Những cuộc giải cứu trên… giời
Cứu người “thần kinh có vấn đề” leo cây, leo cột điện; những người leo cầu với ý định quyên sinh… Những cuộc giải cứu người trên cao của lính cứu hỏa với những tình huống hết sức khôi hài không hề có trong giáo trình nhưng đã được lính cứu hỏa thực hiện một cách thuần thục. So với việc cứu người trong đám cháy thì việc giải cứu những người “dở hơi” khó hơn nhiều này khiến lính cứu hỏa toát mồ hôi, nín thở cho đến phút chót.
“ Người thương thuyết” và những tình huống đau tim, nghẹt thở
Ở Phòng Cảnh sát PCCC Công an Hà Nội, mọi người thường gọi Trung tá Nguyễn Văn Nguyện, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC Phan Chu Trinh với cái tên trìu mến: “Người thương thuyết”, bởi anh từng tham gia trực tiếp cứu an toàn 2 người “thần kinh có vấn đề” leo lên cột điện và cây cao. Trung tá Nguyện bảo, tình huống cứu người tâm thần trên cây cao không có trong giáo án huấn luyện của bất cứ lực lượng vũ trang nào. Thế nhưng, khi xảy ra sự việc, Cảnh sát PCCC được huy động là lực lượng giải cứu chính, bởi được trang bị xe thang là phương tiện tiếp cận độ cao.
Lần đầu tiên Cảnh sát PCCC tham gia cứu người tâm thần leo cây vào năm 2004. Khoảng 15 giờ một ngày hè, Trung tá Nguyễn Văn Nguyện nhận được lệnh dùng xe thang 32 mét, chiếc xe thang đầu tiên mà Cảnh sát PCCC Hà Nội được trang bị, lên đường tới phố Kim Mã “giải cứu” một phụ nữ trên ngọn cây xà cừ. Không biết người phụ nữ đã leo lên cây từ bao giờ, cho đến chiều, người dân hai bên đường tá hỏa khi thấy chị ta ngồi vắt vẻo trên ngọn cây, buông đôi chân đung đưa ở độ cao khoảng 14 mét. Lúc đó, Cảnh sát PCCC chưa được trang bị đệm hơi như hiện nay nên các hộ dân xung quanh được huy động mang đệm mút các loại ra rải đầy xung quanh gốc cây.
Nhưng một vấn đề cũng khá nan giải tiếp theo, ai sẽ là người lên xe thang để “thương thuyết” với người phụ nữ tâm thần kia? Cảnh sát PCCC chỉ quen cứu người trong các đám cháy, chứ tình huống kỳ quặc này chưa gặp bao giờ. Đọc được sự lo lắng này trong ánh mắt lính trẻ, Trung tá Nguyện quyết định trực tiếp bước vào chiếc lồng sắt mắc ở đầu thang. Anh dặn chiến sĩ điều khiển thang phải hết sức khéo léo và tính toán chính xác, căn vị trí thang tiếp cận hết sức chuẩn để việc giải cứu đạt hiệu quả cao nhất.
Khi chiếc xe thang đã lên ngang tầm người phụ nữ, chị ta mở mắt trừng trừng nhìn Trung tá Nguyện. Anh nhoẻn cười với người phụ nữ và cất giọng nhẹ nhàng: “Mọi người ở dưới kia cử tôi lên đón chị về với các cháu đây”. Người phụ nữ lắc đầu: “Tao thích ở trên đây. Tao không về đâu”. Mừng vì người phụ nữ đang bị thu hút về phía mình, Trung tá Nguyện tiếp tục hỏi chuyện để chị ta phân tâm, cho đến lúc chiếc lồng sắt tiếp cận vào vị trí an toàn. Anh tóm được hai tay của người phụ nữ rồi nhấc bổng chị ta vào trong lồng sắt. Để đảm bảo an toàn, Trung tá Nguyện tiếp tục ôm chặt người phụ nữ, cho đến khi tiếp đất an toàn trong tiếng vỗ tay và hò reo của người dân.
Hai năm sau, trên đường Yên Phụ, vào một buổi sáng sớm, một cậu thiếu niên do bị ức chế việc gia đình đã leo lên cột điện cao thế. Có “kinh nghiệm” từ vụ giải cứu trước, Trung tá Nguyễn Văn Nguyện lại được lãnh đạo phòng tín nhiệm cử đi giải cứu. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cả hai phía, ngành điện lực nhận được yêu cầu cắt điện trên toàn tuyến.
Trung tá Nguyện bước vào lồng sắt treo ở đầu thang. Sở dĩ trong những lần giải cứu, phải dùng đến chiếc lồng sắt này bởi có thể người được cứu không chịu hợp tác xuống theo thang xe. Cách tốt nhất và nhanh nhất là đưa họ vào lồng sắt để đảm bảo an toàn. Nhưng đưa được nạn nhân vào trong chiếc lồng sắt cũng là cả vấn đề, đòi hỏi người giải cứu phải khỏe, thao tác nhanh nhẹn. Khi đã tiếp cận được nạn nhân, phải nhanh tay túm chặt và nhấc bổng người đó vào lồng sắt. Những thao tác này chỉ diễn ra trong tích tắc nên không phải ai cũng làm được.
Khi xe thang triển khai đưa Trung tá Nguyện tiếp cận với người ngồi trên cột điện, anh nhận ra đó là một cậu thiếu niên khoảng 14-15 tuổi. Cậu ta ngồi trên một thanh sắt gần trụ sứ, ngay dưới đường điện chạy qua mà thật kỳ lạ là không bị điện giật.
Khi đã ngang tầm, Trung tá Nguyện cất giọng: “Này con trai, chú đón cháu về nhà với bố mẹ đây”. Cậu thanh niên nhìn Trung tá Nguyện rồi ngó xuống dưới đất, cau mày: “Cháu không thích về, cháu thích ở đây. Về nhà chán lắm”. Trung tá Nguyện vẫn ôn tồn: “Cháu yên tâm, cứ xuống cùng với chú rồi chú đưa cháu về tận nhà. Bố mẹ sẽ không trách mắng cháu đâu” – Trung tá Nguyện nhẹ nhàng. Cậu chàng vẫn nhát gừng: “Chú kệ cháu. Cháu không thích về”.
Thương thuyết với những người như thế này chỉ mất thêm thời gian. Trung tá Nguyện ra hiệu cho người điều khiển xe thang áp sát cậu thiếu niên hơn nữa. Khi khoảng cách tiếp cận vừa đủ, anh nhanh tay túm lấy vai áo cậu chàng, rồi gỡ hai bàn tay cậu ta đang bám chặt vào những thanh sắt trên cột điện. Sợ cậu ta có thể “quậy”, Trung tá Nguyện vẫn cười tươi, vỗ về cho đến khi nhấc bổng cậu ta vào trong lồng sắt rồi thắt chặt dây an toàn. Khi tiếp đất, cậu thiếu niên được bàn giao cho Công an phường để xác minh, đưa về gia đình.
Trong những trường hợp như thế này, tuy không nói ra, nhưng điều mà ai cũng lo lắng là trách nhiệm của những người tham gia “giải cứu” sẽ ra sao. Trường hợp giải cứu thành công không nói làm gì. Ngộ nhỡ trong quá trình giải cứu, nạn nhân bất ngờ nhảy xuống đất, xảy ra thương vong thì quy trách nhiệm cho ai? Rất có thể xảy ra tình huống người nhà nạn nhân cho rằng tại các anh đến đông quá nên nạn nhân hoảng sợ đã nhảy xuống. Nếu có văn bản cụ thể quy định trách nhiệm, quyền hạn của những người tham gia trong các vụ cứu hộ, chắc chắn lính cứu hỏa khi thực hiện nhiệm vụ giải cứu “bất đắc dĩ” như vậy, cũng yên tâm phần nào.
Sử dụng lồng sắt để cứu người trên độ cao.
Căng thẳng các cuộc giải cứu thiếu nữ tự tử
Đại úy Đỗ Minh Tiến, Đội phó Đội Cảnh sát PCCC Phan Chu Trinh bảo, địa bàn quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng do đội đảm nhiệm công tác chữa cháy, có tới 3 cây cầu bắc qua sông Hồng: cầu Long Biên, cầu Chương Dương và mới đây là cầu Vĩnh Tuy. Những người tự tử thường tìm đến những cây cầu này để thực hiện ý đồ quyên sinh. Một số “nhân vật” dọa tự tử cũng chọn địa điểm này.
Khoảng 15h ngày 26/11/2010, Đại úy Đỗ Minh Tiến nhận được “lệnh” lên đường “giải cứu” một cô gái trẻ leo trụ cầu Long Biên ở độ cao khoảng 20m so với mặt cầu với ý định dọa tự tử. Ngoài xe thang 32 mét, Đại úy Tiến yêu cầu anh em mang theo chiếc đệm hơi có diện tích khoảng 15m2. Đây là chiếc đệm hơi có diện tích lớn nhất mà lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội được trang bị. Để triển khai chiếc đệm này, phải cần tới 8 chiến sĩ: 4 người làm nhiệm vụ khiêng đệm, đặt vào vị trí cần thiết, 2 chiến sĩ xách theo quạt gió để “thổi” đệm và 2 chiến sĩ khác vận hành máy phát phục vụ quạt gió. Mất 4-5 phút để quạt gió thổi căng chiếc đệm này đạt độ cao hơn 1 mét.
Video đang HOT
Khi đến chân cầu Long Biên, xe thang phải dừng lại vì không thể lên cầu. Lính cứu hỏa đành phải hè nhau khiêng đệm hơi đến điểm có cô gái đang ngồi thu lu trên trụ cầu cao nhất. Ngoài lực lượng tham gia “giải cứu” trên cầu, một tổ tuần tra của CSGT đường thủy cũng được huy động, sử dụng canô sẵn sàng ứng cứu trong trường hợp cô gái nhảy xuống sông. Khi một nhóm lính cứu hỏa vừa bê được chiếc đệm hơi rải trên mặt cầu, phía dưới trụ cầu cô gái đang ngồi để “đón” thì tình huống bất ngờ xảy ra. Cô gái đứng dậy, trèo vào trụ cầu ở khu vực giữa, phía dưới là đường ray tàu hỏa. Cô ta cởi áo khoác ném xuống dưới rồi dang hai tay, đầu cúi thấp trong tư thế chuẩn bị “bay” xuống.
Trong lúc nhân viên đường sắt trực ở hai đầu cầu ra tín hiệu để tàu hỏa không đi lên cầu, lính cứu hỏa nhanh chóng chuyển đệm hơi vào khu vực đường ray, đồng thời tiến hành căng một số bạt xung quanh “hứng” đề phòng cô gái nhảy không trúng đệm. Đang lúc căng thẳng nhất thì một thanh niên xuất hiện. Anh ta tự giới thiệu là Hà Văn Cắt (SN 1987, ở Phú Thọ), làm nghề đánh giày, bạn trai của cô gái đang ở trên trụ cầu.
Theo anh Cắt trình bày thì cô gái tên là Trần Thị Phượng (SN 1987, ở Hưng Hà, Thái Bình), mới ra Hà Nội tìm việc làm khoảng 2 tháng nay. Đầu giờ chiều cùng ngày, giữa Phượng và anh Cắt xảy ra mâu thuẫn cãi nhau. Không muốn to chuyện nên anh Cắt xách đồ nghề đi làm. Đang lang thang tại khu vực chợ Long Biên thì anh Cắt nghe mọi người đồn có cô gái leo cầu tự tử. Anh chột dạ nghĩ đến Phượng vì lúc cãi nhau, cô tuyên bố sẽ đi “nhảy cầu”. Đến nơi, anh Cắt nhận ra chiếc áo khoác mà cô gái ném xuống dưới cầu chính là áo của Phượng. Sợ người yêu hành động dại dột, anh Cắt thiết tha xin các anh Công an cho tham gia giải cứu cùng. Lời đề nghị của anh Cắt được chấp nhận.
Lính cứu hỏa giải cứu an toàn một thiếu nữ leo cột.
Phương án giải cứu được đặt ra là anh Cắt sẽ dùng dây an toàn leo lên tiếp cận, thuyết phục Phượng xuống. Trong lúc đó, một lính cứu hỏa cùng một đồng chí CSHS Công an phường Phúc Xá leo bên cạnh “yểm trợ”. Trước khi anh Cắt bắt đầu leo lên trụ cầu, Đại úy Đỗ Minh Tiến dặn: Cố gắng tiếp cận và tóm được cô gái thì coi như thành công. Mọi việc diễn ra đúng như “kịch bản”. Anh Cắt nhanh chóng tiếp cận rồi ôm chặt cô gái. Lúc này, một phần vì ngấm lạnh, một phần vì mệt, cô gái không đủ sức giãy giụa, dỗi hờn người yêu. Hai đồng chí công an leo cùng khẩn trương dùng dây an toàn đưa cả hai người tiếp đất an toàn. Sờ người cô gái lạnh ngắt, lính cứu hỏa nhanh chóng đưa cô cùng bạn trai lên cabin xe cứu hỏa, hú còi lao thẳng đến Bệnh viện Xanh-pôn cấp cứu.
Mới đây nhất, 14h ngày 22/4, một cô gái chừng ngoài 20 tuổi đã leo qua nhiều nóc nhà rồi leo lên cột sắt cao gần 10m trong Công ty cổ phần vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà (ngõ 209 Trường Chinh), đòi nhảy xuống đất tự tử. Cô gái mặc quần bò, áo phông đen đứng “làm xiếc” trên trụ cột, miệng hét toáng: “Mẹ ơi, mẹ đâu rồi”. Phát hiện đám đông hiếu kỳ đứng phía dưới xem, cô gái này càng bị kích động, nhún nhảy trên đỉnh cột và không ngừng la hét. Đội Cảnh sát PCCC Giảng Võ đã đưa xe thang 52 mét đến giải cứu, nhưng chiếc xe quá khổ, không vào được tận nơi nên đề nghị Đội Cảnh sát PCCC Phan Chu Trinh hỗ trợ, đưa xe thang 32 mét nhỏ gọn hơn tới.
Để kéo dài thời gian cho lính cứu hỏa rải đệm hơi và triển khai xe thang, Đại úy Đỗ Minh Tiến một mình đi vào sát chân cột sắt, cất giọng “tán tỉnh” cô gái: “Em ơi, xuống đây với anh. Anh đưa em đi cà phê nói chuyện nhé”. Cô gái ngó xuống, chỉ vào mặt anh, giọng the thé: “Mày lên đây, lên đây”. “Em cần gì thì bảo anh nhé. Cần tiền hay cần cái gì, cứ bảo” – Đại úy Tiến tiếp tục “câu giờ” cho xe thang vào vị trí. Cô gái vẫn hét lên thách thức: “Chúng mày lên đây”. Nghe cách trả lời, phán đoán cô gái này “không bình thường”, Đại úy Tiến ra hiệu cho xe thang làm nhiệm vụ.
Hai cậu lính cứu hỏa trẻ măng, đẹp trai nhất được lựa chọn vào lồng sắt. Thường thì khi giải cứu loại đối tượng là phụ nữ trẻ, gặp khúc mắc về tình cảm, những người đàn ông đẹp trai sẽ khiến họ “dịu” lại. “Cười tươi và nói nhẹ nhàng, tóm vào người đối tượng là thành công” – Đại úy Tiến dặn đồng đội. Khi thang lên đến giữa chừng, đột nhiên cô gái xoay người, nhảy bụp xuống mái tôn dãy nhà cấp bốn phía dưới bỏ chạy. Leo trèo vốn là việc của lính cứu hỏa. 5 cậu lính trẻ nhất nhanh chóng bật tường, leo lên mái nhà đuổi theo cô gái và nhanh chóng túm được cô ta, đưa xuống đất an toàn.
Tuy nhiên, mấy ngày sau, đọc báo mạng có tin cô gái leo cột hôm trước tiếp tục nhảy hồ Thủ Lệ tự tử, Đại úy Tiến và cán bộ chiến sĩ trong đội lặng lẽ thở dài. Công sức anh em vất vả, căng thẳng để cứu cô gái hôm trước coi như đổ xuống sông. Hôm đó, những người lính cứu hỏa đã trải qua một đêm trằn trọc, mất ngủ.
Theo CAND
'Ngôi nhà điên' và những chuyện rùng rợn thê thảm
"Ngôi nhà điên" ấy có những thành viên rồ dại và hung dữ hết sức: họ dùng chày giã chết vợ, ném xuống giếng và tự vẫn, họ đâm công an, đập vỡ đầu bố đẻ, đâm thủng bụng hàng xóm; họ bị gia đình và chính quyền đóng gông nhốt suốt 7 năm qua...
Nhưng họ vẫn chưa được công nhận là... người điên, để hưởng các chế độ (tiền, thuốc, sự quản lý) khám chữa bệnh đầy nhân ái của Nhà nước.
2.500 ngày bị gông cùm vì điên thê thảm
Người "điên" Lê Văn Nga bị cùm khốc liệt như thế này đã 2.500 ngày.
Tình cờ tôi biết đến cái xóm tận khổ ở xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ đó. Người ta đồn rằng, xóm này kỳ lạ lắm. Xóm toàn đàn bà góa. Có khi đếm từ 1 đến 10, các gia đình ở sát sàn sạt nhau cùng góa chồng. Lại có khi ở một nhà ba thế hệ bà, mẹ và con dâu, con gái cùng là... đàn bà góa từ rất sớm. Nhiều người đặt vấn đề về nguồn nước hay một câu chuyện khoa học nào đó (chứ không phải mê tín dị đoan như dư luận) cho lời đồn khá xác thực kể trên. Khi tìm hiểu, chúng tôi còn liên tiếp gặp những gia đình tận khổ vì tàn tật và điên loạn ở cái xã Phú Lạc trung du nghèo khó đó.
Gia đình ông Vít có 5 người mù; cách đó 50m, gia đình ông Lê Văn Phiên, 77 tuổi, có 3 đứa con trai đều bị điên. Họ điên đến thảm khốc, trong khi mấy thập niên qua ông Phiên vẫn đau đáu kiến nghị, đã viết đơn trình lên lãnh đạo xã, đã đề xuất với trung tâm khám chữa bệnh người tâm thần ở thị xã Phú Thọ... nhưng các con ông vẫn không được coi là người điên.
Ông thở dài: "Khi con tôi vác cuốc bổ vỡ đầu tôi, khi nó ném vợ nó chết thảm dưới giếng nhà tôi, tôi vẫn không thấy cái sự điên đó nó khó hiểu bằng việc thằng Nghĩa, thằng Nga nhà tôi không được công nhận là người điên". Nói rồi ông khóc, tôi mang 25 triệu "xin" được của các nhà hảo tâm đến giúp ông lợp lại nhà, mua đồ ăn thức uống trong cái chuồng cọp hơn 2.500 ngày sầu tủi của Lê Văn Nga, ông Phiên cứ chắp tay lạy tôi, mà rằng: sao ở đời còn có những người (nhà hảo tâm, chứ không phải tôi) tốt đến mức ấy?
Tiền, trong trường hợp này, nó có nghĩa với những người chăm sóc bệnh nhân điên là ông Phiên thôi, chứ với 3 con người cuồng loạn của ông, họ có "biết" gì đâu? Họ sống trong một cõi khác chúng ta. Trong vuông bếp bé như cái chuồng gà ở góc vườn, ở ngay gần cái giếng có người đàn bà bị chồng lẩn mẩn dùng chày gỗ lớn đập chết rồi ném xuống kia, Lê Văn Nga vẫn nằm rên hừ hừ. Anh nằm mà hai chân vẫn xiên qua hai lỗ cùm gỗ lớn. Ông Phiên thêm một lần nói cái câu mà ông đã hơn một lần nói với tôi: "Nó chém tôi toác đầu, ai cũng nghĩ tôi chết. Nhưng tôi không oán thán nó, nó là thằng điên. Tức giận thằng điên thì chẳng nhẽ mình cũng điên nốt à? Tôi đau nhất, hai tay chắp bụng (chết) tôi cũng không thể đau hơn, là bởi vì: tôi là bố nó, mà lại đem cùm con vào mấy nghìn ngày như bọn thực dân đế quốc nó cùm người thế này... Nhưng tôi biết làm sao hả nhà báo ơi?".
Ông Phiên với những nỗi thống khổ mỏi mòn
Tôi chưa kịp nói gì, những người hàng xóm đã xôn xao đem vết sẹo của mình do người điên tấn công ra "khoe". Ai cũng bảo, nhốt người thế này dã man quá, nhưng với tình cảnh hiện nay của nhà ông Phiên, ông và dân đen chúng tôi biết phải làm gì hơn như thế được đây? Tôi lại gần, ông Phiên ý tứ gạt hết ghế gỗ, gạch đá, dao dựa ra khỏi tầm tay Lê Văn Nga. Anh Nga có vẻ hiền lành, cúi mặt rên khe khẽ: "Cho tôi xin miếng xà phòng. Da tôi thối hết rồi. Tôi hết điên rồi, tôi không đánh người nữa đâu mà sợ". Hai ống chân Nga teo đi chỉ còn cẳng xương, da dăn deo, sờ vào da không còn chút nóng ấm nào nữa, đúng là da bọc ống xương. Cái lỗ cùm và các khoanh cùm ở gần chỗ Nga bị "định vị" nó đều nhẵn bóng mồ hôi, đọng đầy thức ăn thừa, mùi khai và mùi thối xộc lên đến buồn nôn.
"Tôi như chuối chín cây. Mai này tôi chết, đàn con tôi sẽ đi về đâu, tóc chúng nó cũng sắp bạc cả rồi", ông Phiên tấm tức. Da của Lê Văn Nga đã hoại tử, đóng vảy, chết thối nhiều phần. Hai đùi anh toong teo, cũng chỉ còn da bọc xương. Đã 7 năm nay Nga chưa được mặc quần theo đúng nghĩa. Vì cây cùm rất kiên cố, nó được thợ mộc đóng kỹ bằng hai cây gỗ dài chừng 3m, ốp vào nhau, ở khúc giữa được khoét một cái lỗ đúng bằng chu vi cổ chân Lê Văn Nga. Công an xã và gia đình, xóm mạc khống chế đè ngửa Nga ra, trói lại, rồi đặt hai cẳng chân anh vào giữa hai khúc gỗ, dùng đinh và dây thép đóng chặt hai khúc gỗ lại với nhau. Thế là xong một cái cùm tương đối vĩnh cửu.
Cũng bởi cây cùm "oái oăm" đó mà Nga không thể rút chân ra mặc quần được. Thế là ông Phiên nghĩ ra cách cắt bỏ đũng quần đùi của con, rồi chui cái quần đùi từ trên đầu xuống, Nga mặc quần không đáy. Sau hàng nghìn ngày gào thét, giờ đây, tuổi gần ngũ tuần, sức tàn lực kiệt, anh Nga chỉ rên lên khe khẽ, nói năng "dịu dàng" dần. Chỉ có điều càng nói anh càng tỉnh. "Cho con ra ngoài đi bố ơi, con hết điên rồi, con không đánh được ai nữa đâu; ăn uống ỉa đái tại chỗ 7 năm rồi, nếu là bố, bố có sống được không?". Nói xong câu đó, anh Nga còn biết dụi mắt khóc.
Gió lùa lạnh buốt, quần áo mong manh, tôi luôn tin rằng tính mạng anh Nga đang bị đe dọa bằng cái lối cùm dã man và vi phạm luật pháp và quyền con người nhất đó. Và nữa, xin mở ngoặc luôn: là nhà báo, tôi chỉ có thể phán ảnh sự thật lên cơ quan chức năng, nhắc nhở họ hành động, hoặc cùng lắm là đem tiền "xin" được của các nhà hảo tâm cho gia đình ông Phiên. Chứ để cứu mạng 3 người điên trong ngôi nhà bi thiết kia, phải là một hoặc nhiều cơ quan có thẩm quyền của nhà nước. Về vấn đề này, chúng ta đã có quy định rất rõ ràng.
Những chuyện không thể rùng rợn hơn!
Trong căn nhà trống hoác, đồ đạc lèo tèo, bé Giang, con gái Lê Văn Nghĩa khóc thút thít khi có người đến thắp nhang cho mẹ mình. Mẹ Giang lúc bị bố Giang lên cơn điên loạn đập chết ném xuống giếng còn trẻ hơn cả Giang bây giờ! Trên ban thờ, người đàn bà xấu số có gương mặt trong veo, cái nhìn dường như không một chút oán thán nỗi đời mỏng phận... Bố Giang (Lê Văn Nghĩa, năm nay chừng gần 50 tuổi) đứng ngẩn tò te, tủm tỉm cười bí ẩn mà ngắm Giang và ngắm chúng tôi. Đôi lúc Nghĩa huýt sáo theo kiểu trẻ mục đồng cầm con châu chấu cho chim ăn.
Cô Trịnh Thị Tân đã bị anh chồng điên Lê Văn Nghĩa dùng chày đập chết.
Lê Văn Nghĩa bị điên khá đột ngột. Hoặc nói cho "chắc ăn", anh được ghi nhận là người điên, bị đề phòng như đề phòng một thằng điên, chỉ sau khi anh ta đập chết rồi quẳng xác vợ mình xuống giếng. Nói thật là tôi phải rùng mình, thủ thế, phải tính nước thoái lui khi thắp nhang cho vợ của người điên trước con mắt điên dại của anh ta. Đấy là chưa kể, lúc đó, ở ngoài sân, anh Lê Văn Tuấn còn đang lẩn mẩn vai u thịt bắp, mặc độc chiếc quần cộc và ngồi chơi... dao phay. Chơi chán anh ta lại gào rú, lại cười sằng sặc hoặc gườm gườm trêu ghẹo tôi.
Chuyện Lê Văn Nghĩa giết vợ xảy ra vào Tết năm 1991. Bấy giờ cô Trịnh Thị Tân lấy chồng là anh Lê Văn Nghĩa được 6 năm, sinh hạ được 3 người con. Khi thi thể cô Tân được khênh lên, các vết chày gỗ nện vào khắp nơi còn để lại dấu tích rõ ràng trên cơ thể. Người đàn bà bị chồng đập dã man bằng chày lớn trước khi ném xuống giếng. Ngay sau đó, Nghĩa cũng tự tử nhưng không chết. Hồ sơ của ngành công an bấy giờ đã kết luận: Nghĩa giết vợ cực kỳ tàn độc vào lúc 21 giờ đêm hôm mùng 2 Tết năm 1991.
Sau khi đi lính về, Nghĩa phát bệnh điên, lúc nặng, lúc nhẹ, người cứ "dớ dẩn, vớ vẩn" như ở trên mây. Song bố mẹ quá nghèo, lại có cả đàn em cùng điên, nên Nghĩa vẫn phải đi làm thuê kiếm sống, phụ giúp cha mẹ và nuôi đàn con. Một hôm nhóm bạn phu phen mới khích bác: mày là đồ điên, ba đứa con không phải con của mày đâu, vợ mày nó "đánh ngạnh" (ngoại tình) mà có đấy. Chỉ là lời đùa vu vơ nhưng không ngờ cơn rồ dại sẵn có trong Nghĩa đã vin vào đó mà "bốc" lên. Đêm ấy, anh ta giết vợ. Chị Tân chết, cuộc đời nghèo khó không để lại một tấm ảnh nào, ngoài một tấm chứng minh thư nhòe cũ. Gia đình đem lên phố huyện gỡ cái ảnh chứng minh thư đó ra làm ảnh thờ. Trong nhang khói, dấu giáp lai vẫn hằn in trên di ảnh của người đàn bà xấu số.
Ba đứa trẻ sống sót sau cơn đối mặt với "tử thần", các cháu khóc ròng cả đêm, cháu Lê Thị Anh (con của Nghĩa và chị Tân) bấy giờ còn đang tuổi bú mẹ, chỉ biết khóc rồi lả đi. Sáng ra, nghe tiếng khóc của trẻ, hàng xóm mới phá cửa xông vào. Bé Lê Thị Anh thì miệng đã cứng vì khát sữa, họ phải cạy miệng cháu ra bơm sữa nước vào, cháu mới tỉnh dần. Năm đó, cả xóm coi như thêm đủ thứ tang thương trong một cái Tết nghèo.
Sau khi giết vợ, Lê Văn Nghĩa bị công an bắt về tỉnh, tạm giam ở trại Phủ Đức (TP Việt Trì) 4 tháng. Giám định pháp y chỉ rõ: Nghĩa bị bệnh tâm thần, không kiểm soát được hành vi. Ông Phiên đi xe khách xuống tỉnh, bà cán bộ tòa án bảo ký vào giấy bảo lãnh cho thằng con giời đày của mình... về nhà. Bảo lãnh cho một thằng điên đã giết người rồi, lại tiếp tục về nhà sống chung với người tỉnh, không biết cơ quan chức năng nghĩ gì khi bảo (xui) ông Phiên làm việc đó? 20 năm qua, ông Phiên và bà vợ nghèo phải nuôi 3 đứa cháu nội mồ côi mẹ, trong khi bố đẻ các cháu cứ lêu têu, lêu lổng, lúc điên lúc tỉnh, hứng lên là đánh bố đẻ bất tỉnh nhân sự như vậy.
Đầu năm 2011, đang viết những dòng này, tôi lại nhận được điện thoại (ông Phiên đi gọi nhờ hàng xóm) kêu cứu của ông Lê Văn Phiên. Tuổi ngót nghét 80, lại thêm bệnh tật bủa vây, ông lập bập đi nhiều. Ông nhờ tôi "xin Nhà nước cho thằng Nghĩa đi trại tâm thần, chứ nó chưa bị cùm, nó còn phá hơn thằng Nga".
Vậy là suốt 20 năm qua, "thủ phạm điên" ấy vẫn chưa được công nhận làm... người điên! Lê Văn Nga, Lê Văn Nghĩa không có sổ tâm thần, không được đi chữa bệnh, quản lý, khống chế một cách cần thiết và nhân văn như những người có lương tri hằng mong muốn. Vì sao? Không lẽ đưa một người đích thị điên, điên đến mức không thể điên hơn vào trại điên chật vật đến vậy ư?
Thảm cảnh người điên - do người tỉnh gây ra
Lê Văn Nga (người đã 7 năm bị cùm) may mắn chưa giết ai nhưng nỗi ám ảnh mà anh gây ra cho gia đình và hàng xóm trong suốt những năm tháng "tung hoành" cũng không kém ông anh là bao. Anh thích nhất là đánh người và ăn trộm, anh đánh bố đẻ, đâm thủng bụng công an xã rồi cười khà khà đắc chí vác dao đi... chơi. Anh đã đánh hầu như không thiếu người đàn ông nào trong xóm.
Trong khi ông Phiên đang khoe vết thương trên đầu mình...
... thì Lê Văn Tuấn, người người con điên khác của ông Phiên ngồi chơi hai con dao sáng loáng.
Nhớ lời ông Phiên nói với tôi trong lần đầu gặp gỡ: "Thằng Nga nó điên loạn, nó thích ăn ngon, nó rỡ cả cột nhà, xà nhà nhà tôi đem bán để ăn quà. Nó bắt lợn bắt chó nhà hàng xóm, cắt lấy cái đầu, moi lấy bộ lòng, tim, gan về ăn xì sụp, còn lông lá thịt thà bỏ lại tuốt ngoài bụi tre. Nó ăn trộm cả cái xô cái chậu của bất kỳ gia đình nào, đem ra ngã ba chỗ gần ủy ban bán, lấy đôi ba nghìn, hí hửng mua gói kẹo, "bắn" điếu thuốc lá rồi lững thững về. Tôi đi vay hàng xóm được 1 triệu đồng, tổ chức cưới vợ cho nó (là cô Mai Thị Vịnh, cùng xã), nó đánh vợ toạc máu đầu, đẻ được con thì nó ăn hết phần của con. Vợ nó hãi quá ẵm con bỏ đi biệt. Xóm này, cả chục người bị nó đánh cho thập tử nhất sinh. Cả trưởng công an xã cũng bị nó đâm cho mấy nhát, phải vào viện điều trị. Nếu không cùm lại, chắc chắn nó đã gây án mạng rồi. Nó sẽ giết tôi đầu tiên".
Nay gặp, tôi hứa sẽ tìm cách hỗ trợ ông Phiên đưa Nga đi điều trị ở viện tâm thần. Ông Phiên rùng mình: "Ối trời ơi, đừng có đụng vào cái cùm đó. Tháo ra là nó hung hăng lắm, nó đánh người thì tôi chết không nhắm được mắt. Lần trước, thấy con khỏi, lại thương con, tôi vừa thuê người tháo cùm ra thì nó đã đánh mấy người trong xóm, nó bổ vỡ toác đầu tôi, ngất xỉu, máu chảy đầy sân đây này". Ông Phiên vạch đầu mình ra, viết sẹo dài thượt, trắng hếu, bổ dọc đỉnh đầu từ trán ra sau gáy.
Chủ tịch UBND xã Phú Lạc và Trạm y tế xã cũng xác nhận: xã rất sợ sự hung dữ của Lê Văn Nga. Công an xã, thôn xóm và gia đình đã phải chung tay khống chế, đưa anh vào cùm dưới sự đồng thuận tự nguyện của gia đình ông Phiên. Có cái gì thật bi hài, khi ông Chủ tịch UBND xã Phú Lạc run rẩy nói với tôi: Nó (Nga) đã tuyên bố sẽ giết Phó trưởng Công an xã, đánh công an viên nếu nó được ra khỏi cùm. Chao ôi, Nhà nước đã có quy định rõ là ngành y tế và cơ quan liên quan phải có trách nhiệm khống chế, đưa người điên vào trung tâm chữa bệnh, quản lý, cắt cơn cho người điên cơ mà. Hệ thống trại điên tiền tỷ của nhà nước đã trải khắp từ tỉnh về Trung ương mà. Sao lãnh đạo xã lại cũng bất lực như ông Phiên già?
Qua xác nhận của Trạm Y tế xã Phú Lạc, thông số rất rõ ràng: trong 3 người con của ông Phiên chỉ có người chưa gây án lớn là Lê Văn Tuấn, là có sổ khám chữa bệnh dành cho người tâm thần (cũng chỉ được cấp từ năm 2007, sau hàng chục năm anh phát bệnh). Còn các anh Nga và Nghĩa vẫn... chưa đủ thủ tục được công nhận là bệnh nhân tâm thần. Ông Phiên bảo, hằng tháng, ông cứ đi lĩnh thuốc tiêu chuẩn và tiền trợ cấp của thằng Tuấn về chia cho hai thằng điên còn lại. Thuốc thang cũng chia một suất làm ba, mỗi người con uống một tí.
Tiễn khách, ông Phiên và những người hàng xóm cùng gạt nước mắt khóc, trừ 3 anh chàng đang điên nhe răng cười. Tôi hứa sẽ mang bài báo này đặt lên bàn cơ quan chức năng huyện Cẩm Khê và tỉnh Phú Thọ, để hỏi cho ra nhẽ: vì sao cái thủ tục làm người điên của các thành viên trong "ngôi nhà tuyệt vọng" của ông già Lê Văn Phiên lại khó như thế? Hỏi rằng, có phải trăm cái tội người điên gây ra, phần lỗi đều thuộc về những người được xem là tỉnh táo không?!
Theo Tuổi trẻ & Đời sống
Đau lòng nạn nhân 'đồng lõa' với kẻ hiếp dâm Giọt nước mắt trào ra trên khóe mắt người cha già khi thấy đứa con gái 18 tuổi ngô nghê hoảng sợ chạy về, quần áo xộc xệch, đầu tóc bù xù dính đầy cỏ và đất cát. Khổ vì điên, nhưng...đẹp Đó là câu chuyện thương tâm xảy ra đối với gia đình em Nguyễn Thị Mai, ngụ tại xã Tân An...