Những cuộc chiến ngớ ngẩn nhất thế giới (Kỳ 3)
Anh và Tây Ban Nha đánh nhau chỉ vì một cái tai bị cắt đứt của một viên thuyền trưởng, còn Mỹ và Anh vẫn đánh nhau sau khi ký hiệp ước hòa bình.
Trong lịch sử loài người, chúng ta đã chứng kiến hàng ngàn cuộc chiến tranh nổ ra trên khắp thế giới vì nhiều lý do và mục đích khác nhau. Vị tướng nổi tiếng William Tecuseh Sherman của phe Liên bang Miền Bắc trong cuộc nội chiến Mỹ, vị “tướng lĩnh đầu tiên của nền quân sự hiện đại” đã từng thốt lên: “Chiến tranh là địa ngục.”
Quả thật, ngoài những cuộc chiến tranh chính nghĩa vì mục đích cao cả, trong lịch sử loài người không thiếu những cuộc chiến tranh phi lý với những lý do vô cùng ngớ ngẩn và nực cười, nhưng hậu quả mà chúng để lại thì vô cùng khủng khiếp.
Chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu với bạn đọc những cuộc chiến tranh phi lý và ngớ ngẩn nhất trong lịch sử loài người, để chúng ta hiểu thêm về bản chất tàn bạo và vô nghĩa của chiến tranh.
5. Cuộc chiến Tai Jenkins (1739-42)
Một giai đoạn lịch sử quan trọng của đế quốc Anh nằm trong tay một người đàn ông, và điều đặc biệt là người đàn ông đó lại mất một bên tai, và chiếc tai bị mất ấy là nguyên nhân gây ra một cuộc chiến kinh hoàng.
Cuộc chiến bắt đầu như thế nào?
Robert Jenkins là một thuyền trưởng chỉ huy một tàu chiến thuộc Hải quân Hoàng gia Anh. Năm 1731, chiếc tàu chiến của thuyền trưởng Jenkins bị Lực lượng Tuần duyên Tây Ban Nha tấn công trong vịnh Caribean. Theo lời thuyền trưởng Jenkins kể lại thì viên thuyền trưởng Tây Ban Nha đã trói ông ta và dùng gươm xẻo mất một bên tai của ông.
Robert Jenkins đã bị một thuyền trưởng Tây Ban Nha dùng gươm cắt mất một tai
Trong thời kỳ đó quan hệ giữa Anh và Tây Ban Nha không lấy gì làm tốt đẹp, tuy nhiên chiến tranh giữa hai nước vẫn chưa phải là nguy cơ hiển hiện bởi ngài Thomas Walpole, Thủ tướng Anh đã lập ra một chính sách kiềm chế hết sức.
Tuy nhiên đến năm 1739, người Anh đã chán ngấy với việc ngoảnh mặt làm ngơ trước người Tây Ban Nha, nhưng khốn nỗi họ không có cái cớ nào để gây chiến. Thế là trong một buổi điều trần của Quốc hội, vụ thuyền trưởng Jenkins bị xẻo tai 8 năm trước đó được lôi ra. Jenkins được dịp mang ra chiếc tai bị cắt rời đã khô quắt lại để cho các thành viên trong quốc hội xem.
Tất cả các thành viên trong Quốc hội đều lập tức tuyên bố rằng đây là một nỗi nhục lớn lao đối với quốc thể, và họ phải tuyên chiến ngay. Thế là ngài Thủ tướng Walpole phải tuyên bố chiến tranh với Tây Ban Nha.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Thực ra mọi việc phức tạp hơn thế. Khi Jenkins mang chiếc tai đó lên trình trước Quốc hội, một số nghị sĩ còn lớn tiếng chất vấn liệu chiếc tai quắt queo đựng trong chiếc hộp đó có thực sự là cái tai bị cắt của ông ta hay không. Nhiều người cho rằng ông ta đã bị mất tai trong một trận ẩu đả tại quán rượu, và toàn bộ sự việc chỉ là một màn diễn chính trị được dựng lên nhằm gây sức ép phát động chiến tranh đối với Thủ tướng Walpole mặc dầu ông không hề muốn.
Dù sự thật có thế nào đi nữa thì sự tàn bạo có dẫn chứng đó đã châm ngòi cho sự phẫn nộ của công chúng. Nước Anh nổi giận, và chiến tranh được phát động.
Cuộc chiến kéo dài trong nhiều năm tiếp theo với liên tiếp những vụ hải quân hai nước ăn miếng trả miếng nhau trên vịnh Caribbean và dọc bờ biển Nam Mỹ. Do những rắc rối trong các liên minh chính trị ở châu Âu trong thời kỳ này, cuộc chiến Tai Jenkins đã biến thành cuộc chiến kế thừa ngôi báu ở Áo.
Những trận hải chiến quyết liệt giữa hải quân Anh và Tây Ban Nha
Người anh hùng của nước Anh trong cuộc chiến này là Đô đốc Edward Vernon. Vernon nổi tiếng nhờ trận tấn công vào thị trấn thuộc địa Porto Bello của Tây Ban Nha, hiện nay là một phần của Panama, khi ông tổ chức lực lượng tấn công chỉ với sáu tàu chiến và giành được thắng lợi.
Khoảng nửa triệu người đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh đẫm máu này. Nó cũng là nguyên nhân chính làm bùng phát Cuộc chiến Bảy Năm ở châu Âu khiến khoảng 1,25 triệu người chết và góp phần đưa nước Anh trở thành một cường quốc thống trị thế giới.
Ai giành thắng lợi?
Mặc dù Tây Ban Nha đã tuyên bố giành được thắng lợi ngoại giao trong cuộc chiến này song trên thực tế, cuộc chiến này chẳng khác gì một cuộc ẩu đả bằng túi xách giữa hai bà lão với nhau. Khi cuộc chiến này biến thành cuộc chiến giành ngôi báu ở Áo và Cuộc chiến Bảy Năm, không ai có thể ngờ rằng toàn bộ thảm cảnh chết chóc, đau thương với đại bác và thuốc súng đó lại xuất phát từ chiếc tai bị cắt của một viên thuyền trưởng.
6. Cuộc chiến 1812 giữa Mỹ và Anh
Video đang HOT
Đầu thế kỷ 19, Mỹ và Anh là hai quốc gia không ưa gì nhau, và giữa hai nước đã xảy ra nhiều cuộc đụng độ. Trong số những cuộc chiến đó, Cuộc chiến năm 1812 là kết quả của sự sai lầm khủng khiếp về thời điểm, bởi đó là cuộc chiến nổ ra khi lý do gây chiến không còn và vẫn tiếp diễn sau khi hiệp ước hòa bình được ký kết.
Trận chiến bắt đầu như thế nào?
Vào đầu thế kỷ 19, Mỹ vẫn chỉ là một quốc gia đang phát triển vừa mới giành được độc lập. Mặc dù cuộc Cách mạng Mỹ đem lại độc lập cho nước này đã kết thúc được 20 năm, Mỹ vẫn chưa giành được sự độc lập về kinh tế.
Trong khi đó, ở châu Âu, đế quốc Pháp dưới sự trị vì của hoàng đế Napoleon Bonaparte đã kiểm soát phần lớn lục địa này, và Anh là một trong số ít quốc gia không bị xâm chiếm và do đó trở thành kình địch của Pháp. Khi hoạt động thương mại giữa hai quốc gia kình địch này bị đình trệ, Mỹ đứng giữa trở thành kẻ hưởng lợi khi cung cấp hàng hóa cho cả 2 bên.
Cuộc chiến năm 1812 còn được gọi là cuộc chiến của Tổng thống Mỹ Madison
Tức tối với việc Mỹ vi phạm lệnh cấm vận thương mại đối với Pháp, người Anh thực thi chính sách bắt các thương gia người Mỹ sung quân, và đây là một trong những nguyên nhân chính làm nổ ra cuộc chiến. Đến năm 1811, hải quân Hoàng gia Anh đã bắt sung quân ít nhất 6.000 thủy thủ của Mỹ.
Ngoài ra, Ủy ban Chính phủ còn ban hành Đạo luật về cấm vận thương mại, cản trở hoạt động làm ăn của người Mỹ. Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Anh hủy bỏ đạo luật này nhưng không thành công, và thế là vào ngày 18/6/1812, Quốc hội Mỹ tuyên chiến với Anh.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Người Mỹ không ngờ được rằng trước khi họ tuyên chiến 2 ngày, chính phủ Anh đã hủy bỏ Đạo luật cấm vận thương mại này mà người Mỹ vốn rất căm ghét này. Nói cách khác, nguyên nhân chính dẫn tới cuộc chiến này đã không còn nữa.
Sau này Tổng thống Mỹ James Madison thú nhận rằng nếu ông biết được Anh đã thay đổi chính sách, ông đã không tuyên bố chiến tranh. Nhưng phải mất nhiều tháng thì thông tin này mới tới được Washington…và đến khi đó thì lời tuyên chiến đã được phát đi.
Cuộc chiến năm 1812 diễn ra trên 3 mặt trận chính. Trên biển, tàu chiến và tàu lùng của các bên thi nhau tấn công vào tàu buôn của đối phương, trong khi hải quân Anh phong tỏa bờ biển Đại Tây Dương ngoài khơi nước Mỹ và tiến hành hàng loạt cuộc tấn công quy mô lớn ở giai đoạn sau.
Mỹ và Anh đánh nhau bất phân thắng bại suốt 2 năm trời
Mặt trận thứ hai diễn ra trên biên giới Mỹ-Canada, nơi các trận chiến diễn ra dọc theo vùng Hồ Lớn, sông Saint Lawrence và phía bắc hồ Champlain. Mặt trận thứ 3 diễn ra ở phía nam nước Mỹ và vùng Gulf Coast, nơi quân Mỹ đánh bại các đồng minh thổ dân của Anh và lực lượng viễn chinh Anh ở New Orrleans.
Với phần lớn lực lượng đang phải đối chọi với quân Pháp ở châu Âu, ban đầu quân Anh chỉ áp dụng chiến lược phòng thủ và đẩy lui nhiều đợt tấn công của quân Mỹ ở vùng Thượng và Hạ Canada.
Tuy nhiên sau đó người Anh thay đổi chiến thuật và tổ chức lực lượng tấn công vào Maine vào tháng 9/1814 và chiếm giữ khu vực này trong suốt cuộc chiến. Sau khi Napoleon thất bại vào cuối năm 1814, quân Anh tấn công dữ dội hơn và cử tới Mỹ 3 đạo quân xâm lược lớn. Họ đã tiến được vào Washington D.C và nổi lửa đốt rụi nơi này, nhưng sau đó bị quân Mỹ đánh bật ra.
Ai giành thắng lợi trong cuộc chiến này?
Suốt 2 năm trời, quân Anh và quân Mỹ đánh nhau quyết liệt không phân thắng bại. Trận chiến nổi tiếng nhất của cuộc chiến này là chiến thắng mang tính quyết định của Tướng Andrew Jackson trước quân Anh trong trận chiến New Orleans vào ngày 8/1/1815. Trận chiến này đã đưa Jackson trở thành anh hùng dân tộc, và cuối cùng đã đưa ông đến với cương vị Tổng thống Mỹ.
Thế nhưng trận chiến này thực chất lại là một sai lầm còn tệ hơn nữa. Hiệp ước Ghent chính thức kết thúc cuộc chiến đã được chính phủ 2 nước ký kết vào ngày 24/12/1814. Nói cách khác, trận chiến đó diễn hai tuần sau khi cuộc chiến tranh kết thúc.
Lời kết: Chiến tranh dù bất cứ lý do gì đi chăng nữa cũng là điều tàn khốc mà không ai mong muốn xảy ra, và hậu quả mà nó để lại rất nặng nề. Từ bao đời nay, hòa bình vẫn luôn là khát vọng cháy bỏng của nhân loại, nhưng để đạt được khát vọng đó, con người cần phải nỗ lực hết mình để vượt qua những điều tầm thường, nhỏ nhặt, ngớ ngẩn và phi lý nhất để tránh khỏi nỗi ám ảnh của bóng ma chiến tranh.
Theo Khampha
Những cuộc chiến ngớ ngẩn nhất thế giới (Kỳ 1)
Lịch sử loài người chứng kiến không ít những cuộc chiến tranh vì những lý do ngớ ngẩn và phi lý nhưng để lại hậu quả thực sự tàn khốc.
Trong lịch sử loài người, chúng ta đã chứng kiến hàng ngàn cuộc chiến tranh nổ ra trên khắp thế giới vì nhiều lý do và mục đích khác nhau. Vị tướng nổi tiếng William Tecuseh Sherman của phe Liên bang Miền Bắc trong cuộc nội chiến Mỹ, vị "tướng lĩnh đầu tiên của nền quân sự hiện đại" đã từng thốt lên: "Chiến tranh là địa ngục."
Quả thật, ngoài những cuộc chiến tranh chính nghĩa vì mục đích cao cả, trong lịch sử loài người không thiếu những cuộc chiến tranh phi lý với những lý do vô cùng ngớ ngẩn và nực cười, nhưng hậu quả mà chúng để lại thì vô cùng khủng khiếp.
Hiện nay, trong bối cảnh thế giới vẫn đang chứng kiến những cuộc chiến tranh đẫm máu nổ ra ở nhiều nơi và nguy cơ nổ ra chiến tranh vẫn còn hiển hiện ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở châu Á-Thái Bình Dương, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc những cuộc chiến tranh phi lý và ngớ ngẩn nhất trong lịch sử loài người, để chúng ta hiểu thêm về bản chất tàn bạo và vô nghĩa của chiến tranh.
1. Cuộc chiến chiếc ghế vàng (1900)
Một cuộc chiến mang lại đau thương cho cả một dân tộc và cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người chỉ vì ý muốn ngông cuồng của một viên Thủ hiến.
Cuộc chiến bùng nổ như thế nào?
Vào cuối thế kỷ 19, người dân vương quốc Ashanti ở bờ biển phía tây châu Phi (nước Ghana hiện nay) thờ phụng một chiếc ghế bằng vàng. Chiếc ghế này được họ coi là một thánh vật, là nơi trú ngụ của quyền lực thủ lĩnh và còn là vật thiêng tượng trưng cho linh hồn của vương quốc Ashanti cũng như linh hồn của tất cả những người đã chết, những người đang sống và cả những người chưa ra đời ở vương quốc này.
Lễ rước chiếc ghế vàng của người Ashanti
Năm 1896, thực dân Anh đổ bộ và xâm chiếm vương quốc này, đánh bại đạo quân tinh nhuệ của vua Ashanti, sau đó đày ông này tới hòn đảo Seychelles xa xôi, khiến người dân Ashanti rơi vào tình trạng "rắn mất đầu".
Ngài Frederick Hodgson, viên Thủ hiến đầy quyền lực của Anh đã tới vùng đất này để giúp người dân ở đây "khai sáng văn minh" theo cách mà người da trắng luôn muốn làm với người dân các nước thuộc địa.
Đến tháng 3/1900, ông Hodgson đến thủ đô Ashanti và tuyên bố với người dân ở đây rằng vì toàn bộ vương quốc này đều được đặt dưới sự trị vì của Nữ hoàng Anh thế nên ông ta yêu cầu người dân trao lại cho mình chiếc ghế vàng này để ông ta có thể ngồi lên đó.
Những người dân Ashanti có mặt tại đây sững sờ im lặng trước yêu cầu kỳ dị mang tính miệt thị này của vị Thủ hiến đối với truyền thống và di sản của mình, thế nên sau khi bài diễn văn của Hodgson kết thúc, họ đồng loạt lao về nhà và lôi ra bất cứ thứ vũ khí nào mà họ tìm thấy. Và thế là Cuộc chiến Chiếc Ghế Vàng nổ ra.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Thủ hiến Hodgson điều một vài đơn vị lính đến canh giữ chiếc ghế vàng này, và khi đến nơi, họ vô cùng ngạc nhiên khi phải hứng chịu đợt tấn công mãnh liệt của một đội quân do bà Yaa Asantewaa (mẹ của vị vua bị lưu đày) chỉ huy.
Tượng đài của bà Yaa Asantewaa tại Ghana ngày nay
Đội hình lính Anh này gần như bị xóa sổ hoàn toàn, những người sống sót tìm mọi cách quay trở về doanh trại ở Kumasi và cố gắng cầm cự trong một pháo đài nhỏ. Bà Yaa Asantewaa đã dẫn đội quân của mình đến bao vây pháo đài này trong suốt 3 tháng rưỡi với lực lượng lên tới 12.000 người. Quân Anh chui rúc trong pháo đài chật hẹp trong hoàn cảnh rất khốn khổ và chờ đợi cứu viện trong tuyệt vọng.
Cuối cùng lực lượng cứu viện gồm vài ngàn quân dưới sự chỉ huy của thiếu tá James Willcocks và một số vũ khí hiện đại đã đến nơi và xuyên thủng vòng vây của quân Ashanti. Cuối cùng họ cũng đánh bại được lực lượng nổi dậy vào ngày 14/7/1900 và giải vây cho pháo đài. Lực lượng bị vây hãm bên trong pháo đài được giải cứu trong tình trạng cạn kiệt thực phẩm và đạn dược.
Lính Anh tấn công các chiến binh Ashanti
Để trả thù cho sự "hỗn xược" này của người Ashanti, trong những tháng tiếp theo của mùa hè năm đó, Willcocks đã ra lệnh tàn sát nhiều ngôi làng trong vùng, san phẳng các khu dân cư và chiếm đoạt đất đai của người Ashanti.
Ai giành thắng lợi trong cuộc chiến này?
Mặc dù người Ashanti bị thua trên chiến trường với con số thương vong lên tới trên 2000 người, nhưng người Ashanti vẫn tuyên bố rằng họ đã giành được thắng lợi trong cuộc chiến này, bởi một lẽ đơn giản là người Anh đã không bao giờ ngồi lên được chiếc ghế vàng thiêng liêng của họ.
2. Cuộc chiến Cột cờ (1845-1846)
Cuộc chiến tranh quyết liệt giữa quân đội Anh và thổ dân New Zealand, mà mục tiêu của cả cuộc chiến chỉ là một chiếc... cột cờ.
Cuộc chiến nổ ra như thế nào?
Năm 1840, lực lượng viễn chinh của thực dân Anh và các bộ tộc người Maori ở New Zealand ký Hiệp ước Waitangi, và đây được coi là cơ sở pháp lý đầu tiên để người Anh đặt chân đến New Zealand, và ngày nay hiệp ước này vẫn được coi là tài liệu lập nên quốc gia này.
Tuy nhiên các bên tham gia hiệp ước lại có cách hiểu rất khác nhau về văn bản này. Người Maori tin rằng hiệp ước này sẽ đảm bảo cho họ tiếp tục được sở hữu đất đai và gìn giữ các phong tục tập quán cổ xưa của mình. Trong khi đó, người Anh lại cho rằng hiệp ước này đã mở ra cánh cửa để họ có thể ồ ạt di cư đến miền đất mới này. Ngày 21/5/1840, New Zealand chính thức được sáp nhập vào Vương quốc Anh, và sau đó họ chuyển thủ đô đến Auckland, cách thủ phủ cũ Waitangi khoảng 200 km.
Tuy nhiên thủ lĩnh Hone Heke, một trong những người đầu tiên ký Hiệp ước này lại ngày càng tức giận với cách người Anh thực thi những điều mà họ đã ký. Ông phản đối việc dời thủ đô đến Aukland cũng như việc viên Toàn quyền Anh đặt ra những loại thuế phí phi lý tại Kororareka khiến số lượng tàu đánh bắt cá voi ghé thăm vùng đất này sụt giảm thê thảm.
Thị trấn Kororareka, nơi nổ ra Cuộc chiến Cột cờ
Sau khi người Anh di cư ồ ạt vào đây, Kororareka từ một vùng đất thanh bình trở thành một nơi đầy rẫy tệ nạn với các nhà thổ mọc lên như nấm sau mưa, các quán rượu và sòng bạc xuất hiện dày đặc với những kẻ bợm rượu suốt ngày đánh cãi nhau. Người Anh cũng cho dựng lên trong thị trấn này một cột cờ lớn và treo cờ Anh như một biểu tượng cho chủ quyền của mình.
Không thể nhẫn nhịn thêm được nữa, Hone Heke dẫn đầu đội quân thổ dân của mình tràn vào thị trấn và đốn hạ cột cờ này với ngụ ý rằng họ sẽ không bao giờ chấp nhận sự cai trị của người Anh cũng như sự hiện diện của cột cờ ở đó. Và thế là cuộc chiến Cột cờ nổ ra.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Ngay lập tức, Anh điều tàu chiến Sydney với 160 sĩ quan và binh lính thuộc Trung đoàn 99 từ New South Wales ở Úc tới Vịnh Quần đảo. Sau đó Toàn quyền Fitz Roy cùng với một bộ phận của Trung đoàn 96 cũng tới khu vực này trên tàu chiến HMS Hazard. Sau màn phô trương lực lượng này, Toàn quyền Fitz Roy đạt được thỏa thuận với các bộ tộc ở đây là sẽ dựng lại cột cờ của Anh tại Kororareka.
Tuy nhiên Hone Heke không tham gia hội nghị đàm phán này, và ngay sau khi quân Anh rút về Sydney và một cột cờ mới được dựng lên, vị thủ lĩnh này quyết định sẽ tiếp tục thách thức người Anh bằng cách đốn hạ nó một lần nữa.
Hone Heke đích thân đốn hạ cột cờ của người Anh
Tháng 1/1845, Heke đích thân chặt đổ cột cờ Anh ở thị trấn Kororareka. Người Anh tức tối cử một phân đội gồm 30 lính thuộc Trung đoàn 96 tới đây và dựng lại cột cờ và gia cố thêm bằng các đai sắt, đồng thời xây dựng một bốt gác ngay cạnh cột cờ. Thế nhưng ngay sáng hôm sau, họ ngỡ ngàng nhận ra rằng cột cờ này đã bị đốn hạ lần thứ ba. Toàn quyền Fitz Roy lập tức cử quân tăng viện đến để bảo vệ cột cờ này.
Lực lượng tăng viện làm việc cật lực để xây dựng một tòa nhà kiên cố bên cạnh làm chốt bảo vệ cho lực lượng gồm 20 lính canh. Sau đó họ mua một chiếc cột buồm của một thuyền buôn trong cảng và dựng lên cột cờ thứ tư. Một lực lượng hùng hậu gồm 200 lính được huy động để bảo vệ cột cờ mới này.
Ở Anh, Hạ viện đã quyết định rằng Heke và các chiến binh của ông ta không được quyền đốn hạ cột cờ và phải ở yên trong lãnh thổ của họ, bởi vậy hành động của vị thủ lĩnh này cần phải bị trừng phạt. Khi các nhà truyền giáo thông báo điều này với Heke, ông không hề tỏ ra quan tâm và tiếp tục vạch ra một kế hoạch khác.
Ngày 11/3/1845, khoảng 600 chiến binh Maori trang bị súng trường, súng hai nòng và rìu tấn công vào thị trấn Kororareka. Các chiến binh của Hone Heke đã tấn công trạm gác, giết sạch lính canh và đốn hạ cột cờ này lần thứ tư. Sau đó họ đốt gần như toàn bộ nhà cửa trong thị trấn này, khiến cư dân thị trấn hốt hoảng sơ tán xuống tàu Hazard đang neo đậu trong cảng.
Sau vụ việc chấn động này, chính quyền thực dân hối hả điều động binh sĩ từ 3 trung đoàn cùng nhiều tàu chiến trang bị đại bác và bắn đầu bắn phá các làng mạc của thổ dân ở Vịnh Quần đảo. Các chiến binh thổ dân cố thủ trong các chiến lũy bằng gỗ và kiên cường chống trả các cuộc tấn công của quân Anh.
Ai giành thắng lợi trong cuộc chiến này?
Cuộc chiến đẫm máu này kéo dài suốt 10 tháng trời với những cuộc giao tranh quyết liệt giữa các chiến binh của Heke và lực lượng quân đội thực dân Anh. Quân Anh tìm mọi cách để dập tắt cuộc nổi loạn của Heke, tuy nhiên chiến sự vẫn giằng co và không thể phân định được thắng thua. Thiệt hại về người của quân Anh là 82 lính thiệt mạng và 164 lính bị thương, trong khi Heke chỉ mất 60 chiến binh và 80 người khác bị thương.
Đến đầu năm 1846, hai bên nhất trí ngừng bắn và chính thức chấm dứt Cuộc chiến Cột cờ. Sau cuộc chiến này, mặc dù người Anh vẫn kiểm soát phần lớn lãnh thổ ở New Zealand, song họ không bao giờ dám dựng bất cứ một cột cờ nào khác ở khu vực này.
Theo Khampha
Bắt tay xây dựng hệ thống "Chiến binh tương lai" siêu hạng Theo môt thoa thuân vưa đươc công bô, Israel sẽ hợp tác vơi Ân Đô trong viêc sản xuất cac hê thông vu khi va trang bi công nghệ cao cho binh lính Ấn Độ, môt thi trương vơi tông gia tri khoang 3 tỷ USD. Theo đo, Israel sẽ hợp tac với Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn...