Những cô gái M’Nông địu con nhỏ, miệt mài học nghề dệt thổ cẩm đến nửa đêm
Tận nửa đêm, nhiều cô gái dân tộc M’Nông, tuổi từ 18 – 30 vẫn tỉ mỉ, cần mẫn học cách dệt thổ cẩm theo cách truyền thống của người Tây nguyên.
Chúng tôi ghé thăm nhà bà H’Jang (54 tuổi, ngụ thôn Quảng Hợp, xã Quảng Sơn, H.Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) vào một ngày tháng 5 đầy nắng gió. Căn nhà gỗ mang đậm nét truyền thống Tây nguyên của H’Jang nay “biến” thành lớp học dệt thổ cẩm, tơ tằm cho hàng chục chị em phụ nữ dân tộc M’Nông.
Bà H’Jang chia sẻ, lớp học dệt này được Hợp tác xã (HTX) Danofarm (xã Quảng Sơn), phối hợp với Trung tâm dạy nghề H.Đắk Glong tổ chức.
H’Nga (28 tuổi) vừa địu con vừa học dệt truyền thống lúc nửa đêm
Điều đặc biệt là càng về khuya, càng có nhiều cô gái M’Nông đến lớp học dệt. Họ hầu hết mới đi làm rẫy về, tắm rửa cơm nước xong xuôi thì ghé ngay nhà H’Jang để học nghề truyền thống.
Nổi bật nhất là H’Nga (28 tuổi, ngụ xã Quảng Sơn) vừa học vừa… địu con nhỏ trên lưng. Nga nói mình là giáo viên mầm non và đã có 3 con. “Mình đi dạy về, cơm nước xong xuôi là ghé ngay để học dệt. Mình học để lưu giữ nghề truyền thống của cha ông ngày xưa”.
“Nga địu con trên lưng, lại học thứ nghề phải đòi hỏi cao sự tỉ mỉ, liệu có dễ dàng?” chúng tôi hỏi. Nga nói mình đã quen với những việc nhọc nhằn. Làm ruộng làm rẫy, dạy học, hay gồng gánh vài ba việc cùng lúc cũng không làm khó được cô gái M’Nông này.
H’Krông (giữa, 21 tuổi) và H’Quyên (18 tuổi) ban ngày đi làm thuê trên rẫy cà phê, tối đến lại ghé học dệt truyền thống tới đêm khuya
Ngồi cách H’Nga vài bước chân là H’Krông (21 tuổi). Krông nghỉ học sớm nên mấy năm nay đã gắn bó với nương rẫy. Đôi tay Krông chai sần, da đen nhẻm vì mỗi ngày phải làm bạn với nắng gió, leo đồi tỉa cành cà phê.
Video đang HOT
Cô bé dân tộc M’Nông theo chân mẹ là H’Nga (28 tuổi) đến lớp học dệt truyền thống
Cô gái phối hợp nhịp nhàng với Krông là H’Quyên. Quyên năm nay chỉ mới 18 tuổi nhưng đã là trụ cột trong gia đình. “Mẹ em bệnh nên em nghỉ học từ sớm. Ban ngày em đi làm rẫy thuê, ban đêm thì ghé nhà bà H’Jang học dệt. Em mong sao có thể lưu giữ truyền thống của dân tộc M’Nông, và kiếm thêm thu nhập từ nghề dệt nếu thạo nghề”, Quyên chia sẻ.
Việc dệt thổ cẩm đòi hỏi sự tỉ mỉ rất cao
Nhiều chị em phụ nữ tranh thủ thời gian rảnh ban đêm để học nghề dệt
Mọi thứ đều làm thủ công nên đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận rất cao
Những đôi chân ban ngày in dấu trên rẫy cà phê, hồ tiêu, đêm đến lại in dấu trên khung dệt
Bà H’Jang (54 tuổi) cũng không ‘chịu thua’ lớp trẻ, bà cũng cần mẫn học dệt đến đêm khuya
Một sản phẩm dệt truyền thống từ các cô gái M’Nông
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Tạ Thị Liên, Giám đốc HTX Danofarm (xã Quảng Sơn, H.Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) cho biết, cuối tháng 3 vừa qua, HTX đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề H.Đắk Glong mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, tơ tằm cho các thành viên trong HTX.
Theo bà Liên, đơn vị chỉ mới tổ chức 2 lớp dạy, nhưng đã có 55 thành viên, là đồng bào các dân tộc M’Nông, Tày, H’Mông sinh sống trên địa bàn xã Quảng Sơn cùng tham gia. Bà con ai nấy hăng say học dệt. Mới sáng sớm đã bắt đầu, và kết thúc có khi đến tận đêm khuya.
Cần giải pháp đồng bộ phát triển nghề làm nước mắm Phú Quốc
Ở tỉnh Kiên Giang, nghề sản xuất nước mắm trên đảo Phú Quốc là nghề cha truyền con nối, phát triển hơn 200 năm và trở thành nghề truyền thống chủ lực của đảo ngọc Phú Quốc.
Tuy vậy, nghề truyền thống này đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và cần những giải pháp đồng bộ để phát triển bền vững trong thời gian tới.
Cơ sở sản xuất nước mắm Hồng Đại tại thị trấn Dương Đông, Phú Quốc, Kiên Giang. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Nhiều khó khăn, thách thức
Phú Quốc hiện còn khoảng 60 nhà thùng (cơ sở sản xuất nước mắm), giảm khoảng 40% so với thời điểm 2011 - 2012, năng lực sản xuất hàng năm 18 - 20 triệu lít/năm, phần lớn sản lượng nước mắm bán thô cho các nhà sản xuất thành phẩm đóng chai ở TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Rạch Giá..., chỉ có khoảng 20 nhà thùng đóng chai tại Phú Quốc và mỗi nhà thùng lấy tên thương hiệu riêng. Tiếp đến, Phú Quốc hiện có 7 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu nước mắm sang thị trường châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản..., số còn lại đủ điều kiện an toàn thực phẩm tiêu thụ trong nước, xuất khẩu ủy thác hoặc qua nhà phân phối.
Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc cho biết, năm 2012, nước mắm Phú Quốc được cấp quy chế bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Liên minh châu Âu và cũng là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được Châu Âu công nhận chỉ dẫn địa lý. Điều này đã giúp cho nước mắm Phú Quốc vươn xa. Tuy nhiên, việc quản lý cho sản phẩm chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc còn quá nhiều những bất cập. Cụ thể là tên Phú Quốc trong việc ghi nhãn hàng hóa còn nhiều chồng lấn giữa nước mắm có chỉ dẫn địa lý và nước mắm không chỉ dẫn địa lý của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, chưa được các ngành chức năng hiểu rõ về sản phẩm có chỉ dẫn địa lý và chưa được bảo vệ nghiêm ngặt.
Tiếp đến, khó khăn và thách thức đối với nước mắm Phú Quốc hiện nay là chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các loại nước mắm truyền thống ở những vùng miền khác và nước mắm pha chế, nước mắm công nghiệp với giá thành rẻ hơn. Hiện nay, nước mắm Phú Quốc tiêu thụ chậm trên thị trường, không ổn định. Nhiều khách hàng không phân biệt được nước mắm truyền thống và nước chấm, nước mắm công nghiệp khi chọn mua sử dụng.
Mặt khác, điều bất lợi đối với nước mắm Phú Quốc những năm qua cũng như hiện nay là sản lượng cá cơm nguyên liệu sản xuất nước mắm giảm đáng kể do suy kiệt nguồn lợi thủy sản này vì khai thác quá mức. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, khoảng 10 năm trở lại đây, nguồn nguyên liệu cá cơm không đáp ứng cho sản xuất nước mắm, nhiều nhà thùng ở Phú Quốc thiếu nguyên liệu đã giải thể.
Thời điểm 2011 - 2012, sản lượng nước mắm sản xuất tại Phú Quốc đạt 25 - 30 triệu lít/năm (tính bình quân 30 độ đạm), tương đương khoảng 40.000 tấn cá nguyên liệu. Hiện nay, sản lượng cá cơm khai thác trung bình hàng năm 20.000 - 22.000 tấn và cá cơm nguyên liệu để sản xuất nước mắm đáp ứng khoảng 50 - 60% nhu cầu, sản lượng nước mắm chỉ đạt trên dưới 20 triệu lít/năm. Để giải quyết khó khăn về nguyên liệu, một số nhà thùng lớn đã giảm sản xuất, tạm ngừng hoạt động, đầu tư đóng tàu khai thác đánh bắt cá cơm, nhưng đây chỉ là những giải pháp tình thế, không căn cơ trong tháo gỡ khó khăn.
Ngoài ra, nước mắm Phú Quốc còn những khó khăn, hạn chế và bất cập khác là nguồn nguyên liệu gỗ để làm thùng ủ chượp khan hiếm, giá thành cao, phải nhập từ nơi khác về. Thông tin truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nước mắm Phú Quốc hạn chế, yếu kém, gần như bị bỏ ngỏ. Phú Quốc có tốc độ đô thị hóa cao, nhất là phát triển nóng của các dự án du lịch trên đảo ngọc này, đã làm thay đổi nguồn lực lao động nghề truyền thống, làm hạn chế đến khả năng đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất của các nhà thùng sản xuất nước mắm và nghề này đứng trước những thách thức cần những giải pháp đồng bộ tháo gỡ để phát triển bền vững.
Cần giải pháp cấp bách, hiệu quả
Nước mắm Phú Quốc hiện nay là sản phẩm chỉ dẫn địa lý trong nước và được châu Âu bảo hộ, nghề này là di sản phi vật thể nhân loại cấp quốc gia cần có hành lang pháp lý bảo vệ cho nước mắm Phú Quốc để giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghề làm nước mắm truyền thống của cha ông để lại.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc Phạm Văn Nghiệp chia sẻ, từ những phương pháp ủ chượp thủ công với số lượng nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của cư dân trên đảo đến sản phẩm kinh doanh tiêu thụ ngoài thị trường, nước mắm Phú Quốc luôn giữ được màu sắc, hương vị đậm đà truyền thống mà không nơi nào có được. Thương hiệu nước mắm Phú Quốc đã trở thành sản phẩm đặc trưng của đảo ngọc Phú Quốc được đông đảo người dân, du khách yêu thích và ưa chuộng. Đặc biệt, nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc đã góp phần khá lớn, tích cực vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để phát triển bền vững và hiệu quả nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc, bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc đề nghị thành phố Phú Quốc khẩn trương đầu tư phát triển làng nghề này. Làng nghề tập trung cho hội viên sản xuất nước mắm truyền thống được sản xuất kinh doanh, quảng bá sản phẩm gắn với du lịch cộng đồng; xây dựng khu bảo tàng nước mắm và tổ chức lễ hội nước mắm Phú Quốc thường niên; cần phải có hành lang pháp lý bảo vệ cho nước mắm Phú Quốc.
Định hướng phát triển bền vững nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc trong thời gian tới, tỉnh Kiên Giang triển khai các giải pháp bảo vệ nguồn lợi cá cơm trên ngư trường đảm bảo nguyên liệu sản xuất nước mắm. Xây dựng cộng đồng khai thác cá cơm có trách nhiệm, bền vững, hiệu quả và vùng nguyên liệu ổn định. Tỉnh thực hiện nghiêm các quy định về đánh bắt, nhất là không khai thác đánh bắt mùa cá sinh sản, nghiêm cấm tuyệt đối khai thác mang tính hủy diệt, khoanh vùng bảo vệ bãi cá cơm bột sinh trưởng ở Bãi Trường và quanh một số đảo thuộc quần đảo An Thới (Phú Quốc) để khôi phục nhanh đàn cá cơm. Tỉnh quản lý chặt chẽ các loại phương tiện, quy định về cường độ ánh sáng, vùng khai thác, mùa khai thác, nghề... nhằm đảm bảo phát triển bền vững nguồn lợi cá cơm trên ngư trường.
Tiếp đó, tỉnh xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương đối với nước mắm Phú Quốc để đảm bảo tính ổn định, đồng đều về chất lượng khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường. Qua đó, bảo vệ nước mắm sản xuất truyền thống Phú Quốc, tránh sự xâm lấn của các sản phẩm nước mắm công nghiệp có giá thành rẻ.
Tỉnh hoàn thiện cơ chế chính sách, khuyến khích doanh nghiệp bảo tồn, quảng bá thương hiệu nước mắm truyền thống Phú Quốc. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất nước mắm Phú Quốc thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm theo quy định hiện hành của chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và của tỉnh. Tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị giao thương, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường trong và ngoài nước tiêu thụ sản phẩm nước mắm Phú Quốc... Phát huy vai trò tích cực của Hội nước mắm Phú Quốc.
Ngoài ra, thành phố Phú Quốc gắn kết hoạt động sản xuất nước mắm với du lịch như: Hướng dẫn du khách đến nhà thùng để tìm hiểu nghề làm nước mắm, trải nghiệm trực quan cách làm, mua sản phẩm, tham quan, tìm hiểu không gian văn hóa liên quan đến nghề truyền thống... Xây dựng kế hoạch tổng thể để bảo vệ, phát huy giá trị di sản nghề làm nước mắm Phú Quốc với phát triển bền vững. Bảo vệ môi trường, xây dựng đồng bộ hệ thống xử lý nước thải chung cho làng nghề nước mắm Phú Quốc, sử dụng nguồn nước ngầm trên đảo bền vững tróng quá trình sản xuất nước mắm...
3 món lẩu không thể bỏ qua khi đặt tiệc tại nhà hàng Madam Sen Khi đặt tiệc tại nhà hàng Madam Sen, quý thực khách không chỉ có thể trải nghiệm không gian tổ chức tiệc sang trọng, hiện đại mà còn có cơ hội thưởng thức những món ngon hấp dẫn được chế biến bởi vị bếp trưởng tài hoa, đặc biệt là 3 món lẩu thơm ngon, đặc trưng. Lẩu sứa nước lèo - Món...