Những cuộc bắt giữ chấn động giới Phật giáo Thái Lan
Các nhà chức trách Thái Lan từng thực hiện những cuộc truy quét mạnh tay bất chấp người có liên quan đều là những nhân vật cấp cao trong giới tu sĩ.
Tháng 5/2018, cảnh sát Thái Lan đã đột kích 4 ngôi chùa và bắt giữ một số nhà sư cùng các tín đồ cầm đầu. Đây có thể nói là hoạt động lớn nhất năm 2018 nhằm thẳng tay nghiêm trị các giao dịch tài chính bất hợp pháp ở nhiều ngôi chùa của đất nước này.
Các cuộc đột kích là nỗ lực của chính quyền Thái Lan nhằm làm thanh sạch giới Phật giáo – tôn giáo được hơn 90% người dân của đất nước 69 triệu dân đi theo. Tuy nhiên, uy tín của đạo Phật đã bị làm hoen ố bởi những bê bối liên quan đến tình dục và tiền bạc của các nhà sư nước này.
Phra Phrom Dilok, 72 tuổi, một thành viên của cơ quan cao cấp nhất quản lý các nhà sư Thái Lan đang được cảnh sát dẫn tới trụ sở Phòng Cảnh sát chống tội phạm ở Bangkok ngày 24/5/2018. Ảnh: Reuters
Hơn 100 cảnh sát đã đột kích vào 4 ngôi chùa ở thủ đô Bangkok và tỉnh Nakhon Pathom vào sáng sớm một ngày tháng 5/2018.
Trong số những người bị bắt có Phra Buddha Issara, 62 tuổi, một nhà sư, nhà hoạt động cầm đầu các cuộc biểu tình đường phố vào năm 2014.
Video đang HOT
‘Phra Phrom Dilok, 72 tuổi, một thành viên của Hội đồng tối cao Tăng Già Thái Lan – cơ quan cao cấp nhất quản lý các nhà sư ở Thái Lan – cũng bị bắt trong chiến dịch này vì các cáo buộc biển thủ công quỹ của nhà chùa’, cảnh sát cho hay.
2 nhà sư cấp cao khác – là Phra Sri Khunaporn và Phra Wichit Thammaporn, trợ lý trụ trì chùa Núi Vàng của Bangkok – cũng bị bắt vì những cáo buộc tham ô.
Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan cho biết, những vụ bắt giữ này nhằm mục đích truy tìm chân tướng sự thật trong những cáo buộc trên.
Những ngôi chùa ở Thái Lan – nơi nhận được hàng tỷ đô la tiền công đức mỗi năm – còn liên quan tới các bê bối khác như tình dục, ma tuý, chi tiêu mờ ám.
Dưới áp lực của chính quyền, cơ quan quản lý các nhà sư Thái Lan đã nỗ lực chấn chỉnh lại nhân sự của mình từ năm 2017 bằng cách thi hành kỷ luật cứng rắn hơn với hơn 300.000 nhà sư đang tu hành trong nước.
Trước đó, tháng 9/2017, chính quyền Thái Lan cũng cáo buộc 4 nhà sư có liên quan đến một vụ tham ô làm chấn động đất nước Chùa Vàng.
Cảnh sát nghi ngờ rằng từ năm 2012 đến năm 2017, 4 nhà sư này – bao gồm 2 vị trụ trì và 2 vị trợ lý trụ trì – cùng với 15 đồng phạm khác đã chi dùng sai khoảng hơn 4,2 tỷ USD tiền công đức của 23 ngôi chùa bằng cách chuyển số tiền này vào tài khoản cá nhân của các quan chức nhà nước.
Các cơ quan chức trách đã đột kích 14 địa điểm để tìm kiếm bằng chứng củng cố cho các cáo buộc. Họ cũng phát hiện ra số vàng thỏi nặng khoảng 1,2kg, trị giá khoảng 52.818 USD tại nhà của một trong hai vị trụ trì.
Như một nỗ lực nhằm lấy lại sự thanh sạch cho giới Phật giáo Thái Lan, chính quyền nước này từng lên kế hoạch giới thiệu một đạo luật yêu cầu hơn 40.000 ngôi chùa bắt buộc phải kê khai tài sản và hồ sơ tài chính của mình. Tuy nhiên, sau những phản đối mạnh mẽ từ giới tăng lữ, dự án này đã được rút lại và Pongporn, người khởi xướng giải pháp này, đã bị sa thải.
Theo truyền thống, các nhà sư rất được tôn trọng ở Thái Lan và việc chống lại họ từng bị coi là điều cấm kị trong lịch sử. Tuy nhiên, những bê bối gần đây đã buộc các nhà chức trách phải suy nghĩ lại về cách thức mà họ đang xử lý các cáo buộc chống lại các nhà lãnh đạo Phật giáo.
Theo Vietnamnet
Thái Lan: Đảng thân cựu Thủ tướng Thaksin bị giải thể
Chiều 7/3, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết giải thể đảng Thai Raksa Chart cũng như cấm ban lãnh đạo đảng này tham gia hoạt động chính trị trong 10 năm.
Thai Raksa Chart là một trong những đảng phản đối chính quyền quân sự và được xem là một đảng "nhánh" của đảng Pheu Thai ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Cảnh sát Thái Lan đã không cho phép truyền thông có mặt bên trong tòa án để tránh gây mất trật tự, trong khi hơn 1.000 cảnh sát đã được điều động phong tỏa khu vực xung quanh Tòa án Hiến pháp tại Bangkok. Lãnh đạo của đảng Thai Raksa Chart đã kêu gọi những người ủng hộ theo dõi thông tin trên báo.
Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết giải thể đảng Thai Raksa Chart cũng như cấm ban lãnh đạo đảng này tham gia hoạt động chính trị trong 10 năm. (Nguồn: Reuters)
Trước đó, Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) đã đề nghị giải thể đảng Thai Raksa Chart sau khi đảng này đề cử công chúa Ubolratana, chị gái của Nhà vua Vajiralongkorn cho vị trí Thủ tướng. EC tuyên bố hành động này sẽ "kích động chống lại chế độ quân chủ lập hiến".
Theo giới phân tích, việc đảng Thai Raksa Chart mất quyền tham gia tranh cử sẽ giáng một đòn nặng nề vào tham vọng của các đảng đối lập cho cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, vào ngày 24/3 tới.
Tuy nhiên, việc đảng Thai Raksa Chart bị giải thể sẽ không đồng nghĩa với việc số phiếu của nhóm đảng thân ông Thaksin sẽ giảm đi, còn số phiếu cho đảng của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha tăng thêm.
Những cử tri dự định ủng hộ Thai Raksa Chart vẫn có thể chọn những đảng khác có cùng lập trường ủng hộ ông Thaksin.
Theo Thegioi&VietNam
Gia tộc Shinawatra ráo riết chuẩn bị trở lại chính trường Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi gần đây, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, người đang sống lưu vong, nói rằng "các phe ủng hộ dân chủ" do đảng Pheu Thai đứng đầu có thể giành được 300 trong số 500 ghế tại Hạ viện trong cuộc bầu cử vào năm tới. Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra...