Những địa danh gắn liền với ngày Hà Nội giành chính quyền
Sáng 19/8/1945, cuộc mít tinh của hàng trăm nghìn người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận đã biến thành cuộc biểu tình vũ trang, đánh chiếm những vị trí đầu não của chính phủ Trần Trọng Kim. Một ngày sau, Ủy ban Nhân dân Cách mạng Bắc Bộ đã ra mắt đồng bào tại vườn hoa Con Cóc trước Bắc Bộ phủ.
Đầu tháng 8/1945, Thế chiến thứ hai có nhiều biến động, quân đội Nhật liên tiếp chịu thất bại, cuối cùng đã đầu hàng quân đội đồng minh. Ngày 16/8, Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) nhất trí chủ trương tổng khởi nghĩa. Cũng trong sáng 16/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội của Mặt trận Việt Minh đã được thành lập tại số nhà 101 phố Gambetta, nay là phố Trần Hưng Đạo.
Ngày 17/8/1945, Tổng hội viên chức chính quyền Trần Trọng Kim tổ chức mít tinh tại quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội với sự tham gia của hàng chục nghìn người. Lúc này, quần chúng cách mạng đã chiếm lấy diễn đàn cuộc mít tinh, cán bộ Việt Minh giương cao cờ đỏ sao vàng kêu gọi nhân dân Hà Nội khởi nghĩa giành chính quyền.
Chiều 17/8, tại làng Vạn Phúc – An toàn khu của Xứ ủy Bắc Kỳ, ông Nguyễn Khang, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội, sau khi trực tiếp khảo sát tình hình trở về đã trao đổi với các thành viên trong Ủy ban và đi tới quyết định: Dựa trên chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” tiến hành cho Hà Nội khởi nghĩa mà không cần chờ tới lệnh của Trung ương.
Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội nay mang tên Quảng trường Cách mạng Tháng Tám. 70 năm trước, sáng sớm 19/8 hàng trăm nghìn người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận đã kéo về đây tạo ra cuộc mít tinh lớn chưa từng có. Đại diện Việt Minh tuyên bố: Tổng khởi nghĩa!
Dưới sự bảo vệ của Thanh niên tự vệ, tổ chức Việt Minh thành Hoàng Diệu, cuộc mít tinh đã nhanh chóng biến thành biểu tình thị uy, qua đường Paul Bert tỏa đi khắp các phố phường Hà Nội.
Đường Paul Bert nay là phố Tràng Tiền với các tòa nhà xưa đã được tu sửa. Sáng 19/8 của 70 năm trước, từ con phố này, quần chúng cách mạng chia nhau đi đánh chiếm các cơ quan đầu não của chính phủ Trần Trọng Kim.
Điểm đánh chiếm đầu tiên là Phủ khâm sai Bắc Kỳ (Bắc Bộ phủ), cơ quan đầu não của chính phủ Trần Trọng Kim. Lính bảo vệ phủ đã hạ vũ khí trước sức mạnh của quần chúng nhân dân. Sau đó, nhân dân tiếp tục đánh chiếm sở mật thám, sở bưu điện, trại bảo an binh.
Bắc Bộ phủ nay được tu sửa và được sử dụng làm Nhà khách Chính phủ. Phần mái che sảnh trước tòa nhà vẫn giữ đặc trưng như 70 năm trước.
Sau khi đánh chiếm Bắc bộ phủ, trại bảo an, quần chúng cách mạng tiếp tục đánh chiếm sở cảnh sát trung ương bên hồ Gươm. Tòa nhà này ngày nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm.
Cũng trong đêm 19/8/1945, Xứ ủy Bắc kỳ quyết định thành lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng Bắc bộ và Ủy ban Nhân dân Cách mạng Hà Nội, chính thức hoá vai trò của chính quyền cách mạng với nhân dân và cộng đồng quốc tế. Ngày 20/8/1945, Ủy ban Nhân dân Cách mạng Bắc Bộ, đại diện cho chính quyền cách mạng lâm thời, đã chính thức ra mắt quốc dân đồng bào tại vườn hoa Con Cóc trước Bắc Bộ phủ.
Video đang HOT
Cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội thắng lợi lan tỏa khí thế đi khắp cả nước giúp các tỉnh thành tiếp tục đứng lên giành chính quyền. Giáo sư Trần Văn Giàu đã khẳng định: “Các nhà viết sử khởi nghĩa cách mạng tháng Tám phải ghi công đầu rất lớn cho Đảng bộ và nhân dân Hà Nội trong cuộc chiến đấu mang tính chất quyết định này. Hà Nội có khởi nghĩa thành công ngày 19/8 thì Huế mới khởi nghĩa thành công ngày 23/8 và Sài Gòn khi ấy nóng lòng chờ tin Hà Nội. Hà Nội có khởi nghĩa thì Sài Gòn mới làm. Tuy Sài Gòn đã tập hợp đủ lực lượng nhưng nếu Hà Nội chưa làm thì vị tất Sài Gòn đã làm vì nhớ mãi kinh nghiệm của tháng 11/1940. Nói khởi nghĩa Hà Nội có tầm quyết định là như vậy”.
Ngày 28/8/1945, Chi đội Giải phóng quân vào Hà Nội, đi qua quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục để tiến về cùng các lực lượng duyệt binh trước Nhà hát Lớn.
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ngày nay vẫn còn tháp nước tròn nhưng khung cảnh xung quanh đã biến đổi nhiều với các tòa nhà cao tầng mọc lên. Nơi đây cũng là địa điểm người dân tập trung đông đảo trong mỗi sự kiện lớn.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đánh dấu Cách mạng tháng Tám thắng lợi hoàn toàn.
Quảng trường Ba Đình ngày nay có khuôn viên dài 320 m, rộng 100 m, vẫn là quảng trường lớn nhất Việt Nam với tòa nhà Quốc hội hiện đại mới khánh thành. Quảng trường là nơi diễn ra các cuộc diễu hành nhân dịp ngày lễ lớn của Việt Nam, cũng là địa điểm tham quan, vui chơi, dạo mát của du khách và người dân Hà Nội.
Quý Đoàn
Ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
Theo VNE
Xúc động với những hình ảnh mùa Thu lịch sử năm 1945
Hàng trăm bức ảnh ghi lại không khí của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu giữ lại suốt 70 năm qua khiến nhiều người xem xúc động, bồi hồi.
Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ 2 bước vào giai đoạn cuối. Tháng 3/1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp. Ngày 12/3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Thực hiện Chỉ thị này, cao trào kháng Nhật diễn ra mạnh mẽ, khu giải phóng Việt Bắc được thành lập và trở thành căn cứ địa cách mạng của cả nước.
Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945 quyết định Tổng khởi nghĩa dành chính quyền trong cả nước.
Đêm 13/8/1945, Tổng bộ Việt Minh thành lập ban khởi nghĩa và ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa.
Ngày 16/8/1945, Đại hội toàn quốc họp tại Tân Trào. Đại hội tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng; quy định quốc kỳ, Quốc ca, 10 chính sách lớn và cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu).
Ngày 18/8, khởi nghĩa thắng lợi ở các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam. Ngày 19/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội và các tỉnh Yên Bái, Thái Bình, Phúc Yên, Thanh Hóa, Khánh Hòa.
Ngày 20/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình. Ngày 21/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Sơn Tây, Nam Định, Kiến An, Nghệ An, Ninh Thuận.
Ngày 22/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Hưng Yên, Quảng Yên. Ngày 23/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và các tỉnh Bắc Cạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Lâm Viên, Gia Lai, Quảng Ngãi, Tân An, Bạc Liêu...
Ngày 24/8, khởi nghĩa thắng lợi ở các tỉnh Hà Nam, Phú Thọ, Đắc Lắc, Phú Yên, Bình Thuận, Gò Công, Mỹ Tho.
Ngày 25/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn và các tỉnh Lạng Sơn, Công Tum, Đồng Nai, Chợ Lớn, Gia Định, Sóc Trăng, Long Xuyên, Vĩnh Long, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Châu Đốc, Trà Vinh, Tây Ninh, Biên Hòa, Bến Tre, Sa Đéc.
Ngày 26/8, khởi nghĩa thắng lợi ở các tỉnh Hồng Gai, Sơn La, Cần Thơ. Ngày 27/8, khởi nghĩa thắng lợi ở tỉnh Rạch Giá. Đến ngày 28/8, Tổng khởi nghĩa đã thành công trong cả nước.
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Từ đây, đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và đi lên Chủ nghĩa xã hội.
Một số hình ảnh về Cách mạng tháng Tám và ngày Quốc khánh 2/9:
Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy tuyên thệ tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng) ngày 22/12/1944
Báo chí của Đảng cổ vũ tuyên truyền động viên nhân dân cả nước ủng hộ Việt Minh đánh Pháp đuổi Nhật chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền
Đình Tân Trào (Sơn Dương - Tuyên Quang) - nơi diễn ra quốc dân Đại hội do Việt Minh triệu tập và quyết định Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.
Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa phát lệnh khởi nghĩa vào lúc 11h đêm 13/8/1945.
Trụ sở Việt Nam giải phóng quân sau khi giành chính quyền tại Thái Nguyên ngày 20/8/1945.
Cuộc biểu tình của nhân dân do Mặt trận Việt Minh tổ chức 8/1945.
Mít tinh trước Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 19/8/1945.
Nhân dân Hà Nội nổi dậy đánh chiếm phủ Khâm Sai, ngày 19/8/1945.
Nhân dân Hải Phòng mít tinh trong Cách mạng tháng Tám 1945.
Đội du kích Ba Tơ tiến về thị xã Quảng Ngãi cùng nhân dân giành lại chính quyền 8/1945.
Cuộc khởi nghĩa ở Cần Thơ 8/1945
Biểu tình trên đại lộ Nô Rô Đôm ở Sài Gòn vào ngày 25/8/1945.
Giải phóng về Hà Nội ngày 26/8/1945. Trong ảnh, đồng chí Võ Nguyên Giáp (đội mũ, tay giơ chào) đang duyệt 1 đơn vị Giải phóng quân.
Khởi nghĩa ở Huế thắng lợi ngày 23/8/1945
Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 28/8/1945.
Lễ đài quảng trường Ba Đình Hà Nội ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập...
Nguyễn Dương
(ảnh Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cung cấp)
Theo Dantri
Toàn văn phát biểu kỷ niệm Đại hội Tân Trào của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng Sáng 16/8, Lễ mít-tinh quy mô lớn kỷ niệm 70 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào đã diễn ra trọng thể tại Quảng trường Tân Trào (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Đây cũng là một trong những sự kiện lớn được tổ chức nhân 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Chủ tịch Quốc hội...