Những cú lừa tình – tiền của “dị nhân” có một mắt màu xanh
Với một bên tai điếc và cặp mắt một bên màu xanh, một bên màu đen do bị căn bệnh “loạn sắc tố” hiếm gặp, giọng nói lơ lớ do ngắn lưỡi, thế nhưng Đồng Phạm Nguyên đã biến sự dị thường ấy thành vỏ bọc Việt kiều Úc để lên mạng lừa đảo.
Sau khi ra tù vì vụ giả bệnh nhân u não lừa đảo cộng đồng mạng xã hội chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng vào năm 2012, siêu lừa dị nhân lại ngựa quen đường cũ, tiếp tục lên mạng lừa tình, lừa tiền các cô gái nhẹ dạ…
“Người quen cũ” trong nhà tạm giam
Những ngày cuối năm 2017, nhà tạm giữ Công an quận Cầu Giấy “tiếp nhận” một bị can là “người quen cũ”. Đó là Đồng Phạm Nguyên (32 tuổi, quê An Nhơn, Bình Định), bị khởi tố và tạm giam về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nói Nguyên là “người quen” bởi 5 năm trước, anh ta từng bị tạm giam tại đây khi gây ra vụ lừa đảo khá “đình đám” trên mạng xã hội.
Trở lại thời điểm năm 2012. Theo các điều tra viên Đội Điều tra tổng hợp Công an quận Cầu Giấy, Đồng Phạm Nguyên tìm đến trụ sở của tổ chức từ thiện cứu hộ động vật tại TP Hồ Chí Minh, tự giới thiệu mình là giám đốc một công ty chứng khoán. Anh ta cho biết có bố là người Úc, mẹ là người Việt Nam nhưng không may cha mẹ mất sớm.
Trong hoàn cảnh ấy, anh ta đã vượt khó học giỏi và được nhiều công ty nước ngoài tuyển dụng. Nguyên lý giải vì là trẻ mồ côi nên anh ta rất đồng cảm với những số phận không may mắn, kể cả động vật. Nguyên đã tặng cho tổ chức yêu động vật này vài thùng thức ăn dành cho chó mèo, chụp ảnh cùng những con vật đáng thương đang được chăm sóc tại đây.
Sau đó, Nguyên đã dùng hình ảnh chụp tại tổ chức từ thiện này để tạo dựng cho mình một vỏ bọc trên mạng xã hội Facebook, là một giám đốc trẻ yêu thiên nhiên, yêu động vật và giàu lòng nhân ái có tên là James. Gã đàn ông với một mắt màu xanh, một mắt màu đen đã dùng kỹ thuật Photoshop ghép ảnh mình với người nước ngoài để chứng minh quá trình học tập và thành danh ở Úc, sau đó về Việt Nam làm việc.
Bức ảnh Nguyên cắt ghép chụp với một người nước ngoài được sử dụng trong các lần lừa đảo.
Câu chuyện về vị giám đốc xuất thân từ trẻ mồ côi, yêu động vật nhanh chóng gây được cảm tình trên cộng đồng mạng, nhất là các cô gái trẻ dễ bị xúc động bởi những hoàn cảnh éo le. Sau khi đã tạo niềm tin cho những người trong group yêu động vật, gã chuyển hướng sang một màn kịch mới. Nguyên dùng nick giả là một người bạn thông báo trong một lần ra sân bay Úc để về Việt Nam, James bị ngất và được xác định là u não nên đã được chuyển sang bệnh viện của Nhật Bản để phẫu thuật.
Tiếp đó, Nguyên nhắn tin cho các cô gái mà gã làm quen, kết bạn trên mạng, hỏi vay tiền để tiến hành phẫu thuật u não. Gã nói rằng mọi việc xảy ra quá đột ngột nên không kịp thu xếp tiền bạc, tài khoản lại đang bị khóa nên phải vay tạm mọi người, khi nào phẫu thuật xong sẽ trả lại. Vậy là không cần biết có đúng là gã đang nằm viện ở Nhật hay không, các nạn nhân liền chuyển tiền để ủng hộ vị giám đốc xuất thân là trẻ mồ côi.
Trong số 9 nạn nhân mà Cơ quan công an xác định đã bị Nguyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có 1 nữ du học sinh ở Nhật Bản đã gửi cho gã 180 triệu đồng. Đáng thương nhất là một nữ sinh viên ở Vĩnh Phúc. Sau khi làm quen, Nguyên ngỏ lời yêu đương và được cô gái đưa về nhà để ra mắt gia đình. Khi Nguyên thông báo bị u não, cần tiền phẫu thuật, nữ sinh viên này đã không ngại ngần mang laptop đi “cắm” được hơn 10 triệu trao cho gã.
Đến tối 2-11-2012, khi Đồng Phạm Nguyên xuất hiện tại một quán cà phê thuộc địa bàn phường Dịch Vọng Hậu để nhận tiền “chữa u não” của một cô gái quen trên mạng, gã giám đốc rởm đã bị Công an quận Cầu Giấy bắt giữ. Với hành vi lừa đảo chiếm đoạt 240 triệu đồng, Đồng Phạm Nguyên bị Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy tuyên phạt 48 tháng tù giam…
Lột mặt nạ của “sói mắt xanh”
Video đang HOT
Quá trình chấp hành án, được giảm 3 tháng tù nên giữa năm 2016, Đồng Phạm Nguyên ra trại. Gã kết thân với Nguyễn Thu H. (23 tuổi), là người yêu của một bạn tù cùng thụ án với gã. Cô này hay tâm sự chuyện bị người yêu đánh đập cho Nguyên nghe. Từ chỗ chia sẻ, Nguyên quay sang tán tỉnh người yêu của bạn. Khi H. có chửa, Nguyên đưa cô này vào quê ở Bình Định kết hôn và sinh sống.
Tuy nhiên cuộc sống chung với một kẻ không nghề như Nguyên rất khó để tồn tại lâu dài nên vợ Nguyên quyết định quay ra Hà Nội, về nhà bố mẹ đẻ ở Mỹ Đức sinh con. Nguyên lại theo ra Hà Nội. Không một xu dính túi, kẻ lừa đảo tiếp tục giở “bài” cũ ra diễn.
Một trong những nạn nhân dính bẫy của Đồng Phạm Nguyên là chị Nguyễn Thị Mai, 30 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội. Đầu tháng 11-2017, chị Mai quyết định vào trang web duyenso.com (một trang web hẹn hò, kết bạn, tìm người yêu) để tìm bạn trai. Có một người đàn ông với cái tên Abbey Nguyen “nhảy” vào làm quen và hẹn hò. Đó chính là “sói mắt xanh” Đồng Phạm Nguyên giả dạng để lừa các cô gái “thỏ non” vào bẫy.
Đồng Phạm Nguyên tại cơ quan Công an.
Sau lần đi tù về hành vi giả u não lừa tiền từ thiện, Đồng Phạm Nguyên biết rằng hình ảnh của gã gắn với vụ lừa đảo đình đám tràn lan trên mạng nên gã không dám đăng ảnh thật của mình công khai trên các tài khoản mạng xã hội như trước. Khi làm quen với các nạn nhân, gã sẽ nhắn tin trò chuyện riêng và gửi ảnh qua tin nhắn. Nếu người nào vẫn trò chuyện bình thường, nghĩa là không biết thông tin về vụ lừa đảo trước. Như vậy gã có thể yên tâm bịa chuyện.
Với tài khoản Zalo mang tên “Abbey Nguyen”, Đồng Phạm Nguyên giới thiệu với chị Mai rằng anh ta là người Úc gốc Việt, từng học ở Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, sau đó chuyển sang Úc sinh sống và làm việc cho một công ty kiểm toán lớn, là trưởng phòng nhân sự. Biết anh ta là người có tài nên một ngân hàng đã mời Nguyên về làm phó tổng giám đốc tại Việt Nam. Do đó, anh ta chuyển về Việt Nam sống và làm việc.
Để chứng minh, Nguyên gửi cho chị Mai một số văn bản có nội dung đại diện ngân hàng đó lập biên bản bàn giao tài sản, trụ sở làm việc cho “Phó tổng giám đốc” Dong Abbey Nguyen. Thực tế, những văn bản này đã được Đồng Phạm Nguyên copy trên mạng rồi chỉnh sửa nội dung.
Cũng với thủ đoạn Photoshop, Nguyên chỉnh sửa một loạt tin nhắn của ngân hàng gửi đến tài khoản của anh ta với số dư lên đến trên 100 tỷ đồng. Cuối tin nhắn, Nguyên chỉnh sửa thêm vào dòng chữ: “Tài khoản của bạn tạm thời bị khóa”. Nguyên giải thích với chị Mai rằng do số dư trong tài khoản của anh ta quá lớn nên phía ngân hàng phải thường xuyên khóa để chống hacker đột nhập rút tiền.
Để chị Mai tin rằng anh ta là một doanh nhân tài giỏi, giàu có, Nguyên lập thêm một tài khoản Zalo khác lấy tên “Lâm Vũ Minh Kiều”, nhắn tin cho chị Mai giới thiệu là bạn gái cũ của Abbey Nguyen. “Lâm Vũ Minh Kiều” cho biết Abbey Nguyen từng học quản trị kinh doanh, rất giỏi trong thành lập công ty, tính dễ tin người nên bị rất nhiều kẻ lừa gạt tiền. Thấy có thêm người xác nhận về Abbey Nguyen, chị Mai tin rằng “duyên số” trên mạng đã cho chị gặp được người bạn trai tài giỏi, giàu có.
Thấy chị Mai đã tin tưởng, Đồng Phạm Nguyên chuyển sang “chương thứ 2″ trong màn kịch lừa đảo. Anh ta dùng tài khoản Viber có tên “Pianist” gửi tiếp cho chị Mai hình ảnh bản án xét xử việc ly hôn năm 2013 giữa anh ta (Dong Abbey Nguyen, còn có tên là Abbey Michael, tạm trú tại bang Milosie, Mỹ) với một phụ nữ có tên Võ Thị Bích Nuy.
Những văn bản này được Nguyên cắt ghép, chỉnh sửa và chỉ gửi một số đoạn có nội dung như lý do ly hôn do Nguyên nhận ra “chị Nuy” chỉ lợi dụng anh ta về mặt kinh tế chứ không có tình cảm, giữa hai bên không chung sống với nhau. Phần phân chia tài sản và con chung, “Dong Abbey Nguyen” yêu cầu chị Nuy trả lại 1 chiếc ô tô Audi Q7 và anh ta nhận nuôi dưỡng con gái chung tên Dong Le Nerys.
Để chị Mai tin hơn về việc anh ta sinh sống ở Úc, Nguyên gửi 1 bức ảnh (cũng qua Photoshop để cắt ghép) chụp anh ta với một người phụ nữ nước ngoài, giới thiệu là bạn học của Nguyên ở Úc. Bức ảnh này đã được Nguyên sử dụng trong vụ lừa đảo trước. Sau khi tỏ tình trên mạng, đầu tháng 12-2017, “Abbey Nguyen” thông báo anh ta từ Úc bay về Việt Nam để gặp mặt bạn gái.
Đồng Phạm Nguyên sử dụng kỹ thuật photoshop làm giả tin nhắn có tài khoản trên 100 tỷ và các giấy tờ giả mạo là Abbey Nguyen – Phó tổng giám đốc ngân hàng.
Sau cuộc gặp diễn ra ở một quán cà phê và kết thúc tại… khách sạn, chị Mai bị tình yêu “Việt kiều” hấp dẫn khiến đầu óc u mê và bị Đồng Phạm Nguyên dẫn dụ vào các màn kịch lừa tiền. Khi thì anh ta nhắn có cô ở Việt Nam sang Úc nhưng tài khoản bị khóa nên đề nghị chị Mai chuyển tiền sang cho anh ta đưa cô đi chơi. Khi thì Nguyên thông báo đang ở sân bay Úc nhưng hết tiền nên không về Việt Nam được, nhờ chị Mai chuyển tiền mua vé máy bay, đến khi nào tài khoản kích hoạt trở lại sẽ trả.
Có lần, Nguyên dùng tài khoản Facebook “Đồng Nguyên” nhắn tin cho chị Mai báo đang bị vợ cả tên Nuy mặc dù đã ly hôn nhưng tham tiền nên đã bắt cóc anh ta để đòi tài sản. Nguyên nhờ chị Mai nạp thẻ điện thoại giúp định vị vị trí của anh ta và nhờ Mai đến giải cứu… Thực tế thì những lúc đó Nguyên chỉ loanh quanh ở nhà vợ tại Mỹ Đức và lang thang ở các quán nét chơi game. Khi nào hết tiền tiêu, anh ta lại bịa ra một câu chuyện ly kỳ để chị Mai gửi tiền.
Cho đến khi số tiền gửi cho “Abbey Nguyen” đã lên tới hơn 100 triệu đồng mà vẫn không thấy “phó tổng giám đốc ngân hàng” nhắc gì đến tài khoản hơn 100 tỷ đồng của anh ta, chị Mai như sực tỉnh khỏi cơn mê. Lên mạng tìm hiểu thông tin về tình yêu người Úc gốc Việt, chị Mai choáng váng nhận ra “Abbey Nguyen” chính là kẻ lừa đảo bị cộng đồng mạng tẩy chay, cảnh báo với bức hình giống như tên này đã gửi cho chị.
Vượt qua nỗi xấu hổ bị “lừa tình, lừa tiền”, chị Mai đến Đội 3 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội trình báo sự việc. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao đã nhanh chóng bắt giữ được Đồng Phạm Nguyên tại một quán nét ở quận Hà Đông, lên mạng nhắn tin nói dối đang ở Úc để nhờ chị Mai chuyển tiền mua vé máy bay.
Khi bộ mặt lừa đảo của “Abbey Nguyen” được lột trần, chị Mai càng choáng váng hơn khi biết Đồng Phạm Nguyên thực chất không có nguồn gốc “bố Úc, mẹ Việt” như anh ta giới thiệu. Nguyên sinh ra ở Nhơn An, thị xã An Nhơn, Bình Định. Mẹ của Đồng Phạm Nguyên là một người đàn bà bị câm điếc bẩm sinh, không có chồng. Người đàn bà tật nguyền này đã bị những tên đàn ông xấu xa lợi dụng, xâm hại, sinh ra 2 đứa con trai đều mang họ của mẹ.
Anh trai của Nguyên năm nay 42 tuổi, bị thần kinh. Còn Đồng Phạm Nguyên bị bệnh loạn sắc tố di truyền với biểu hiện một mắt xanh, một mắt đen và một bên tai điếc. Theo y khoa thì căn bệnh này hiếm gặp ở người này và nhận biết qua hai màu mắt khác nhau.
Tháng 5-2005, Đồng Phạm Nguyên bị Tòa án nhân dân huyện An Nhơn (Bình Định) xử phạt 6 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản. Năm 2006, Nguyên vào TP Hồ Chí Minh làm thuê kiếm sống, lại phạm tội trộm cắp tài sản và bị xử 18 tháng tù giam. Nhận thấy mọi người rất lạ lẫm khi thấy anh ta mang 1 con mắt màu xanh và nhầm tưởng đó là “con lai”, Đồng Phạm Nguyên đã biến sự dị thường của mình thành vỏ bọc “Việt kiều” và lên mạng xã hội lừa đảo những người nhẹ dạ.
Sau khi làm rõ hành vi chiếm đoạt hơn 100 triệu đồng của chị Nguyễn Thị Mai, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội đã chuyển hồ sơ và đối tượng Nguyên tới Công an quận Cầu Giấy tiếp tục điều tra, xử lý. Cuối tháng 12-2017, Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Đồng Phạm Nguyên về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo Hương Vũ
An ninh thế giới
Khó tin: 9X trong 3 ngày cào 70 triệu đồng thẻ điện thoại cho bạn Facebook
"Lúc đến báo án, móng tay cái của anh Hải mòn vẹt vì cào thẻ điện thoại suốt 3 ngày. Sau khi nộp 70 triệu điện thoại cho bạn qua Facebook anh này mới biết mình bị lừa", cán bộ Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Nghệ An kể.
Ngày 31/12/2017, Phòng Cảnh sát Hình sự (PC45) Công an tỉnh Nghệ An đang tích cực xác minh, điều tra một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức thẻ cào điện thoại qua Facebook.
Bị hại trong vụ án này là anh Nguyễn Thanh Hải (tên nạn nhân đã được thay đổi, SN 1990, quê huyện Thanh Chương, Nghệ An).
Đống thẻ cào mà anh Hải đã mua, cào và gửi mã thẻ cho kẻ lừa đảo (ảnh Công an cung cấp)
Theo trình báo của anh Hải, vào ngày 19/12, anh nhận được tin nhắn qua Facebook của người bạn "nối khố" mới qua Đài Loan làm việc được một thời gian ngắn.
Qua trao đổi trên Facebook, người này cho biết đang cần một số tiền lớn để nộp tiền "chống trốn" cho công ty, nếu nộp muộn sẽ bị trục xuất về nước. Anh ta nhờ Hải cào thẻ cào điện thoại gửi qua tin nhắn facebook để quy đổi ra ngoại tệ nước sở tại.
"Người bạn" này chủ động gọi Facetime cho tôi nhưng chỉ được vài giây là tắt và cho biết mạng yếu quá không gọi được. Trong vài giây ngắn ngủi đó tôi không phân biệt được đó là khuôn mặt thật hay chỉ là bức ảnh chân dung của bạn", anh Hải khai với cơ quan điều tra.
Sau khi đi ra ngoài, Facebook của anh Hải nhận được những cuộc gọi nhỡ từ "người bạn" của mình. Khi thấy nạn nhân online, phía bên kia tỏ vẻ sốt ruột, giục anh Hải gửi thẻ cào điện thoại gấp. Tin tưởng đó là bạn của mình, anh Hải đi mua thẻ điện thoại, cào lấy mã số và gửi sang. Không đủ tiền, anh Hải còn mượn thêm của mẹ và đi gom tại nhiều cửa hàng bán thẻ cho đủ số lượng theo yêu cầu của bạn.
"Chỉ trong vòng 3 ngày, từ 20-22/12/2017, nạn nhân đã mua hết 70 triệu đồng tiền thẻ cào điện thoại để gửi cho kẻ lừa đảo, trong đó hầu hết là loại thẻ cào có mệnh giá lớn như 500 nghìn, 200 nghìn, 100 nghìn, 50 nghìn. Vào thời điểm đến báo án, móng tay của anh Hải mòn vẹt hẳn 1 bên vì cào thẻ", cán bộ Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết.
Theo cán bộ Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao PC45 Công an tỉnh Nghệ An thì các đối tượng thường nhắm vào Facebook của người từng đi hoặc đang ở nước ngoài, hack và chiếm quyền sử dụng trước khi thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi vậy, người dùng Facebook cần chú trọng bảo mật tài khoản
Sau khi cào 70 triệu đồng thẻ điện thoại gửi sang, anh Hải tình cờ đọc 1 bài báo cảnh báo thủ đoạn lừa đảo qua Facebook nên nghi ngờ, gọi Facetime cho người bạn thân kia nhưng không được. Liên lạc qua Zalo với bạn thì mới hay, Facebook của người bạn này đã bị kẻ xấu hack, chiếm quyền sử dụng. Lúc này, nạn nhân mới đi trình báo công an, hi vọng có thể lấy lại được số tiền đã mất.
Theo cán bộ Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao PC45 Công an Nghệ An thì thủ đoạn của các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội ngày càng tinh vi khiến người tỉnh táo cũng khó phân biệt được thật - giả.
"Người dùng Facebook cần tỉnh táo trước các tin nhắn nhờ mua thẻ cào điện thoại. Tốt hơn hết, nên xác minh lại thông tin về lời nhắn mượn tiền trên Facbook bằng cách gọi điện thoại trực tiếp cho người nhắn và không làm theo bất kỳ hướng dẫn nào nếu không thực sự chắc chắn.
Người dùng Facebook không nên sử dụng thông tin cá nhân (họ tên, ngày tháng năm sinh...) để làm mật khẩu, không công khai các thông tin cá nhân lên mạng để tránh bị đối tượng xấu "dò" mật khẩu, chiếm quyền sử dụng Facebook nhằm thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản", Thiếu tá Hà Huy Đức - Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, PC45 Công an tỉnh Nghệ An khuyến cáo.
Hoàng Lam
Theo Dantri
"Vẽ" hàng loạt dự án không có thật để lừa nhiều người góp vốn Chiều ngày 21/12, Đại tá Dương Việt Hùng - Phó Thủ trưởng cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, cơ quan này đã khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan đến Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Thiên Cổ Tự (Cty Thiên Cổ Tự) có trụ sở tại huyện Mỹ...