Những công dụng vị thuốc hương phụ
Người xưa đã nhận định: Nam bất thiểu trần bì, nữ bất ly hương phụ. Hương phụ được dùng để trị nhiều chứng bệnh khác nhau, là vị thuốc thiết yếu với nữ giới mà cũng có ích với các bệnh của nam giới.
Cây hương phụ, còn gọi là cỏ gấu, là một loại cỏ sống lâu năm, cao 20 – 60cm, thân rễ phát triển thành củ, tùy theo đất rắn hay xốp củ phát triển to hay nhỏ, ở vùng bờ biển củ to dài còn gọi là hải hương phụ (hương phụ vùng biển).
Các lương y thường dùng thất chế hoặc tứ chế hương phụ, phổ biến nhất là tứ chế. Thất chế hay tứ chế cũng lại có nhiều cách làm. Dưới đây chúng tôi giới thiệu phương pháp hay dùng nhất: Cân 1kg hương phụ, chia làm 4 phần: một phần (250g) ngâm với 200ml dấm (có độ axít axetic 5%), một phần ngâm rượu 40%, một phần ngâm nước tiểu trẻ em (nước tiểu của trẻ em khỏe mạnh), bỏ phần đầu và phần cuối, chỉ lấy phần giữa, một phần ngâm nước muối 15%. Thời gian ngâm thay đổi tùy theo mùa: 1 ngày 1 đêm nếu là mùa Hè, 3 ngày 3 đêm nếu là mùa Thu, 7 ngày 7 đêm nếu là mùa Đông. Cuối cùng lấy ra sao hay phơi khô rồi trộn đều 4 phần với nhau.
Theo lý luận đông y, ngâm giấm vị chua là để thuốc vào gan, muối vị mặn sẽ dẫn thuốc vào thận, rượu bốc lên cho nên dẫn thuốc đi lên trên, nước tiểu thêm tác dụng bổ. Đáng lẽ chia 4 phần, có người dùng dấm và rượu mỗi thứ 160g, muối 20g, nước tiểu trẻ con mạnh khỏe vừa đủ để ngập hương phụ, cho vào đó 600g hương phụ rồi ngâm theo thời gian nói trên, cuối cùng sấy hay phơi khô mà dùng.
Thất chế là làm như trên nhưng thêm 3 lần tẩm nữa như tẩm với nước gừng, tẩm nước cam thảo, tẩm nước vo gạo. Nghĩa là tẩm với 7 thứ. Trên thực tế còn nhiều cách chế biến rất phức tạp và thay đổi tùy theo sáng kiến của thầy thuốc. Cho nên khi dùng cũng như khi nghiên cứu cần biết dùng loại hương phụ nào. Qua kinh nghiệm hơn 20 năm, chúng tôi không chế biến gì cả, kết quả vẫn rất tốt.
Một số nghiên cứu trên tử cung cô lập của thỏ, mèo, chó và chuột bạch đã chứng minh hương phụ có khả năng ức chế sự co bóp của tử cung, làm dịu sự căng thẳng của tử cung dù con vật có thai hay không có thai đều như nhau, gần như có tác dụng trực tiếp làm cơ tử cung dịu lại. So sánh tác dụng của cao lỏng hương phụ và cao lỏng đương quy thì tác dụng giống nhau, nhưng tác dụng của đương quy mạnh hơn.
Đối với kinh nguyệt: tinh dầu có hoạt tính nhẹ của kích thích tố nữ, vì vậy, Hương phụ thường được dùng làm thuốc điều kinh (Trung dược học).
Giảm đau, an thần kinh: cồn chiết xuất hương phụ có tác dụng kháng viêm, giảm đau, giải nhiệt nhẹ. Có tác dụng an thần đối với trung khu thần kinh (Trung dược học).
Video đang HOT
Về tác dụng khai uất, điều kinh: hương phụ chia làm 4 phần, ngâm riêng mỗi phần với muối, dấm, rượu, nước tiểu trẻ em. Sao khô, nghiền thành bột mịn làm hoàn. Dùng khi tinh thần uất ức gây nên kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, vú trướng đau, đây cũng là tác dụng “đặc biệt” của hương phụ, đến nỗi người xưa đã có câu: “Nam bất thiểu trần bì, nữ bất ly hương phụ”, người phụ nữ do tâm tính riêng biệt, dễ bị uất ức dẫn đến rối loạn kinh nguyệt, vú trướng đau… rất cần vị hương phụ (tẩm dấm – để đi vào can khí) để giải các uất ức. Đây có lẽ do hương phụ có tác dụng an thần đối với trung khu thần kinh (y học hiện đại) và sơ can giải uất ( y học cổ truyền).
Trị kinh nguyệt không đều: hương phụ (sao) 9g, ích mẫu thảo 20g, đường đỏ (hồng đường) 20g. Hương phụ và ích mẫu nấu trước, khi sôi đều, lọc bỏ bã, thêm đường vào uống. Liên tục 3 – 5 ngày.
Theo kinhtedothi
Người thương binh vượt "cửa tử" về làm lương y cứu hàng ngàn người
Sau chiến tranh, ông Thoàn mang trên mình nhiều vết thương, nhưng ông đã vượt qua tất cả, trở thành lương y cứu hàng ngàn người.
Căn nhà của thương binh 1/4, lương y Đào Viết Thoàn (SN 1969) tại xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình thật đặc biệt bởi luôn ngập trong những tiếng kêu khóc, kêu gào của những người bệnh tìm đến để chữa trị. Nhưng điều đặc biệt hơn nữa, là những nỗi đau, tiếng khóc ấy nhanh chóng được xoa dịu bởi những bài thuốc nam được ông Thoàn dày công bào chế.
Nhìn bước chân tập tễnh, nghe giọng nói hào sảng và lối nói chuyện rất dí dỏm, hấp dẫn, ít ai biết được rằng ông Thoàn đã từng đứng trước bờ vực sinh tử khi chiến tranh đã khiến cơ thể ông bị tàn phá, trọng thương. Nhưng đáng ngưỡng mộ hơn nữa, người lính ấy đã vượt qua tất cả, để khi trở về đời thường, ông lại trở thành lương y cứu hàng chục ngàn người khi bị bỏng. Đến nay, cái tên ông Thoàn chữa bỏng không chỉ lừng danh ở mảnh đất Thái Bình mà còn được nhiều người trên cả nước biết đến. Mỗi năm trung bình ông đã chữa lành vết thương bỏng cho khoảng hơn 2.000 người.
Mỗi năm ông Thoàn chữa khỏi cho hàng ngàn người bị bỏng ở nhiều cấp độ từ nhẹ đến nặng. (Ảnh: NVCC)
Kể về câu chuyện của mình, ông Thoàn cho biết, tháng 7/1975, khi chiến tranh biên giới diễn ra, lúc ấy ông Thoàn đang là công nhân của nhà máy điện Uông Bí (Quảng Ninh), chàng thanh niên trẻ tình nguyện nhập ngũ và trở thành lính xe tăng của Lữ đoàn 408. Sau đó, lữ đoàn được điều lên mặt trận tham chiến. Trong một trận đánh ác liệt, giặc dội pháo như mưa hòng chặn bước tiến của đoàn xe tăng ta. Một trái pháo giặc đã đánh trúng, hất văng ông Thoàn ra xa. "Lúc ấy tôi không nhớ gì nữa, chỉ nghe đồng đội kể lại rằng tìm thấy tôi trong tình trạng bất tỉnh, người bê bết máu", ông Thoàn nói.
Sau khoảng 20 ngày mê man, ông được đưa về bệnh viện 108 với những vết thương trên người: chấn thương sọ não, vỡ nát bánh chè chân phải, gãy xương sườn phải, mất toàn bộ cơ mông, mất mắt trái, mất xương bàn chân phải, xẹp hai đốt sống và đặc biệt trên người có rất nhiều vết bỏng nằm rải rác.
Ông Thoàn phải mất đến 4 năm đằng đẵng điều trị tại bệnh viện. Ấy là những ngày ông bị những vết thương giày vò, quăng quật đến vật vã, trải qua ngót ghét chục lần phẫu thuật. Nhất là khi trái gió trở trời, hay mỗi lần thay băng vết thương hở trên người, lại là một lần ông phải nghiến chặt răng chịu đựng.
Vào những ngày mấp mé giữa sự sống và cái chết, đã có hơn 1 lần ông định tìm cho mình cách giải thoát, ông không muốn sống những ngày đau đớn triền miên, khổ cả bản thân và trở thành gánh nặng cho gia đình.
"Nhưng cũng chính lúc ấy, tôi nhận được sự chăm sóc, quan tâm, một tình thương rất lớn từ các bác sĩ ở bệnh viện 108. Một ý nghĩ lại chợt lóe lên trong đầu tôi, mình đã chiến đấu như thế nào, tại sao có thể đầu hàng trước bệnh tật. Tôi lại khao khát được sống, khao khát được trở lại lành lặn và trở thành một người có ích, tàn nhưng không thế", ông Thoàn tâm sự.
Suốt thời gian trong bệnh viện, để đỡ buồn, ông Thoàn đã tìm đọc sách, tài liệu để khi xuất viện có thể tự chữa vết thương cho mình. Qua giới thiệu của các bác sĩ Bệnh viện 108, ông Thoàn biết đến cụ Thích Đàm Lương ở chùa Trắng (Thanh Trì, Hà Nội). Sau đó, ông Thoàn xin bệnh viện đến chùa để đắp thuốc. Một thời gian, sư cụ nhà chùa thấy ông cần mẫn, có tố chất, nên đã nhận làm đệ tử, chữa khỏi cho ông và truyền lại bí quyết chế thuốc chữa bỏng và điều trị vết thương một cách hiệu quả.
Cứu hơn 20.000 người khỏi vết thương do bỏng
Sau 4 năm học tại chùa, năm 1987, ông Đào Viết Thoàn trở về quê Thái Bình với đôi chân tập tễnh. Ông Thoàn kể, khi ấy, gia đình ông còn quá nghèo, con nhỏ, nên vợ chồng ông đã được Nhà nước quan tâm, xây dựng nhà tình nghĩa. Hai vợ chồng làm lụng lao động sản xuất, dần thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Những năm qua, ông vẫn chữa trị miễn phí cho nhiều người có công với cách mạng, người già, trẻ nhỏ. (ảnh: NVCC)
Cũng tại quê hương Thái Bình, ông gặp nhiều trường hợp bị bỏng nặng và đã tận tình cứu chữa, vết thương của bệnh nhân nhanh chóng bình phục. Tiếng lành đồn xa, ông Thoàn trở thành bác sĩ chữa bỏng nổi tiếng cả một vùng. Hễ ai bị bỏng đều tìm đến ông. Điểm đặc biệt trong phương pháp chữa bỏng của ông là tháo băng không bị dính, bôi thuốc mát không gây đau đớn cho bệnh nhân, từ đó vết thương bỏng nhanh liền da, không để lại di chứng, tiết kiệm thời gian chữa trị.
Luôn tâm niệm làm thuốc cứu người, lương y như từ mẫu, hơn 30 năm qua, ông đã miễn tiền thuốc, tiền công cho hàng ngàn bệnh nhân là người có công với cách mạng, người già trên 70 tuổi và trẻ em dưới 7 tuổi.
Ông Thoàn tự xây dựng một khu nội trú cho những người bệnh ở xa ngay trong nhà mình, miễn phí toàn bộ chi phí ở nội trú khi điều trị.
Chị Lê Thị Hiền, Thái Bình, một bệnh nhân từng chữa bỏng tại nhà ông Thoàn vui vẻ chia sẻ, vết thương bị bỏng của chị đã lành hẳn và không để lại sẹo. Điều đặc biệt là phương pháp chữa của ông Thoàn không hề gây đau đớn.
Trong suốt những năm qua, ông Thoàn không ngừng tìm tòi, nghiên cứu và đã sáng chế thành công các bài thuốc nam chữa các bệnh về da, bỏng, tàn nhang, dưỡng da cho phụ nữ... Các sản phẩm của ông đều được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận. Đến nay, cơ sở khám chữa bệnh của ông Đào Viết Thoàn được Bộ Y tế giao Sở Y tế tỉnh Thái Bình, bệnh viện Đa khoa Mậu Dực tổ chức hỗ trợ chuyên môn khi có các ca cần cấp cứu, nguy kịch...
Với những cống hiến và sự tìm tỏi nghiên cứu của mình, thương binh Đào Viết Thoàn đã vinh dự nhận giải Nhất cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật thái bình. Công trình "Bào chế thuốc chữ bỏng và cải tiến phương pháp dùng thuốc cho bệnh nhân bị bỏng và vết thương lâu liền" của ông cũng đã đạt giải 3 Hội thi sáng tạo khoa học và kỹ thuật toàn quốc.
Năm 2010, ông vinh dự được đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh./.
Theo VOV
Rước họa vì bạ cái gì cũng ngâm rượu uống Không ít dân nhậu lấy nhiều loại cây, con ngâm rượu uống cho bổ, khỏe. Song, nhiều trường hợp bổ đâu không thấy, chỉ thấy ngộ độc, thậm chí mất mạng Những ngày này, khắp huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, đi đâu cũng nghe xôn xao về chuyện nhóm người đi rừng uống rượu ngâm hạt chân chó khiến 3...