Những con quái vật ăn thịt người đáng sợ trên màn ảnh
Bị biến thành thức ăn cho những loài sinh vật khát máu là nỗi sợ hãi ám ảnh của con người. Chủ đề này được nhiều tác phẩm điện ảnh kinh dị khai thác.
Crawlers trong The Descent (2005): The Descent giống như phiên bản nâng cấp của Don’t Breathe (2016) khi kẻ thủ ác không phải một lão cựu chiến binh mù, mà là những con quái vật khát máu. Phim xoay quanh 6 cô gái có sở thích khám phá những hang động ngầm dưới lòng đất. Song, họ không tìm thấy bất cứ kỳ quan thiên nhiên chưa khai phá nào, mà thay vào đó là nỗi kinh hoàng đẫm máu. Giữa hang động chật hẹp và thiếu dưỡng khí, cả nhóm phải chống chọi với lũ sinh vật săn mồi có giác quan phát triển vượt bậc. Cảm giác bị săn đuổi trong bóng tối của The Descent chắc chắn không hề dễ chịu chút nào.
Gwoemul trong The Host (2006): Sinh vật có tạo hình ghê rợn xuất hiện ngay từ những khoảnh khắc đầu tiên trong tác phẩm của đạo diễn Bong Joon Ho và mang đến cuộc tàn sát đầy ám ảnh. Song, nó không phải sản phẩm của tự nhiên, mà là hậu quả từ việc làm ô nhiễm nguồn nước sông Hàn. Quái vật lưỡng cư ra đời trong đói khát ở nơi sâu thẳm và chỉ chờ cơ hội để săn đuổi những con mồi to lớn hơn.
Ma sói trong The Wolfman (2010): Có nguồn gốc từ các câu chuyện huyền thoại hoặc cổ tích, ma sói giờ đây trở thành một phần của văn hóa đại chúng khi xuất hiện trong vô số bộ phim. Mỗi phiên bản đều mô tả nhiều khả năng khác nhau của ma sói, nhưng điểm chung là có xuất thân con người và có thể lây “bệnh” qua một lần cắn. Trái với kẻ thù truyền kiếp ma cà rồng chỉ hút máu, ma sói thường khó kiềm chế thú tính và cắn xé con người lẫn động vật để tồn tại. Các tác phẩm nổi tiếng về nhân vật này có thể kể đến như loạt Underworld, Harry Potter and the Prisoner of Azkaban (2004), loạt Twilight, The Wolfman (2010)…
The Thing trong The Thing (2011): Những sinh vật ngoài hành tinh khi đến Trái Đất đôi khi không phải để kết bạn hay vì đi lạc, mà nhằm tìm kiếm nguồn thức ăn dồi dào hơn. The Thing trong bộ phim cùng tên là một con quái vật như thế khi nó đã lang thang khắp vũ trụ và tiêu diệt rất nhiều hành tinh có sự sống trên đường đi. Nó có khả năng ký sinh và “đồng hóa” bất cứ sinh vật nào để biến thành những con quái vật gớm ghiếc. Không dễ để nhận ra The Thing khi chúng có thể lấy đi toàn bộ ký ức, thói quen của nạn nhân cho đến khi chính bạn trở thành con mồi. Bị chính người thân ăn thịt là nỗi kinh hoàng lớn nhất mà bộ phim mang lại.
Calvin trong Life (2017): Sau The Thing, Life thêm một lần nữa chứng minh rằng các sinh vật ngoài hành tinh chẳng hề thân thiện một chút nào. Có kích thước nhỏ chỉ bằng bàn tay, nhưng Calvin lại là thú săn mồi hàng đầu với sức mạnh và trí thông minh vượt bậc. Sinh vật dễ dàng len lỏi và ẩn nấp trong bất cứ khe hẹp nào, rồi bất ngờ tấn công và ăn thịt con mồi theo cách tàn bạo nhất. Đáng sợ hơn, nó chưa hề có điểm yếu và gần như bất tử, kể cả trong môi trường khắc nghiệt nhất.
Sâu khổng lồ Graboid trong loạt Tremors: Dù chỉ là một thương hiệu kinh dị – hài thường phát hành dưới định dạng băng đĩa, Tremors vẫn sống tốt đến tận ngày nay qua 6 tập phim nhờ những con quái vật sâu khổng lồ. Giống như phiên bản cá mập trắng ở trên cạn, chúng có thể bất ngờ trồi lên từ dưới lòng đất để nuốt trọn con mồi bất cứ lúc nào.
Khủng long trong loạt Jurassic Park: Ra mắt năm 1993, Jurassic Park nhanh chóng tạo nên cơn sốt trên toàn thế giới với doanh thu khổng lồ. Bộ phim thành công khi đưa loài khủng long lên màn ảnh rộng và biến chúng thành những “kẻ hủy diệt” thực sự. Những con quái thú đứng đầu chuỗi thức ăn hàng triệu năm về trước chẳng gặp bất cứ khó khăn gì trong việc “làm gỏi” toàn bộ du khách một khi lưới hàng rào điện gặp trục trặc. Dù có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, con người vẫn chẳng phải là đối thủ của vô số loài khủng long khát máu. Năm 2015, Jurassic World ra đời và nâng thương hiệu lên một tầm cao mới với tần suất cảnh ăn thịt dày đặc hơn.
Cá mập trong loạt 47 Meters Down: Cá mập là “cỗ máy săn mồi” hoàn hảo nhất trong tự nhiên khi tồn tại. Sinh vật cũng chính là một trong những lý do khiến con người luôn bất an khi nhìn vào đại dương sâu thẳm. Từ Jaws (1975) của Steven Spielberg, dòng phim cá mập đã gieo rắc nỗi kinh hoàng trên màn ảnh rộng qua nhiều tác phẩm như Deep Blue Sea (1999), Open Water (2003), The Shallows (2016),… Gần đây, 47 Meters Down (2017) được đánh giá cao khi thêm một lần nữa khai thác nỗi ám ảnh dưới dòng nước. Thành công của bộ phim cũng mở ra 47 Meters Down: Uncaged trong mùa phim hè vừa qua.
Theo zing
9 chi tiết ẩn ở IT 2 có thể bạn đã bỏ lỡ: Ông hoàng kinh dị Stephen King tự "xoáy" cực gắt
Muốn "nhặt" đủ trứng phục sinh trong IT 2, khán giả không những nhanh mắt mà còn phải là fan cứng của vũ trụ Stephen King nữa đấy.
(Cảnh báo: Bài viết tiết lộ nội dung IT 2)
IT 2 (Gã Hề Ma Quái) chỉ vừa ra rạp ít ngày nhưng đã thu hút sự quan tâm từ đông đảo công chúng. Những phân đoạn cực kì đẫm máu và ghê rợn của phim được bàn tán rôm rả trên mạng xã hội. Tuy nhiên, có thể bạn đã mải bị gã hề dọa phát khóc mà quên mất rằng trong phim có những chi tiết cực kì đắt giá đấy nhé!
1. Cameo của Stephen King và câu "cà khịa" cực gắt
Việc đưa các vai cameo vào trong một bộ phim vốn không còn gì xa lạ trong ngành phim ảnh. Trước đó khán giả đã quen với việc thấy Stan Lee - cha đẻ của bộ truyện tranh siêu anh hùng nổi tiếng xuất hiện trong các phần phim của Marvel. Ở một vũ trụ khác của phim kinh dị thì cha đẻ Stephen King cuối cùng cũng chịu có một vai cameo trong phần 2 của IT đấy!
Cụ thể là ở một cảnh trong phim khi Bill (James McAvoy) phát hiện ra chiếc xe Silver thời thơ ấu của anh đang được bán tại một cửa hàng đồ cổ địa phương. Bill đã đề nghị mua lại chiếc xe từ một người bán hàng do Stephen King thủ vai.
Người bán hàng nhận ra Bill là một tiểu thuyết gia kinh dị nổi tiếng nên đã hét một cái giá cao chót vót. Khi Bill thấy một bản sao của cuốn sách mới nhất của mình trên quầy trước, anh hỏi chủ tiệm có muốn mình kí lên đó không, và người bán hàng đã cực "gắt": "Không, tôi không thích cái kết".
Cảnh phim này có thể hiểu đây là một lời đáp trả công khai của King đối với những lời chỉ trích của cư dân mạng. Cũng giống như Bill, Stephen King cũng được biết đến là một nhà văn viết đoạn mở đầu hay hơn đoạn kết.
2. Cái đầu hóa thân thành nhện của Stanley
Khi nhóm "Những kẻ thua cuộc" quay trở lại ngôi nhà đáng sợ trên phố Neibolt nơi Pennywise sống, Richie, Eddie và Bill đã phải đối mặt với một cái đầu bị chặt và mọc tua tủa nhiều chân đang cố gắng tấn công họ.
Nếu là hay xem phim kinh dị thì hình ảnh đáng sợ này khiến các mọt liên tưởng ngay đến phim The Thing (Quái Vật Kinh Dị), khi cái đầu Vance Norris bị đốt cháy và mọc ra những chân nhện. Và để chắc chắn hơn về sự liên kết này, Richie phản ứng giống hệt như Palmer trong The Thing: "Chắc mày đang đùa tao đó hả!". Ngoài ra thì nhện cũng là một hình ảnh biểu tượng trong các phần phim IT khi chính bản thân Pennywise đã là một con nhện khổng lồ.
3. Trích dẫn trực tiếp từ tiểu thuyết gốc
Có một phân cảnh lúc Bill trở về nhà sau khi đánh bại Pennywise, người xem thấy anh đang viết chương mở đầu của cuốn sách mới nhất của mình.
Nếu tinh ý thì khán giả sẽ nhận ra những câu anh viết được được lấy trực tiếp từ tiểu thuyết IT: "Có thể không có bạn tốt hay bạn xấu - đơn giản chỉ là bạn bè - những người luôn sát cánh bên bạn khi bạn bị tổn thương và giúp bạn không cảm thấy cô đơn. Không có bạn tốt. Không có bạn xấu. Chỉ có những người bạn muốn và cần ở bên; những người xây một ngôi nhà của họ trong trái tim của bạn".
4. Loạt cameo bất ngờ
Stephen King không phải là người nổi tiếng duy nhất làm cameo trong phim. Ngay từ cảnh phim đầu tiên, khán giả đã nhận ra ngay Xavier Dolan - đạo diễn trẻ được mệnh danh là "cậu bé vàng của LHP Cannes" trong vai nạn nhân đầu tiên của IT.
Đạo diễn Andy Muschietti của cả hai phần IT đã góp mặt một cách cực kì thầm lặng trong vai một nhân vật quần chúng. Ông là khách hàng của tiệm thuốc mà Eddie đến mua ống thở.
Trước đó, khi Bill bước vào trường quay đang thực hiện bộ phim do anh viết kịch bản, vị đạo diễn của bộ phim chính là đạo diễn nổi tiếng Hollywood Peter Bogdanovich. Và khán giả sẽ phải bất ngờ khi biết trong cảnh Ben họp mặt cùng các đối tác kinh doanh, một trong những người ngồi bên bàn họp là Brandon Crane - diễn viên từng thủ vai Ben hồi nhỏ trong phiên bản truyền hình năm 1990.
5. Tái hiện phân cảnh huyền thoại của The Shining
Rất nhiều bộ phim lấy cảm hứng từ The Shining - tác phẩm kinh dị nổi tiếng nhất của Stephen King và IT 2 cũng không ngoại lệ. Dù gì cũng là "của nhà trồng được" mà, đúng không?
Trong cảnh Beverly cố gắng chạy trốn khỏi gã hề, cô đã lạc vào một nhà vệ sinh. Người chồng hung bạo của cô - Henry Bowers bỗng xuất hiện, cố gắng phá cửa và thì thầm "Here's Johnny!". Đây là cảnh phim gần như bê nguyên từ The Shining.
6. Rùa Maturin
Trong tiểu thuyết, IT có một đối thủ truyền kiếp là rùa Maturin - sinh vật đã sinh ra cả vũ trụ. Maturin cũng xuất hiện trong nhiều tác phẩm khác của Stephen King, tuy nhiên không hiện diện trong kịch bản của cả hai phần Gã Hề Ma Quái.
Ở phần phim đầu tiên, khán giả có thể nhận ra chi tiết tri ân tinh tế tới Maturin là một mô hình rùa Lego trong phòng của Georgie. Trong Gã Hề Ma Quái 2, khi Ben quay về trường để tìm kỷ vật của mình, chúng ta lại thấy một mô hình rùa xuất hiện tại trường tiểu học Derry.
7. Nhân vật bí ẩn Branson Buddinger
Mike là người duy nhất trong Loser's Club ở lại Derry sau cuộc chiến đầu tiên với IT. Mike đã dành cả 27 năm để tìm hiểu về Derry và cách đánh bại gã hề Pennywise. Cuốn sách được Mike nhắc đến và sử dụng nhiều lần trong phim là Lịch sử Derry xưa của tác giả Branson Buddinger. Đây chính là cuốn sách trong tiểu thuyết IT và Branson Buddinger cũng là một nhân vật nhỏ góp mặt trong tiểu thuyết nhưng không xuất hiện trên phim.
8. Mật khẩu của Ben và Beverly
Khi Ben mới tới địa điểm họp mặt của Loser's Club tại nhà hàng Trung Quốc, anh tình cờ chạm mặt Bev và hỏi "crush": "Cần có mật khẩu hay sao?". Các fan của phần phim đầu sẽ nhận ra đây cũng chính là câu đùa Beverly nói với Ben trong lần đầu hai người vô tình đụng nhau tại trường.
9. Sở thích của Stanley
Ở cảnh phim ngắn ngủi về Stanley ở tuổi trưởng thành, khán giả thấy anh đang hoàn thành bộ xếp hình có hình ảnh rất nhiều chú chim. Trong tiểu thuyết, Stanley có sở thích ngắm các loài chim từ khi còn nhỏ. Chi tiết này được mô tả trong bản truyền hình nhưng không có trong phần phim điện ảnh đầu tiên của Gã Hề Ma Quái.
Trailer IT 2 (Gã Hề Ma Quái 2)
Chương 2 của IT hiện đang được chiếu tại các cụm rạp ở Việt Nam từ ngày 6/9.
Theo trí thức trẻ
'The Shallows', '47 Meters Down' và 'Crawl': Những cái nhìn khác nhau về dòng phim kinh dị sinh tồn Dòng phim kinh dị diễn ra ở một bối cảnh duy nhất, tập trung vào một nhân vật duy nhất và liên tục những cuộc chiến để sinh tồn là những điều tuy không mới mẻ những vẫn phổ biến trong suốt hai thập kỉ qua. Một số ví dụ đáng chú ý có thể nói đến như Buried - bộ phim diễn...