Những diễn biến mới xung quanh lời kêu gọi mở kho dự trữ dầu của Mỹ
Các nguồn thạo tin mới đây cho hay Trung Quốc chưa đưa ra cam kết về việc mở kho dự trữ dầu theo lời kêu gọi của Mỹ, trong khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không hề xem xét thay đổi chính sách sau động thái mới nhất của Chính phủ Mỹ.
Bể chứa dầu tại Cushing, Oklahoma, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Ngày 23/11 chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch xuất 50 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược cùng với sự phối hợp của các quốc gia tiêu thụ lớn khác, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, để cố gắng hạ nhiệt thị trường năng lượng.
Sang ngày 24/11, Trung Quốc cho biết họ đang xem xét để mở kho dự trữ của riêng mình và không đưa ra thêm thông tin cụ thể nào. Thông báo này xác nhận đồn đoán được báo giới đưa vào tuần trước rằng, quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới này sẽ đưa ra quyết định theo nhịp độ của riêng họ.
Video đang HOT
Các quan chức cho biết đây là lần đầu tiên Mỹ tham gia phối hợp với một số nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới ở châu Á trong một động thái như vậy. Ngoài 50 triệu thùng dầu của Mỹ, Ấn Độ có kế hoạch xuất 5 triệu thùng dầu và Nhật Bản “vài trăm nghìn kilô lít” dầu từ kho dự trữ quốc gia của mình. Hàn Quốc chưa cung cấp bất kỳ chi tiết nào về kế hoạch của mình.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng nếu thiếu Trung Quốc, hành động phối hợp do Mỹ khởi xướng sẽ có ít tác động tới thị trường hơn dự kiến.
Giá dầu thô đã giảm trong vài ngày hồi tuần trước do những đồn đoán về một hành động phối hợp giữa các quốc gia tiêu thụ dầu chủ chốt. Nhưng giá “vàng đen” đã tăng 3% vào ngày 23/11, khi Mỹ thông báo khai thác nguồn dự trữ chiến lược nhưng thị trường thiếu rõ ràng về ý định của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, ba nguồn tin cho hay OPEC và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (được gọi chung là OPEC ) sẽ không cân nhắc việc mở rộng chương trình tăng sản lượng hiện thời, bất chấp sức ép từ phía Mỹ.
OPEC dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 2/12 để thảo luận về chính sách của nhóm. Song cho đến nay, các nguồn tin cho biết nhóm này nhiều khả năng sẽ không thay đổi chiến lược bơm thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng từ tháng 12 tới.
Nhóm này đã chật vật để đạt được các mục tiêu hiện có theo thỏa thuận nhằm tăng dần sản lượng. Cho tới nay OPEC vẫn lo ngại rằng sự bùng phát trở lại số ca nhiễm COVID-19 một lần nữa có thể làm giảm nhu cầu năng lượng. Khi đó, thị trường sẽ lại dư dôi nguồn cung thay vì thiếu hụt.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho hay tuy họ không can thiệp để tác động đến giá cả, nhưng một số nhà sản xuất đã hạn chế nguồn cung quá mức. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho rằng các quốc gia thuộc OPEC cần có những động thái cụ thể để hạ nhiệt giá dầu.
OPEC đối diện khó khăn mới
Việc Mỹ gây sức ép để Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng dầu và "hạ nhiệt" giá dầu thô cho thấy OPEC dù muốn cũng không còn nhiều dư địa để tăng nhanh sản lượng nhanh hơn.
Công nhân làm việc tại một cơ sở khai thác dầu ở Basra, Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN
Trên thực tế, OPEC và các nước đối tác, được biết đến là OPEC , đã rút lại quyết định giảm nguồn cung đưa ra từ năm 2020. Nhưng động thái này vẫn là chưa đủ đối với Mỹ, nước đang than phiền về tình trạng giá dầu liên tục ở mức cao trong gần 3 năm qua. OPEC nhấn mạnh từ tháng 8 mỗi tháng sẽ tăng sản lượng từ từ thêm 400.000 thùng/ngày, để tránh tình trạng dư thừa nguồn cung vào năm 2022 nếu tăng quá nhanh sản lượng.
Vấn đề nằm ở chỗ OPEC hiện thậm chí không thể đạt được mục tiêu đó. Trước đây, vào các thời điểm giá dầu quá thấp, các nhà sản xuất nhỏ trong OPEC ở châu Phi và một số nhà sản xuất dầu lớn hơn ở vùng Vịnh có thể tăng sản lượng nhiều hơn mức mà OPEC đặt ra. Nhưng hiện tại, do những tác động của dịch COVID-19 vấn đề môi trường, chỉ có 3 thành viên OPEC là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Iraq có đủ lực để tăng nhanh nguồn cung. Công ty tham vấn về năng lượng Energy Aspects cho biết: "Các dữ liệu gần đây củng cố dự báo của chúng tôi rằng trong dài hạn ngày càng nhiều thành viên không còn khả năng dự trữ".
Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Washington đã hối thúc OPEC giảm sản lượng vào năm 2020, khi giá dầu giảm mạnh và đe dọa ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ. Tổ chức này đã đồng ý cắt giảm khoảng 10 triệu thùng/ngày, tương đương 10% nguồn cung toàn cầu - một con số kỷ lục. Khi nhu cầu tăng trở lại nhanh hơn dự kiến, chính quyền Tổng thống Joe Biden lại liên tục gây sức ép với OPEC để tăng nguồn cung, với lý do giá dầu thô tăng cao có thể cản trở đà phục hồi của thế giới. Những động thái này khiến giá dầu Brent đã tăng hơn 50% trong năm nay. Energy Aspects nhận định: "OPEC sẽ không phản ứng trước sức ép chính trị về tăng nguồn cung".
Không thể thuyết phục OPEC "bơm" thêm dầu và phải đối mặt với tỷ lệ ủng hộ thấp trước thềm cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào năm 2022, Tổng thống Biden đã đề nghị Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản kết hợp mở kho dầu dự trữ. Nhưng đòi hỏi này cũng không dễ đáp ứng. Theo quy định của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), kho dự trữ dầu chỉ có thể được mở khi cần đối phó với các cú sốc như chiến tranh hoặc bão lũ, chứ không dùng để điều chỉnh giá.
Ngân hàng Goldman Sachs phân tích dù giá dầu cao hơn có thể thúc đẩy tăng nguồn cung, nhưng đầu tư lại bị ảnh hưởng của những lo ngại về môi trường, xã hội và quản lý (ESG) khiến các ngân hàng dành nhiều khoản vay cho các dự án xanh hơn là dự án liên quan đến dầu mỏ.
Giá dầu tăng 'nóng' - được và mất? Giá dầu thế giới liên tục xác lập các mức cao nhất nhiều năm trong những ngày qua, sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC , tiếp tục tuân thủ thỏa thuận tăng sản lượng dầu hiện có. Điều này làm tăng thêm áp lực lạm...