Những con voi cô độc, buồn đến mức tìm trâu kết bạn
Ở Nghệ An, số voi tự nhiên nhiều thứ ba cả nước. Nhưng nhiều đàn voi trong số này là “đàn đơn lẻ”, chỉ còn một con sống đơn độc.
Chúng thường xuyên về khu dân cư, xung đột với người, tàn phá hoa màu khiến chính quyền đau đầu tìm giải pháp.
Con voi rừng đơn độc ở Pù Mát – Ảnh: Vườn quốc gia Pù Mát cung cấp
Suốt nhiều năm qua, người dân hai xã Bắc Sơn và Nam Sơn ( huyện Quỳ Hợp) đã làm đủ cách để ngăn voi rừng về phá hoại nhưng không hiệu quả.
Voi rừng về bản
Nhiều tháng nay, bà Lương Thị Danh (57 tuổi, bản Tăng, xã Nam Sơn, huyện Quỳ Hợp) thường mất ngủ vì bị voi rừng về quấy phá. Chỉ riêng tháng 8, con voi cái này đã năm đêm “thăm” nhà bà Danh, làm cuộc sống gia đình bà bị đảo lộn.
Mỗi lần voi rừng về, nhà bà Danh phải tất bật hô hào, đốt lửa, gõ chiêng xua đuổi. Tuy nhiên, con voi rừng cũng ngày càng dạn hơn. Lần gần nhất nó về, đã… trộm mất hũ măng chua nặng hơn 5kg bà Danh muối chưa kịp ăn. “Hôm đó, tôi để hũ măng ngoài hiên. Nó hay về nhà tôi, lục tung để trộm đồ ăn, cái gì để ở ngoài nhà mà trong tầm với nó là nó ăn hết mà đặc biệt là những thứ có chất mặn”, bà Danh kể. Những bụi chuối xung quanh nhà bà Danh giờ cũng chỉ còn lại phần gốc.
Đây là con voi duy nhất còn sống sót ở huyện Quỳ Hợp, nó thường ở sâu trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Khoảng 30 năm trước, những cánh rừng già bao quanh xã Bắc Sơn và Nam Sơn vẫn còn đàn voi rừng hàng chục con. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây, đàn voi đấy chỉ còn mỗi con voi cái đơn độc này.
“Không rõ đàn bị săn bắn hay bỏ đi đâu nữa. Bỗng dưng chỉ còn con voi cái này. Nó cũng già lắm rồi, bị tật ở chân sau, có thể là di chứng sau lần sập bẫy”, ông Lô Văn Vang – phó chủ tịch Hội Nông dân xã Bắc Sơn – kể. Ông cũng là tổ trưởng tổ phản ứng nhanh phòng tránh xung đột giữa voi và người của xã Bắc Sơn với bảy thành viên. Tổ phản ứng nhanh được thành lập 4 năm nay, nhưng thiệt hại do voi gây ra vẫn không giảm.
“Nhiều đêm mở cửa, thấy nó đứng sừng sững trước sân cũng hoảng. Nó không tấn công người, cứ đứng vậy như đang cầu xin thứ gì”, bà Danh kể. Nhưng không phải lúc nào con voi cái này cũng hiền hòa như vậy. Cách đây ít tháng, sau một lần ghé thăm, nó đã quật chết đôi bò của bà Danh. Mỗi lần voi đi qua bản, những ruộng lúa nước và rẫy mía của bà con lại tan nát. Phần thì bị voi ăn, phần thì bị giẫm nát. Nhiều gia đình làm hàng rào rồi quấn thép gai chằng chịt xung quanh nhà, quanh rẫy nhưng vẫn không có hiệu quả.
Video đang HOT
“Nhà tôi chẳng còn cây chuối nào, lúa cứ trồng đến khi gần thu hoạch là nó lại về phá. Làm rào thép gai bảo vệ cũng chả được. Mỗi lần voi về, lại phải mất công đi dựng lại hàng rào vì voi nó quấn hết tất cả trên đường đi”, ông Lô Văn Luyện – trưởng bản Tăng – lắc đầu kể.
Theo ông Quán Vi Giang – phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, hầu như năm nào các xã cũng báo cáo thiệt hại do voi rừng gây ra. Ngoài lúa và mía, nhiều diện tích keo cũng bị voi rừng giày xéo. Huyện Quỳ Hợp ước tính chỉ năm 2021 con voi này đã gây thiệt hại 120 triệu đồng cho nhân dân xã Bắc Sơn và Nam Sơn, mà đây lại là hai xã vùng sâu nghèo khó nhất huyện. Còn năm 2022, chỉ một đêm voi về làm chết hai con bò của bà Danh cũng đã gây thiệt hại hơn 30 triệu đồng.
Bà Danh chỉ nơi từng để hũ măng chua bị voi rừng với vòi… lấy trộm – Ảnh: NGHI XUÂN
Voi đi tìm trâu… làm bạn
Tại Nghệ An có sáu đàn voi thì có đến bốn “đàn” chỉ… một con sống độc lập, trong đó có hai con voi cái thường xảy xung đột với người. Cách xã Nam Sơn chừng 50km đường rừng, trong Vườn quốc gia Pù Mát ở xã Châu Khê cũng có một con voi cái sống đơn độc suốt hàng chục năm. Đây cũng là con voi thường xuyên về quấy phá người.
Cách đây không lâu, chị Lương Thị Hoa (xã Châu Khê, huyện Con Cuông) hốt hoảng khi phát hiện đàn trâu gia đình vẫn thường thả rông ở bìa rừng bị mất con trâu đực. Chị lập tức gọi dân làng tìm kiếm. Vào sâu trong rừng, người dân phát hiện con trâu này đang đứng… cạnh một con voi cái to lớn. “Nó giữ con trâu lại đó, không cho đi đâu. Nhiều người đến gần chụp ảnh, nó cũng không có dấu hiệu lo sợ, mấy tiếng sau nó mới chịu rời đi để chị Hoa đưa trâu về nhà”, chị Hoa cười như mếu kể. Đây là con voi cái sống đơn độc hơn 20 năm nay ở trung tâm vườn. Trước đây, đàn voi này có ít nhất một cặp, nhưng năm 1996 con voi đực đã bị sát hại.
“Qua quan sát bên hốc tai, chúng tôi biết con voi này vẫn đang độ tuổi sinh sản. Vào mùa động dục, không có con đực, nó trở nên hung dữ. Mỗi lần như vậy, nó thường ra khỏi rừng tìm đến những đàn trâu của người dân mà đặc biệt là những con trâu đực to lớn”, ông Trần Xuân Cường – giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát – cho hay.
Con voi cái đơn độc thường về bản tìm trâu đực làm bạn Ảnh VQG Pù Mát cung cấp
Vườn quốc gia Pù Mát đã tính đến phương án sáp nhập con voi đơn lẻ này với hai đàn cùng sống trong vườn. Tuy nhiên, quãng đường từ khu vực này đến đàn voi ở tây bắc Pù Mát mất hai ngày đường, qua rất nhiều sông suối, nên điều này dường như không thể. Trong khi đó, để con voi cái này đến được với đàn voi sáu con ở phía đông nam khu vườn cũng bị ngăn bởi sông Giăng.
Sống cô độc suốt nhiều năm, dường như đánh hơi được sự tồn tại của đàn voi ở bên kia Pù Mát, con voi cái ở huyện Quỳ Hợp được ghi nhận nhiều lần vượt quãng rừng xa để tìm đồng loại. Tuy nhiên, khi đến khu vực huyện Anh Sơn, nó bị ngăn lại bởi sông Lam.
Lần theo dấu chân, lực lượng kiểm lâm ghi nhận mỗi lần con voi cái ở Quỳ Hợp và con voi cái đơn lẻ ở trung tâm Vườn quốc gia Pù Mát di chuyển đến sông Giăng và sông Lam tìm kiếm đồng loại, đàn voi đang sinh sống ở khu vực đông nam Pù Mát cũng tới khu vực này. Tuy nhiên, những dòng sông sâu đã ngăn chúng tìm đến được nhau…
Trong thời gian phải “sống chung” với voi rừng, các địa phương tuyên truyền cho người dân dùng kẻng, trống, mõ gây ra tiếng động lớn để xua đuổi. Tuyệt đối không được dùng bất cứ biện pháp nào có thể gây tổn thương voi.
Loay hoay tìm giải pháp
Từ năm 2013, Nghệ An đã phê duyệt “Dự án khẩn cấp bảo tồn voi”, và một trong những nhiệm vụ khẩn cấp là di chuyển, tái nhập đàn đối với những con voi đơn lẻ, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp hiệu quả để di chuyển voi.
Ông Quán Vi Giang – phó chủ tịch huyện Quỳ Hợp – cho rằng voi rừng liên tục xuất hiện và phá hoại tài sản, hoa màu của người dân đang là vấn đề nóng trên địa bàn. Huyện đã nhiều lần đề xuất UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan xem xét phương án di dời con voi này sang khu vực Vườn quốc gia Pù Mát. Vì Pù Mát là khu vực rộng lớn, có chức năng bảo tồn động thực vật hoang dã và ở đây đang có nhiều đàn voi sinh sống, giúp con voi này không còn cảnh cô độc như suốt 20 năm qua.
Về việc này, bà Võ Thị Nhung – phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho rằng phương án di dời voi thời điểm hiện nay chưa thể thực hiện. Bởi vì qua thực tế trên toàn quốc đã nhiều lần di chuyển voi rừng về vùng sinh thái mới, nhưng các lần di chuyển đều thất bại do vùng sinh thái mới không phù hợp, voi không hòa nhập được với đàn mới. “Tuy nhiên, vấn đề di dời voi, sở đã và đang đề xuất các viện nghiên cứu điều tra đầy đủ về các yếu tố cần và đủ để triển khai việc di dời các cá thể voi này sang địa bàn mới an toàn”, bà Nhung nói thêm.
Công ty khai khoáng phải chi tiền khắc phục hàng trăm nhà dân sụt lún
Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An yêu cầu một công ty khai khoáng khắc phục tình trạng hàng trăm nhà dân bị sụt lún, nứt nẻ ở huyện Quỳ Hợp.
Một khu vực bị sụt lún ở xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA
Chiều 9-9, thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An cho biết sở này đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Nghệ An và thông báo về việc khắc phục tồn tại trong hoạt động khoáng sản gửi Công ty cổ phần Tân Hoàng Khang và UBND huyện Quỳ Hợp.
Đây là diễn biến mới nhất liên quan đến vụ hàng trăm nhà dân, công trình ở xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp xảy ra tình trạng sụt lún, nứt nẻ, hàng trăm giếng nước bị cạn khô.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành và ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An, Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An yêu cầu Công ty Tân Hoàng Khang tạm dừng hoạt động khai thác khoáng sản (quặng thiếc và đá xây dựng đi kèm) và khai thác, bơm hút nước ngầm tại xã Châu Hồng.
Đặc biệt, yêu cầu Công ty Tân Hoàng Khang có trách nhiệm hỗ trợ toàn bộ kinh phí để khắc phục sự cố do ảnh hưởng của việc nứt nẻ, sụt lún đất.
Từ cuối năm 2019, nhiều giếng nước ở xã Châu Hồng bắt đầu cạn trơ đáy. Sau đó nhà cửa, công trình xây dựng nứt nẻ, sụt lún. Đến nay, xã Châu Hồng đã ghi nhận 249 căn nhà dân bị nứt nẻ bất thường và sụt lún đất nền.
Nguyên nhân ban đầu được nhận định là do doanh nghiệp khai thác quặng làm cạn kiệt nguồn nước ngầm.
Từ cuối tháng 5-2022, khi Công ty Tân Hoàng Khang ngừng việc bơm hút nước ngầm ở mỏ quặng Thung Lùn thì không còn có thêm nhà nào bị nứt nẻ, sụt lún. Toàn bộ gần 300 giếng của người dân trước đó cạn trơ đáy nay cũng đã có nước trở lại.
Trong thời gian qua, UBND huyện Quỳ Hợp đã ký hợp đồng gần 1 tỉ đồng, thuê Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ khảo sát, điều tra nguyên nhân gây sụt lún, giếng nước khô cạn trên địa bàn xã Châu Hồng.
Tuy nhiên, UBND huyện Quỳ Hợp không chấp nhận kết quả khảo sát của Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ vì cho rằng báo cáo này chưa xác định được nguyên nhân tụt mạch nước ngầm, gây sụt lún, khô cạn giếng nước một cách cụ thể.
Tháng 6-2015, Công ty Tân Hoàng Khang được UBND tỉnh Nghệ An cho thuê 152.644m 2 tại khu vực Phá Líu và Thung Lùn, xã Châu Hồng để sử dụng vào mục đích khai thác khoáng sản và làm bãi thải, tập kết vật liệu, máy móc... phục vụ khai thác khoáng sản.
Sau sự việc xảy ra tại xã Châu Hồng, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Công ty Tân Hoàng Khang tạm đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản và dừng tất cả các hoạt động bơm hút nước ngầm tại khu vực Phá Líu và Thung Lùn, xã Châu Hồng.
Bàng hoàng phát hiện thi thể cha và con trai 2 tuổi dưới giếng nước Sau khi lên mạng xã hội viết "xin lỗi và chào mọi người", thi thể của anh S. và con trai 2 tuổi được phát hiện dưới giếng sâu. Chiều 17-8, cơ quan chức năng đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, làm rõ vụ việc 2 cha con được người thân phát hiện tử vong dưới giếng nước ở xã Châu Thái,...