Những cơn gió lạ của bóng đá Việt Nam
Không quá ồn ào phô trương, một số địa phương sẵn sàng đầu tư lớn cho bóng đá không chỉ nhằm tạo thương hiệu mà quan trọng hơn là giúp ngôi nhà chung – bóng đá Việt Nam, có được chân đế vững chắc, hay nói cách khác là được xây từ móng.
Đội hạng nhất Bà Rịa-Vũng Tàu (phải) gây sốc khi loại cả 2 đại diện V-League Sài Gòn FC lẫn Sông Lam Nghệ An ở Cúp quốc gia
Phòng thay đồ xịn như giải Ngoại hạng Anh
Đội hạng nhất Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) đang gây sốc làng bóng đá nội khi lần lượt đánh bại cả hai đội V-League tại Cúp quốc gia 2020. Được dẫn dắt bởi một trong những cựu danh thủ nổi tiếng của bóng đá Việt Nam Trần Minh Chiến, BR-VT còn chuyên nghiệp hơn nhiều đội bóng chuyên nghiệp khác trong nước khi sở hữu sân bóng đẹp như… Thai League.
Sân Bà Rịa không lớn, với sức chứa chỉ 8.000 người nhưng khang trang, hiện đại, đầy đủ phòng chức năng và đặc biệt phòng thay đồ theo tiêu chuẩn Ngoại hạng Anh khiến nhiều đội V-League phải phát thèm. Được tận hưởng cơ sở vật chất hiện đại, đội BR-VT còn được tiếp “doping” bằng những phần thưởng rất có giá trị từ lãnh đạo tỉnh.
Mới đây, ngay sau chiến thắng trước Sài Gòn tại vòng loại Cúp quốc gia, Chủ tịch tỉnh BR-VT Nguyễn Văn Thọ đã xuống động viên và thưởng nóng toàn đội 200 triệu đồng, riêng HLV trưởng Trần Minh Chiến được thưởng riêng 100 triệu đồng. Những trận giao hữu làm nóng trước giải của BR-VT thường xuyên có sự dự khán của các phó chủ tịch tỉnh và Bí thư Thành ủy Bà Rịa Đặng Minh Thông…
Video đang HOT
Là địa phương trước đó hầu như trắng bóng đá, BR-VT muốn chọn con đường phát triển bền vững khi quyết định hợp tác với CLB TP.HCM. Nguồn cầu thủ của BR-VT được bổ sung, chọn lọc khá kỹ lưỡng với tiêu chí đạo đức được đặt hàng đầu. Nhân sự của đội được lấy từ nhiều nguồn, trong đó chiêu mộ từ CLB TP.HCM với cựu tuyển Việt Nam hay U.23 Việt Nam như Hải Anh, Ngọc Mạnh, Hoàng Quảng… kết hợp những nhân tố trẻ đáng chờ đợi như Minh Bình, Nguyễn Lam… từ HAGL.
Bà Rịa Vũng Tàu chơi ngày càng lên chân
Bên cạnh đó, HLV Trần Minh Chiến còn quy tụ được một số học trò cũ từ Becamex Bình Dương như Xuân Luân, Trung Tín, Ngọc Tĩnh… Không phải vô cớ Học viện Juventus của CLB TP.HCM đặt tại BR-VT vì trong tương lai đó cũng sẽ là một nguồn đầu vào chất lượng và vững bền cho nền bóng đá non trẻ này.
HLV Trần Minh Chiến bày tỏ: “Việc các lãnh đạo thường xuyên xuống hỏi thăm, động viên cầu thủ chính là nguồn sức mạnh lớn nhất của đội bóng BR-VT. Chúng tôi được khơi dậy tiềm năng và ai cũng xác định tư tưởng rất rõ ràng là không được đá láo, đá bậy vì đội bóng này là thương hiệu của tỉnh, kế đến là thương hiệu của từng cá nhân. Những chiến thắng của BR-VT trước Sài Gòn hay SLNA có phần may mắn, nhưng đằng sau đó là khát khao thể hiện của từng cầu thủ được tung vào sân. Đây là đội bóng thực sự vì nhau, cùng quyết tâm mang lại tiếng thơm cho địa phương”.
Có hẳn đề án phát triển trong vòng 1 thập niên
Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (HLHT), tân binh của V-League 2020, lại được tỉnh chăm sóc theo cách khác. UBND tỉnh xây dựng hẳn đề án phát triển bóng đá Hà Tĩnh trong 10 năm từ 2020 – 2030. Nội dung then chốt của đề án là đào tạo các lứa cầu thủ trẻ từ U.11 – U.21 với kinh phí vào khoảng 20 – 25 tỉ đồng/năm. Đây sẽ là nguồn cầu thủ dồi dào cho đội 1 HLHT trong tương lai. Hiện tại, 7/11 huyện của Hà Tĩnh đã có các lớp bóng đá cộng đồng do Trung tâm văn hóa thể thao của huyện đứng ra chủ trì. Những cầu thủ trẻ có tố chất sẽ được chọn lọc để tiếp tục được đào tạo tại Trung tâm TDTT tỉnh. Mục tiêu của UBND tỉnh là tạo ra chân đế vững chắc, không đi “vay mượn” cầu thủ ở các địa phương khác mà sử dụng “của nhà trồng được”. Toàn bộ kinh phí đầu tư sẽ do tỉnh lo liệu còn kinh phí hoạt động của đội HLHT sẽ giao cho Công ty CP thể thao Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (viết tắt là công ty).
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch CLB HLHT, Giám đốc công ty, cho hay: “Nguồn cầu thủ trẻ do chính Hà Tĩnh đào tạo sẽ giúp CLB HLHT tái cơ cấu nhân sự vào mùa sau còn mùa này, chúng tôi chỉ dám đặt chỉ tiêu trụ hạng”. Công ty vừa tiến hành nâng cấp lại sân Hà Tĩnh (mà thực chất như xây mới), với tổng số tiền lên đến 63 tỉ đồng, trong đó nâng cấp mặt sân, phòng ốc, khán đài… vào khoảng 51 tỉ đồng, 12 tỉ đồng lắp dàn đèn.
Niềm vui Hồng Lĩnh Hà Tĩnh
Không phải ngẫu nhiên mà vào tháng 6 năm ngoái, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và đích thân HLV Park Hang-seo lại chọn sân Việt Trì (Phú Thọ) là nơi tổ chức trận giao hữu giữa U.23 Việt Nam và U.23 Myanmar. Sân đẹp, đáp ứng được hầu hết những yêu cầu cao nhất cho việc tổ chức một trận đấu quốc tế. Được sự đồng ý của UBND tỉnh, Công ty TNHH xây dựng Tuấn Tú Phú Thọ đã đầu tư trên 10 tỉ đồng để sửa chữa, nâng cấp sân Việt Trì với mục đích cao nhất là phục vụ nhu cầu thưởng thức bóng đá của người dân và dần dần đưa bóng đá Phú Thọ gia nhập hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Cách đây nửa tháng, bóng đá Phú Thọ đã được chứng kiến cú chuyển giao mang tính bước ngoặt khi bầu Hiển “tặng” đội U.21 Hà Nội cho Phú Thọ. Những cầu thủ trẻ đầy năng lực vừa giành chức vô địch U.21 và U.19 quốc gia sẽ làm nòng cốt của CLB Phú Thọ tham gia giải hạng nhì 2020. Lực lượng còn có sự kế thừa từ đội Tuấn Tú Phú Thọ – vô địch giải hạng ba 2019, tạo nên một thế hệ bóng đá mới mà theo khẳng định của bầu Hiển: “CLB Phú Thọ sẽ lấy đội Hà Nội trước đây làm gương, phấn đấu 3 năm thăng ba hạng”. Ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Tuấn Tú Phú Thọ, chính là nhà tài trợ của đội hạng nhì Phú Thọ. Hầu như không xuất hiện trên truyền thông suốt mấy năm qua nhưng chính công ty này mỗi năm bỏ ra hàng chục tỉ đồng để nuôi bóng đá và giờ sẽ tiếp tục đầu tư nhiều tiền của hơn với mục tiêu rất rõ ràng: “Cố gắng có mặt ở giải hạng nhất mùa 2021. Để chạm tay vào đích này là cực kỳ khó khăn nhưng có đi thì cánh cửa mới mở ra”, ông Tuấn nói.
Trường hợp của đại diện hạng nhì Công an nhân dân (CAND) cũng đáng chú ý. Sau rất nhiều năm không mặn mà với bóng đá đỉnh cao, chủ trương của ngành công an là củng cố và tái thiết lại đội bóng với quyết tâm tạo ra sinh khí mới và là động lực tìm lại hình ảnh hào hùng thời vàng son với những cái tên Công an Hà Nội, Công an Hải Phòng, Công an TP.HCM… dậy sóng một thời. Bằng việc dựa vào tài năng và đạo đức của các cầu thủ trưởng thành từ lò HAGL, HLV Phạm Quang Thành có đến gần chục cầu thủ được bổ sung từ đội bóng phố núi như Thanh Bình, Hoàng Nam, Thanh Sơn, Du Học, Tiến Đạt, Duy Kiên, A Sân, Minh Quyền… CAND ăn ngủ tại Hàm Rồng và chọn sân Pleiku là sân nhà với hy vọng môi trường lành mạnh phố núi sẽ mở ra hướng phát triển lâu dài và tích cực cho đội bóng từng có nhiều thăng trầm này. Cách làm mới mẻ này đang tạo nên làn gió trong lành hứa hẹn đưa CAND chính là một trong những ứng viên hàng đầu cho suất thăng lên hạng nhất năm sau.
Cup Quốc gia tìm lại được giá trị
Từ chỗ bị các đội coi là nơi đá cho xong nhiệm vụ, Cup Quốc gia bỗng chốc trở nên mới mẻ và đầy cuốn hút trong mùa 2020.
Bà Rịa Vũng Tàu (áo trắng xanh) gây bất ngờ khi lọt vào tứ kết Cup Quốc gia.
Dịch SARS-CoV-2 tưởng như là trở ngại cho bóng đá Việt Nam, khi khiến các trận đấu bị lùi lại 2 tháng, thì bất ngờ lại đem tới "thiên thời" cho Cup Quốc gia. Do bị thiếu bóng đá lâu ngày, các CLB không còn coi giải đấu là nơi thử nghiệm tài năng trẻ hay đá cho xong nữa. Trái lại, từ ĐKVĐ Hà Nội tới những đội hạng Nhất đều tung đội hình mạnh nhất, với mục tiêu giành quyền đi tiếp.
Nếu ai đó còn nghi ngờ tính hấp dẫn của giải đấu này, có thể xem lại trận đấu giữa TPHCM và Đà Nẵng. Ở đó, á quân V-League đã chuẩn bị đầy đủ mọi kịch bản để giải quyết trận đấu, bao gồm cả việc tung thủ thành dự bị Bùi Tiến Dũng vào sân để bắt luân lưu. Kết quả, người hùng Thường Châu chơi cực kỳ nổi bật, cản thành công hai quả 11m giúp đội bóng thành phố mang tên Bác đi tiếp.
Yếu tố "địa lợi" cũng góp phần vào thành công chung của Cup Quốc gia sau hai vòng đầu tiên. Ngay từ trận mở màn trên sân Thiên Trường, giải đấu này đã làm nức lòng giới chuyên môn khi đón hơn 10.000 khán giả. Tiếp đó, những sân đấu được chọn làm địa điểm tổ chức như Bà Rịa Vũng Tàu, Quảng Ninh, Nghệ An... cũng ghi nhận số lượng khán giả cao chưa từng có trong lịch sử giải đấu. Những địa phương này đều là nơi hâm mộ bóng đá có tiếng, và việc khán giả đón nhận giải đấu, sau 2 tháng đói bóng đá, cũng là điều không ngạc nhiên.
Thực tế, Cup Quốc gia từ lâu bị xem là trở ngại với nhiều CLB bởi thể lực cầu thủ Việt Nam chỉ đủ để chơi khoảng 25 đến 30 trận mỗi mùa, con số đúng bằng số vòng đấu ở V-League. Nếu phải đá thêm Cup Quốc gia, cầu thủ rất dễ kiệt sức, sau khi phải đá với cường độ một tuần hai trận liên tục trong một, hai tháng cuối mùa. Ngoài ra, nếu vô địch hoặc vào chung kết, các đội còn phải đại diện Việt Nam dự AFC Cup. Họ phải tốn kinh phí di chuyển qua lại cũng như lo nơi ăn chốn ở khi ra nước ngoài.
Nhưng giờ, khi khát khao được chơi bóng chiếm ngôi số một, những câu chuyện ấy dường như được gạt qua một bên. Tất cả đều vào sân chơi hết mình, với quyết tâm giành chiến thắng. Bên cạnh đó, sự chênh lệch giữa các đội cũng được cào bớt, bởi quy định cấm sử dụng cầu thủ ngoại, nếu có một đội tham dự thuộc giải hạng Nhất. Chính bởi yếu tố mang tính "nhân hòa" này mà Bà Rịa Vũng Tàu gây nên bất ngờ, khi lần lượt tiễn Sài Gòn và SLNA rời giải.
Cùng với sự xuất hiện của Bà Rịa Vũng Tàu và Hà Tĩnh ở vòng tứ kết, điều đáng mừng nhất của Cup Quốc gia qua hai lượt trận, là những phát hiện mới. Bùi Tiến Dũng bắt 11m hay như thể anh chưa từng có một năm ngồi mòn ghế dự bị tại Hà Nội. Những cựu tuyển thủ quốc gia như Hải Anh, Ngọc Mạnh, Hoàng Quảng kết hợp những nhân tố trẻ như Minh Bình, Nguyễn Lam giúp Bà Rịa Vũng Tàu chơi chặt chẽ một cách đáng ngạc nhiên trước hai đối thủ V-League. Nhìn đội bóng này thi đấu, hẳn nhiều người sẽ phải gật gù khi thấy hình bóng của ĐTVN dưới thời Park Hang-seo: chặt chẽ, kỷ luật và sẵn sàng chớp thời cơ bất cứ lúc nào.
Ở những nền bóng đá phát triển, Cup Quốc gia luôn mang tới những bất ngờ thú vị khi những đội hạng dưới lọt sâu vào giải. Phải tới năm 2020, khi đại dịch SARS-CoV-2 tràn qua, CĐV Việt Nam mới có cảm giác về niềm vui này. Và cũng nhờ giải đấu từng bị ghẻ lạnh này, người hâm mộ cả nước mới biết Bà Rịa Vũng Tàu có một phòng thay đồ khang trang, hiện đại hệt như các CLB nước ngoài.
U19 Việt Nam có nguy cơ phải hủy chuyến đi Pháp vì Covid-19 Đội tuyển U19 Việt Nam đối mặt nguy cơ không thể tham dự giải giao hữu tại Pháp do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Theo kế hoạch, U19 Việt Nam có giải đấu giao hữu quan trọng tại Pháp vào tháng 6, trong quá trình chuẩn bị cho vòng chung kết U19 châu Á 2020. Tuy nhiên, kế hoạch này...