Những danh tướng thất sủng: Cuộc đời bi thảm của Bành Đức Hoài
Nguyên soái Trung Quốc Bành Đức Hoài có thể không bao giờ tưởng tượng được rằng ông sẽ phải trả giá vì một bức tâm thư.
Bành Đức Hoài ký thỏa thuận đình chiến trên bán đảo Triều Tiên năm 1953 – Ảnh: kcm.kr
“Ông ấy là người chính trực và ngay thẳng. Ông dành mạng sống và tay chân cho Cách mạng Trung Quốc. Ông ấy trung thành và liêm khiết. Không gì có thể xóa nhòa hình ảnh sáng chói của Bành Đức Hoài khỏi lịch sử Trung Quốc”. Câu nói này của ông Dương Thượng Côn, Chủ tịch Trung Quốc từ năm 1988 đến 1993, có thể được xem là lời minh oan rõ ràng nhất cho vị tướng có tài thao lược xuất chúng nhưng phải đem nỗi oan khuất xuống mồ.
Ông Bành Đức Hoài, tên thật Bành Đức Hoa, là một trong 10 nguyên soái của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc và giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng từ năm 1954 đến 1959. Ông là một chỉ huy chủ chốt trong cuộc chiến Trung – Nhật lần hai và cuộc chiến tranh giải phóng Trung Quốc, đồng thời là Tổng chỉ huy lực lượng Chí nguyện quân Trung Quốc trong cuộc chiến Triều Tiên. Tuy nhiên, vị tướng đầy bản lĩnh này đã phải trả giá rất đắt cho sự nghiệp trọn đời của mình vì dám phản đối nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông trong phong trào Đại nhảy vọt.
Khai quốc công thần
Theo Nhân dân nhật báo, Bành Đức Hoài sinh ngày 24.10.1898 tại huyện Tương Đàm. Cậu bé Bành có đôi mắt lanh lợi, được trời phú một tinh thần mạnh mẽ và kiên định. Xa gia đình từ lúc 9 tuổi, cậu xin làm công nhân tại các mỏ than rồi tham gia xây dựng đập nước trên hồ Động Đình trong 6 năm sau đó. Bành vào quân đội lúc 16 tuổi và 12 năm sau vươn đến chức chỉ huy lữ đoàn trong Quân đội Trung Hoa Quốc dân đảng. Cuộc đời Bành chính thức rẽ sang hướng khác kể từ khi chàng trai này rời Quốc dân đảng để tránh sự “truy sát” của Tưởng Giới Thạch vào năm 1927 và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc không lâu sau đó.
Trong cuộc rút lui quân sự chiến lược mang tên Vạn lý Trường chinh kéo dài 370 ngày vào các năm 1934 và 1935, Bành giữ vai trò chỉ huy Quân đoàn 3. Sự nghiệp của Bành tiếp nối với vai trò Phó tổng tư lệnh quân đội Cộng sản Trung Quốc và điều phối Chiến dịch Trăm trung đoàn trong thời gian nổ ra Thế chiến thứ hai. Những đối sách táo bạo và đầy mưu lược của Bành “sau lưng” quân Nhật ở miền bắc Trung Quốc đã góp phần quan trọng giúp đẩy quân đội Thiên hoàng tiến gần đến thất bại. Trong những giai đoạn cuối của chiến tranh giải phóng Trung Quốc, Bành chỉ huy Quân đoàn chiến trường số 1 lần lượt giành quyền kiểm soát các tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc, Ninh Hạ và Thanh Hải.
Video đang HOT
Ngày 8.10.1950, ông được phong làm Tư lệnh tối cao Chí nguyện quân nhân dân Trung Quốc tham chiến ở Triều Tiên và giữ vị trí này đến khi đạt được thỏa thuận đình chiến vào năm 1953. Cùng thời gian đó, ông giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, trở thành ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc và được tấn phong nguyên soái vào năm 1955.
Đoạn kết bi thảm
Đúng với tính cách được Dương Thượng Côn mô tả, Bành Đức Hoài không hề ngần ngại bày tỏ ý kiến của mình trước những chính sách sai lầm của Đảng Cộng sản Trung Quốc khi chúng mang lại nhiều khổ đau cho người dân trong thời kỳ Đại nhảy vọt. Bi kịch của nguyên soái họ Bành nảy sinh từ hội nghị của các lãnh đạo đảng ở Lư Sơn vào tháng 7.1959, khi ông gửi tâm thư phê phán Đại nhảy vọt đến Mao Trạch Đông. Theo cuốn Lịch sử Trung Quốc do Đại học Maryland (Mỹ) xuất bản năm 2010, trong bức thư trên, Bành đã đề cập đến việc quản lý tồi cũng như cảnh báo việc đặt giáo điều chính trị lên trên quy luật kinh tế. Tuy nhiên, dù Bành sử dụng lời lẽ ôn hòa trong thư, Mao vẫn xem đó là một cuộc công kích cá nhân nhằm vào vai trò lãnh đạo của ông. Sau hội nghị, Bành bị cách chức và bị buộc tội “cơ hội hữu khuynh”. Người thay ông là Lâm Bưu, một nguyên soái phê phán Bành quyết liệt tại cuộc họp ở Lư Sơn.
Theo Nhân dân nhật báo, không chỉ bị cách chức, Bành còn bị quản thúc và bị xa lánh suốt nhiều năm sau đó. Khi những sai lầm của Đại nhảy vọt lộ rõ vào đầu thập niên 1960, uy tín của Bành được khôi phục một phần. Nhờ những nỗ lực minh oan của các lãnh đạo Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, Mao đã đồng ý giao cho Bành nhiệm vụ quản lý phát triển công nghiệp ở khu vực tây nam trong dự án có tên gọi “Mặt trận thứ ba” vào năm 1965.
Tuy nhiên, số phận của Bành đã được quyết định khi Cách mạng Văn hóa bùng nổ vào năm 1966. Những Hồng vệ binh đáng tuổi con cháu đã bắt giữ, tra tấn và đánh đập tàn tệ vị nguyên soái khai quốc công thần. Tinh thần mạnh mẽ bẩm sinh của người lính già đã giúp ông duy trì sự khẳng khái đến những phút cuối cùng. Ông qua đời vì bệnh ung thư vào ngày 29.11.1974.
Năm 1978, Hội nghị toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 11 đã xem xét lại trường hợp của ông Bành. Dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khôi phục thanh danh và tái khẳng định những đóng góp của Bành Đức Hoài với Cách mạng Trung Quốc.
Theo TNO
Những danh tướng thất sủng: Georgy Zhukov, vị nguyên soái phi thường
Dân gian Nga tin rằng các cậu bé được đặt tên theo vị thánh quân sự nổi tiếng người La Mã George (St.George) sẽ trở thành chiến binh quả cảm. Lịch sử cho thấy điều đó đúng với Georgy Zhukov.
Zhukov (trái) và chỉ huy quân đồng minh Dwight D.Eisenhower - Ảnh: pbs.org
Lịch sử nhân loại từng chứng kiến nhiều chỉ huy quân sự huyền thoại mà những chiến tích của họ góp phần thay đổi hoặc thậm chí cứu rỗi thế giới. Những chiến công hiển hách đưa họ bước vào ngôi đền của các chiến binh được kính ngưỡng nhất mọi thời đại. Song khi trở về với sân khấu chính trị, hào quang chiến trận, tài năng quân sự thiên bẩm hóa ra là một mối đe dọa khi uy danh lừng lẫy của họ vượt lên trên cả những quyền lực chấp chính. Câu chuyện "điểu tận cung tàng" phảng phất từ thời cổ đại với những cái tên như Bạch Khởi, Hàn Tín... cho đến tận thế kỷ 20 với số phận anh hùng thất sủng dành cho những tên tuổi lừng lẫy như Georgy Zhukov, Douglas MacArthur hay Bành Đức Hoài...
Từ người lính Sa hoàng đến vị tướng Hồng quân
Theo Đài RT, Zhukov chào đời ngày 1.12.1896 tại làng Strelkovka gần thủ đô Moscow, trong một gia đình nông dân nghèo và phải học nghề bán lông thú. Năm 1915, Zhukov bị bắt lính và phục vụ cho quân đội Sa hoàng. Zhukov gia nhập Đảng Cộng sản sau cuộc Cách mạng vô sản năm 1917 và phục vụ Hồng quân Liên Xô trong cuộc nội chiến từ năm 1917 - 1921. Tuy nhiên, tên tuổi và tài năng của Zhukov chỉ được khẳng định sau khi ông được lãnh đạo Liên Xô khi đó là Joseph Stalin giao trọng trách chỉ huy cuộc chiến chống Nhật tại Mông Cổ. Với tài thao lược xuất chúng của Zhukov, Hồng quân đã đánh bại quân đội Nhật trong trận chiến Khalkin Gol. Sau chiến thắng này, ông được trao danh hiệu Anh hùng Liên Xô và được phong tướng.
Gần như mọi chiến thắng lớn của Hồng quân Liên Xô đều mang dấu ấn của vị tướng tài ba, như trận chiến bảo vệ Moscow năm 1941, trận Stalingrad năm 1942, trận Kursk năm 1943, chiến dịch Bagration và chiến dịch Lvov-Sandomierz năm 1944, chiến dịch Vistula-Oder năm 1945 và chiến dịch Berlin cùng năm. Riêng trong chiến dịch Berlin, Zhukov đã có mặt khi giới chức Đức ký thỏa thuận đầu hàng.
Có thể nói trên thế giới không có vị tướng nào có bề dày thành tích và công lao như Zhukov trong Thế chiến thứ hai.
Vinh quang
Các chiến thắng của Hồng quân Liên Xô dưới sự chỉ huy của ông đã trở thành những di sản vô giá trong kho tàng kiến thức quân sự của nhân loại, có ảnh hưởng lớn đối với lý luận quân sự của Liên Xô cũng như thế giới. Và có lẽ cũng ít ai được giao nhiều trọng trách như Zhukov. Đáng kể nhất là những chức vụ như Tư lệnh Phương diện quân Dự bị, Tư lệnh Phương diện quân phía Tây, Tổng tham mưu trưởng quân đội Liên Xô, Thứ trưởng Quốc phòng kiêm Phó tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô, rồi Ủy viên BCH T.Ư Đảng Cộng sản Liên Xô. Sau chiến tranh, ông giữ chức Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô tại Đức song bị triệu về Moscow và giáng cấp xuống thành tư lệnh các quân khu "làng nhàng" như Odessa và Ural. Năm 1953, khi Stalin qua đời, Zhukov trở về Moscow và được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô trước khi bị cách chức vào năm 1957.
Và cay đắng
Theo hồi ký của nguyên soái A.M.Vasilevsky, người cùng điều phối trận chiến Kursk với Zhukov, vào tháng 3.1953, sau khi Stalin đột ngột qua đời, Liên Xô lâm vào một cuộc khủng hoảng lãnh đạo. Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev đã chọn cách "liên thủ" với Zhukov trong cuộc tranh giành quyền lực với các đối thủ, đặc biệt là Phó thủ tướng thứ nhất kiêm trùm mật vụ Pavlovich Beria. Mâu thuẫn giữa Zhukov và Beria đã phát sinh từ khi Stalin còn sống. Beria cũng chính là nguyên nhân khiến Zhukov gặp nhiều lao đao trong giai đoạn này.
Khrushchev trên thực tế đã "mượn tay" Zhukov loại Beria sau khi Stalin qua đời, bằng cách đẩy đối thủ khỏi đảng, đưa ra tòa án binh và xử tử. Ngay sau khi lên cầm quyền, Khrushchev đã bổ nhiệm Zhukov vào chức Bộ trưởng Quốc phòng và sau đó là Ủy viên Đoàn Chủ tịch BCH T.Ư Đảng (Bộ Chính trị). Đó là nấc thang cao nhất mà Zhukov có thể leo đến trong sự nghiệp chính trị. Theo trang tin Military History, quan hệ giữa ông và Khrushchev nhanh chóng rạn nứt sau khi Khrushchev đề xuất thu hẹp quy mô lực lượng Hồng quân. Vị tướng dày dạn trận mạc và chiến công không ủng hộ ý kiến này và vì vậy bị Khrushchev cách chức vì nghi ngờ âm mưu đảo chính. Khi Khrushchev sa cơ vào năm 1964, Zhukov được phục hồi thanh danh nhưng ông không được lãnh đạo kế nhiệm tin dùng trở lại và qua đời trong âm thầm vào ngày 18.6.1974.
Được nhiều người đánh giá cao về khả năng quân sự, nhưng những chiến tích của ông Zhukov đã bị xem nhẹ, thậm chí phớt lờ trong nhiều thập niên. Trong cuốn sách có tựa đề Cuộc đời Georgy Zhukov phát hành cuối năm ngoái, tác giả người Ireland Geoffrey Roberts khẳng định Zhukov là "vị tướng vĩ đại bảo vệ Liên Xô khỏi thất bại thảm khốc trước Hitler và đưa quốc gia đến chiến thắng vĩ đại".
Theo báo The Guardian, vị Giáo sư Đại học Cork này nhận xét Zhukov giỏi đánh lạc hướng kẻ thù, khiến họ đưa ra những quyết định sai lầm, nhờ đó đem lại chiến thắng cho Hồng quân Liên Xô. Trong khi đó, Đài tiếng nói nước Nga dẫn lời sử gia Mỹ Martin Kayden ghi nhận Zhukov là vị chỉ huy "gây nhiều tổn thất cho phát xít Đức hơn bất kỳ ai" và dùng chữ "nguyên soái phi thường" để nói về ông.
Theo TNO
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Một trong 21 danh tướng của thế giới Trong cuốn Những vị tướng lừng danh, Ducan Townson khẳng định: "Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới, từ thời Alexandre Đại đế đến Hannibal rồi đến thời cận hiện đại với Kutuzov, Jukov... Từng là một thầy giáo dạy môn lịch sử, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần quan trọng làm nên trang...