Những dấu mốc trong hành trình quan hệ Việt – Pháp
Tháng 2/1993, tổng thống Pháp Francois Mitterrand trở thành lãnh đạo phương Tây đầu tiên thăm Việt Nam kể từ năm 1975.
Trong phái đoàn hơn 200 người tháp tùng ông Mitterrand đến Việt Nam có 6 bộ trưởng và nhiều doanh nhân nổi tiếng như chủ tịch hãng hàng không Air France Bernard Attali. Đón ông Mitterrand, đường phố Hà Nội được trang trí bằng quốc kỳ hai nước, cùng những biểu ngữ chào mừng bằng tiếng Việt và tiếng Pháp.
Trên tinh thần hòa giải, ông Mitterrand tới thăm chiến trường Điện Biên Phủ, nơi tạo ra bước ngoặt dẫn đến ký kết Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1954. Phát biểu tại Hà Nội sau chuyến thăm Điện Biên Phủ, tổng thống Mitterrand cho rằng cuộc chiến của Pháp ở Đông Dương “dường như là sai lầm”, theo quan điểm của ông.
“Thực dân Pháp phải hiểu sự cần thiết của việc bước sang trang mới. Kể từ thời điểm chiến tranh kết thúc, tôi nghĩ tất cả đều đáng suy ngẫm lại. Tôi cảm thấy hài lòng khi Pháp là quốc gia phương Tây đầu tiên đến đây để thể hiện mong muốn hòa giải”, ông Mitterrand nói.
Tổng thống Pháp Francois Mitterrand (trái) trò chuyện cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 2/1993. Ảnh: Reuters.
Lãnh đạo Pháp còn cho hay họ sẽ giúp Việt Nam khôi phục quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế và tăng gấp đôi viện trợ, đồng thời đánh giá lệnh cấm vận của Mỹ đã lỗi thời và cần được gỡ bỏ.
Chuyến thăm ba ngày của ông Mitterrand được cho là nhằm thể hiện sự ủng hộ của Pháp đối với công cuộc cải cách mở cửa của Việt Nam, thúc đẩy Việt Nam tăng cường hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đồng thời phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn của phương Tây với triển vọng và tiềm năng kinh tế của Việt Nam.
Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ vào ngày 12/4/1973. Sau năm 1975, quan hệ Việt – Pháp được tăng cường trên nhiều mặt, với dấu mốc quan trọng là chuyến thăm Pháp của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng hồi tháng 4/1977.
Trong thời kỳ Mỹ và các nước phương Tây tìm cách bao vây, cô lập Việt Nam, Pháp vẫn giữ thái độ chừng mực. Quan hệ Việt – Pháp được cải thiện từ năm 1989, với việc Pháp đi đầu trong khai thông quan hệ với Việt Nam, xoá nợ và giúp Việt Nam giải quyết nợ với các nước thành viên Câu lạc bộ Paris.
Sau chuyến thăm được đánh giá giúp mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ Việt – Pháp của ông Mitterand, quan hệ hai nước ngày càng phát triển. Năm 1997, Jacques Chirac, tổng thống Pháp khi đó, thăm Việt Nam nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Pháp ngữ tại Hà Nội, sau đó trở lại vào năm 2004 trong chuyến thăm cấp nhà nước.
Trong chuyến thăm này, ông Chirac nhấn mạnh vượt qua gánh nặng của quá khứ, Việt Nam và Pháp hoàn toàn có quyền gửi tới thế giới một thông điệp hòa bình, hợp tác và bác ái. Nỗ lực vun đắp quan hệ tiếp tục được khẳng định trong chuyến thăm Pháp của nguyên tổng bí thư Nông Đức Mạnh vào năm 2005.
Trong cuộc hội đàm với nguyên tổng bí thư Nông Đức Mạnh, ông Chirac hoan nghênh chính sách đối ngoại độc lập tự chủ và rộng mở của Việt Nam, khẳng định Pháp ủng hộ chiến lược phát triển và xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam, tiếp tục dành cho Việt Nam các khoản viện trợ phát triển song phương. Ông tái khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn của Pháp đối với việc Việt Nam sớm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Video đang HOT
Hai nước ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp khi nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Paris hồi tháng 9/2013, đúng dịp kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
“Hôm nay chúng ta có thể cùng nhau vui mừng nói rằng con tàu quan hệ hai nước đã cập bến bờ của tình hữu nghị và hợp tác thành công, với việc lãnh đạo hai nước cùng tuyên bố xác lập quan hệ đối tác chiến lược Việt – Pháp”, nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Paris ngày 24/9/2013, cho rằng quan hệ “đặc biệt”, đa lĩnh vực và nhiều cấp độ giữa hai nước đã chín muồi.
Thực tế cho thấy quan hệ Việt – Pháp đã phát triển toàn diện trên mọi mặt trong những thập kỷ qua. Về kinh tế, Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 5 của Việt Nam, với trao đổi thương mại song phương 7 tháng đầu năm nay đạt 2,81 tỷ USD.
Tính đến tháng 7, Pháp đứng thứ ba trong các nước châu Âu và thứ 16 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 605 dự án, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,6 tỷ USD. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Pháp 9 dự án với tổng vốn là 3,04 triệu USD.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái) bắt tay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris trong chuyến thăm hồi tháng 3/2018. Ảnh: TTXVN.
Về hợp tác phát triển, Pháp là bên cung cấp Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) hàng đầu châu Âu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á, sau Afghanistan. Pháp hỗ trợ vốn vay ODA mỗi năm tối thiểu 200 triệu euro (gần 231 triệu USD) cho Việt Nam, tập trung vào ba lĩnh vực là biến đổi khí hậu, năng lượng chuyển đổi và tăng trưởng xanh.
Về an ninh – quốc phòng, Pháp là nước phương Tây đầu tiên có tùy viên quốc phòng tại Việt Nam từ năm 1991. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn, họp tham mưu hàng năm, đối thoại an ninh, hỗ trợ xuất khẩu trang thiết bị khí tài, đào tạo sĩ quan. Việt Nam và Pháp cũng có quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực quốc phòng.
Quan hệ hợp tác giáo dục – đào tạo giữa Việt Nam và Pháp hình thành và phát triển từ đầu những năm 1980. Pháp luôn coi đây là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động hợp tác tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào giảng dạy và phát triển tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực bậc đại học và sau đại học. Trong vòng 10 năm qua, số lượng sinh viên Việt Nam tới Pháp tăng khoảng 40% và hiện có gần 10.000 du học sinh.
Về văn hóa – du lịch, chính phủ Pháp dành khoảng 5 triệu euro (5,7 triệu USD) cho ngân sách hợp tác văn hóa với Việt Nam. Pháp cũng đứng thứ 7 trong các nước và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực du lịch tại Việt Nam, với 14 dự án tổng trị giá 188 triệu USD.
Năm 2018, nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm xác lập quan hệ đối tác chiến lược Việt – Pháp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới thăm Pháp, sau đó thủ tướng Pháp Edouard Philippe cũng thăm chính thức Việt Nam. Những sự kiện này được cho là minh chứng về mối quan hệ đang phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy giữa hai nước.
Trong chuyến thăm vào tháng 11/2018, thủ tướng Philippe trở thành lãnh đạo cấp cao thứ hai của Pháp đến Điện Biên Phủ sau cố tổng thống Mitterrand. Ông tham quan nơi từng diễn ra chiến dịch đánh đổ chế độ thuộc địa của Pháp tại Đông Dương, sau đó đặt hoa tại đài tưởng niệm những người đã khuất từ cả hai phía.
“Chúng tôi đã phát triển mối quan hệ gần gũi, nghiêm túc với Việt Nam. Tôi nhận thấy đôi bên cần nhớ về quá khứ chung một cách hòa bình. Bởi đã làm hòa với quá khứ, hai nước đang hướng tới tương lai chung với sức mạnh mới”, ông Philippe tuyên bố khi đó.
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Pháp từ ngày 3 đến 5/11, sau khi dự hội nghị COP26 tại Anh. Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery cho biết trong chuyến thăm lần này, Pháp sẽ đón tiếp lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nghi thức lễ tân rất cao, trong bối cảnh cả hai nước đều mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược.
“Chúng tôi rất lấy làm vui và vinh hạnh về sự lựa chọn này của Thủ tướng Việt Nam. Điều này thể hiện tầm quan trọng và vị thế trong quan hệ song phương cũng như trong quan hệ khu vực giữa hai bên”, Đại sứ Warnery nhấn mạnh.
Ghé thăm Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sơn La
Rừng Đại Tướng Võ Nguyên Giáp hay còn được gọi là Rừng Ông Giáp. Đây là khu rừng sum suê với những cây đại thụ thân to vài người ôm không hết.
Cánh rừng được bà con ở Sơn La hết sức giữ gìn. Phần vì coi đây là rừng thiêng, phần vì nơi đây đã từng có sự hiện diện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn quân giải phóng.
Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở đâu?
Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm tại xã Gia Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Cách trung tâm thành phố Sơn La khoản 105km, rừng ông Giáp nay là rừng phòng hộ có diện tích 197ha. Khu rừng được hình thành và bao bọc bởi hai dãy núi. Cây cối quanh năm xanh tốt, rậm rạp và được mây bao phủ kín. Nhờ những giá trị lịch sử của mình mà khu rừng nhận được sự quan tâm và bảo vệ của chính quyền cũng như người dân nơi đây.
Đường vào rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Lịch sử rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là khu rừng duy nhất tại Việt Nam mang tên của vị tổng tư lệnh tài đức trọn vẹn, một chỉ huy xuất chúng được cả thế giới kính nể. Trước đây rừng mang tên là khu rừng bản Nhọt. Ngay thời điểm trước khi giành chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, Đại tướng và đoàn giải phóng quân đã bí mật đóng quân ở đây vài ngày để tiến đánh sang Điện Biên. Người dân nơi đây đã vô cùng tự hào khi nơi đây đã từng có dấu ấn của đội quân tướng Giáp. Để tỏ lòng biết ơn đến vị Đại tướng tài ba của dân tộc, người dân đã đặt tên rừng thành Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 2008 Rừng được UBND tỉnh Sơn La công nhận là khu di tích cấp tỉnh. Và tiến hành các biện pháp bảo vệ, khai thác du lịch.
Theo như lời kể của Ông Hoàng Văn Ưu - nhân chứng đã tận mắt chứng kiến đoàn quân của Tướng Giáp. Thì vào năm 1953 đoàn quân của Đại tướng đã trú ẩn ở đây một cách vô cùng âm thầm. Để tránh hoàn toàn sự truy quét và tai mắt của giặc. Việc đóng quân và hành quân diễn ra cực kỳ khẩn trương, không để lại dấu vết. Ông đã tình cờ bắt gặp đoàn quân trong một lần vào rừng săn bắt. Sự hữu duyên này đến tận sau này vẫn được ông nhắc đến và coi như một sự may mắn của cuộc đời. Khi tận mắt được gặp vị Đại tướng lừng danh của dân tộc.
Ông Hoàng Văn Ưu kể về cuộc gặp gỡ với Đại tướng trong rừng.
Bên cạnh đó, góp phần vào chiến thắng này còn có công sức to lớn của đồng bào các dân tộc Phù Yên Sơn La với tinh thần yêu nước và một lòng theo Đảng. Mặc dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng họ đã không tiếc góp gạo, góp sức và góp người để góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc. Người dân nơi đây qua bao nhiêu năm luôn giữ vững tinh thần dân tộc. Họ vẫn một lòng hướng về phía tổ quốc và luôn giữ cho mình một cuộc sống giản dị, gần gũi với núi rừng.
Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nơi thích hợp khám phá thiên nhiên hùng vĩ
Rừng Đại tường Võ Nguyên Giáp vẫn giữ nguyên được sự hoang sơ và hùng vĩ của mình sau bao năm đất nước phát triển. Nhờ có sự bảo vệ và gìn giữ của người dân nơi đây mà cánh rừng này còn hoàn toàn nguyên vẹn. Những cây cổ thụ, đại thụ và các loại cây gỗ quý đều còn nguyên. Các loại cây như cây lát, sổi, sấu cổ thụ hay hàng cây pơ mu cao chót vót làm nên bức tranh xanh ngắt cho cánh rừng. Mỗi khi sương phủ kín nơi này mang một bầu không khí rất trong lành và tĩnh lặng như khung cảnh trong các bộ phim tài liệu vậy. Trong không gian ấy có tiếng nước chảy róc rách nên thơ của suối Dưn - đây là nơi trú quân đầu tiên của đoàn quân. Tiếp đó là suối Tắc Tè - nơi Đại tướng dừng chân đến nay vẫn còn nguyên vẹn.
Du khách check in với cây đại thụ to lớn trong rừng Ông Giáp
Hệ sinh thái rừng cũng được bảo tồn trọn vẹn. Nơi đây cũng chưa có sự khai thác của con người. Có thể nói Rừng Tướng Giáp là khu rừng nguyên sơ, là địa điểm khám phá cực kỳ tuyệt vời. Nhất là với những ai ưa thám hiểm, yêu thiên nhiên và rừng núi. Thì nơi đây quả thực là thiên đường tự nhiên phù hợp nhất. Hơn 60 năm qua đồng bào Mường bản Nhọt nơi đây vẫn nâng niu trân trọng từng nhành cây. Rừng vẫn được phủ một màu xanh bạt ngàn và giữ được không khí đặc trưng của rừng phòng hộ.
Màu xanh bạt ngàn của rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Để tưởng nhớ công ơn của Đại Tướng và lưu lại dấu tích về hình ảnh đoàn quân của Đại tướng, UBND tỉnh Sơn La đã triển khai xây dựng công trình đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Công trình được hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 67 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đền sẽ là nơi gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, giá trị tinh thần quý báu của dân tộc. Đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La. Đó là tỏ lòng biết ơn đến công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Khánh thành đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đây cũng là nơi sẽ đón tiếp các đoàn khách du lịch, đoàn khách chính phủ tới tham quan và tìm hiểu các giá trị lịch sử, giá trị văn hóa các dân tộc vùng miền. Để cùng sống lại những thời khắc huy hoàng của cuộc kháng chiến chống pháp oanh liệt. Thời khắc mà lịch sử Việt Nam đã có một chiến thắng vang đội được cả thế giới tung hô.
Đây cũng là nơi sẽ đón tiếp các đoàn khách du lịch, đoàn khách chính phủ tới tham quan
Cần chuẩn bị gì khi tham quan Rừng Đại Tướng Võ Nguyên Giáp?
Vì nơi đây là rừng nguyên sơ, nên bạn cần mặc quần áo dài tay, đi giày thể thao, đội mũ, mang theo áo mưa hoặc ô, nước và đặc biệt là thuốc bôi côn trùng. Bạn cũng nên mang theo cả đèn pin để đi trong rừng. Bởi những lúc trời mưa rừng sẽ tối hơn bình thường đó. Đây là một số lưu ý khi đến tham quan Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà các bạn nên "bỏ túi" để có một chuyến đi thuận lợi nhất.
Chuyến đi trải nghiệm của các bạn trẻ trong rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Giao thông miền núi thuận lợi nhờ vốn bảo trì đường bộ Xây dựng Quỹ Bảo trì đường bộ là bước đột phá cho công tác bảo trì các tuyến đường giao thông, nhất là tại các tỉnh miền núi. Từ nguồn vốn của Quỹ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN -Bộ GTVT) đến cuối năm 2021 đã sửa chữa thường xuyên mặt đường, xử lý dứt điểm các "điểm đen" mất an toàn......