Những cuốn sách chữa lành trái tim
Chỉ cần được phẫu thuật hoặc can thiệp tim mạch hàng ngàn trái tim của những em bé nghèo sẽ được hồi sinh ngay trên bàn mổ. Và trong hành trình chữa lành những trái tim bé bỏng đó, có sự góp phần không nhỏ của những cuốn sách do chính GS.TS Nguyễn Quang Tuấn viết.
Trong chương trình Trái tim cho em kỷ niệm 10 năm vừa được VTV thực hiện vào những ngày đầu tháng 11 mới đây, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn đã thay mặt tập thể bệnh viện Tim Hà Nội tặng chương trình 100 ca mổ miễn phí, chiếm 1/5 số tiền quyên góp được trong toàn bộ buổi hôm đó.
Ủng hộ chương trình Trái tim cho em, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn là người đầu tiên gắn trái tim lên backdrop Trái tim của chương trình
Đây không phải là lần đầu tiên GS.TS Nguyễn Quang Tuấn có hành động đẹp này. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với GS. Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội, đại biểu Quốc hội khóa XIV, về cách anh chữa lành trái tim cho các em nhỏ ở các vùng quê nghèo xa xôi:
Là đơn vị đã đồng hành với Trái tim cho em từ những ngày đầu, thực hiện 50 – 100 ca mổ tim mỗi năm, góp phần mang lại 4.500 trái tim khỏe cho trẻ em nghèo trên khắp cả nước, điều gì đã thôi thúc ông không chỉ đóng góp về mặt chuyên môn, nhân lực, cơ sở vật chất cho chương trình mà giờ đây là dành tặng trọn vẹn cả vật chất và tinh thần cho 100 trái tim đang cần được chữa lành?
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn: Bệnh viện chúng tôi mỗi năm phẫu thuật cho khoảng 2.000 bệnh nhân tim mạch, cùng với đó là hàng trăm ca phẫu thuật từ thiện từ chính nguồn quỹ của bệnh viện, của các nhà hảo tâm.
Một cuốn sách tôi vừa viết cũng đã in xong và sẽ được chuyển về bệnh viện và số tiền thu được từ cuốn sách này và các cuốn sách trước đây sẽ tiếp tục được dành chọn cho chương trình Trái tim cho em.
Với nguồn lực về chuyên môn và tài chính như vậy, chúng tôi tin mình sẽ có thể chữa lành nhiều trái tim bẩm sinh đang cần được giúp đỡ.
Được biết, số ca mổ từ thiện của bệnh viện Tim Hà Nội tăng dần qua các năm. Chỉ tính riêng năm 2017, bệnh viện Tim Hà Nội đã phối hợp với các tổ chức từ thiện, các đơn vị quỹ tỉnh thành,….thực hiện gần 400 ca mổ từ thiện. Và năm 2018 này chắc chắn sẽ còn nhiều số ca mổ tim từ thiện hơn nữa. Đây là một con số không hề nhỏ. Nhưng tôi nghĩ, nguồn lực chưa hẳn là yếu tố quyết định cho những hành động đẹp này thưa ông?
Tôi nghĩ sự tin tưởng này đầu tiên là minh bạch. Thực ra có nhiều người có tiền nhưng họ rất lăn tăn khi đưa vào góp quỹ này quỹ khác. Họ băn khoăn không rõ tiền đi đâu, rồi việc chi để vận hành quỹ quá lớn… Nhưng chúng tôi luôn rõ ràng từng trường hợp cần được giúp đỡ. Từng file hồ sơ cụ thể được chuyển đến các nhà từ thiện. Họ có thể gặp bệnh nhân trước và sau mổ. Có khi họ còn theo dõi bệnh nhân cả quá trình và sau này những bệnh nhân đó trở thành con nuôi.
“Tiền rất là quý nhưng quan trọng nhất là mổ cho các cháu bằng trái tim”, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn
Tôi nghĩ đó thực sự là một niềm vui, giống như việc mình tặng món quà cho ai đó, nhưng không chỉ là vật chất đơn thuần mà còn là tinh thần – là sự sống – tặng người bệnh một cuộc sống thứ 2. Họ đem sẻ chia và lan tỏa niềm vui đó với nhiều người và rồi những người đó lại muốn được tham gia, được giúp đỡ thêm nhiều bệnh nhân khác.
Video đang HOT
Mỗi năm có tới 12.000 trẻ sinh ra mắc tim bẩm sinh, nhưng con số được chữa lành đến nay dường như quá nhỏ nhoi. Tại bệnh viện mình, có bao giờ ông thấy mình “lực bất tòng tâm” trước một hoàn cảnh nào đó?
Với nguồn lực hiện có, bệnh viện Tim Hà Nội có thể thực hiện được 1.000 ca mổ từ thiện nhưng hiện mới chỉ có khoảng 400 ca đáp ứng được các tiêu chuẩn.
Thực tế là chưa có ca nào đáng tiếc xảy ra bởi khi làm trực tiếp, chúng tôi hiểu rất rõ những ca ở trong “khoảng mờ” của điều kiện tài trợ và khi đó Quỹ của bệnh viện sẽ giúp họ.
Tùy tâm người nhận sách, số tiền sẽ được bỏ vào hộp từ thiện
Có nhiều nhà hảo tâm, nhiều nhà từ thiện như vậy, nhưng tại Khoa khám bệnh của bệnh viện Tim Hà Nội, tôi thấy có một số hòm từ thiện – chiếc hòm này dành để nhận những số tiền tùy tâm của bệnh nhân khi họ nhận 1 cuốn sách do chính ông viết. Và số đầu sách này cũng gần tương đương với số tuổi của chương trình Trái Tim cho em (9 cuốn). Ông có thể chia sẻ số tiền đã có được từ những cuốn sách này không?
“Hạnh phúc của bác sĩ mổ tim là thấy môi bệnh nhi từ tím đen chuyển thành hồng hào ngay trên bàn mổ”, GS. Quang Tuấn
Tôi thực cũng không nhớ mình đã viết bao nhiêu cuốn sách nhưng số tiền có được từ những cuốn sách này cũng đã lên tới hàng trăm triệu đồng trong 9 năm qua. Toàn bộ số tiền đều dành để giúp các cháu bị bệnh tim bẩm sinh có cơ hội được chữa trị, có một tương lai tốt đẹp hơn.
Với mỗi cuốn viết ra, tôi mong muốn được truyền bá kiến thức phòng bệnh, phát hiện bệnh sớm tới nhiều người. Tuy nhiên, nếu phát sách không sẽ ít người quý trọng nó. Tôi hy vọng những cuốn sách sẽ đưa đến cho người đọc những thông tin hữu ích, giúp họ có ý thức hơn trong việc giữ gìn sức khỏe và giúp đỡ thêm nhiều bệnh nhi tim bẩm sinh khỏi bệnh.
Không chỉ viết sách cho bệnh nhân, vài năm trở lại đây, các cuốn sách của ông lại hướng nhiều tới học trò, đồng nghiệp ở các tỉnh thành trên cả nước.
Mỗi năm, tủ sách này lại có thêm vài cuốn sách do chính PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn viết
Ngày trước, tôi hay viết cho bệnh nhân nhưng hồi đó chưa đi cơ sở nhiều. Giờ xuống cơ sở, tôi thấy có rất nhiều em ra trường nhiều năm rồi nhưng chưa được cập nhật kiến thức. Tôi nghĩ đến làm sao các em tiếp cận tài liệu chính thống dễ dàng hơn.Cái khó của họ trình độ ngoại ngữ không nhiều nên khó đọc sách chuyên ngành trên mạng.
Vậy nên vài năm trở lại đây tôi viết cho anh em ở tuyến cơ sở. Mỗi năm vài cuốn, cập nhật kiến thức mới nhất giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán bệnh tim mạch ở tuyến cơ sở. Tôi hy vọng, khi trình độ của tuyến cơ sở được nâng lên, người dân sẽ đến với họ nhiều hơn, giúp cho việc phòng ngừa được bệnh tim mạch hiệu quả hơn.
Tôi cũng rất vui vì giờ anh em ở các bệnh viện tỉnh như Phú Thọ, Quảng Ninh, Nghệ An… đã có thể thực hiện được các ca mổ tim bẩm sinh của chương trình Trái Tim cho em, giúp giảm thiểu chi phí và thời gian đi lại của gia đình các em.
Xin cảm ơn GS.TS Nguyễn Quang Tuấn về cuộc trò chuyện thú vị này!
Trần Phương (thực hiện)
Theo Dân trí
Ký kết hợp tác trao đổi y tế giữa MD1World và Bệnh viện tim Hà Nội
Ngày 10.10.2018, tại Bệnh viện tim Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết Hợp tác trao đổi y tế 5 năm "Tiếng vọng từ trái tim" giữa Bệnh viện tim Hà Nội và tổ chức phi lợi nhuận MD1World.
Lãnh đạo Bệnh viện tim Hà Nội ký kết hợp tác với tổ chức MD1World
Tham dự buổi lễ có Tiến sĩ Nguyễn Sinh Hiền - Phó giám đốc Bệnh viện tim Hà Nội, ông Brian Trần - Sáng lập tổ chức MD1World, bà Bùi Thị Hương - Giám đốc điều hành Vinamilk, Thượng tọa, tiến sĩ Thích Nhật Từ - Sáng lập Quỹ Đạo Phật ngày nay là hai đơn vị tài trợ cho chương trình, các y bác sĩ Bệnh viện tim Hà Nội và gia đình các bệnh nhi được hỗ trợ mổ tim trong năm 2018.
Tiến sĩ Nguyễn Sinh Hiền - Phó giám đốc Bệnh viện tim Hà Nội phát biểu tại chương trình
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm trên thế giới có khoảng 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch và số bệnh nhân tim mạch tích lũy ngày một nhiều. Trong một cuộc hội thảo của Bộ Y tế vào tháng 7.2018 cho biết, bệnh tim mạch là bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất ở Việt Nam gây ra 30% số ca tử vong trên toàn quốc. Bệnh tim mạch đã và đang là một gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao hàng đầu trong các loại bệnh. Bên cạnh đó, chi phí cho chăm sóc, điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng đáng kể với gia đình các bệnh nhân và xã hội với hàng trăm tỉ USD mỗi năm.
Bác sĩ Wyman Lai - Giám đốc chuyên môn của tổ chức MD1World phát biểu
Chính vì vậy, tổ chức MD1World - là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập từ năm 2012 tại Hoa Kỳ với mục tiêu kết nối các tổ chức y tế về tim nhi - với lần thứ 2 quay trở lại Việt Nam đã phối hợp với Bệnh viện tim Hà Nội thành lập dự án 5 năm với mục tiêu đưa Bệnh viện tim Hà Nội trở thành một "Regional center (trung tâm vùng)" tại Việt Nam với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ cho bệnh nhân nhi mắc bệnh tim bẩm sinh tại Bệnh viện tim Hà Nội thông qua các chương trình trao đổi y tế giữa Bệnh viện và MD1World. Thông qua các chương trình trao đổi y tế theo dự án, ngoài việc hỗ trợ mổ tim cho các bệnh nhân nhi, các bác sĩ của Bệnh viện tim Hà Nội sẽ trao đổi kiến thức, học tập kinh nghiệm để nâng cao trình độ từ các chuyên gia tim mạch hàng đầu của Mỹ. Hoạt động đầu tiên của chương trình chính là hoạt động hỗ trợ mổ tim và thông tim cho 14 trường hợp trẻ mắc tim bẩm sinh được diễn ra trong tháng 10.2018.
Thượng tọa, tiến sĩ Thích Nhật Từ - sáng lập Quỹ Đạo Phật ngày nay chia sẻ trong chương trình
Trước đó, tổ chức MD1World và Bệnh viện tim Hà Nội đã có bề dày hợp tác: các bác sĩ của 2 đơn vị đã cùng hội chẩn trực tiếp cũng như trực tuyến nhiều ca bệnh phức tạp trước khi tiến hành mổ; năm 2015, Bệnh viện tim Hà Nội đã phối hợp với MD1World mổ tim cho các bé có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực tim mạch.
Bà Bùi Thị Hương - Giám đốc Điều hành Vinamilk tặng quà cho gia đình bệnh nhi được điều trị trong năm nay
Chương trình "Tiếng vọng từ Trái tim" là một chương trình có ý nghĩa nhân văn và rất thiết thực với các bệnh nhân tim mạch, gia đình cũng như xã hội. Chương trình ra đời không chỉ giúp cho các bệnh nhi được phẫu thuật và theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe hậu phẫu mà đội ngũ y bác sĩ trong lĩnh vực tim mạch còn được đào tạo nâng cao kiến thức y tế. Cũng chính vì ý nghĩa cao đẹp của chương trình mà Vinamilk và Quỹ Đạo Phật ngày nay đã quyết định đồng hành cùng chương trình thông qua việc hỗ trợ kinh phí cụ thể. Vinamilk sẽ hỗ trợ 7 ca mổ tim trong năm 2018 - tương đương 700 triệu đồng và Quỹ Đạo Phật ngày nay sẽ hỗ trợ gần 500 triệu đồng cho các chi phí y tế, thuốc men liên quan.
Được biết, bên cạnh việc sản xuất, kinh doanh, Vinamilk luôn chú trọng thực hiện các chương trình trách nhiệm xã hội trong suốt nhiều năm qua điển hình là hỗ trợ Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM từ năm 1995 đến nay với tổng số tiền hơn 5 tỉ đồng và đã thực hiện được 190 ca mổ tim miễn phí và 1.000 ca mổ mắt cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, chương trình Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam đã trao tặng 33 triệu ly sữa với tổng giá trị tương đương gần 140 tỉ đồng đến với gần 420.000 trẻ em khó khăn tại Việt Nam qua 10 năm hành trình.
Đại diện Bệnh viện tim Hà Nội, tổ chức MD1World và hai nhà tài trợ trao đổi với phóng viên và gia đình bệnh nhi tại buổi lễ ký kết
Quỹ Đạo Phật ngày nay do Thượng tọa, tiến sĩ Thích Nhật Từ sáng lập vào năm 2013 với sứ mệnh hoạt động về các lĩnh vực: từ thiện; học bổng; ấn tống kinh sách; xây dựng trường học, cầu đường; hỗ trợ y tế nhằm chia sẻ tình thương và ánh sáng Phật Pháp cho những mảnh đời bất hạnh. Quỹ Đạo Phật ngày nay đã có những hoạt động không ngừng nghỉ trong suốt thời gian qua trên khắp mọi miền đất nước, đã giúp mổ cườm hàng trăm ca mỗi năm, tặng quà cho các trung tâm bảo trợ xã hội, viện dưỡng lão, trung tâm nuôi dạy thanh thiếu niên, bệnh nhân ung bướu và các nạn nhân thiên tai...
Tại buổi lễ ký kết này, Vinamilk và Quỹ Đạo Phật ngày nay mong rằng việc đồng hành cùng MD1World và Bệnh viện tim Hà Nội sẽ góp phần hỗ trợ những khó khăn mà bệnh nhi tim mạch đang trải qua, đồng thời góp tiếng nói vào việc kêu gọi xã hội cùng chung tay hỗ trợ các bệnh nhân, góp phần làm giảm gánh nặng xã hội thông qua mô hình dự án phát triển năng lực các y bác sĩ trong lĩnh vực tim mà MD1World đang phối hợp với Bệnh viện tim Hà Nội.
Theo thanhnien
Biết thai đã chết lưu, sản phụ vẫn chấp nhận đau đớn vật vã suốt 33 giờ để sinh con và đây là lý do Mang thai là một hành trình khó khăn, nhưng nó còn khó khăn hơn nhiều khi biết tin đứa con mà bạn đang mang trong cơ thể mình đã không còn sống... Trong một bài viết đầy xúc cảm lan tỏa trên Facebook gần đây, Eugene Wee (đến từ Singapore, hiện đang sống tại Chiang Mai - Thái Lan) đã chia sẻ câu...