Những công trình làm thay đổi bộ mặt TPHCM
Đại lộ Đông Tây với điểm nhấn là hầm sông Sài Gòn, cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị nghè và phố đi bộ Nguyễn Huệ là những công trình giao thông tiêu biểu trong mấy mươi năm phát triển của TPHCM.
Những công trình làm thay đổi bộ mặt TPHCM.
Hầm sông Sài Gòn
Hầm sông Sài Gòn (trước đây là hầm Thủ Thiêm) là công trình ngầm vượt sông đầu tiên ở Việt Nam thuộc dự án đại lộ Đông Tây. Công trình này được xem là có quy mô hiện đại nhất Đông Nam Á, với chiều dài 1,49 km, cao 9m. Mặt cắt ngang hầm rộng 33 m bao hai hướng lưu thông xe với 3 làn xe mỗi bên. Tốc độ thiết kế là 60 km./h
Khởi công từ tháng 2/2005, tháng 11/2011, hầm sông Sài Gòn được khánh thành, với tổng mức đầu tư là 2.083 tỷ đồng. Tuổi thọ của hầm sông Sài Gòn là 100 năm. Hầm sông Sài Gòn giúp nối thông toàn tuyến đại lộ Đông Tây, giúp rút ngắn thời gian đi lại của người dân thành phố, giảm ùn tắc giao thông. Đây là cửa ngõ đi vào khu đô thị mới Thủ Thiêm – trung tâm tài chính, thương mại của TPHCM trong tương lai.
Khi đường nối đại lộ Đông Tây với cao tốc TPHCM – Trung Lương được hoàn thành thì miền Tây Nam bộ, TPHCM và miền Đông Nam bộ được kết nối liền mạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt, toàn khu vực này sẽ kết nối với sân bay quốc tế Long Thành sau khi dự án này hoàn thành.
Cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây (HLD)
Video đang HOT
Đường cao tốc HLD là tuyến đường bộ cao tốc nằm trong tuyến đường bộ cao tốc phía Đông thuộc quy hoạch mạng lưới đường cao tốc Việt Nam từ TPHCM nối quốc lộ 51, sân bay quốc tế Long Thành và quốc lộ 1A.
Được khởi công từ năm 2009 với tổng số vốn đầu tư 20.630 tỷ đồng, dự án đường cao tốc HLD dài 55 km đi qua địa phận TPHCM và Đồng Nai chính thức khánh thành đưa vào khai thác toàn tuyến từ ngày 8/2/2015.
Trước đây, từ TPHCM đi Ngã ba Dầu Giây (quốc lộ 1A) theo lộ trình cũ dài 70km, mất 3 giờ đồng hồ do thường xuyên ùn tắc giao thông. Với cao tốc HLD, lộ trình rút ngắn được 20km và thời gian lưu thông chỉ còn 1 giờ. TPHCM đi Vũng Tàu dài khoảng 120km và mất khoảng 2,5 giờ, còn đi đường cao tốc chỉ dài khoảng 95km và mất 1 giờ 20 phút.
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè có chiều dài gần 9 km (đi qua các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh), từng được mệnh danh là dòng kênh đen do ô nhiễm. Từ năm 1993, TPHCM bắt đầu giải tỏa hàng ngàn hộ dân sống ven kênh và xây dựng hai con đường nhỏ ven kênh mang tên Trường Sa – Hoàng Sa.
Đến năm 2003, TPHCM khởi động dự án Vệ sinh môi trường TPHCM lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè với tổng vốn đầu tư 317 triệu USD với các hạng mục như: lắp đặt tuyến cống bao chạy dọc ven kênh để đưa nước thải về nhà máy xử lý (kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè chỉ tiếp nhận nước mưa và nước sông Sài Gòn chảy vào để giúp nước kênh xanh trở lại), lắp đặt 70km cống thoát nước để giải tỏa áp lực nước mưa và nước thải sinh hoạt trong lưu vực đổ về kênh,…
Đến ngày 18/8/2012, dự án Vệ sinh môi trường TPHCM lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã chính thức hoàn thành, dòng kênh bẩn nhất TP đã được cải tạo thành dòng kênh xanh mát, hai con đường Hoàng Sa – Trường Sa ven kênh đã trở thành hai con đường đẹp nhất nhì TP.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ
Sau 7 tháng thi công với tổng kinh phí hơn 430 tỷ đồng, cuối tháng 4/2015, phố đi bộ Nguyễn Huệ đưa vào vận hành. Phố đi bộ Nguyễn Huệ bắt đầu từ UBND TP đến công viên Bến Bạch Đằng, chiều rộng 64m, dài 670m. Khu vực Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đánh giá là điểm nhấn nghệ thuật của khu vực trung tâm thành phố.
Hai bên dọc khu phố đi bộ được bố trí hàng trăm cây Lộc vừng, Giáng hương để tăng cường bóng mát. Khu vực Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được trồng nhiều sứ, dầu. Ngoài ra, còn có hơn 100 bồn hoa di động, 160 bộ bộ ghế gỗ đặt khắp khu phố. Khu vực này đã phủ sóng wifi miễn phí từ tháng 7/2015.
Trong tương lai gần, phố đi bộ Nguyễn Huệ được bố trí nhiều trạm thông tin, cung cấp các địa điểm tham quan, du lịch, trung tâm mua sắm,… Đồng thời, TPHCM sẽ có quy chế quản lý đối với phố đi bộ Nguyễn Huệ, chương trình khai thác du lịch, tổ chức sự kiện văn hóa.
Quốc Anh – Phạm Nguyễn
Theo Dantri
Ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định về thành tựu kinh tế bằng tiếng Anh
Trong chương trình Tạp chí kinh tế Bizline trên kênh đối ngoại của Đài Truyền hình Việt Nam được thực hiện bằng tiếng Anh, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có trao đổi về những thành tựu của kinh tế Việt Nam trong 70 năm kể từ ngày Độc lập.
Ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định về thành tựu kinh tế bằng tiếng Anh
Trao đổi lưu loát bằng tiếng Anh về những thành tựu của nền kinh tế sau 7 thập kỷ, đặc biệt là sau Đổi mới năm 1986, ông Nguyễn Thiện Nhân cho hay, sau chiến tranh, Việt Nam bắt đầu xây dựng lại đất nước với mong muốn phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, chỉ sau 10 năm đầu tiên, nền kinh tế Việt Nam đã rơi vào khủng hoảng.
Nhận thấy nền kinh tế tập trung là không phù hợp, năm 1986 Việt Nam đã quyết định chuyển đổi sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tại thời điểm đó, GDP chỉ đạt khoảng 6,3 tỷ USD. Đến năm 2014, GDP đã lên tới 186 tỷ USD.
"Như vậy, sau 25 năm, quy mô nền kinh tế việt Nam đã tăng gấp 30 lần. Đây là một thành tựu rất lớn của đất nước", ông Nhân nói.
Ông cũng chia sẻ: "Tôi nhớ rằng, năm 1983, khi tôi đi bộ đội về và bắt đầu dạy tại một trường đại học, nhà ai có xe đạp để đi đã cảm thấy vui rồi, nay hầu hết mọi người đều có xe máy, thậm chí còn có ô tô. Sở hữu một chiếc tivi cũng là mơ ước của nhiều người thời đó nhưng hiện tại nhà nào cũng có 1-2 chiếc. Có điện thoại thời đó cũng là cả một sự sa hoa, nhưng nay trên tổng số 91 triệu dân thì có đến 150 triệu điện thoại".
Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 62% năm 1990 xuống còn 8% vào 2014. Với thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.000 USD, Việt Nam hiện là nước có thu nhập trung bình.
Riêng về nông nghiệp, ông nhận định, nếu như trước những năm 1980, Việt Nam phải nhập khẩu nông sản thì hiện đã trở thành 1 trong số nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Đây là ngành Việt Nam luôn xuất siêu, giúp tạo việc làm cho hơn 10 triệu hộ dân, sản lượng lớn, năng suất của ngành cũng rất cao.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, ông Nhân cho rằng, hội nhập kinh tế là quá trình quan trọng giúp Việt Nam tiếp cận được nguồn nguyên liệu thô, nhân lực, tri thức và vốn đầu tư từ bên ngoài. Đồng thời, giúp Việt Nam tiếp cận được với các tiêu chuẩn quốc tế trong kinh doanh. Đầu ra của nền kinh tế do đó cũng được cải thiện, tiếp cận được với nhu cầu lớn từ nước ngoài.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, sau khi Hiệp định thương mại tự do với EU hay kết thúc đàm phán TPP, xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn tăng mạnh trong tương lai. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam nhập khẩu máy móc để thực hiện công nghiệp hoá nhanh hơn.
"Tuy nhiên, chúng ta chưa hiểu hết được điều kiện và cơ hội từ các thị trường mới này. Vậy nên, chúng ta cần phải học hỏi thêm, cố gắng cải thiện để cạnh tranh và tận dụng được những cơ hội từ hội nhập", ông nhấn mạnh.
Phương Dung
Theo Dantri
Tự hào chặng đường 70 năm đổi mới, hội nhập và phát triển! Triển lãm 70 năm thành tựu kinh tế - xã hội Việt Nam khai mạc vào tối qua 28/8 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (Giảng Võ, Hà Nội). Đây là cuộc triển lãm lớn mang nhiều ý nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Triển lãm mang chủ đề "Đổi mới, hội...