Những con đường trong mơ ở Hà Giang
Đến với Hà Giang, bạn sẽ được đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên kì vĩ, được trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc vùng cao và đặc biệt được tận mắt chứng kiến những cung đường say đắm lòng người.
Hà Giang là vùng đất địa đầu Tổ quốc, là một trong những tỉnh miền núi nghèo nhất Việt Nam. Nhưng bù lại, đây lại là tỉnh có tiềm năng du lịch lớn nhất, khi tạo hóa ban cho vùng đất này cấu tạo địa chất đặc biệt. Sở hữu Cao nguyên đá Đồng Văn – được Unesco công nhận là Công viên địa chất toàn cầu – trải rộng trên 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, hàng năm Hà Giang đón hàng vạn lượt khách trong nước và quốc tế đến thăm.
Núi non Hà Giang trùng điệp, mờ ảo trong sương.
Ngoài hệ thống núi đá tai mèo đặc trưng hùng vĩ của Cao nguyên đá, Hà Giang còn có những thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng khác thu hút du khách phải kể đến như: Núi đôi Quản Bạ, rừng thông Yên Minh, phố cổ Phó Bảng, phố cổ Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pí Lèng…Còn với những du khách thích tìm hiểu kĩ hơn về văn hóa bản địa, cuộc sống thường nhật của người dân tộc nơi này có thể ghé thăm Dinh Vua Mèo ở Sà Phìn, “Nhà Pao” ở thung lũng Sủng Là hoặc bản Lô Lô Chải dưới chân cột cờ Lũng Cú….
Mùa du lịch Hà Giang kéo dài xuyên suốt quanh năm. Bạn có thể đi bất cứ thời điểm nào, vì mỗi mùa Hà Giang lại mang một vẻ đẹp riêng biệt, một màu sắc không trộn lẫn. Lúc là điểm nhấn với chợ tình Khâu Vai, khi thì mùa hoa tam giác mạch trải dài những quả đồi. Rồi có thời điểm mùa vàng, lúa chín rực những con đường xuyên những thửa ruộng bậc thang kì vĩ nằm lưng chừng núi hay những khoảnh khắc “đá nở hoa” – hoa cải vàng, hoa đào, hoa mận rực rỡ trên những mái nhà trình tường, bờ rào đá người bản địa. Và đặc biệt những cung đường – những con đường xuyên thung lũng, những con đường “leo mây” cao vời vợi hay những đoạn đường đèo zic zắc – luôn là điểm nhấn sâu đậm với mỗi du khách.
Dốc Bắc Sum, điểm khởi đầu cho cao nguyên đá Đồng Văn.
Hành trình phổ biến để tham quan hết một vòng cao nguyên đá Đồng Văn:
- Từ thành phố Hà Giang đi theo quốc lộ 4C, vượt đèo Bắc Sum khoảng 45 km là đến thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ nơi có danh thắng nổi tiếng Núi đôi Cô Tiên
- Qua xã Cán Tỷ, chạy dọc sông Miện rồi vượt qua những cánh rừng thông bát ngát khoảng 56 km sẽ đến với huyện Yên Minh. Bắt đầu từ đây, con đường đi lên cao nguyên đá càng lúc càng hiểm trở và khó đi.
- Tiếp tục hành trình qua Phố Cáo, thị trấn cổ Phó Bảng rồi xuôi xuống thung lũng Sủng Là, Sà Phìn. Tại đây có hai đường để đi, một dẫn lên cột cờ Lũng Cú nơi cực Bắc Tổ quốc, một dẫn về thị trấn Đồng Văn.
- Từ Đồng Văn vượt đèo Mã Pì Lèng là đến với huyện Mèo Vạc. Tại Mèo Vạc có thể lựa chọn 2 hành trình để đi về lại thành phố Hà Giang: một là theo đường rẽ về Yên Minh, một đi Niêm Sơn vòng qua Bảo Lạc của tỉnh Cao Bằng để vòng về huyện Bắc Mê của Hà Giang.
Video đang HOT
Con đường từ Quản Bạ đi Yên Minh, với một bên là dòng sông Miện nước xanh như ngọc.
Thung lũng Sủng Là, nơi có “ngôi nhà Hà Giang – nhà của Pao”, một trọng điểm du lịch của tỉnh.
Đường đi Đồng Văn, huyện lớn nhất và sầm uất nhất của cao nguyên đá cùng tên.
Một khúc quanh dẫn lên Lũng Cú, cực Bắc của Tổ quốc.
Đường lên Lũng Táo, nơi tháng 10-11 hàng năm là bạt ngàn những quả đồi hoa tam giác mạch, loài hoa đặc trưng của cao nguyên đá.
Con đường từ thị trấn Đồng Văn lên trên đèo Mã Pí Lèng để sang huyện Mèo Vạc. Đây cũng là con đèo nổi tiếng nhất trong tứ đại đỉnh đèo với tên gọi khác: Đường Hạnh Phúc.
Vẻ đẹp của đèo Mã Pí Lèng: Hùng vĩ!!!
Con đường Hạnh Phúc.
Đường đi Xín Cái, hướng ra cửa khẩu Săm Pun và chân dòng sông Nho Quế.
Góc nhìn khác từ trên đèo Mã Pí Lèng xuống con đường uốn lượn như rắn đi cửa khẩu Săm Pun.
Theo VNE
Những câu chuyện huyền thoại quanh núi Đôi Quản Bạ
Du khách khi đến với Hà Giang thường dừng lại trên đường vào thị trấn Quản Bạ, ngắm nhìn tòa thiên nhiên căng tròn phía xa với ánh mắt trầm trồ.
Con đường quốc lộ 4C bắt đầu hẹp dần từ Hà Giang, sau 40 km chạy xuyên qua những cánh đồng, dọc theo sông và vượt dốc Khi đến khúc ngoặt đầu tiên rẽ vào Tam Sơn (Quản Bạ), du khách ai nấy đều dừng lại vì khung cảnh thiên nhiên phía trước mặt.
Dưới thung lũng xa xa, nơi có thị trấn Tam Sơn sầm uất nhất Hà Giang, những cánh đồng lúa xanh rì gợn sóng. Nổi bật giữa núi đồi núi Đôi mang dáng hình cặp nhũ hoa quyến rũ và cân đối. Mỗi mùa qua đi, núi Đôi lại được khoác một màu sắc khác nhau. Hè sang lúa xanh rì, thu tới vàng ươm màu mật ngọt, đông về nâu sắc và xuân tới hồng màu đất. Đôi gò bồng đảo tự nhiên tràn đầy nhựa sống này còn có có tên là núi Cô Tiên.
Tòa thiên nhiên cân đối của mảnh đất Hà Giang.
Núi Đôi gắn với nhiều câu chuyện truyền thuyết được đồng bào các dân tộc nơi đây lưu truyền từ đời này sang đời khác. Truyện kể rằng xưa kia, ở vùng đất này có một chàng trai người H'mông tuấn tú, có tài thổi đàn môi. Tiếng đàn môi của chàng réo rắt đã níu giữ trái tim của một nàng tiên trên thượng giới tên là Hoa Đào. Phải lòng chàng nên nàng tìm cách ở lại vùng đất này. Họ nên vợ nên chồng và sinh được một bé trai kháu khỉnh.
Ngọc Hoàng phát hiện ra chuyện Hoa Đào bỏ trốn xuống trần gian đã vô cùng giận dữ, sai người đi bắt nàng về. Thương chồng một mình nuôi con vất vả, thương con thơ thiếu bầu sữa mẹ, nàng đã bỏ lại đôi nhũ hoa của mình dưới hạ giới cho con bú. Đôi nhũ căng tròn nuôi con nàng ngày càng khôn lớn, sau này đã biến thành hai quả núi dáng hình như bầu vú mẹ.
Hai quả núi đó được gọi là Núi Đôi hay núi Cô Tiên. Nhờ dòng sữa của nàng, vùng đất này có khí hậu vô cùng mát mẻ, hoa quả thơm ngon, rau trái xanh tươi, lúa ngô tươi tốt. Nước mắt khóc thương chồng con của nàng đã biến thành dòng sông Miện xanh ngắt, mơ màng trôi trên biển đá tai mèo, ôm lấy cả rẻo đất phía sau cổng trời huyền thoại.
Tam Sơn là thị trấn sầm uất nhất của mảnh đất cao nguyên đá.
Một câu chuyện khác kể về một chàng trai khổng lồ đem lòng yêu người con gái xinh đẹp nơi đây. Mặc dù ở tận nơi xa, nhưng chàng trai luôn vượt non cao, suối sâu để đến với người yêu. Gia đình người con gái thách rằng, nếu chàng trai ngăn được sông Đông Hà chảy ngược vào thung lũng nơi gia đình cô gái ở (ngày nay là thị trấn Tam Sơn) thì gia đình sẽ chấp nhận chàng làm con rể.
Chàng khổng lồ ngày đêm gánh những quả núi về để đắp dòng chảy ngăn sông Đông Hà về thung lũng. Vào một ngày, đang miệt mài gánh đất để ngăn sông, chàng trai nhận được tin mẹ mất. Quá đột ngột và đau khổ, quang gánh của chàng khổng lồ va vào dãy núi cao bị gãy, vội vã chàng chạy về quê chịu tang mẹ. Người con gái chung thủy đã mỏi mòn chờ đợi người yêu, ngả lưng nơi gần chiếc đòn gánh của người yêu. Chờ đợi quá lâu đến nỗi nàng đã hóa thân thành núi để mãi mãi đợi chờ người yêu.
Đòn gánh của chàng khổng lồ bị gãy hóa thành dãy núi đòn gánh ông khổng lồ, tiếng địa phương gọi là dãy núi "Phia Pới". Bước chân chạy vội vã của chàng khổng lồ tạo thành 9 cái hồ nước sâu ở các làng là: Sum Pưn, Thâm Rí, Thâm Lâu, Thâm Nán, Thâm Nậm Đăm, Thâm Lùng Pết... Còn người con gái hóa thân thành núi chờ đợi người yêu, ngày nay vẫn còn đó Núi Đôi, hiện thân bộ ngực căng tròn của người con gái.
Núi đôi giờ được làm biển tên.
Dù là câu chuyện tình yêu nào, cuối cùng trên mảnh đất Quản Bạ vẫn vẹn nguyên cặp núi Đôi, là thắng cảnh vào đất Hà Giang, mảnh đất cao nguyên đá nơi địa đầu Tổ quốc.
Theo VNE
Những cung đường như trường đua F1 của Hà Giang Bạn sẽ khó thể quên những cung đường đầy thử thách đẹp đến mê hoặc lòng người này. Nếu từng có dịp đến Hà Giang, hẳn bạn sẽ khó thể quên những cung đường đầy thử thách đẹp đến mê hoặc lòng người này. Hà Giang là một địa danh khiến rất nhiều dân đi bụi cảm thấy trầm trồ, không chỉ với...