Những đặc sản nổi tiếng nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây chết người
Nhiều chuyên gia nghi ngờ nguyên nhân phát tán chủng virus corona mới 2019-nCoV gây bệnh viêm phổi cấp là súp dơi, món ăn lạ nhưng được ưa chuộng rộng rãi ở Trung Quốc.
Bên cạnh súp dơi, nhiều món ăn hấp dẫn, trở thành đặc sản như cá nóc, bạch tuộc sống Sannakji Hàn Quốc hay phô mai giòi… nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người.
Theo South China Morning Post, các nhà khoa học từ Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết, bộ gen của virus 2019-nCoV gây bệnh viêm phổi cấp giống 96% với một con dơi mang virus corona
Theo nghiên cứu, con người có thể bị lây nhiễm 2019-nCoV trong lúc chế biến món súp dơi. Rắn cũng bị tình nghi mang 2019-nCoV do ăn phải dơi rồi tiếp tục lây lan qua con người lúc giết mổ hay hình thức tiếp xúc khác
Súp dơi là một trong những món đặc sản được yêu thích ở Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc), đặc biệt tại chợ hải sản Hoa Nam. Nhiều người cho rằng súp dơi là món ăn giàu dinh dưỡng, chữa được nhiều bệnh và có vị tươi ngon như thịt gà
Người ta sơ chế dơi khá sơ sài, chỉ cắt tiết, rửa sạch con vật sau đó hầm chín dơi trong nồi nước, thêm rau củ, gia vị rồi hầm đến khi mềm. Như vậy, món ăn thực khách được phục vụ là con dơi nguyên vẹn với lông, cánh, mắt, chân và nội tạng
Món súp dơi với cách chế biến không kỹ có thể khiến con người gặp các vấn đề về sức khỏe. Ngoài ra, dơi là loài động vật được xác nhận là mang virus Ebola, virus Marburg hay các chủng bệnh dại, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe con người
Theo South China Morning Post , cá nóc là loại cá cực độc. Độc tố có trong cá nóc là Tetrodotoxin, tồn tại nhiều trong trứng cá, ruột cá và không bị hủy hoại ở nhiệt độ cao hay khi phơi khô, sấy. Chất độc này gây tê liệt thần kinh và dẫn tới tử vong
Nguy hiểm là vậy, nhưng tại Nhật Bản, cá nóc vẫn là một món đặc sản hấp dẫn thực khách. Có tới 40 loại cá nóc được dùng để chế biến các món ăn tại xứ sở hoa anh đào và người dân nơi đây tiêu thụ đến 10.000 tấn cá nóc mỗi năm
Để chế biến được loài cá cực độc này, các đầu bếp tại Nhật Bản phải thực tập trong khoảng 3 năm. Mặc dù cá nóc mang nhiều độc tố nhưng vì lý do tò mò, nhiều thực khách đã không ngần ngại chi ra số tiền không hề nhỏ (hơn 200 USD) để trải nghiệm và thưởng thức món ăn nổi tiếng này
Video đang HOT
Bạch tuộc sống Sannakji là một trong những đặc sản nổi tiếng tại Hàn Quốc. Món ăn hấp dẫn thực khách bởi vị ngon, ngọt tự nhiên mà không hề tanh. Nhiều khách quốc tế coi việc thưởng thức món bạch tuộc sống Sannakji là thử thách không thể bỏ qua khi tới xứ sở Kim Chi
Có hai cách phổ biến nhất để thưởng thức Sannakji đó là ăn cả con hoặc thái ra thành từng miếng nhỏ. Đối với cách ăn nguyên con, bạch tuộc được chọn thường nhỏ hơn. Người ăn sẽ dùng tay cầm hoặc quấn con vật quanh đũa để cho vào miệng. Tuy nhiên, cách ăn này khá nguy hiểm, đòi hỏi thực khách phải nhai thật kỹ, nếu không rất dễ hóc
Một cách ăn khác phổ biến hơn là cắt các xúc tu của bạch tuộc thành từng đoạn nhỏ và dùng ngay khi chúng còn cử động. Tuy nhiên, các xúc tu có độ bám dính cao sẽ rất dễ gây hóc hoặc ngạt thở. Mỗi năm đều có một số người chết do các xúc tu bám chặt vào cổ họng, nhất là khi uống rượu say. Do đó, để bảo vệ sức khỏe của bản thân, bạn chỉ nên thưởng thức món ăn này khi đang tỉnh táo và nhớ nhai thật kỹ trước khi nuốt
Pho mát Casu Marzu là đặc sản nổi tiếng ở vùng Sardinia, Ý. Đây là món ăn truyền thống của người dân Sardinia, thường được phục vụ trong các dịp đặc biệt như sinh nhật, tiệc độc thân hay đám cưới
Casu Marzu được tạo thành từ một loại pho mát có tên là Pecorino. Người ta ngâm Pecorino trong nước muối, sau đó hun khói và để trong hầm chứa. Tại đây, có một loài ruồi bay tới đẻ trứng vào miếng pho mát. Những quả trứng ruồi sẽ nở thành những con giòi ăn chất béo, làm món ăn mềm, mịn và mang hương vị đặc trưng, ấn tượng
Tuy nhiên, khi bạn ăn món đặc sản đáng sợ này, bạn cần che miếng pho mát bằng tay khi đưa vào miệng, do giòi có thể nhảy cao tới 15cm khi bị kích động và bắn vào mắt bạn. Ngoài ra, khi thưởng thức, thực khách cần nhai thật kỹ bởi những con giòi có thể sống sót và gây nôn mửa, tiêu chảy và chuột rút nặng
Igunaq, hay còn được biết đến với cái tên “thịt nướng chôn đất”, là một món ăn truyền thống của người dân bản địa Arctic thuộc đất nước Canada
Người bản địa sử dụng thịt vượn hay thịt hươu, cắt thành các miếng lớn, sau đó đem chôn trong lòng đất, đợi nó lên men. Sau một khoảng thời gian đủ dài, người ta đào lên và thưởng thức
Đây được coi là một món ăn nguy hiểm bởi quá trình lên men từ 2 loại thịt này tạo ra chất độc có thể khiến thực khách ngộ độc, thậm chí dẫn tới tử vong. Chỉ có những người đã ăn Igunaq từ nhỏ mới có thể thưởng thức được nó mà không gặp nguy hiểm
Cá ngừ là món ăn được nhiều người ưa chuộng vì bổ dưỡng, có nhiều thịt nạc, ít chất béo, giàu chất dinh dưỡng, muối khoáng và axit béo không bão hòa. Tuy nhiên, cá ngừ lại là thức ăn thường gây ra ngộ độc, đặc biệt là ngộ độc tập thể, nhất là khi ăn phải cá ngừ ươn, hỏng
Scombrotoxin là tác nhân gây bệnh chính trong cá ngừ, được tạo ra do việc xử lý sai quy trình từ khi mới đánh bắt. Những triệu chứng ban đầu là đau đầu kèm theo tiêu chảy, nguy hiểm hơn là gây ra những biến chứng như mù mắt hay suy hô hấp
Để đảm bảo sức khỏe, chúng ta nên mua cá ngừ tươi để chế biến, đồng thời bảo quản cá ở nhiệt độ thích hợp
Tiết canh là một món món ăn dân dã được rất nhiều người dân Việt Nam ưa chuộng, đặc biệt là cánh mày râu. Người ta tin rằng, ăn tiết canh sẽ giúp cơ thể thanh mát, khỏe mạnh hơn
Tuy nhiên, tiết canh bản chất là tiết sống nên tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh. Nếu con vật mắc bệnh thì nguồn tiết chắc chắn sẽ chứa các sinh vật gây bệnh như sán, vi khuẩn, ký sinh trùng…
Các bệnh dễ gặp khi ăn tiết canh là liên cầu lợn, nhiễm khuẩn huyết, viêm não mô cầu, giun, sán… Do đó, người dân cần tránh xa món ăn này để đảm bảo sức khỏe của bản thân
Kiều Phương (Tổng hợp)
Theo anninhthudo
10 loại thực phẩm nguy hiểm nên tránh
Từ sản phẩm độc hại đến các món ăn không đảm bảo vệ sinh, sau đây là 10 loại thực phẩm nguy hiểm nhất thế giới theo trang Insider (Mỹ).
"Không nên nhai hạt anh đào quá lâu vì hạt này chứa hợp chất độc hại hydro xyanua", theo Tiến sĩ Keith Kantor, chuyên gia dinh dưỡng và Giám đốc điều hành của chương trình Ăn uống giảm thiểu dinh dưỡng. Điều đó đúng với các loại trái cây khác như đào, mận và mơ. Tuy nhiên, bạn không cần lo lắng quá nhiều vì hydrogen xyanua là chất độc nhưng phải một tấn hạt anh đào mới đủ liều lượng làm chết người. Giới hạn cho người 68 kg là 703 miligam hydro xyanua mỗi ngày, theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ.
Fugu (cá nóc) là một trong những thực phẩm độc hại nhất trên thế giới và bị cấm ở Mỹ. Trừ khi được chế biến và nấu chính xác, cá nóc nguy hiểm gấp 1.200 lần so với xyanua, khiến cho những hạt anh đào chẳng đáng nhắc đến.
Casu Marzu, loại phô mai được lên men giòi, không dành cho người dạ dày yếu. Casu Marzu là phô mai Sardinia (Italy) truyền thống được lên men thêm bởi những con giòi sống phân giải một phần phô mai. Chính phủ Mỹ cấm loại phô mai này vì không đảm bảo vệ sinh.
Các điều kiện ẩm cần thiết cho mầm cỏ linh lăng phát triển cũng là môi trường lý tưởng cho vi trùng sinh sôi. Trong 2 thập kỷ qua, 30 đợt bùng phát bệnh từ thực phẩm riêng biệt liên quan đến việc tiêu thụ rau mầm, bao gồm Salmonella và E. coli, theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ.
Sannakji là món bạch tuộc sống được cắt thành miếng nhỏ và phục vụ ngay. Điều nguy hiểm là mặc dù đầu bếp sushi đã làm chết bạch tuộc, hoạt động thần kinh cho phép những chiếc xúc tu vẫn ngọ nguậy. Do đó, xúc tu có thể bám vào cổ họng thực khách khi nuốt. Theo Food & Wine, trung bình 6 người chết mỗi năm vì nghẹt thở khi ăn món này.
Tiến sĩ Kantor nói: "Động vật có vỏ chưa nấu chín hoặc sống là đặc biệt nguy hiểm vì chúng có thể hấp thụ vi khuẩn có hại từ biển. Thực phẩm này phải luôn được nấu chín. Hãy coi chừng, đặc biệt là những con hàu sống". Thêm vào đó, động vật có vỏ là loại dị ứng thực phẩm phổ biến và nguy hiểm nhất, vì vậy thực khách cần hết sức thận trọng.
Phô mai chưa tiệt trùng bị cấm ở Mỹ vì những nguy cơ tiềm ẩn. Bạn sẽ không bao giờ có thể ăn phô mai Camembert ở Mỹ. Nguyên nhân là vì thực phẩm này được làm từ sữa chưa tiệt trùng, có thể chứa tất cả loại mầm bệnh và vi khuẩn có hại.
Khoai tây xanh có thể nguy hiểm nếu tiêu thụ với số lượng lớn. Tuyên bố rằng khoai tây "xanh" (chưa chín) độc hại là chủ đề tranh luận trong một thời gian. Tuy nhiên, các nhà khoa học biết rằng củ xanh hoặc mầm mới của cây khoai tây có chứa độc tố nguy hiểm gọi là solanine và có thể gây bệnh nghiêm trọng nếu ăn lượng nhiều, theo Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ.
Quả ackee chưa chín có thể gây nôn hoặc thậm chí tử vong. Ackee là trái cây phổ biến của Jamaica không được phép nhập khẩu vào Mỹ. Quả chín khi chuyển sang màu đỏ. Ackee màu vàng có rất nhiều chất hypoglycin A độc hại, khi ăn có thể dẫn đến nôn mửa, hạ đường huyết, thậm chí tử vong. Ngoài ra, hạt đen của ackee luôn có độc.
Đậu thận sống chứa tác nhân độc hại gọi là phytohaemagglutnin. Khi ăn sống loại đậu này có thể gây ra các triệu chứng như nôn mửa và đau đầu. Tuy nhiên, độc tố giảm đáng kể khi đậu được nấu chín.
Theo Zing
Quảng Bình: 10 trường hợp nghi nhiễm virus Corona đều có kết quả âm tính Qua 14 ngày giám sát, cách ly và điều trị, 10 người ở Quảng Bình nghi bị nhiễm chủng mới virus corona (nCoV) đều có kết quả xét nghiệm âm tính. Ngày 11/2, ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình xác nhận: 10 trường hợp bị cách ly vì nghi ngờ mắc dịch bệnh viêm đường hô...