Những cuộc chiến dầu mỏ kết thúc trong thảm họa
Từ chế độ Đức Quốc xã đến thời của Tổng thống Iraq Saddam Hussein, dầu mỏ luôn là một sự cám dỗ nguy hiểm.
Tàu Mỹ bị bắn chìm trong trận Trân Châu Cảng – Ảnh: Washington Times
Trong 100 năm qua, dầu mỏ là một lý do phổ biến để đi đến chiến tranh. Các nước đã chĩa súng vào nhau nhằm thôn tính các mỏ dầu hoặc ngăn đối thủ kiểm soát loại hàng hóa cực kỳ quan trọng đối với mọi nền kinh tế và quân đội hiện đại. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã nhận được bài học rằng cái giá phải trả cho việc chiếm được nguồn dầu mỏ có thể cao hơn rất nhiều so với giá trị mà nó mang lại.
Trong lịch sử nhân loại, có ít nhất 5 cuộc chiến như thế đã kết thúc trong thảm họa, theo chuyên san quân sự Mỹ The National Interest.
Quyết định của Nhật Bản đi đến chiến tranh với Mỹ hồi năm 1941 có nhiều lý do nhưng “chất xúc tác” tức thời chính là lệnh cấm vận dầu mỏ do Mỹ và châu Âu áp đặt vào năm 1941, xuất phát từ việc Nhật chiếm bán đảo Đông Dương từ tay người Pháp. Nhật không sản xuất dầu mỏ nhưng lại có một nền kinh tế công nghiệp cùng lực lượng hải quân hùng hậu rất cần xăng dầu.
Giới lãnh đạo Nhật khi đó mắc kẹt giữa 2 lựa chọn: thoái lui trước lệnh cấm vận và từ bỏ những tham vọng đế quốc, hoặc lợi dụng việc trùm phát xít Adolf Hitler chiếm Tây Âu để chiếm các mỏ dầu tại các thuộc địa của Hà Lan và Anh tại Đông Nam Á. Trong thế trận này, người châu Âu quá yếu không thể bảo vệ thuộc địa của mình, nhưng Mỹ sở hữu một hạm đội Thái Bình Dương hùng mạnh có thể can thiệp.
Việc phá hủy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ở Trân Châu Cảng đã không giải quyết được vấn đề dầu mỏ của Nhật. Chiếm các mỏ dầu châu Á được xem là chuyện dễ, nhưng vận chuyển dầu ngược về Nhật lại không như thế. Đến năm 1945, hoạt động phong tỏa bằng tàu ngầm của Mỹ, cùng việc thả thủy lôi từ trên không xuống vùng biển Nhật đã gây thiệt hại cho đội tàu dầu của Tokyo. Tấn công nước Mỹ được cho là nhằm đảm bảo nguồn dầu vô hạn cho Nhật, nhưng trái lại nó dẫn đến sự diệt vong của một đế chế.
Nếu có lãnh đạo nào bị ám ảnh bởi dầu mỏ, đó phải là Adolf Hitler, người vốn luôn than phiền rằng “các tướng lĩnh của tôi chẳng biết gì về những khía cạnh kinh tế của chiến tranh”. Âm mưu của người Đức nhằm đánh bại Liên Xô trong một chiến dịch chớp nhoáng đã thất bại vào mùa hè năm 1941. Đến tháng 6.1942, quân đội Đức chỉ còn đủ lực để mở một cuộc tấn công ở một khu vực nhỏ trên mặt trận rộng lớn của người Nga.
Hitler đã tập trung các sư đoàn thiện chiến nhất ở miền nam Nga nhằm chiếm các mỏ dầu có trữ lượng lớn ở vùng Caucasus. Dù chiến dịch Xanh (Operation Blue) khởi đầu thuận lợi và đã áp sát Stalingrad vào tháng 8.1942, người Đức sớm đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: hoặc tập trung lực lượng và quay về phía nam để chiếm nguồn dầu mỏ, hoặc tiếp tục tiến về phía tây để chiếm Stalingrad và dùng nó làm thành trì chống lại lực lượng Xô Viết.
Hitler, với tính cách đặc trưng của mình, muốn có cả hai thứ. Quân đội Đức được chia làm đôi, một mũi hướng đến Caucasus và mũi còn lại tiến đến Stalingrad. Cả 2 mũi đều tiến gần đến thành công, nhưng cả hai đều không có đủ quân hoặc nguồn tiếp tế để hoàn thành sứ mệnh của mình. Lực lượng Quốc xã đã không thể chiếm được các trung tâm dầu mỏ Grozny và Baku, dù họ có thể cắm cờ trên Elbrus, ngọn núi cao nhất Caucasus.
Video đang HOT
Trong khi đó, từ phía bắc, người Xô Viết âm thầm tập trung lực lượng cho một cuộc phản công tại Stalingrad. Chỉ trong 6 tháng, lực lượng Đức tham gia cuộc viễn chinh tại Caucasus rút lui hoàn toàn, trong khi hơn 100.000 lính Đức đầu hàng ở Stalingrad, đánh dấu một bước ngoặt trong Thế chiến 2. Giấc mơ dầu mỏ của Hitler đã chấm dứt cùng với ý định đối phó Liên Xô.
Chiến tranh tàu dầu Iran – Iraq
Cuộc chiến tranh Iran – Iraq kéo dài 8 năm và đã gây áp lực lớn cho cả hai bên. Trong tình trạng bế tắc trên chiến trường, 2 nước tìm cách tấn công đối phương thông qua dầu mỏ, nguồn tài nguyên chiến lược đối với cả Baghdad lẫn Tehran.
Iraq bắt đầu cuộc Chiến tranh tàu dầu vào năm 1984 bằng cách tấn công các cơ sở dầu mỏ của Iran và các tàu chở dầu giao dịch với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Iran đáp trả bằng các cuộc tấn công bằng không quân và hải quân nhằm vào các tàu Iraq cùng các cơ sở dầu mỏ, đáng chú ý hơn cả là cài thủy lôi ở vịnh Ba Tư.
Bất chấp các cuộc tấn công nhằm vào 450 tàu, không bên nào có thể hạ gục đối phương và buộc họ đầu hàng. Nhưng cuộc Chiến tranh tàu dầu đã đem lại hậu quả không nhỏ: nó kéo người Mỹ lao vào cuộc xung đột trực tiếp với Iran sau khi các tàu chiến Mỹ bắt đầu hoạt động hộ tống các tàu chở hàng qua lại vịnh Ba Tư. Sau khi thủy lôi và tên lửa Iran phá hủy các tàu chở hàng dân sự và tàu khu trục Mỹ USS Samuel B.Roberts, các tàu chiến, máy bay và biệt kích Mỹ đã được triển khai phá hủy hàng loạt tàu và cơ sở hải quân trong chiến dịch Praying Mantis.
Cuộc phiêu lưu của Saddam Hussein
Năm 1991, Iraq xâm chiếm nước láng giềng Kuwait do những tranh cãi liên quan đến các khoản nợ chiến tranh của Iraq, việc sản xuất dầu quá mức của Kuwait, những tuyên bố của Baghdad rằng Kuwait là một phần của Iraq và có thể là ý định chiếm nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào của Kuwait
Quân đội Iraq đã không gặp mấy khó khăn khi thôn tính Kuwait, nhưng hành động này đã đặt họ vào thế đối đầu với Mỹ, vốn trên thực tế đã ủng hộ Iraq trong cuộc chiến 8 năm với Iran. Bất chấp tối hậu thư của Liên Hiệp Quốc buộc Iraq rút quân khỏi Kuwait, chính quyền của Tổng thống Iraq Saddam Hussein từ chối tuân thủ.
Kết quả là sức mạnh quân sự của Iraq đã bị triệt tiêu trong chiến dịch Bão táp Sa mạc do Mỹ dẫn đầu. Từng là một trong những thế lực quan trọng trong thế giới Ả Rập, cuộc phiêu lưu dầu mỏ của ông Hussein đã khiến quốc gia của ông lâm vào khủng hoảng và bị cô lập.
Liệu các cuộc chiến tranh của Mỹ ở Iraq vào các năm 1991 và 2003 có xuất phát từ động cơ dầu mỏ hay không vẫn là đề tài bàn luận của các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, đối với nhiều người, dầu mỏ chính là một lý do quan trọng nhất để Mỹ triển khai hàng trăm ngàn quân đến vùng Vịnh.
Theo chuyên gia phân tích chính trị Mỹ Michael Peck trên National Interest, chính sự hiện diện của Mỹ tại Ả Rập Xê Út đã tạo điều kiện cho Osama Bin Laden và al-Qaeda trỗi dậy, dẫn tới các vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ ngày 11.9.2001.
Chi phí của cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu ở Iraq hồi năm 2003 sẽ đè nặng trên vai người đóng thuế Mỹ trong nhiều thập niên. Với các lãnh đạo Mỹ, cái giá của dầu mỏ thực sự cao hơn những gì có thể hình dung.
Trùng Quang
Theo Thanhnien
Kinh tế Nga đang gặp khó đến mức nào?
Bloomberg mới đây có bài viết nhận định về tình hình kinh tế Nga, với ý kiến của nhiều chuyên gia Nga cho rằng kinh tế nước này đang tuột dốc đáng kể.
Ảnh: Reuters
Với nền kinh tế đang chật vật của Nga, dự báo năm 2016 trông có vẻ ảm đạm. Rúp Nga (RUB) đã trượt xuống mức đáy kỷ lục mới khi giá dầu giảm 11% kể từ ngày 1.1. Chính phủ Nga, vốn nhận một nửa nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt, hiện gặp khó với lỗ hổng 1.500 tỉ RUB, tương đương 19,2 tỉ USD trong ngân sách. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo GDP Nga sẽ sụt giảm 1% trong năm nay sau khi đã giảm 3,7% trong năm qua.
Tình hình này đã tạo ra "một bầu không khí căng thẳng cực độ", Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp hôm 26.1, theo bản ghi chép được Điện Kremlin công bố.
Các số liệu kinh tế cho thấy triển vọng ngày càng ảm đạm của đất nước mà chỉ vài năm trước đây còn đang thịnh vượng. Nhiều nhà kinh tế và doanh nhân, trong đó bao gồm một số cá nhân có quan hệ mật thiết với Điện Kremlin, đang cảnh báo rằng Nga đối mặt với tình trạng trì trệ lâu dài và mất sức cạnh tranh.
"Chúng tôi nhìn thấy đất nước mình đang nằm trong những quốc gia xuống dốc", Herman Gref - người đứng đầu ngân hàng Sberbank, định chế tài chính lớn nhất Nga, nói tại hội nghị ở Moscow hôm 15.1.
Evgeny Gontmakher, thành viên hội đồng quản trị tại Viện Phát triển Đương đại của Moscow cho hay tình hình tương tự như "một cầu thang dẫn lối đi xuống". Thủ tướng Dmitry Medvedev là Chủ tịch của Viện Phát triển Đương đại trên. Ông Gontmakher dự báo Nga có thể sẽ gần như không tăng trưởng trong năm 2017 và chính phủ nước này sẽ tiếp tục trấn an người dân rằng kinh tế sẽ tiếp tục đi lên sau cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 3.2018. Dù thế, ông Gontmakher cho rằng nền kinh tế "sẽ đi xuống trong năm 2018".
Trước đây, Nga từng vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng, bao gồm đợt sụt giảm giá dầu vào năm 2008 và vỡ nợ năm 1998. Trong các trường hợp đó, đà tăng trưởng mạnh mẽ quay trở lại trong một hoặc hai năm.
Song lần suy thoái kinh tế này hoàn toàn khác, theo Giáo sư Vladislav Inozemtsev, tại Đại học Nghiên cứu Kinh tế ở Moscow. "Chuyện này không phải vì dầu thô hay lệnh trừng phạt, chuyện này xảy ra là vì yếu kém trong cơ cấu", ông Inozemtsev nói. Đã từng có dấu hiệu bất ổn xuất hiện vào năm 2012, khi giá dầu là 100 USD/thùng và Nga chưa chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Tháng 5.2012, ông Vladimir Putin trở lại ghế tổng thống và tăng thuế doanh nghiệp, bất động sản để tài trợ chi tiêu quân sự gia tăng và mở rộng phạm vi các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, chẳng hạn như hãng dầu khổng lồ Rosneft. "Giới doanh nhân vỡ mộng", giảm đầu tư vào nhà máy và các thiết bị, ông Inozemtsev cho hay.
Năng suất giảm, tham nhũng tăng và đầu tư nước ngoài chậm lại khi giới đầu tư ngoại lo lắng về tài sản của họ, chuyên gia Timothy Ash về chiến lược thị trường mới nổi tại Nomura International ở London (Anh) cho biết.
Năm 2000, khi lần đầu giữ chức tổng thống, ông Putin có cho biết sẽ giảm sự phụ thuộc của chính phủ vào dầu thô. Tuy nhiên, chính phủ Nga sau đó càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn thu từ loại hàng hóa này, chi tiêu tiêu dùng đã trở thành động lực chính của nền kinh tế.
Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: AFP
Song gần đây, thu nhập hộ gia đình Nga giảm trong hai năm qua, khoảng 22 triệu người Nga sống trong cảnh nghèo đói và số người nghèo tăng 50% kể từ năm 2013. Doanh số bán lẻ giảm 10% và doanh số ô tô giảm 36% trong năm 2015..
General Motors, hãng đã từng liệt kê Nga vào danh sách các thị trường phát triển nhanh nhất, đóng cửa hầu hết các cơ sở hoạt động vào năm ngoái. Các nhà bán lẻ như Adidas của Đức và Mango của Tây Ban Nha cũng đóng bớt cửa hàng. Chuỗi thức ăn nhanh McDonald's đang có 543 chi nhánh ở Nga, và dù có kế hoạch mở cửa thêm 60 chi nhánh, họ vẫn thay đổi thực đơn vì ngày càng nhiều khách hàng chuyển phần ăn Big Mac sang các phần cánh gà và bánh mì kẹp thịt heo rẻ hơn.
Những người ủng hộ cải cách cho hay vẫn còn đủ thời gian để đảo ngược thực trạng bằng cách đầu tư nhiều hơn vào công nghệ, giảm bớt sự kiểm soát của chính phủ đối với khu vực tư nhân.
Dù vậy, chính phủ Nga không đủ khả năng trang trải cho các khoản đầu tư lớn. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov hôm 13.1 cho hay nước này đã dùng nhiều từ dự trữ ngoại hối đến mức hầu hết các chương trình đầu tư sẽ phải giảm 10% để thu hẹp thâm hụt ngân sách.
Ở khu vực tư nhân, tình hình cũng không khá hơn. Lệnh trừng phạt đã khóa trái cánh cửa vào thị trường tài chính quốc tế với giới doanh nghiệp Nga. Rúp yếu cũng khiến công ty gặp khó khăn trong việc nhập khẩu thiết bị nhằm tăng năng suất.
Tổng thống Putin, người nhận được hơn 80% sự đồng thuận, đã và đang tỏ ra ít quan tâm đến việc thay đổi mô hình kinh tế đất nước. Hôm 26.1, ông Putin nói với Bộ trưởng Kinh tế Ulyukayev rằng "chúng ta có cơ sở để lạc quan một cách thận trọng về năm 2016".
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Hãng dầu lớn nhất Trung Quốc dự báo lợi nhuận giảm 70% PetroChina, nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn nhất Trung Quốc, dự kiến lợi nhuận năm 2015 của hãng giảm từ 60% đến 70% so với năm trước vì giá năng lượng thấp. Ảnh: Reuters Theo Bloomberg, PetroChina trong một tuyên bố trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông cho hay thị trường dầu thô sẽ tiếp tục yếu trong...