Những dịch vụ “hốt bạc” trong mùa lễ hội
Mùa lễ hội xuân 2013 đã chính thức bắt đầu với nhiều lễ hội lớn như hội Chùa Hương, hội Đền Cổ Loa, hội Đền Gióng (Hà Nội), lễ hội Chùa Bái Đính (Ninh Bình), hội Chợ Viềng (Nam Định), lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh)… Đây cũng là “mùa làm ăn” của nhiều dịch vụ trong lễ hội.
Đổi tiền lẻ bội thu
“Đổi tiền lẻ đặt lễ đi em, 10 ăn 7″. Ngay từ khi bước chân xuống xe thì du khách đã bị đám người đổi tiền lẻ vây kín, mỗi người cầm hàng xấp tiền lẻ có mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, bên cạnh còn đeo chiếc cặp trong đựng rất nhiều tiền lẻ, hành khách vừa bước chân xuống xe là họ tiếp cận ngay. Tôi đổi 100 nghìn và nhận về 70 nghìn tiền lẻ để đặt lễ. Thấy tôi thắc mắc sao đắt thế, một phụ nữ chừng 50 tuổi và đã có thâm niên đổi tiền lẻ ở Yên Tử cười bảo: “Thế này là rẻ rồi chú à, giá chung cả, chú đi đâu cũng thế thôi. Đổi nhiều thì 1 ăn 8″.
Chỉ cần 1 cái bàn nhỏ, “dịch vụ” đổi tiền lẻ đã sẵn sàng phục du khách thập phương về lễ chùa
Theo quan sát của chúng tôi thì lực lượng đổi tiền lẻ tại khu danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) là khá đông đảo, ngay tại các lối đi lên chùa cũng có đội ngũ chèo kéo đổi tiền lẻ. Tiếp cận một thanh niên ngồi đổi tiền dọc lối đi với hẳn một hộp kính lớn bên trong chứa rất nhiều tiền lẻ, tôi được biết số tiền trên được luân chuyển khi khách thắp hương làm lễ ở các đền, chùa sẽ có đội ngũ thu gom tiền lẻ và lại đem đổi lại cho những người đổi tiền lẻ bên dưới. Trung bình mỗi ngày họ đổi từ 5-8 triệu tiền lẻ và số tiền lời thu về là không hề nhỏ, có rất nhiều mệnh giá cho người đi lễ lựa chọn và họ có thể đổi bao nhiêu cũng được đáp ứng.
Vào những ngày lễ chính, du khách kéo về rất đông và dịch vụ đổi tiền lẻ lại được dịp “hốt bạc”. Theo quan sát của chúng tôi, rất nhiều du khách khi đến lễ hội có nhu cầu đổi tiền lẻ để đặt lễ dù biết giá đổi không hề rẻ, có nhiều người còn đổi tới gần 1 triệu tiền lẻ. Chị Nguyễn Phương Hà, Ba Đình, Hà Nội cho biết: “Năm nào mình cũng đi chùa đầu năm để cầu may và thường đổi tiền lẻ ở đây cho tiện, vẫn biết giá đổi khá đắt nhưng chủ yếu lấy may là chính, với lại tiền đặt lễ ai lại đổi thiếu cho mình”.
Video đang HOT
Không chỉ tại Yên Tử mà tại các lễ hội lớn như hội Chùa Hương, hội Đền Cổ Loa, hội Đền Gióng (Hà Nội), lễ hội Chùa Bái Đính (Ninh Bình), hội Chợ Viềng (Nam Định)…đều diễn ra tình trạng đổi tiền lẻ. Dọc các tuyến lên chùa chúng ta có thể bắt gặp tiếng mời chào đổi tiền lẻ, trong các khu thắp hương thì khách đặt la liệt những đồng tiền lẻ. Có cung thì ắt có cầu và tiền lẻ thì cứ được quay vòng, người đi chùa biết bị thiệt mà vẫn chấp nhận mà không hề hay biết.
Dịch vụ ăn uống, trông giữ xe được dịp đội giá
Với ngày thường, du khách chỉ phải trả 3 nghìn đồng cho xe máy và 10 nghìn đồng cho xe ô tô nhưng những ngày lễ hội thì giá xe máy được đẩy lên tới 10 nghìn/lượt, ô tô là 30 nghìn/lượt, thậm chí có nơi đến 40-50 nghìn/lượt.
“Đội quân nhí” bán gậy ở chùa Tây Thiên
Một ngày có rất nhiều lượt xe ra vào và như vậy số tiền thu về từ dịch vụ trông giữ xe là rất lớn, nhiều bãi giữ xe tự phát cũng được dịp mọc lên trong dịp lễ hội. Dẫu biết giá trông giữ xe rất cao nhưng họ khách du lịch không có sự lựa chọn vì chỉ có vài bãi giữ xe duy nhất, do đó họ cứ thế đặt ra mức giá trông giữ xe riêng. Anh Hoàng Thanh Phương, Nam Trực, Nam Định giãi bày: “Năm nào cũng thế, bãi xe tại Chợ Viềng đông nghẹt xe, giá gửi thì không hề rẻ chút nào, do không có nơi gửi chúng tôi đành gửi ở đây vậy nếu không muốn đi xa hơn”. Thông thường trước mùa lễ hội, các bãi gửi xe đều được quán triệt và niêm yết giá, thế nhưng nắm bắt được nhu cầu và tâm lý của hành khách nên họ cứ thế “chặt chém” và đặt ra giá gửi xe
Bên cạnh đó dịch vụ ăn uống tại các lễ hội cũng đắt đỏ không kém, với một tô mì tôm, thêm ít rau có giá tới 30 nghìn, một bát phở giá từ 30-50 nghìn, trứng vịt luộc 10 nghìn/quả, 10 nghìn/chai nước lọc…Hầu hết các loại thực phẩm, đồ ăn trong lễ hội đều được đẩy giá lên gấp đôi, thậm chí là gấp 3. Gia đình chị Nguyễn Thị Mai ở Hải Phòng chia sẻ kinh nghiệm: “Mình biết đồ ăn ở lễ hội rất đắt nên cả nhà đã chuẩn bị hết đồ ăn và nước uống, tuy mang đi nặng một chút nhưng đỡ bị “chặt chém”. Các quán ăn và bán đồ lưu niệm mọc lên nhan nhản dọc lối đi và giá các mặt hàng cứ thế tăng theo độ cao, càng lên cao thì giá các loại thực phẩm lại được đẩy lên một chút do mất công vận chuyển.
Khách thập phương khi lên Tây Thiên (Vĩnh Phúc) còn bị làm phiền bởi đội quân bán gậy dưới chân núi, rất nhiều du khách đã phải bỏ ra 5 nghìn để mua một chiếc gậy dài chừng 1,2m, to bằng nửa nắm tay để được yên ổn. Những chiếc gậy tre này đều được lấy trong rừng và một ngày bán gậy thế này họ cũng thu tiền triệu, họ cũng rất biết tận dụng những em nhỏ để đeo bám khách bán hàng.
Thay cho lời kết
Lễ hội là dịp để du khách được bày tỏ lòng thành kính, cầu chúc cho gia đình được mạnh khỏe, một năm gặp nhiều may mắn, họ tìm đến các lễ hội không chỉ để thưởng ngoạn, cầu may mà còn mong được tĩnh tâm, tìm thấy niềm vui. Thế nhưng sự “biến tướng” trong các lễ hội và các dịch vụ “chặt chém” với giá cắt cổ thì du khách đang chuốc lấy sự bực mình. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên có biện pháp chấn chỉnh nghiêm để trả lại vẻ đẹp cho các lễ hội, mang lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách.
Theo ANTD
Thịt thú rừng chùa Hương: Trảm trước tấu sau
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái yêu cầu nghiêm cấm các hàng quán treo thịt động vật gắn mác thịt thú rừng tại khu vực dưới bến Thiên Trù lên chùa Hương, nếu thấy vi phạm có thể xử lý trước, báo cáo sau.
Mùa lễ hội 2013 tại chùa Hương phải nghiêm cấm việc các hàng quán xẻ thịt, treo thịt "thú rừng" tại chùa Hương. Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái khi thực hiện kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội tại chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) ngày 3/2/2013.
Theo báo cáo của Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội), trưởng BTC lễ hội chùa Hương -Nguyễn Văn Hậu, mùa lễ hội 2013 đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Với mục tiêu quản lý tốt để nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch, tạo điều kiện thuận lợi, làm hài lòng du khách, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ môi trường, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, việc tổ chức lễ hội phải an toàn, trang trọng và tiết kiệm, BTC đã thành lập 7 tiểu ban gồm: tiểu ban văn hóa- xã hội; tiểu ban kinh tế- tài chính; tiểu ban an ninh- trật tự; tiểu ban điều hành vận chuyển khách; tiểu ban quản lý di tích thắng cảnh, mặt bằng dịch vụ và vệ sinh môi trường và trạm kiểm tra vé khu vực bến đò Thiên Trù.
Năm nay, treo thịt "thú rừng" tại chùa Hương có thể bị "trảm trước tấu sau"
Cũng theo ông Hậu, năm nay, các hàng quán tại khu vực lễ hội đã được quy hoạch đồng đều, niêm yết giá cả công khai. BTC cũng yêu cầu các cửa hàng phải có tủ kính để bảo quản thực phẩm, ký cam kết không treo thịt động vật. Năm nay, cũng là lần đầu tiên, công an hai huyện Ứng Hòa và Thanh Oai sẽ phối hợp cùng công an huyện Mỹ Đức vào cuộc ngăn chặn các trường hợp cò mồi, lôi kéo du khách.
Để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, BTC lễ hội cũng đã bố trí 150 thùng rác ở dọc tuyến đường hành hương, một bãi chôn lấp rác thải trên 600 m2, bảo dưỡng lò đốt rác, triển khai vớt bèo, rong rêu trên suối Yến.
Sau khi đi thị sát, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái yêu cầu BTC lễ hội chùa Hương cần chú ý bố trí quy hoạch hàng quán, bến xe, đò tạo không gian thông thoáng cho người dân tham gia lễ hội. BTC cũng cần chú ý điều tiết âm thanh loa đài, quản lý chặt văn hóa phẩm độc đại.
Đặc biệt, Thứ trưởng yêu cầu nghiêm cấm các hàng quán treo thịt động vật gắn mác thịt thú rừng tại khu vực dưới bến Thiên Trù lên chùa Hương. BTC phải tăng cường kiểm tra, nếu trường hợp vi phạm có thể xử lý trước, báo cáo sau
Theo 24h
Lễ hội chùa Hương lớn nhất từ trước đến nay Đến thời điểm hiện tại, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã cơ bản hoàn thiện công tác chuẩn bị cho một mùa lễ hội lớn nhất từ trước đến nay. Trước giới truyền thông, ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức kiêm Trưởng BTC lễ hội chùa Hương năm 2013 cho biết: "Hệ thống đường giao thông, biển...