Những cố vấn thân tín của ông Tập Cận Bình
Những người được coi là thân tín của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thường giữ khoảng cách và hiếm khi tham gia các cuộc trò chuyện bên lề với quan chức phương Tây.
Ông Vương Hồ Ninh và ông Lật Chiến Thư (thứ ba và 4 từ phải sang) là hai cố vấn tháp tùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ. Ảnh: New York Times
Trở về sau chuyến công tác Mỹ 6 tháng hồi năm 1988, ông Vương Hồ Ninh, cố vấn chính sách cho chủ tịch Trung Quốc, mang theo một tập hồ sơ với 400 trang ghi nhớ.
“Người Mỹ quan tâm tới sức mạnh”, ông viết lại sau khi xem một trận bóng bầu dục tại Học viện Hải quân Mỹ. “Điều này thể hiện tinh thần của người Mỹ. Đó là mong muốn đạt mục tiêu trong thời gian ngắn nhất bằng quyền lực. Người Mỹ duy trì tinh thần này trên mọi lĩnh vực, từ quân sự, chính trị đến kinh tế và hơn thế nữa”.
Theo New York Times, trong chuyến công du Mỹ tuần này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Vương, 59 tuổi, cán bộ cấp cao thuộc Bộ Chính trị, là thành viên thuộc nhóm chuyên gia tháp tùng nhà lãnh đạo Trung Quốc. Từng làm cố vấn cho hai người tiền nhiệm của Chủ tịch Tập, đồng thời có kiến thức chuyên sâu về xã hội Mỹ, ông Vương quen với nhiều học giả và quan chức Mỹ.
Nhưng những người biết Vương gần đây cho hay, ông hiện giữ khoảng cách và hiếm khi nhận lời mời giao lưu. Một số quan chức Mỹ cũng nói khó mà có thể trò chuyện với ông bên lề các cuộc hội thảo quốc tế.
Giữ khoảng cách
Theo giới quan sát, không chỉ ông Vương mà cả các cố vấn khác đi theo ông Tập đến Mỹ lần này cũng thể hiện thái độ lạnh lùng tương tự, trong đó có ông Lật Chiến Thư, Chánh văn phòng Trung ương đảng, và Lưu Hạc, chuyên gia tư vấn kinh tế hàng đầu của ông Tập.
Vấn đề này được xem như thách thức lớn đối với Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác có quan hệ với Trung Quốc. Các nhà phân tích nhận định, về mặt nào đó, chính quyền ông Tập là bộ máy bí ẩn nhất ở Trung Quốc suốt 66 năm qua.
Trước đây, quan chức nước ngoài thường dễ dàng nói chuyện với những cán bộ cấp cao hay trợ lý thân cận của các lãnh đạo Trung Quốc để truyền tải thông điệp. Ví dụ điển hình nhất là ông Chu Ân Lai, thủ tướng Trung Quốc dưới thời cố chủ tịch Mao Trạch Đông. Ông là người bí mật đàm phán với nhà ngoại giao Henry A. Kissinger của Mỹ nhằm thúc đẩy việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Washington.
Song, dưới thời ông Tập, những kênh liên lạc như vậy không tồn tại.
“Một trong những vấn đề của mối quan hệ Mỹ – Trung hiện nay là chúng ta cơ bản không hiểu gì về họ”, David M. Lampton, chủ nhiệm khoa nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học John Hopkins, đánh giá. “Tôi không nghĩ chúng ta biết ai là người dưới quyền, có khả năng đại diện cho ông Tập Cận Bình”.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng ông Tập còn có xu hướng duy trì khoảng cách lớn hơn với đối tác và cố vấn, đặc biệt là những nhà kỹ trị trong bộ máy nhà nước, nếu so sánh với các lãnh đạo Trung Quốc khác. Ông dường như thường chỉ tin tưởng vào kiến thức cũng như linh cảm của chính mình mỗi khi đưa ra quyết định.
“Chúng ta đang nhìn thấy nhiều thứ mới mẻ ở ông Tập”, John Delury, tác giả cuốn sách “Tiền tài và Quyền lực” viết về lịch sử Trung Quốc hiện đại, bình luận. “Chưa bao giờ có một khoảng cách lớn như thế giữa người lãnh đạo và các quan chức dưới quyền”.
Bonnie S.Glaser, chuyên gia về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), chia sẻ bà cảm thấy vô cùng bất ngờ trước việc các quan chức Mỹ nói chuyện với đối tác Trung Quốc nhưng “không thể thực sự chắc chắn thông điệp sẽ được chuyển tới ông Tập Cận Bình”.
Dù vậy, ông Tập vẫn sở hữu khoảng 22 nhóm nhỏ luôn sẵn sàng hỗ trợ mình. Họ là những hội đồng chính sách với nhiệm vụ xem xét mọi vấn đề từ kinh tế tới an ninh mạng. Chủ tịch Tập còn thành lập một Ủy ban An ninh Quốc gia, nhóm bí mật có chức năng phối hợp chính sách an ninh để bảo vệ đảng trước mọi mối đe dọa từ cả bên trong và bên ngoài.
Thân tín
Video đang HOT
Vương Kỳ Sơn, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc. Ảnh:Bloomberg
Một số chính trị gia Trung Quốc khẳng định ông Tập vẫn có những thân tín của riêng mình. Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc Vương Kỳ Sơn là một người như vậy. Ông là một trong 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, hiện giữ trọng trách chỉ huy chiến dịch chống tham nhũng quy mô “đả hổ diệt ruồi” do ông Tập khởi xướng.
Ông Lưu Hạc, 63 tuổi, nhà kinh tế có bằng thạc sĩ từ Đại học Seton Hall và Harvard, cũng là người mà ông Tập thường tìm kiếm tư vấn, New York Times dẫn một nguồn tin nội bộ ở Bắc Kinh cho biết. Lưu đứng đầu nhóm chuyên trách các vấn đề tài chính – kinh tế của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Lật Chiến Thư, 65 tuổi, Chánh Văn phòng Trung ương đảng, dường như là người thân cận hơn cả. Từ năm 1983 đến 1985, ông Lật là bí thư huyện ủy huyện Vô Cực, tỉnh Hà Bắc, trong khi ông Tập khi đó làm bí thư huyện ủy Chính Định, một huyện “hàng xóm” với ông Lật.
Với tư cách Chánh Văn phòng Trung ương đảng, ông Lật phụ trách mọi vấn đề liên quan đến ông Tập. Ông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đường lối chính sách và ngoại giao. Hồi tháng ba, ông được cử tới Moscow để gặp Tổng thống Vladimir Putin nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Tập tới Nga hai tháng sau đó. Nhiệm vụ này dưới thời các chủ tịch Trung Quốc khác thường thuộc về Ủy viên Quốc vụ.
Hai người “rất coi trọng nhau” và “thường cùng uống rượu”, một nguồn tin am hiểu vấn đề cho hay.
Ông Tập cũng thường xuyên được nhận hỗ trợ từ những người thân cận là thành viên trong gia đình hoặc con cháu, họ hàng của các lãnh đạo đảng trước đây. Trong số này có tướng Lưu Nguyên, 64 tuổi, Chính ủy Tổng cục Hậu cần Quân đội Trung Quốc, con trai cố chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ.
Lưu Nguyên là người góp phần thúc đẩy cuộc truy quét tham nhũng trong quân đội được Chủ tịch Tập khởi xướng. Lưu bắt đầu sự nghiệp từ một quan chức dân sự ở Hà Nam sau đó vươn lên trở thành phó chủ tịch tỉnh trước khi chuyển sang hoạt động trong ngành quân đội với hàm thiếu tướng.
Ông Lưu luôn chỉ trích mạnh mẽ nạn tham nhũng trong quân đội. Ông cũng là quan chức quân đội đầu tiên dám thách thức quyền lực của tướng Cốc Tuấn Sơn, cựu phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân đội Nhân dân Trung Quốc, và tướng Từ Tài Hậu, cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Đây là hai “hổ lớn” bị vây bắt trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập.
“Ông Lưu có vai trò rất quan trọng”, Christopher K. Johnson, chuyên gia về Trung Quốc thuộc CSIS, nhận xét. “Ông ấy duy trì một quan điểm mạnh mẽ với Mỹ, không quá thân thiện.”
Lưu Nguyên, Chính ủy Tổng cục Hậu cần Quân đội Trung Quốc. Ảnh: CFP
Vũ Hoàng
Theo VNE
Ai là người cùng Chủ tịch Tập Cận Bình điều hành kinh tế Trung Quốc?
Sát cánh cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc điều hành nền kinh tế là 6 quan chức ưu tú. Họ là những thành viên nội các quan trọng, cùng lãnh đạo Trung Quốc ra các quyết sách về cải cách và tăng trưởng cho nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters
Tất cả lãnh đạo Trung Quốc trước đây đều giao phó những khoản nhỏ nhặt trong chính sách kinh tế cho các quan chức dưới quyền. Song Chủ tịch đương nhiệm Tập Cận Bình lại không làm như thế.
Kể từ khi nhận chức Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11.2012, Chủ tịch Tập Cận Bình trực tiếp nắm quyền điều hành cả chính sách tài chính ngắn hạn và kế hoạch kinh tế dài hạn. Ông Tập thực hiện điều này cùng với hai "nhóm lãnh đạo" bí mật: một nhóm cải cách kinh tế do chính ông chọn lọc và một ủy ban tài chính khác mà gần đây là do các quan chức dưới quyền ông dẫn đầu.
Dưới đây là 6 quan chức sát cánh cùng các quyết sách về cải cách và tăng trưởng kinh tế của Chủ tịch Tập, theo Bloomberg. Hiện không ai rõ có bao nhiêu phần trong chương trình nghị sự kinh tế của Trung Quốc là do ông Tập quyết định, và bao nhiêu nội dung là thuộc quyền kiểm soát của những nhân vật này.
Thủ tướng Lý Khắc Cường
Ảnh: Reuters
Ông Lý Khắc Cường, 60 tuổi, là nhân vật đứng thứ nhì trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc. Với tấm bằng tiến sĩ kinh tế, ông Lý từng được cho là được định sẵn để trở thành vị kiến trúc sư cho nền kinh tế Đại lục.
Song theo Bloomberg, hiện không rõ về vai trò của ông Lý và quyền hạn của ông đằng sau các quyết sách kinh tế của Đại lục. Ngoài ra, cũng không ai biết cụ thể về khoảng cách giữa tầm nhìn của Chủ tịch Tập và Thủ tướng Lý. Song với tư cách là người đứng đầu Quốc vụ viện, ông vẫn là người ủng hộ công khai chính cho các thay đổi trong chính sách của chính phủ.
Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Kỳ Sơn
Ảnh: Bloomberg
Bí thư Vương Kỳ Sơn của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc là nhân vật thứ nhì được nhắc đến.
Trong thời gian công tác tại Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, ông từng làm việc với ngân hàng Morgan Stanley để thành lập China International Capital, ngân hàng đầu tư đầu tiên của Đại lục, và xây dựng mối quan hệ với các lãnh đạo tài chính phương Tây.
Ông Vương năm nay 67 tuổi, là một trong những quan chức thân cận nhất với Chủ tịch Tập Cận Bình. Cả hai gặp nhau từ thời Cách mạng Văn hóa của cựu Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, khi vẫn còn là hai thanh niên được cử đến vùng quê để học cách sống ở nông thôn.
Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên
Ảnh: Bloomberg
Đứng đầu Ngân hàng trung ương Trung Quốc hay Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) là Thống đốc Chu Tiểu Xuyên, 67 tuổi.
Tương tự như khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tái bổ nhiệm ông Ben Bernanke làm Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ, Chủ tịch Tập ưu tiên sự ổn định trong quyết định lựa chọn nhân sự của mình và để ông Chu giữ chức Thống đốc PBOC dù ông đã qua độ tuổi nghỉ hưu.
Đảm nhiệm vị trí Thống đốc PBOC kể từ tháng 12.2002, ông Chu đã đi qua thời đoạn mà kinh tế Trung Quốc phát triển hơn gấp 5 lần. Đến nay, ông là nhân vật lão làng nhất trong vòng tròn quyết định chính sách kinh tế Trung Quốc. Ở vị trí này, ông đã và đang ủng hộ việc giảm bớt kiểm soát đồng nhân dân tệ, thả nổi lãi suất và thiết lập nền tảng để bản tệ nước nhà ghi tên vào rổ tiền dự trữ quốc tế.
Giám đốc Văn phòng Trung ương Lãnh đạo các Vấn đề Tài chính và Kinh tế Trung Quốc Lưu Hạc
Ảnh: Bloomberg
Lưu Hạc là nhà kinh tế hàng đầu của Trung Quốc. Từ lâu, ông đã là một trong những người ủng hộ việc cải cách kinh tế Trung Quốc theo hướng thị trường. Nhà kinh tế 63 tuổi, tốt nghiệp Đại học Harvard này được chọn làm người định hướng cho kế hoạch đại tu kinh tế đất nước.
Đầu năm nay, ông Lưu nhận chức Phó chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), có vai trò trung tâm trong các quyết định ngắn hạn và dài hạn về sự phát triển của Trung Quốc. Lưu Hạc là một trong số ít thành viên nội các đi cùng Chủ tịch Tập trong nhiều chuyến công du nước ngoài.
Bộ trưởng Tài chính Lâu Kế Vĩ
Ảnh: Bloomberg
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ, 64 tuổi, là quan chức đang ủng hộ kế hoạch về Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB). Khởi xướng AIIB là thành quả lớn nhất của Trung Quốc trong việc định hình lại các quy tắc tài chính toàn cầu.
Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc Từ Thiệu Sử
Ảnh: Bloomberg
Cũng như cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo, ông Từ Thiệu Sử từng được đào tạo để trở thành nhà địa chất. Song hiện nay, ông giữ chức Chủ nhiệm NDRC.
Quan chức 63 tuổi này là một trong những người có vai trò trung tâm trong việc quản lý nền kinh tế Trung Quốc. NDRC thì giữ vai trò nòng cốt trong việc hoạch định các chính sách từ nông nghiệp đến năng lượng.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Kinh tế Trung Quốc lộ điểm yếu ngay khi ông Tập đang phát biểu tại Mỹ Ngay khi ông Tập Cận Bình đang tuyên bố thị trường tài chính trong nước 'tự phục hồi' và khẳng định tăng trưởng kinh tế sẽ ổn định trở lại nhân ngày đầu tiên của chuyến công du Mỹ, đã có báo cáo cho thấy kinh tế Trung Quôc vẫn đang có vấn đề. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu...