Những đặc sản khó quên từ… xương rồng
Xương rồng thường gợi đến liên tưởng về một loài cây có gai nhọn tua tủa, mọc trên các vùng sa mạc cằn khô. Tuy vậy, với triết lý “cái gì cũng có thể ăn được”, người Việt đã biến xương rồng thành nhiều món ăn khoái khẩu.
Vị ngọt của “rồng xanh”
Trong số các đặc sản từ xương rồng, đại diện đầu tiên phải kể đến là một sản vật rất quen thuộc với người Việt – quả thanh long.
Thanh long vốn là một thành viên của gia đình xương rồng, có nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ, ngày nay được trồng ở nhiều nơi trên thế giới để lấy quả. Cái tên của chúng có nghĩa là “rồng xanh”, xuất phát từ những chiếc “vảy” màu xanh bao bọc phía ngoài quả. Cũng có truyền thuyết kể rằng, thanh long được tạo ra bởi một con rồng trước khi nó chết.
Mặc dù hình thù bên ngoài khá kỳ dị, khi bổ ra làm đôi, thanh long trở nên rất hấp dẫn trong con mắt thực khách. Phần thịt của quả thanh long màu trắng, bên trong điểm chi chít những hạt nhỏ li ti, màu đen như vừng. Thịt quả có kết cấu xốp, mềm độc đáo cùng vị ngọt thanh rất đặc trưng. Thanh long có thể ăn sống, nấu chín hoặc làm mứt.
Quả thanh long.
Không chỉ ngon, thanh long cũng là một loại quả rất bổ dưỡng. Chúng được liệt kê vào danh sách “siêu thực phẩm” vì sở hữu một hàm lượng đáng kể vitamin C, carotin, canxi, một số loại vitamin B, một số chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa khác. Những dưỡng chất này giúp hệ thống tiêu hóa trong cơ thể hoạt động tốt hơn, đem lại cho một hệ miễn dịch khỏe mạnh, năng lượng dồi dào…
Vùng trồng thanh long nhiều và nổi tiếng nhất tại Việt Nam là vùng đất Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Khi đến đây, du khách có thể bắt gặp những cánh đồng thanh long phủ xanh bạt ngàn.
Thanh long ở đây không chỉ nhiều mà còn thơm ngon nức tiếng. Tại Bình Thuận, thanh long còn được chế biến thành hơn 20 loại món ăn khác nhau như thanh long xào lăn, gỏi thanh long, thanh long kho tộ, thanh long um sườn non, chè thanh long… Thanh long cũng là một đặc sản ở Huyện Châu Thành của tỉnh Long An. Những trái thanh long ở nơi đây không to như thanh long Phan Thiết, nhưng có vị ngọt và đậm đà hơn.
Ngon như… hoa quỳnh
Nói đến hoa quỳnh, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một loài hoa đẹp, có hương thơm quyến rũ và chỉ nở trong đúng một đêm. Ít ai biết rằng cây hoa quỳnh cũng là một loài xương rồng, và ngạc nhiên hơn cả là chúng có thể được chế biến thành món ăn rất tuyệt vời.
Quỳnh rất dễ trồng, chỉ cần một chiếc lá quỳnh già, vùi xuống đất mềm, vài tháng sau đã ra rễ, đâm cành, nảy lộc thành một bụi quỳnh tươi tốt. Khi được chăm sóc tốt, đến mùa, một cây quỳnh có thể ra hàng chục bông hoa. Vì hoa quỳnh khá to nên chỉ cần một, hai bông là đã đủ để chế biến được một món ăn.
Video đang HOT
Món đơn giản nhất là nấu canh với thịt nạc hay tôm tươi. Để chế biến, phải rửa sạch bụi phấn hoa, bỏ cuống và nhụy, sau đó mới xắt ra nấu. Bát canh hoa quỳnh hơi nhơn nhớt nhưng lại ngon ngọt, dễ ăn.
Hoa quỳnh.
Bên cạnh canh, cũng có thể làm gỏi hoặc xào hoa quỳnh với thịt bò. Cánh hoa quỳnh mảnh nên chín nhanh, chỉ cần đảo sơ qua với thịt bò là dùng được. Nếu làm gỏi thì nguyên liệu trộn thông thường như tôm, thịt nạc, cà rốt, hành tây…
Ngoài ra, hoa quỳnh vừa nở xong, còn tươi thái nhỏ chưng với đường phèn hoặc mật ong với trứng gà vừa là một món ăn nóng hổi thú vị, vừa có tác dụng chữa các chứng ho, hen suyễn.
Đặc sản xương rồng xứ Quảng
Ở các vùng đất cát ven biển miền Trung, xương rồng thường mọc hoang thành rừng, và người dân nơi đây không bỏ lỡ cơ hội để biến chúng thành những món ăn khoái khẩu.
Để lấy được xương rồng, cần khéo léo tách các đọt xương rồng sao cho gai không đâm vào tay. Buổi trưa đi làm đồng về, sau khi bắc nồi cơm lên bếp, người nông dân cầm dao ra bãi cát phạt chừng 3-5 đọt xương rồng đem về là cả nhà đã có một bữa canh mát lòng.
Chế biến xương rồng rất đơn giản. Chỉ cần gọt sạch gai ở bốn phía, tách lớp màng mỏng ở ngoài cho sạch rồi thái mỏng, đem luộc trên bếp chừng 5 phút, khi màu xanh chuyển sang màu vàng là được. Xương rồng luộc lên có màu vàng như dưa cải muối chua, đem vắt ráo nước là có thể xào, nấu món gì tùy thích.
Xương rồng luộc có vị chua chua, thơm nhẹ chứ không chua đậm như khế, không chua gắt như chanh. Cá lóc hay cá trê xắt lát đem ướp mắm muối, gia vị, bắc chảo xào lên cho thấm rồi cho xương rồng vào, đảo qua vài lượt rồi chế nước sôi vào. Nồi canh sôi chừng ba phút, nêm nếm vừa ăn cho thêm ngò gai, hành lá vào là có thể ăn ngay được.
Xương rồng khi nhai trong miệng cảm giác dai dai, sần sật, chua chua rất ngon chứ không mềm như dọc mùng. Mùa hè ở xứ cát nóng nực, bữa trưa chỉ cần một bát canh chua xương rồng kèm với chén nước mắm ớt là cả nhà đã có một bữa cơm ngon miệng.
Xương rồng luộc xong vắt ráo nước đem xào với mỡ, nêm thêm muỗng nước mắm cũng là một món dễ đưa cơm. Mùa đông mưa dầm không đi chợ được, các mẹ ở vùng cát chỉ cần ra sau vườn cắt vài đọt xương rồng vào luộc trộn với một nhúm đậu phộng rang giòn là đã có một món gỏi xương rồng thơm nức mũi. Đây cũng là một trong những món nhậu khá bắt mồi của ngư dân vùng cát trong những ngày trăng sáng, thuyền nằm bờ.
Theo Đất Việt
Thanh long - loại quả nhiều công dụng
Cây thanh long còn gọi là tường liên, tên khoa học là Hylocereus undatus (Haw) Britt & Rose, thuộc họ xương rồng (Cataceae), có nguồn gốc ở các nước Trung và Nam Mỹ, được nhập vào các nước Đông Nam Á để làm cảnh, làm thực phẩm và làm thuốc.
Trong cây có chứa chất hentriacontane và sitosterol. Về mặt dinh dưỡng, trong 100g phần ăn được của thanh long có chứa: nước 84g, protein 1,4g, lipid 0,4g, glucid 11,8g, cellulose 1,4g, vitamin C 8mg, một ít vitamin A, chất nhầy.
Vỏ trái thanh long khá dày, chiếm 26% trọng lượng trái, giúp cho việc bảo quản được lâu, không bị hư thối. Hơn nữa, thanh long ít sâu bệnh nên người trồng ít sử dụng các thuốc bao vê thưc vât.
Thanh long là một món giải khát, tráng miệng rất được ưa chuộng ở các nước nhiệt đới và một số nước ôn đới. Trái thanh long phải để chín rục ăn mới ngon, nhưng có người lại thích hương vị chua chua ngọt ngọt khi trái vưa chín tơi.
Theo Đông y, trái thanh long có vị ngọt, chua, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, chỉ khái, hóa đàm.
Thân cây thanh long có tác dụng thư cân hoạt lạc (giúp gân cốt co duỗi khoe khoắn và làm thông suốt các kinh lạc) và giải độc.
Hoa thanh long có tác dụng bổ phế, trừ ho.
Người ta sử dụng trái thanh long để giải nhiệt, nhuận trường. Đặc biệt, chất nhầy trong trái thanh long giúp làm giảm cholesterol của thức ăn và muối mật. Do đó, người mập phì, người có hàm lượng cholesterol huyết áp tăng cao nên ăn thanh long.
Thanh long còn thích hợp với người bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, táo bón kinh niên.
Thân cây thanh long gọt bỏ vỏ và gai, rửa thật sạch với nước muối loãng, giã nát lấy nước bôi hay dùng bã để đắp chữa bỏng lửa, bỏng nước sôi, viêm tuyến mang tai, đinh nhọt, gãy xương.
Hoa thanh long khi nở có màu trắng đẹp như hoa quỳnh, được dùng chữa viêm phế quản, viêm hạch bạch huyết thể lao, giải độc rượu. Liều dùng 15-30g tươi, sắc uống hoặc 10-12g khô sắc uống, hãm trà để uống.
Ảnh: Internet
Người ta còn nấu hoa thanh long với thịt heo nạc để làm món xúp bổ dưỡng, chữa được tình trạng phổi yếu hay bị ho đàm.
Các nhà khoa học ước tính rằng, chỉ cần khoảng 600-700g thanh long đủ cung cấp lượng vitamin C cần thiết cho cơ thể, chống được bệnh scorbut và một số chứng bệnh do thiếu vitamin C.
Trái thanh long còn được dùng để chế biến nhiều món ăn như: gỏi thanh long, salad thanh long, thanh long xào, thanh long nấu canh cá, cá xốt thanh long, chè thanh long, nước ép thanh long, sinh tố thanh long, thạch thanh long...
Người ta đã làm món thạch thanh long có tác dụng bổ dưỡng, thanh nhiệt, giúp giảm mỡ, làm đẹp da mặt... như sau:
Nguyên liệu: bột thạch rau câu (agar-agar) 12g, đường trắng 100g, nước cốt dừa 200ml, thanh long chín xay nhuyễn một cốc 300ml, lá dứa ba cái, nước sôi để nguội 200ml.
Cách làm: cho nước, bột thạch và lá dứa vào nồi, đun sôi. Nấu cho tới khi bột thạch hòa tan. Để nhỏ lửa, thêm nước cốt dừa, đường và thanh long vào, khuấy đều, đun sôi lại rồi tắt bếp. Vớt bỏ lá dứa, đổ hỗn hợp vào khay, để nguội và cho vào tủ lạnh bảo quản, dùng ăn mát.
Có thể làm món chè thanh long như sau:
Nguyên liệu: thanh long hai trái (nếu có hai màu khác nhau càng tốt), đường cát trắng 200g, dừa khô nạo sẵn 200g, kem sữa tươi 50 ml, vani một ống, nước sạch 600ml.
Cách làm: thanh long rửa sạch, lột bỏ vỏ, dùng muỗng múc thành từng viên tròn. Dừa khô vắt lấy nước cốt, pha chung với kem sữa tươi, quậy đều, cho vào tủ lạnh, ngăn mát. Đun sôi nước, cho đường vào nấu tan, thêm vani, quậy đều, để nguội. Xếp khoảng 8-10 viên thanh long vào tô, chan nước đường, nước đá đập nhuyễn, nước dừa sữa. Dùng ăn giải nhiệt, giải khát rất tốt.
Những người thường bị lạnh bụng, đi cầu phân lỏng, đầy bụng thì không nên ăn món này.
Theo PNO
Có một "khu vườn Noel" thu nhỏ thật xinh và độc đáo Là mô hình thu nhỏ với rất nhiều cây xanh và các tạo hình khác như tuần lộc, người tuyết,... khu vườn này sẽ là món quà cực kì độc đáo và ý nghĩa để dành tặng người thân đấy! Không khí Giáng sinh đang đến thật gần kề, mặt hàng quà tặng trên thị trường đã sẵn sàng để phục vụ một...