Những con tàu ma xé toạc màn đêm Hoàng Sa
Giữa đêm tối, tàu Trung Quốc như những bóng ma, tạo thế gọng kìm truy đuổi tàu của ta như những con thú dữ…
20h tối 26/5, đoàn công tác chúng tôi tập trung trên tàu CSB 2013, khởi hành từ cảng Sông Thu (Đà Nẵng) thẳng tiến ra Hoàng Sa.
Lần này, trong đoàn nhà báo ra Hoàng Sa để ghi nhận việc các tàu Trung Quốc đang hung hăng bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta còn có các phóng viên kênh truyền hình CNN, và phóng viên những cơ quan báo chí lớn của Nhật Bản.
Hoàng Sa – hai từ thiêng liêng mà một người con đất Việt nào cũng từng mong một lần đặt chân đến. Thông tin từ Chính ủy Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, ngoài Hoàng Sa đang rất căng thẳng, Trung Quốc tăng cấp độ gây hấn bằng cách không ngại đâm va, phun vòi rồng, bắn súng nước vào tàu của ta. Nhiệm vụ của anh em kiểm ngư và cảnh sát biển sẽ thêm phần nặng nề.
Trước giờ khởi hành độ vài phút, thông tin về một tàu ngư dân Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm, khiến con tàu chúng tôi càng mong sớm được đến nơi cái giàn khoan phi pháp của kẻ đang toan tính cướp biển của ta đang ngang nhiên đứng đó, đầy thách thức.
Cán bộ chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam theo dõi các tàu Trung Quốc xung quanh giàn khoan Hải Dương 981 trái phép. (Ảnh: Quang Tùng)
Thượng úy Hoàng Tuấn Anh, thuyền trưởng tàu CSB 2013 thông báo tàu sẵn sàng rời bến. Mùi biển mặn lướt qua từng khuôn mặt rạng rỡ, ẩn hiện trong ánh sáng đèn màu của thành phố biển Đà Nẵng tươi đẹp. Con tàu lao nhanh vào bóng tối mịt mùng của biển đêm bao la.
“Với chúng tôi, con tàu như ngôi nhà thứ hai, anh em chiến sĩ trên tàu như anh em một nhà. Tàu đau, chúng tôi cũng đau. Nhưng nó càng làm chúng tôi thêm quyết tâm bảo vệ vững chắc vùng biển của mình.” – thuyền trưởng Tuấn Anh nói.
Sau khi bị tàu Trung Quốc hung hãn đâm hỏng 10m lan can ngày 18/5, tàu CSB 2013 về lại cảng để sửa chữa. Nước sơn tàu còn chưa kịp khô, máy tàu chưa được nghỉ ngơi, con tàu lại tiếp tục quay trở lại làm nhiệm vụ.
Rất đông các hải cảnh, hải giám cỡ lớn của Trung Quốc bao quanh bảo vệ giàn khoan. (Ảnh: Quang Tùng)
Chúng tôi được thông báo, tàu chạy khoảng 12 tiếng sẽ có mặt tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép. Một đêm dài trên biển, nhưng phía trước là những ngày không thể quên. Chỉ sáng mai thôi, chúng tôi sẽ đối mặt với những kẻ xâm lược trên vùng biển đất mẹ.
Khắp nơi là tàu Trung Quốc
10 giờ sáng hôm sau, tàu chúng tôi có mặt tại Hoàng Sa. Từ khoảng cách 18 hải lý, giàn khoan Trung Quốc đặt trái phép đã hiện lên mờ ảo. Bao quanh tầm mắt, qua ống nhòm đã thấy nhấp nhô hàng chục tàu hải cảnh, hải giám Trung Quốc dàn hàng ngang “đón tiếp” tàu chúng tôi.
Nhóm phóng viên trên tàu háo hức chuẩn bị đồ nghề tác nghiệp, “săm soi” từng hình ảnh đầu tiên về khu vực đang “ nóng” nhất toàn cầu này.
Phóng viên Euan McKirdy của hãng tin CNN đã chứng kiến các tàu Trung Quốc hung hăng truy đuổi, xịt vòi rồng vào tàu Việt Nam. (Ảnh: Quang Tùng)
Euan McKirdy, chàng phóng viên trẻ của kênh truyền hình CNN với tác phong chuyên nghiệp nhanh chóng lia từng góc quay về phía giàn khoan Trung Quốc. Dù ống kính với độ zoom lớn, nhưng khoảng cách quá xa khiến Euan McKirdy chưa thực sự hài lòng với những bức hình chụp được.
“Là một phóng viên độc lập, tôi muốn được nhìn từ hai phía để tường trình cho độc giả thấy điều gì đang thực sự diễn ra ở đây. Hiện tôi cũng chỉ biết được thông tin từ truyền thông về việc Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông không chỉ với Việt Nam mà còn với các nước láng giềng khác. Nếu điều gì đó xảy ra, tôi hy vọng sẽ quay được để gửi tới người xem trên toàn thế giới.” – Euan McKirdy nói.
Video đang HOT
Trong khi đó, khi vừa tới khu vực “nóng”, phóng viên Takashi Mine của hãng FUJI TV Nhật Bản đã bám sát thành tàu lia ống nhòm về nơi Trung Quốc đặt giàn khoan và bắt đầu những cảnh quay đầu tiên trong chuyến hành trình “có một không hai”.
“Hành động của Trung Quốc đã gây ra sự căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trung Quốc nên rời giàn khoan đi để giảm sự căng thẳng. Việt Nam đã thể hiện một lập trường rõ ràng đối với Trung Quốc trong việc này và đó là một điều rất tốt,” Takashi Mine chia sẻ.
Phóng viên VN cùng các phóng viên Nhật Bản trên tàu cảnh sát biển Việt Nam.
Qua ống kính máy ảnh, tôi đã có thể thấy rõ những con tàu cỡ lớn của Trung Quốc có mặt khắp nơi, tạo hình rẻ quạt bảo vệ giàn khoan Trung Quốc hạ đặt trái phép.
Thuyền trưởng Hoàng Tuấn Anh cho hay cần phải di chuyển vào bên trong khoảng 8 hải lý mới có thể biết rõ Trung Quốc đã leo thang ở khu vực này bằng việc huy động rất đông tàu chiến, tàu hải cảnh, hải giám cỡ lớn, máy bay trinh sát…để đe dọa các tàu chấp pháp Việt Nam.
Cuộc đua tốc độ
Sau bữa cơm trưa cùng các chiến sĩ cảnh sát biển trên tàu CSB 2013, đoàn công tác chúng tôi được chia thành những nhóm nhỏ cập lên những chiếc tàu khác của cảnh sát biển Việt Nam.
Các tàu Trung Quốc truy đuổi tàu cảnh sát biển Việt Nam chiều 27/5. (Ảnh: Quang Tùng)
Phút chia tay xúc động, cùng những lời hứa đanh thép “quyết không bao giờ khuất phục” của những người trên tàu khiến sóng biển Hoàng Sa như lặng xuống. Cờ tổ quốc trên nóc tàu phấp phới hướng về đất liền thân yêu…
Hơn 17 giờ, sau khi gặp mặt Thượng tá Nguyễn Nghiêm Long – Phó Chính ủy cảnh sát biển vùng 3 trên con tàu mới để chia sẻ về tình hình thực địa, chúng tôi đã được tàu Trung Quốc “chào đón” bằng một cuộc rượt đuổi hung hăng.
Chiếc tàu phóng viên có mặt đang di chuyển về phía khu vực giàn khoan trái phép của Trung Quốc để làm nhiệm vụ chấp pháp thì bất ngờ 3 tàu hải giám Trung Quốc mang số hiệu 37102, 12101, 31101 từ xa vùn vụt lao tới với vận tốc gần như tối đa khoảng trên 20 hải lý/giờ. Chúng tạo thế gọng kìm từ ba hướng nhằm áp sát tàu cảnh sát biển Việt Nam.
Tàu Trung Quốc dày đặc vây quanh giàn khoan trái phép trên biển Việt Nam qua màn hình ra đa. (Ảnh: Quang Tùng)
Phán đoán được âm mưu truy đuổi, đâm va của tàu Trung Quốc, Đại úy Phạm Đức Tuyên – thuyền trưởng tàu cảnh sát biển Việt Nam nhanh chóng chỉ huy các cán bộ chiến sĩ trên tàu sẵn sàng vào vị trí, tăng tốc đưa tàu thoát khỏi thế bao vây của tàu Trung Quốc.
Vừa di chuyển, tàu cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục tuyên truyền tới các tàu Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, lập tức rút giàn khoan và các tàu về nước. Bất chấp những yêu cầu chính nghĩa, tàu Trung Quốc như những bóng ma trong bóng chiều chạng vạng lao vùn vụt nhằm thẳng tàu cảnh sát biển Việt Nam.
Vừa lao nhanh, tàu Trung Quốc vừa phát đi những cảnh báo đe dọa “sẽ sử dụng những biện pháp bắt buộc và phải gánh chịu mọi hậu quả” đối với tàu của ta.
Không để cho những kẻ hiếu chiến đạt được mục đích, thuyền trưởng Tuyên chỉ huy cho tàu tăng tốc lực tối đa tạo thế cân bằng tốc độ với tàu Trung Quốc. Chạy khoảng 6 hải lý, tàu Trung Quốc không đuổi kịp tàu ta nên đã quay trở lại vị trí.
Tàu hải cảnh Trung Quốc đang truy đuổi, kìm kẹp một tàu kiểm ngư Việt Nam. (Ảnh: Quang Tùng)
Ở khoảng cách 12 hải lý, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép đã hiện ra rõ nét. Từng lớp tàu Trung Quốc dật dờ, lượn lờ vây quanh giàn khoan để ngăn cản tàu chấp pháp của ta.
“Chúng ta luôn nêu cao tinh thần đấu tranh bằng phương pháp hòa bình, nhưng các tàu Trung Quốc thì ngược lại. Họ luôn muốn áp sát các tàu của ta để đâm va, xịt vòi rồng, súng bắn nước để phá hoại các thiết bị trên tàu của ta.” – Đại úy Tuyên kể.
Tấn công giữa đêm tối
Đêm ở Hoàng Sa ngày cuối tháng 5, sóng vỗ nhẹ, gió biển dịu dàng và yên bình đến lạ thường. Chúng tôi ra mạn tàu ngắm biển đêm tĩnh lặng. Ở ngay dưới mặt biển trước mặt, cá chuồn, cá mực nhiều vô kể. Chúng tôi cùng nhau bắt cá lên boong bằng lưỡi câu, vợt và mọi thứ có thể dùng được.
Nếu tàu hải cảnh Trung Quốc không xuất hiện, đó sẽ là một trong những thời khắc bình yên, trong trẻo nhất của tôi. Vào khoảng 22h ngày 28/5, Trung Quốc bất ngờ xua tàu hải cảnh, hải giám truy đuổi tàu cảnh sát biển Việt Nam.
Từ trên màn hình ra đa, thuyền trưởng Phạm Đức Tuyên phát hiện ba tàu Trung Quốc có biểu hiện di chuyển chậm, đang quay đầu về hướng tàu cảnh sát biển của ta. Nhận định việc tàu Trung Quốc có dấu hiệu bất thường, thuyền trưởng Tuyên chỉ đạo kíp trực sẵn sàng vào vị trí ứng phó.
Các chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam luôn bám sát các hoạt động của tàu Trung Quốc. (Ảnh: Quang Tùng)
Tôi đứng trong cabin dõi theo màn hình ra đa có chút lo sợ. Để trấn an tinh thần của anh em, thuyền trưởng Tuyên mỉm cười: “Không việc gì phải lo, tàu của ta đủ sức để thoát khỏi mọi cuộc truy đuổi, đâm va của tàu Trung Quốc.”
Vừa dứt lời, thuyền trưởng Tuyên thông báo, tàu Trung Quốc đang lao nhanh về phía trước với vận tốc từ 4,5 hải lý/giờ lên 20 hải lý/giờ và bắt đầu cho tàu của ta tăng tốc.
Tôi bồn chồn cùng các chiến sĩ cảnh sát biển chạy lại phía sau cabin. Đội tàu Trung Quốc bật đèn pha sáng trưng bao quanh giàn khoan khổng lồ như một công trường đang thi công giữa biển.
Bằng camera nhìn đêm, tôi thấy 3 tàu hải giám, hải cảnh Trung Quốc đang rẽ sóng vùn vụt lao về phía tàu cảnh sát biển của ta như những con thú dữ. Chúng chia làm ba hướng, tạo thế gọng kìm nhằm kẹp chặt tàu của ta ở giữa để tấn công tàu ta giữa đêm.
Biết được âm mưu của tàu Trung Quốc, thuyền trưởng Tuyên chỉ đạo đánh lái tàu về hướng trái, tăng tốc lên gần 18 hải lý/giờ. Việc chuyển hướng ra khỏi khu vực giàn khoan khoảng 15 hải lý đã làm các tàu Trung Quốc bất ngờ.
Các tàu Trung Quốc chia thành nhiều tốp, vây hãm các tàu chấp pháp của ta. (Ảnh: Quang Tùng)
Trên màn hình ra đa, cả ba tàu của Trung Quốc đang trong thế trận bỗng nhiên nhốn nháo, mỗi tàu một hướng và phải giảm tốc nhanh chóng. Từ khoảng cách khoảng 5 hải lý, tàu cảnh sát biển của ta cũng giảm tốc di chuyển chậm. Biết không thể truy đuổi, tàu Trung Quốc ngay sau đó đã quay đầu trở về vị trị.
Theo nhận định của các chiến sĩ cảnh sát biển trên tàu, đây không phải vùng biển quen thuộc của Trung Quốc, nên khi các tàu khác tách nhóm truy đuổi tàu ta ra quá xa khu vực giàn khoan thì chúng như những kẻ đi ăn trộm, lén lút và quay đầu bỏ chạy khi bị ta đánh lạc hướng.
Sau khi neo tàu ở một vị trí an toàn, thuyền trưởng Tuyên đến bắt tay chúng tôi với vẻ mặt không chút lo âu: “Các anh em cứ thoải mái tinh thần. Chuyện tàu Trung Quốc truy đuổi tàu ta giữa đêm là chuyện thường ngày. Chúng ta không sợ, không lo lắng, nhưng việc này đang thể hiện Trung Quốc đang ngày càng sợ hãi giữa Hoàng Sa…”
Theo VTC
Vì sao Trung Quốc tức tối vì một trận bóng chuyền?
Theo tờ US News của Mỹ, Việt Nam và Philippines đang gác lại những khác biệt để tạo thành một mặt trận thống nhất chống lại sự hung hăng của Trung Quốc.
Hải quân Việt Nam và hải quân Philippines giao lưu bóng chuyển tại đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 8/6 - Ảnh: Reuters.
Trước đây, Trung Quốc đã nhiều lần nổi giận, nhưng chưa khi nào tức tối vì môn bóng chuyền. Vậy mà, khi các chiến sỹ Việt Nam và Philippines thi đấu giao hữu bóng chuyền bãi biển trên một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào cuối tuần vừa rồi, ngay lập tức Trung Quốc đã có phản ứng mạnh.
Cơn giận này của Bắc Kinh tất nhiên không phải vì bóng chuyền, mà vì Việt Nam và Philippines thể hiện sự đoàn kết qua trận đấu giao hữu này để chống lại thái độ hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
"Mọi người có nghĩ rằng, động thái này của Việt Nam và Philippines xét cho cùng chỉ là một trò vụng về?", phát ngôn viên Hoa Xuân Ánh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc căng thẳng tại một cuộc họp báo hàng ngày hôm thứ Hai vừa qua. Tiếp tục lặp lại luận điệu rằng Trung Quốc có "chủ quyền không thể phủ nhận" đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam và vùng biển lân cận, phát ngôn viên này còn "yêu cầu Việt Nam và Philippines dừng ngay bất kỳ hành động nào gây bất hòa và làm nảy sinh rắc rối", và "không làm bất kỳ việc gì để làm phức tạp hay trầm trọng thêm tranh chấp".
Tuy nhiên, theo US News, cái gọi là "chủ quyền không thể phủ nhận" của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa và phần còn lại của biển Đông là hoàn toàn có thể phủ nhận. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với 90% biển Đông dựa trên "đường chín đoạn" do nước này đơn phương đưa ra, một tuyên bố không được bất kỳ ai công nhận ngoài Bắc Kinh.
Theo tờ báo này, Trung Quốc sẽ tự đưa ra một "phiên bản sự thật" của riêng mình, bằng việc "sáng tạo" ra những "tác phẩm địa chính trị hoàn toàn mang tính hư cấu". Sau đó, Trung Quốc sẽ tự thuyết phục bản thân rằng, đó là "những sự thật không thể phủ nhận".
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, Trung Quốc sẽ không thể thuyết phục được ai khác tin họ.
Tuy còn tồn tại một số quan điểm khác biệt về chủ quyền trên biển Đông, Việt Nam và Philippines đang tạm bỏ qua những khác biệt này, bởi cả hai nước đang phải đối mặt với mối đe dọa lớn từ Trung Quốc - US News nhận xét. Hai nước đã nhất trí tăng cường hợp tác hải quân. Việt Nam đã bày tỏ ý định kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế như Philippines đã làm. Ngoài ra, cả hai nước cùng tăng cường quan hệ với Mỹ, khiến Bắc Kinh càng thêm phần "khó chịu".
Việc Việt Nam và Philippines xích lại gần nhau phù hợp với xu hướng chung của các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương là tăng cường hợp tác lẫn nhau và với Mỹ để đối phó với thái độ hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, chính các nước láng giềng trong khu vực và Mỹ mới là bên "gây bất hòa và làm nảy sinh rắc rối".
Trung Quốc đang "chơi trò nạn nhân", coi mình là "nạn nhân vô tội" duy nhất, trong khi các nước khác là những người gây vấn đề - US News nhận xét.
Căng thẳng trên biển Đông đã gia tăng kể từ khi Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam. Tàu Trung Quốc đã nhiều lần cố tình va chạm với tàu của Việt Nam làm nhiệm vụ chấp pháp tại hiện trường, thậm chí đâm chìm một tàu cá của Việt Nam. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã xuyên tạc sự thật khi cáo buộc tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc "hơn 1.400 lần".
Theo chuyên gia phân tích an ninh Alexander Vuving, hành động của Trung Quốc là "một phần trong chiến lược biến biển Đông thành cái hồ của riêng nước này. Một khi Trung Quốc kiểm soát được biển Đông, nước này có thể thống lĩnh các tuyến hàng hải ở phía Tây Thái Bình Dương".
Đầu tuần này, Trung Quốc đã đưa vấn đề biển Đông lên Liên hiệp quốc. Bản tuyên bố lập trường của Bắc Kinh gửi Liên hiệp quốc vu khống Việt Nam tìm cách làm gián đoạn bất hợp pháp hoạt động khoan tìm dầu của Trung Quốc và cố tình va xô vào tàu của Trung Quốc.
Tuyên bố này một lần nữa xuyên tạc sự thật khi nói, quần đảo Hoàng Sa "là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc", "không có tranh chấp đối với Hoàng Sa".
Đối với Philippines, Trung Quốc đã cáo buộc nước này "quyết tâm thách thức những lợi ích quốc gia của Trung Quốc và là một tên lính đánh thuê tận tụy của những lực lượng hải ngoại chống lại Trung Quốc". Đây được xem là sự ám chỉ đối với mối quan hệ ngày càng khăng khí giữa Manila và Washington.
Bài báo của US News kết luận, Trung Quốc đang tức tối vì một trận bóng chuyền bãi biển. Và sự tức tối đó sẽ càng khiến phần còn lại của thế giới khó lòng chấp nhận Trung Quốc là một cường quốc thực sự.
Theo Bizlive
Tại sao Trung Quốc đột ngột giở giọng "quốc tế hóa" vụ giàn khoan 981? Quyết định của Trung Quốc đưa vấn đề (vu cáo Việt Nam) ra Liên Hợp Quốc khá khó hiểu, bởi lâu nay Bắc Kinh vẫn "phản đối quốc tế hóa vấn đề Biển Đông". Vương Dân, Đại sứ - phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc buông lời xuyên tạc, vu cáo trắng trợn Việt Nam. Trong một...