Những điểm check-in thú vị ở Bát Xát
Cột cờ Lũng Pô; Cầu Thiên Sinh; Suối nước nóng Bản Mạc là những điểm check-in thú vị ở Bát Xát, Lào Cai.
Cột mốc 87 nằm trong khu vực cầu Thiên Sinh.
Cột cờ Lũng Pô
Nằm tại vị trí cột mốc 92 phân định ranh giới giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc, cột cờ Lũng Pô (xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) là nơi ghi những dấu ấn quan trọng trong lịch sử đấu tranh gìn giữ độc lập của đất nước. Cột cờ Lũng Pô được xây dựng năm 2016 và hoàn thành vào tháng 12/2017, trên diện tích 2.100m2, có chiều cao 31,43m – mô phỏng độ cao của “nóc nhà Đông Dương” Fansipan (Sa Pa, cao 3.143m). Cột cờ có hình bát giác, phần đế gồm 8 cửa mở ra 8 hướng, được thiết kế nhỏ dần khi lên tới đỉnh. Thân cột trổ những ô cửa sổ nhỏ tạo luồng khí thoáng mát cho bên trong. Để lên tới đỉnh, du khách phải bước trên 125 bậc thang hình xoắn ốc bằng sắt. Lá cờ treo trên đỉnh có diện tích 25m2 tượng trưng cho 25 dân tộc anh em ở Lào Cai. Từ đỉnh cột cờ, du khách có thể ngắm ngã ba sông – đoạn giao giữa dòng suối Lũng Pô quanh năm xanh biếc giao với dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa bắt đầu chảy vào lãnh thổ Việt Nam tạo nên cảnh tượng kỳ thú, độc đáo.
Cầu Thiên Sinh
Cầu Thiên Sinh (tiếng Hà Nhì là “Thiên Sân shù”, nghĩa là “cầu trời sinh”) nằm ở cuối thôn Lao Chải (xã Y Tý). Đây là cây cầu liên quốc gia chỉ dài 1m, nối xã Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, Việt Nam) với hương Mã Yên Để (huyện Kim Bình, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Ban đầu, tại vị trí này chỉ có một tảng đá tự nhiên bắc ngang qua khe núi sâu hun hút giữa hai quốc gia. Sau đó, người dân bắc gỗ làm cầu rồi xây bê tông như ngày nay. Gần cầu Thiên Sinh có cột mốc 87 được xây bằng đá hoa cương. Khu vực cầu Thiên Sinh là nơi giao lưu buôn bán của người dân 2 nước nhiều năm qua.
Suối nước nóng Bản Mạc
Suối nước nóng Bản Mạc (thôn Bản Mạc, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát) là một trong những điểm du lịch hấp dẫn thu hút nhiều du khách sau khi đến tham quan, chiêm bái đền Mẫu Trịnh Tường nằm cách đó không xa. Suối nước nóng Bản Mạc nằm trong hệ thống mạch nước ngầm chảy từ kẽ đá, cách dòng suối chính của thôn Bản Mạc khoảng 100m, quanh năm nước trong vắt, nhiệt độ dao động từ khoảng 38 – 45oC. Theo người dân nơi đây, dòng suối nước nóng này có thể điều trị các bệnh ngoài da, tim mạch, giúp con người thư giãn, xua tan mệt mỏi… Thậm chí, đây còn được coi là dòng suối thiêng, được nhiều người đến lấy nước làm lễ cúng cầu tự. Suối nước nóng này hiện là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân thôn Bản Mạc và là điểm cắm trại ưa thích của nhiều du khách trẻ.
Video đang HOT
Tủa Chùa - Điểm trải nghiệm thú vị cho du khách
Có lẽ trên dải đất mênh mang nghìn trùng Điện Biên, không vùng đất nào chứa đựng những nét đặc sắc mang đậm vẻ đẹp đặc trưng Tây Bắc như Tủa Chùa, nơi không chỉ được biết đến với nhiều đặc sản nức tiếng như rượu Mông Pê, chè Tuyết Shan, gà đen... mà còn hứa hẹn là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách ưa trải nghiệm.
Tủa Chùa có 3/4 diện tích là núi đá tai mèo, núi đá vôi, ít sông, suối khiến người ta liên tưởng đến sự khắc nghiệt và cằn cỗi. Song miền đất này được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm; cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, hùng vĩ. Bên cạnh đó, Tủa Chùa còn mang trong mình những giá trị văn hóa, lịch sử quý báu, được biết đến là địa danh cách mạng; địa bàn cư trú của cộng đồng 7 dân tộc thân thiện, mến khách; lưu giữ những nét văn hóa độc đáo, mang vẻ đẹp Tây Bắc như không gian văn hóa chợ phiên, lễ hội dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ...
Ở mỗi thời điểm, mỗi mùa trong năm Tủa Chùa có vẻ đẹp riêng nhưng đẹp nhất vẫn là từ tháng 9 dương lịch năm trước tới tháng 5 dương lịch năm sau. Đây là khoảng thời gian khách đến với nơi đây để tận hưởng không khí mát mẻ, trong lành; được thả tầm mắt ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang vào vụ lúa chín với nhiều gam màu tuyệt đẹp. Lên Tủa Chùa vào mùa xuân, bạn sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị tại các lễ hội xuân của đồng bào dân tộc Mông; được ngắm nhìn và thỏa sức chụp ảnh cùng hoa đào, hoa mận, hoa ban; được chiêm ngưỡng và trải nghiệm thú vui săn mây để có những tấm hình đẹp và độc đáo nhất.
Tủa Chùa nhìn từ trên cao
Nếu chọn thị trấn Tủa Chùa là điểm đầu tiên của hành trình, xuất phát về phía Nam của huyện cách khoảng 15 km theo hướng Mường Báng - Xá Nhè, chúng ta được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của quần thể hang động đã được công nhận là danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia: Hang động Xá Nhè và hang động Khó Chua La (xã Xá Nhè). Đây là những món quà do thiên nhiên tạo tác với hệ thống thạch nhũ, măng đá tuyệt đẹp, lòng hang rộng, vòm hang cao sẽ đưa du khách như bước vào một thế giới trong lành, thú vị, thỏa sức liên tưởng đến những hình hài, cấu trúc giàu ý nghĩa.
Cách quần thể hang động Xá Nhè - Khó Chua La khoảng trên 1 km là chợ phiên Xá Nhè. Chợ họp vào ngày Mão, ngày Dậu trong tháng. Chợ phiên không chỉ là nơi giao thương, mua bán, trao đổi hàng hóa nông sản đặc trưng vùng miền mà còn là không gian văn hóa, nơi giao lưu, gặp gỡ của đồng bào các dân tộc. Ngày nay, du khách đến với Tủa Chùa đều mong muốn được ghé thăm chợ phiên ít nhất một lần để được thỏa sức hòa mình vào nhịp sống rộn ràng, đậm đà sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Hang động Khó Chua La
Tiếp tục đi về phía Nam, trên con đường Mường Đun - Tủa Thàng, du khách sẽ được thưởng ngoạn vẻ đẹp rực rỡ của những rừng hoa ban cổ thụ; những nếp nhà sàn của đồng bào Thái tại các khu tái định cư Tả Huổi Tráng, Huổi Trẳng bên bờ sông Đà ẩn hiện trong sương. Hoạt động du lịch trải nghiệm lòng hồ sông Đà sẽ để lại cho bạn nhiều ấn tượng khó phai; mỗi lần đến là một trải nghiệm thú vị, mới mẻ. Nếu có thời gian lưu lại ở đây, du khách có thể chọn hình thức homestay tại các thôn, bản ngay bên bờ sông như thôn Huổi Trẳng (xã Tủa Thàng) hoặc thôn Huổi Lóng (xã Huổi Só) với cảnh đẹp nhìn ra mặt hồ. Tại đây, du khách sẽ được thưởng thức ẩm thực đặc trưng của vùng cao với cách chế biến và gia vị đậm đà hương vị Tây Bắc. Nếu thực sự muốn tìm kiếm cảm giác gần gũi với thiên nhiên, có thể chọn hình thức tự do lưu trú trên các hòn đảo hoặc bán đảo ở lòng hồ. Thực sự thú vị khi trải nghiệm nghỉ đêm tại khách sạn ngàn sao, đốt lửa, cắm trại, câu cá, cất vó tôm... và đón bình minh ở nơi mênh mông sông nước.
Tiếp tục hành trình khám phá Tủa Chùa, từ Huổi Só sang Sín Chải - xã cuối cùng phía Bắc của huyện Tủa Chùa với những đặc sản nổi tiếng chè Tuyết Shan cổ thụ và rượu Mông Pê - thứ thức uống truyền thống được chưng cất từ ngô lên men bằng lá rừng sóng sánh như mật ong. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cây chè cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm vươn mình giữa ngút ngàn mây núi; được nhâm nhi ly trà nóng hoặc chén rượu ngô bên bếp than hồng giữa cái se lạnh của Sín Chải ngay cả giữa mùa hè.
Cây chè cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm
Từ Sín Chải ngược tỉnh lộ 140 sẽ đến với xã Tả Sìn Thàng, nơi nổi tiếng bởi có chợ phiên lâu đời nhất nhì vùng Tây Bắc. Chợ Tả Sìn Thàng vẫn còn lưu giữ được nhiều nét độc đáo của chợ phiên vùng cao, với trang phục rực rỡ của bà con dân tộc. Các sản phẩm bày bán phần lớn là các mặt hàng nông sản thực phẩm của địa phương như hoa quả, rau măng, khoai, sắn, gạo, nấm hương, mộc nhĩ, cá suối, lợn, gà,... cùng các mặt hàng thổ cẩm truyền thống, các loại chỉ màu, phẩm nhuộm và sản phẩm được làm từ vải dệt rất bền và đẹp. Đó còn là các dãy hàng bán xôi nhiều màu đặc trưng của vùng đất này. Ngoài rượu Mông Pê, thịt dê và chè Shan Tuyết cũng là đặc sản nổi tiếng ở Tả Sìn Thàng. Vùng đất này hiện có khoảng gần 4.000 cây chè Shan Tuyết cổ thụ, đường kính có cây lớn phải vài người ôm.
Cách Tả Sìn Thàng 10 km về phía Nam, dọc tỉnh lộ 140 là xã Tả Phìn, nơi đây nổi tiếng bởi cao nguyên đá tai mèo ngút ngàn tầm mắt.
Nằm trong cao nguyên đá Tả Phìn, thành Vàng Lồng được xây dựng cách đây gần 3 thế kỷ, được xem là một công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa. Thành xây dựng lợi dụng tối đa địa hình tự nhiên vì thế tường thành có đường nét uốn lượn mềm mại. Nguyên liệu xây dựng thành chủ yếu là đá với phương thức ghè, đẽo hoàn toàn bằng thủ công, sử dụng kỹ thuật ghép đá tinh xảo tạo thành mặt phẳng. Thành cao trung bình 2m, mặt thành rộng 1m mà người và ngựa còn có thể đi trên mặt thành, được xây dựng và hoàn thành trong thời gian chín năm.
Bãi đá cổ Tả Phìn
Thiên nhiên quả thực ưu ái Tả Phìn. Ngoài cao nguyên đá và thành Vàng Lồng nổi tiếng, xã Tả Phìn còn có cánh đồng Chiếu Tính - một trong những cánh đồng lớn, phì nhiêu nhất của huyện Tủa Chùa. Đây là cánh đồng ruộng bậc thang đặc trưng của vùng núi, là sản phẩm của trí tuệ và sức lao động phi thường của nhiều thế hệ đồng bào dân tộc Mông. Không những vậy, ruộng bậc thang Chiếu Tính còn tạo nên khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, phô diễn vẻ đẹp dung dị, mộc mạc nhưng cũng không kém phần quyến rũ vào mùa lúa chín hay mùa nước nổi, trở thành điểm check-in tuyệt vời cho các tín đồ phượt hay các nhà nhiếp ảnh khắp mọi miền.
Ruộng bậc thang mùa gặt
Từ Tả Phìn, theo đường liên xã, du khách sẽ tới 2 xã Lao Xả Phình và Trung Thu. Tới thời điểm hiện tại, đây là 2 xã duy nhất chưa có đường nhựa tới trung tâm nhưng bù lại những vất vả trên đường đi bạn sẽ được đền đáp xứng đáng bởi cảnh vật đẹp nên thơ và sự thân thiện, hồn hậu, mến khách của người dân bản xứ. "Lên Trung Thu ngắm rừng thông xanh" - rừng thông cổ thụ tại xã Trung Thu cùng với khí hậu mát mẻ rất thích hợp để khám phá, trải nghiệm và nghỉ dưỡng.
Tiếp tục theo đường liên xã, du khách tới xã Sính Phình nổi tiếng với cánh đồng Tà Là Cáo và cánh đồng Đề Dê Hu như những nấc thang vô tận nối đất với trời. Có thể khẳng định, những cánh đồng ruộng bậc thang ở Tủa Chùa nói chung, xã Sính Phình nói riêng rất đẹp, độc đáo và giàu sức cuốn hút.
Đến Sính Phình vào dịpTết Nguyên đán, chúng ta sẽ được hòa mình vào lễ hội xuân truyền thống của đồng bào Mông. Đây là nơi gặp gỡ, vui chơi, giao lưu của bà con sau một năm lao động sản xuất; cũng là nơi gặp gỡ, nên duyên của các chàng trai, cô gái Mông. Hội xuân Sính Phình hằng năm là điểm vui chơi thu hút đông đảo bà con các dân tộc trên địa bàn huyện nói riêng và khách du lịch tìm hiểu về văn hóa, bản sắc của đồng bào dân tộc Mông nơi đây.
Có thể ví Tủa Chùa như cô sơn nữ đẹp, e ấp, ẩn hiện giữa mây ngàn Tây Bắc. Vẻ đẹp, sức hấp dẫn từ thiên nhiên, văn hóa, con người nơi đây là tiềm năng và lợi thế để huyện Tủa Chùa thực sự là một điểm đến đem lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.
Du lịch tết châu Âu 2023 với nhiều sự lựa chọn thú vị Càng cận kề cuối năm, những cung đường du lịch Tết châu Âu 2023 lại mở ra thêm rất nhiều sự lựa chọn vô cùng thú vị. Du khách EuroTravel tham quan bảo tàng Louvre (Paris, Pháp) dịp Tết Âm Lịch. Có nên đăng ký tour Tết sớm hay không? Mặc dù còn hơn 3 tháng nữa mới đến Tết Nguyên Đán 2023,...