HH)
Kỳ 1: “Cuộc chiến” giành nguồn nước hồ Đầm Bài
UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị Viwasupco không sử dụng hồ Đầm Bài để chứa nước trung chuyển, sơ lắng, dự trữ nước thô như hiện tại. Bởi hồ này quá rộng (69 ha) và diện tích lưu vực lớn (16 km2); hệ thống nhiều suối nhỏ dẫn nước vào gây khó cho việc bảo vệ vùng hồ và kiểm soát chất lượng các nguồn nước đổ về đây.
Nước đầu nguồn đã đảm bảo?
Trở lại Nhà máy nước Sông Đà sáng ngày 24/10, chúng tôi đã ghi nhận được hoạt động của Nhà máy này đã quay trở lại như ngày thường. Tuy nhiên, khi liên hệ với lãnh đạo thì bảo vệ và Trưởng phòng hành chính tên Văn của công ty cho biết “lãnh đạo đi vắng” rồi cúp máy.
Màng lọc dầu thải của Trung tâm SOS vẫn đang được khắc phục sự cố, ảnh chụp ngày 24/10. (Ảnh: PL)
Cũng tại đây, một cán bộ của Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (Trung tâm SOS) cho biết, đang chờ tạnh mưa để đưa các chất vi sinh lên khu vực bị đổ dầu thải để xử lý môi trường. Ngoài ra, nguồn nước đang dùng màng lọc dầu nhiều lớp, thành phần dầu lơ lửng trong nước gặp màng lọc sẽ bị chặn lại.
Phóng viên đặt câu hỏi với vị cán bộ này là sự cố ô nhiễm đã xử lý triệt để chưa, dầu còn tiếp tục chảy vào dòng nước hay không? Các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm SOS cho biết: “Việc xử lý triệt để hay chưa thì không ai dám khẳng định ở thời điểm này. Chúng tôi cũng không phải là người phát ngôn nên các anh phải hỏi lãnh đạo của công ty chúng tôi và lãnh đạo Nhà máy nước sông Đà”.
Cán bộ của Trung tâm SOS cho biết không ai dám khẳng định an toàn hay chưa (Ảnh: HH)
Tại đoạn kênh dẫn nước từ hồ Đầm Bài vào Nhà máy nước sạch sông Đà, theo ghi nhận của PV, đoạn kênh này đã được dựng hàng rào thép gai nhưng lại không be kín hết 2 bên bờ nên đàn dê tha hồ đi lại, kiếm ăn trên đoạn kênh này. Phân dê cũng vương vãi khắp trên bờ kênh dẫn nước từ hồ Đầm Bài vào Nhà máy nước sông Đà.
Trên mặt kênh là những tấm màng lọc của Trung tâm SOS mà theo quan sát của PV, những màng đen của dầu thải vẫn bám vào đó. Hồ Đầm Bài với diện tích hơn 16km2 là nơi được Nhà máy nước sông Đà đang dùng làm hồ chứa và bể sơ lắng, nhưng vấn đề nguồn nước đầu vào của hồ đã được đảm bảo an toàn hay chưa vẫn là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Video đang HOT
Sớm xây dựng kênh dẫn nước kín từ sông Đà về nhà máy
Theo tìm hiểu của PV, ngày 22/10, UBND tỉnh Hòa Bình đã có buổi làm việc với các sở, ban, ngành và đại diện Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) về việc sử dụng, bảo vệ nguồn nước hồ Đầm Bài và triển khai giai đoạn 2, nâng công suất gấp đôi lên 600.000m3/ngày đêm.
Theo phản ánh của một lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, quan điểm của tỉnh là tiến tới yêu cầu Viwasupco phải triển khai phương án lấy nước trực tiếp tại sông Đà, không được sử dụng hồ Đầm Bài làm hồ lắng như hiện nay nữa.
Được khởi công từ năm 2004, dự án nước sạch sông Đà – Hà Nội có tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng do Tổng công ty Vinaconex (sở hữu Nhà nước) làm chủ đầu tư. Sau khi hoàn thành, dự án này được chuyển giao cho Công ty CP Nước sạch Vinaconex, nay đổi tên thành Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco).
Năm 2017, Vinaconex đã thoái vốn tại Viwasupco và thu về hơn 1.000 tỷ đồng từ phiên đấu giá. Tính đến ngày 30/6/2019, hơn 96% cổ phần của Viwasupco tập trung vào 2 cổ đông lớn là Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex và Công ty CP Cơ điện lạnh.
“Từ trước tới nay, vào mùa mưa, Nhà máy nước sông Đà chỉ dùng nước ở hồ Đầm Bài là chính chứ chưa cần bơm nước từ sông Đà vào. Trong khi tôi không rõ chỉ tiêu nước đầu vào là lấy mẫu ở hồ Đầm Bài hay ở sông Đà. Dòng chảy ở sông Đà rất lớn, khác với hồ Đầm Bài nên tôi nghĩ Nhà máy nước sông Đà lấy nước đầu vào trực tiếp từ sông Đà sẽ hợp lý hơn”, ông Trần Quốc Toản – Chi cục trưởng thủy lợi tỉnh Hòa Bình cho biết.
Với sự tham gia của các cổ đông mới này, Viwasupco đang tiến hành triển khai giai đoạn 2, đầu tư thêm 26,6 km đường ống truyền tải nước sạch, nâng công suất Nhà máy nước Sông Đà từ 300.000 lên 600.000 m3/ngày đêm và hướng đến năm 2050 đạt 1.500.000m3/ngày đêm theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.
Mặc dù vậy, cho đến nay Nhà máy nước sông Đà vẫn đang sử dụng hồ Đầm Bài làm bể lắng để sản xuất nước sạch. Sau nhiều lần có văn bản, Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà cũng đã được UBND tỉnh Hòa Bình giao cho quyền “sử dụng” hồ Đầm Bài.
Cụ thể, theo tài liệu của Dân Việt, ngày 20/7/2005, UBND tỉnh Hòa Bình đã có Quyết định số 938 về việc sử dụng nước mặt hồ Đầm Bài. Theo đó, UBND tỉnh Hòa Bình quyết định cho phép Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) sử dụng hồ Đầm Bài.
Lúc đó do Công ty khai thác Công trình thủy lợi Hòa Bình quản lý để làm hồ chứa nước và sơ lắng phục vụ cho Dự án cấp nước sinh hoạt cho chuỗi đô thị Sơn Tây, Hòa Lạc, Miếu Môn, Hà Nội, Hà Đông.
Tuy nhiên, đến tháng 5/2019, UBND tỉnh Hòa Bình có văn bản chỉ đạo số 3015/VPUBND-TH gửi Sở KHĐT; Sở Tài chính, Sở NNPTNT, trong đó nêu rõ giao Sở NNPTNT đề xuất phương án thu hồi việc sử dụng hồ Đầm Bài làm hồ chứa nước, sơ lắng cấp nước của nhà máy nước Vinaconex.
Sau khi Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình trình phương án thì UBND tỉnh Hòa Bình lại tiếp tục có văn bản số 905 ký ngày 13/6/2019 nêu rõ: Giữ nguyên hiện trạng quản lý và sử dụng hồ Đầm Bài như hiện nay.
Tức là, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình vẫn là đơn vị quản lý và vận hành, còn Nhà máy nước sông Đà chỉ được sử dụng làm bể lắng cho sản xuất nước sinh hoạt.
Tuy nhiên, sau sự cố môi trường nghiêm trọng vừa qua, tại cuộc họp mới đây Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hòa Bình lại tiếp tục yêu cầu Nhà máy nước sông Đà phải có phương án cụ thể lấy nước trực tiếp từ sông Đà hoặc phải có phương án bảo vệ nguồn nước ở hồ Đầm Bài và trình phương án lên UBND tỉnh Hòa Bình trước 31/12 tới.
Kênh dẫn nước vào Nhà máy nước sông Đà vẫn có đàn dê tung tăng ngay trên bờ. (Ảnh: HH)
Cụ thể, tại báo cáo ngày 17/10 của UBND tỉnh Hòa Bình, do Phó chủ tịch Bùi Đức Hinh ký phần kiến nghị nêu rõ: Tỉnh Hoà Bình yêu cầu Viwasupco thực hiện các giải pháp để đảm bảo an toàn nguồn nước, trong đó có việc sớm xây dựng kênh dẫn nước kín từ sông Đà về nhà máy xử lý nước sạch.
UBND tỉnh Hòa Bình cũng đề nghị Viwasupco không sử dụng hồ Đầm Bài để chứa nước trung chuyển, sơ lắng, dự trữ nước thô như hiện tại. Bởi hồ này quá rộng (69 ha) và diện tích lưu vực lớn (16 km2); hệ thống nhiều suối nhỏ dẫn nước vào gây khó cho việc bảo vệ vùng hồ và kiểm soát chất lượng các nguồn nước đổ về đây.
UBND tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng, Viwasupco cũng cần có thêm phương án bảo vệ nghiêm ngặt nguồn nước, xây dựng các kịch bản ứng phó kịp thời với sự cố. Trường hợp không đảm bảo chất lượng nước đầu vào, công ty phải ngừng sản xuất ngay và báo cáo với cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương.
Chưa xong quy chế quản lý hồ Đầm Bài
Trao đổi với Dân Việt, ông Trần Quốc Toản – Chi cục trưởng thủy lợi tỉnh Hòa Bình cho biết: “Nhiệm vụ chính của hồ Đầm Bài là cung cấp nước tưới tiêu cho 645 ha đất sản xuất của 3 xã Hợp Thịnh, Hợp Thành, Phú Minh. Việc quản lý khai thác ở đây là Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi.
Ông Trần Quốc Toản, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hòa Bình cho biết, đến nay vẫn chưa xây dựng xong được quy chế quản lý và sử dụng hồ Đầm Bài. (Ảnh: H.H)
Hồ Đầm Bài chứa nước vào mùa mưa, tưới nước vào mùa khô cho bà con, tuy nhiên do sử dụng làm hồ sơ lắng của Nhà máy nước sông Đà, nên 10 năm nay mực nước luôn ở mức cao.
“Chúng tôi đã tham mưu và đề nghị phía Công ty nước sạch sông Đà cấp kinh phí kiểm định an toàn cho hồ chứa nước. Đối với công trình này, cách đây 3 năm chúng tôi đã tham mưu cho tỉnh ký quy chế sử dụng hồ Đầm Bài giữa Công ty TNHH 1 thành viên khai thác công trình thủy lợi và Công ty nước sạch sông Đà, nhưng đến nay vẫn chưa ra được quy chế chung, nên rất khó quản lý”- ông Trần Quốc Toản, Chi cục trưởng thủy lợi tỉnh Hòa Bình.
Vấn đề đặt ra là vì sao UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt cho Nhà máy nước Sông Đà sử dụng hồ Đầm Bài làm bể lắng từ năm 2005, nhưng đến nay lại muốn thu hồi lại. Liệu có phải do không quản lý được hay còn liên quan tới vấn đề nào khác. Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sâu hơn về vấn đề này trong bài tiếp theo.
Theo danviet
'Lỗ hổng' khiến nguồn nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu
Sau vụ nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải bẩn, nhiều người quan tâm việc sản xuất nước sạch từ nguồn nước mặt (sông, hồ) đang thực hiện theo quy trình nào?
Các bể phản ứng, bể lắng của Nhà máy sản xuất nước sạch sông Đà. Ảnh: Lê Phú
Theo các chuyên gia về xử lý nước sạch, hiện sản xuất nước sạch được lấy từ nguồn nước ngầm hoặc nguồn nước mặt (sông hồ). Về cơ bản, quy trình xử lý nước mặt được thực hiện theo trình tự: Nguồn nước sông được dẫn vào mương thu nước và đưa về bể thu và trạm bơm. Tại đây, rác thải được tách ra khỏi nước thô. Sau đó, nước thô được bơm dẫn về bể lắng sơ lắng và trạm bơm tiếp theo (cấp 1 đợt 2) để loại bỏ cát, bùn. Sau bước này nước chỉ còn cặn lơ lửng, tiếp tục được bơm về bể tiếp nhận và phân phối lưu lượng.
Từ đây, nước chảy sang bể trộn, bể phản ứng, bể lắng, bể lọc để xử lý bằng hóa chất. Các bước này nhằm lọc bùn mịn ra khỏi nước và châm hóa chất theo định lượng nhằm loại bỏ vi khuẩn gây bệnh. Sau đó, trạm bơm nước sạch sẽ hút nước đã được xử lý từ bể chứa nước sạch ra mạng lưới đường ống truyền tải, phân phối và dịch vụ đến khách hàng sử dụng nước sạch.
Đối với sản xuất nước sạch sông Đà, Công ty Viwasupco thông tin: Nguồn nước được khai thác nguồn nước mặt sông Đà và nhà máy đặt sau hạ lưu Nhà máy Thủy điện Hòa Binh, tại xã Hợp Thành (Kỳ Sơn, Hòa Bình). Bước đầu tiên là kênh dẫn nước sông là kênh tự chảy dài 3,3 km, dẫn nước sông Đà đến trạm bơm nước sông. Từ trạm bơm nước sông Đà, nước được bơm từ kênh dẫn nước lên hồ Đầm Bài, trạm có công suất thiết kế 345.600 m3/ngày đêm. Nước sau khi bơm lên hồ Đầm Bài sẽ có chức năng sơ lắng và phục vụ tưới cho các xã xung quanh. Từ hồ Đầm Bài, sẽ có trạm bơm từ hồ Đàm Bài lên kênh dẫn dài 500m lên khu xử lý.
Khu xử lý nằm trong khu vực của Nhà máy sản xuất nước sạch sông Đà sẽ có 6 công đoạn:
Trước tiên là buồng thu nhận nước từ hồ Đầm Bài kết cấu bê tông kết thép với chức năng phân phối nước tới các bể trộn, công suất 160.000 m3/ngày đêm.
Tại bể trộn thủy lực, nhà máy tiến hành trộn phèn vào nước thô. Có 2 bể mặt bằng 5,4x5,4m có cao độ sàn đáy 90m.
Tiếp đó, nước đến bể phản ứng để hình thành bông cặn. Có 2 đơn nguyên chia thành 6 bể, các bể có vách ngăn đục lỗ. Mỗi năng có lắp một máy khuấy.
Một bể lắng các bông cặn của Nhà máy sản xuất nước sạch sông Đà. Ảnh: Lê Phú
Nước sau đó chảy vào bể lắng: Lắng các bông cặn đã được hình thành các giai đoạn trước. Bể lắng có 2 đơn nguyên với 6 bể. Các bể lắp các mô đun ống lắng có đục lỗ . Bùn lắng được đưa đến phễu thu và tháo ra khỏi bể qua các van ống lồng. Mỗi đơn nguyên có công suất 160.000m3/ngày đêm.
Nước từ bể lắng chảy vào bể lọc nhanh để loại bổ vật chật hạt, tạp chất. Nước sau lắng chảy qua lớp vật liệu lọc, nơi mà phần lớn các hạt sẽ bị loại bỏ trên phần đầu cũng như qua suốt chiều sâu lớp lọc. Tại đây có 16 biể lọc chia làm 4 cùm qua hành làng. Mỗi bể lọc có diện tích hơn 112m2.
Bể pha clo để trộn clo vào nước sau lọc nhanh và xả khí. Bể được thiết kế với thời gian lưu giữ là 6 phút gồm 2 ngăn: ngăn xả khí và ngăn trộn clo. Tổng dung tích 2.000m3. Kích thước mặt bằng của bể là 24x24m, cao độ đáy hơn 87m.
Sau quá trình này, nước sẽ chảy ra bể trung gian để đẩy vào truyến ống truyền tải nước sạch. Mạng lưới được phân phối vào nội thành Hà Nội thông qua trạm điều tiết lưu lượng Tây Mỗ.
Theo Công ty Viwasupco, trong quy trình xử lý nước mặt trên có một số công trình phụ trợ như đài nước để cấp nước rửa bể, nhà hóa chất, bể xử lý bùn nhận nước xả bùn từ bể lắng, nước rửa lọc bể.
Các chuyên gia nhận xét, nhìn vào quy trình xử lý nước thải Công ty Viwasupco, lỗ hổng lớn nhất chính là khâu kênh dẫn nước từ sông Đà đến trạm bơm để bơm lên hồ Đồng Bài. Hồ này có diện tích 16 triệu m2 có nhiều kênh nhỏ dẫn vào. Đối tượng đã đổ trộm phế thải cách đó gần 5 km nhưng sau các trận mưa, nước chảy qua các kênh nhỏ vào hồ Đầm Bài và gây nên ô nhiễm nguồn nước sạch cấp cho Hà Nội hơn 10 ngày qua.
Theo XC/Báo Tin tức
Bí thư Hà Nội : Không thể để như ông Tốn nói, chẳng biết dừng cấp nước hay không Bí thư Hoàng Trung Hải chia sẻ bức xúc chính đáng của người Hà Nội gần nửa tháng qua, đặc biệt khi quyền lợi của người sử dụng dịch vụ không được tôn trọng. Video: Đường đi của 10m3 dầu thải đổ xuống nguồn nước sông Đà Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành...