Những cô nàng 8X mê dân ca
Ra đời vào thời điểm mô hình nhóm nhạc không còn thịnh hành như trước, nhưng họ – năm cô gái trẻ của dải đất miền Trung – vẫn quyết định ở lại cùng nhau để cho ra đời một ban nhạc với tên gọi: Bình Minh Việt.
Nhóm Bình Minh Việt với Lê Phương (ngồi) và Ngọc Diễm, Hằng Thùy, Nhật Quyên và Thanh Hường (từ trái qua)
Lê Phương – trưởng nhóm Bình Minh Việt – cho biết: “Thật ra lập nhóm đối với tôi và các bạn không đơn thuần chỉ để thỏa mãn niềm đam mê cá nhân mà còn là để có đất “dụng võ”, có sân chơi cho chính mình sau nhiều năm miệt mài với những nhạc cụ dân tộc”.
Từng theo học khoa nhạc cụ dân tộc của Nhạc viện TP HCM nên đối với các thành viên Bình Minh Việt, tiếng đàn tranh, đàn bầu, tiếng sáo, nhị, t’rưng đã thấm đẫm trong tâm hồn họ, đến mức: “Nếu không hát dân ca thì chúng tôi không biết mình sẽ hát được thể loại gì” – cả nhóm hóm hỉnh chia sẻ.
Bình Minh Việt gồm năm cô nàng 8X tuổi đời còn khá trẻ (người trẻ nhất sinh năm 1988) là Lê Phương (trưởng nhóm), Nhật Quyên, Hằng Thùy, Thanh Hường và Ngọc Diễm, mỗi người đều có một sở trường chơi nhạc khác nhau. Nhóm gây chú ý với người nghe không hẳn vì sự trẻ trung, tươi mới mà còn bởi nhiều lẽ.
Thứ nhất: xuất phát điểm của nhóm không phải từ hai thị trường sôi động của làng nhạc cả nước là Hà Nội và TP HCM mà lại là mảnh đất miền Trung có phần trầm lặng hơn trong âm nhạc. Khi được hỏi tại sao không Nam tiến hoặc Bắc tiến, các cô gái chỉ cười khiêm tốn: “Tụi mình muốn làm được một điều gì đó cho quê hương. Cả năm đứa đều là dân Nha Trang gốc nên đã quyết định lập nghiệp ở đây, dù biết như thế sẽ “chậm tiến” hơn mọi người”.
Nói đến mô hình nhóm ca, hát và biểu diễn nhạc cụ, người ta sẽ nghĩ ngay đến các nhóm đàn chị đi trước như Năm Dòng Kẻ, Mặt Trời đỏ, Mặt Trời Mới…, vậy mà những cô gái còn trong độ tuổi “ăn chơi là chính” này lại mạnh dạn chọn cho mình phong cách dân gian.
Giải thích cho việc tự “làm khó” này, trưởng nhóm Lê Phương bộc bạch chân thành: “Âm nhạc dân gian giống như một món ăn thường ngày mà ngay từ khi còn bé chúng ta đã được ăn, được nếm.
Người ta có thể chọn: một là tiếp tục ăn những món quen thuộc, hai là chế biến lại bằng cách thêm một chút tiêu, một chút ớt cho hương vị thêm nồng mà nguyên liệu chính vẫn là món ăn cũ ấy thôi. Những nhóm nhạc đi trước có cách thể hiện “món dân gian” ấy theo cách cảm của mình, chúng tôi cũng có cách thể hiện theo cảm nhận của chúng tôi: những người trẻ”.
iều đó quả thật không ngoa bởi chỉ sau hai tháng ra mắt, nhóm đã giành được giải bạc cho video của nhóm nhạc hay nhất tại Liên hoan truyền hình toàn quốc 2009. Giải thưởng nhỏ bé ấy là niềm động viên to lớn cho các cô gái trẻ tiếp tục theo đuổi ước mơ được mang nhạc dân ca đến với “tai” nghe nhạc vốn đang bão hòa của người trẻ.
Trò chuyện với Bình Minh Việt, điều dễ dàng nhận ra ở họ chính là niềm tin mạnh mẽ vào âm nhạc dân ca. Họ chẳng sợ bị chê là lỗi thời, càng không sợ bị gọi là những nhạc công biết hát khi quá chú trọng vào biểu diễn nhạc cụ dân tộc, bởi “hát dân ca mà không đi kèm với nhạc cụ dân tộc thì hình như có chút bứt rứt vì đã không phô được hết cái hay cái đẹp của dân gian”.
Bình Minh Việt chính thức ra mắt vào tháng 10/2009 với dàn “nhân sự” trẻ trung gồm: Lê Phương (trưởng nhóm) chơi đàn tranh, Nhật Quyên (giọng ca chính) chơi đàn bầu, Hằng Thùy chơi tì bà, Thanh Hường chơi t’rưng và Ngọc Diễm thổi sáo. Ca khúc thành công đã đưa nhóm đến với chiếc huy chương bạc trong liên hoan truyền hình toàn quốc vừa qua chính là Nắng có còn xuân – một ca khúc không mới nhưng đã được “lột xác” qua phần thể hiện đầy ngẫu hứng và sáng tạo của các cô gái 8X này.
Theo Tuổi Trẻ