Những cỗ xe tăng trường tồn qua 6 thập kỷ của Liên Xô
Ra đời hơn 60 năm trước, những cỗ xe tăng T-54 và T55 đơn giản, dễ bảo dưỡng và nâng cấp vẫn hứa hẹn là những chiến xa lợi hại trong nhiều thập kỷ tới.
Gần đây, phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và quân nổi dậy tại Trung Đông thường sử dụng xe tăng T-55 thu được từ quân đội Iraq và Syria để thực hiện các cuộc tấn công. Đối với những tay súng này, cỗ xe tăng Liên Xô từ 60 năm trước tỏ ra hữu ích hơn nhiều so với các mẫu chiến xa hiện đại như tăng M1-Abrams của Mỹ.
Thực tế này cho thấy ở bất cứ thời kỳ nào, xe tăng không nhất thiết phải quá phức tạp. Một mẫu tăng giá rẻ, thiết kế đơn giản nhưng uy lực vẫn là thứ vũ khí hiệu quả trong thế kỷ 21, theo WarIsboring.
Xe tăng T-54 của Nga. Ảnh: Wikipedia
Cuối Thế chiến 2, kho tăng Liên Xô chủ yếu là các xe tăng hạng trung T-34/85 và hạng nặng như IS-2 và IS-3. Tuy nhiên, sau khi chiến tranh kết thúc, hệ thống bánh xích treo và pháo 85 mm trên T-34 bị coi là lỗi thời, trong khi dòng tăng IS dùng pháo cỡ lớn 122 mm lại tiêu tốn rất nhiều thuốc phóng và đạn được.
Nhằm đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới, các nhà thiết kế Liên Xô đã cho ra đời mẫu xe tăng T-54 và phiên bản cải tiến T-55 trang bị pháo 100 mm, đến nay vẫn là dòng tăng phổ biến nhất trên thế giới.
T-54A là dòng xe tăng đầu tiên có bộ ổn định dọc theo tháp pháo chính. Biến thể T-54B được cải tiến sâu hơn khi có cả bộ ổn định dọc và ngang pháo chính.
Tháp pháo của T-54 chỉ cao 2,39 m, giúp nó nhỏ gọn và khó bị bắn trúng hơn so với tăng M-48 Patton Mỹ khi đó. Thiết kế kiểu vòm cong của tháp pháo này cũng giúp làm chệch hướng viên đạn đang bay tới.
Dù vậy, T-54 cũng bộc lộ điểm yếu là chỉ có thể khai hỏa được bốn phát mỗi phút, bằng tốc độ bắn của một kíp tăng phương Tây trong 15 giây. Lúc này, Liên Xô cũng bắt đầu phát triển mẫu tăng cải tiến T-55.
Video đang HOT
Nhìn bề ngoài, rất khó phân biệt T-55 so với các tăng T-54A và T-54B ngoại trừ việc quạt thông gió hình nấm trên nóc tháp pháo T-54 đã được chuyển lên phía trước ở T-55.
Phần lớn những cải tiến của xe tăng mới này được thực hiện ở bên trong. Hệ thống chống bức xạ PAZ của T-55 giúp bảo vệ kíp tăng khỏi bụi phóng xạ trong các vụ tấn công hạt nhân. Liên Xô còn bổ sung 9 cơ số đạn cho pháo chính của tăng.
Xe tăng T-55 của Nga. Ảnh: Wikipedia
Các kỹ sư đã thay thế súng máy SGM từ thời Thế chiến 2 cạnh pháo chính bằng súng PKT mới. Năm 1961, tăng nâng cấp T-55A có thêm hệ thống lọc không khí chống bức xạ giúp loại bỏ các chất độc hóa học và sinh học cũng như lắp thêm súng máy phân tán trên vỏ xe.
Các chuyên gia cho rằng doanh số bán xe tăng T-55 vẫn tăng liên tục và tồn tại đến ngày nay là nhờ thiết kế đơn giản và hiệu quả của nó. Ước tính, các nhà máy Liên Xô đã chế tạo 50.000 xe trong khi Ba Lan và Cộng hòa Séc cũng chế tạo hàng nghìn chiếc khác.
Các biến thể đặc biệt của tăng T-55 sau này được trang bị thêm con lăn dọn mìn, cầu, súng phun lửa và trục nâng cứu hộ. Liên Xô sử dụng bộ khung gầm tương tự để lắp pháo tự hành phòng không ZSU-57-2 và xe chở quân hạng nặng BTR-T mới.
Các phiên bản nâng cấp của tăng T-55 có thể khai hỏa các tên lửa 9M117 Bastion dẫn đường bằng laser tầm xa bên cạnh đạn pháo diệt tăng thông thường giúp chúng tăng tầm bắn và khả năng xuyên phá.
Dù còn những điểm hạn chế trong tác chiếc, những chiếc tăng T-54 và T-55 vẫn còn được sử dụng phổ biến trong nhiều thập kỷ nữa bởi mẫu thiết kế linh hoạt, dễ nâng cấp và nhu cầu trên thị trường vẫn rất lớn, các chuyên gia của WarIsBoring nhận định.
Duy Sơn
Theo VNE
Cuộc đối đấu xe tăng Mỹ - Xô suýt đẩy thế giới vào thảm họa
Cuộc đối đầu giữa lực lượng xe tăng Mỹ Liên Xô tại trạm kiểm soát Charlie cách đây 55 năm đã đẩy thế giới đến sát bờ vực của Thế chiến 3.
Trạm kiểm soát Charlie, Berlin, tháng 10/1961. Ảnh: AP
Trong suốt 16 giờ từ ngày 27 đến 28/10/1961, các xe tăng Mỹ và Liên Xô đã dàn trận tại trạm kiểm soát Charlie của quân đội Mỹ ở thành phố Berlin, Đức khiến hai siêu cường tiến gần tới nguy chiến tranh gần hơn bất kỳ cuộc đối đầu nào thời Chiến tranh Lạnh, ngoại trừ cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba một năm sau đó, theo Guardian.
Sau Thế chiến 2, nước Đức bị chia tách thành Đông Đức và Tây Đức, lấy thành phố Berlin làm khu vực phân định vùng ảnh hưởng giữa Liên Xô và phương Tây. Tuy nhiên, do tồn tại nhiều bất đồng nên tình trạng khủng hoảng và đối đầu giữa hai bên thường xuyên xảy ra.
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm vào năm 1958, khi Liên Xô quyết định đóng cửa đường phân định giữa hai vùng để ngăn chặn làn sóng di cư ồ ạt từ Đông Đức sang Tây Đức. Động thái này đã gây mâu thuẫn nghiêm trọng giữa hai cường quốc.
Ngay sau khi bức tường Berlin được dựng lên, căng thẳng giữa quân đội Mỹ và Liên Xô tại trạm kiểm soát Charlie đã dẫn đến một tình huống được cho là căng thẳng nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh ở châu Âu.
Xe tăng M-48A1 Mỹ ở Berlin. Ảnh: Army.mil
Tháng 10/1961, biên phòng Đông Đức bắt đầu từ chối cho phép các nhà ngoại giao Mỹ đi vào Đông Đức theo thỏa thuận với Nga.
Ngày 22/10, E Allan Lightner Jr, nhà ngoại giao cấp cao Mỹ ở Tây Berlin bị lính canh Đông Đức chặn đường yêu cầu kiểm tra hộ chiếu khi đang đến nhà hát opera ở Đông Đức và bị buộc phải quay trở lại.
Ngày 26/10, không chịu khuất phục dễ dàng và muốn chứng tỏ quyết tâm duy trì quyền tiếp cận Đông Đức của Mỹ và Đồng minh, Washington đã điều 10 xe tăng M-48A1 và ba xe thiết giáp chở quân đến trạm kiểm soát Charlie, nơi thường chỉ có quân cảnh Mỹ canh gác.
Các cỗ chiến xa này dừng cách khu vực biên giới Đông Đức/Tây Đức khoảng 75 m và nổ máy inh ỏi tạo thành cột khói đen trên không trung.
Đối phó với động thái được cho là khiêu khích này, Liên Xô lập tức điều hàng chục xe tăng T-55 đến gần trạm kiểm soát Charlie, đối đấu với xe tăng Mỹ. Xe tăng hai bên chĩa pháo vào nhau và thi gan trong suốt 16 giờ căng thẳng.
Cùng thời gian này, các nhân viên quân sự và ngoại giao Mỹ dưới sự hộ tống của quân cảnh tiếp tục băng qua trạm kiểm soát, thực hiện quyền đi lại vào lãnh thổ Đông Đức. Tình hình lúc đó được đánh giá đặc biệt nghiêm trọng, bởi Chiến tranh Thế giới lần thứ ba sẽ bùng nổ nếu một bên có các động thái tiếp tục leo thang căng thẳng.
Tuy nhiên, Washington đã ra chỉ thị nhắc nhở lãnh đạo quân đội Mỹ rằng Berlin không phải là một "lợi ích sống còn" đến mức liều lĩnh gây chiến với Moscow. Sau đó, Tổng thống Kenedy chấp thuận mở một kênh liên lạc bí mật để thuyết phục lãnh đạo Liên Xô rút xe tăng về và đảm bảo Mỹ cũng tuân thủ rút quân theo quy định.
Sáng 28/10, các xe tăng Liên Xô rút lui trước và ngay sau đó Mỹ cũng rút quân. Cuộc đối đầu tại trạm kiểm soát Charlie kết thúc.
Kể từ đó, các quan chức ngoại giao phương Tây và nhân viên quân sự được quyền tự do đi lại để đến nhà hát opera ở Đông Berlin trong khi các nhà ngoại giao Liên Xô cũng có quyền tương tự ở Tây Berlin.
Duy Sơn
Theo VNE
Iraq giành căn cứ lớn từ IS, tiến đến giải phóng Mosul Thủ tướng Iraq tuyên bố quân đội chính phủ đã giành được căn cứ không quân quan trọng ở phía bắc, một bước đi quan trọng để đẩy phiến quân ra khỏi Mosul. Quân đội Iraq giành thêm chiến thắng quan trọng trên đường giải phóng Mosul. Ảnh minh họa: Reuters Ông Haider al-Abadi hôm nay cho biết chiến thắng tại căn cứ...