Những chuyến xe từ khắp đất nước hướng về miền Trung
Miền Trung đang phải gánh chịu thiên tai với biết bao mất mát, đau thương trong thời gian vừa qua. Với tinh thần sẻ chia, khắp nơi trên cả nước đều đang hướng về vùng bão lũ.
Sự hướng về ấy không chỉ là trên tinh thần mà còn được thực tế hóa bằng hành động khi nhiều ngày qua, đã có không biết bao nhiêu chuyến xe chở hàng cứu trợ từ mọi miền Tổ quốc đều đang tiến về miền Trung.
Những hình ảnh này luôn khiến người xem xúc động mạnh. (Ảnh cắt từ video)
Những chuyến xe mang nặng nghĩa tình
Vừa qua, trong một group trên mạng xã hội, tài khoản V.N.B đã tổng hợp và đăng tải những video ghi lại hình ảnh các đoàn xe cứu trợ miền Trung. Những dòng tâm sự của tài khoản này đã khiến rất nhiều người xúc động và tự hào: “Chiến tranh không khuất phục, thiên tai không cúi đầu, khó khăn không chùn bước. Nước lũ mênh mông, tình người cũng mênh mông”.
Xe chở hàng hóa từ khắp nơi đến với tâm lũ. (Ảnh cắt từ video)
Khi xem những video này, bất kì ai trong số chúng ta cũng phải bồi hồi và tự hào khi được sống trên mảnh đất của tình người, của sự san sẻ, yêu thương. Đoàn xe không chỉ chở theo hàng hóa cứu trợ mà còn mang tấm lòng, sự sẻ chia, quan tâm của cả nước dành cho miền Trung.
“Khi đồng lòng, chúng ta sẽ có tất cả.” (Ảnh cắt từ video)
Hẳn đây là hình ảnh quen thuộc nhất trong những ngày vừa qua. (Ảnh cắt từ video)
Cộng đồng mạng: “Nổi da gà vì cảm giác tự hào dân tộc”
Với không ít các đoạn clip ghi lại hình ảnh xe cứu trợ từ khắp nơi nhưng cùng có một đích đến là miền Trung, nơi đang phải chịu những ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề do bão, có thể thấy tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam đang được đề cao. Ai cũng cảm thấy thật may mắn khi được sinh ra ở nơi thắm đượm tình người, luôn biết sẻ chia, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn.
“Tôi nổi da gà vì cảm giác tự hào dân tộc.”
“Lúc có hoạn nạn là lúc thấy anh em đồng lòng.”
“Video nào cũng làm mình xúc động.”
“Vô cùng biết ơn và tự hào là người Việt Nam.”
Những bình luận đầy tự hào của cư dân mạng. (Ảnh chụp màn hình)
Thật khó để có thể không cảm thấy tự hào khi được nhìn thấy những hình ảnh đầy xúc động như vậy. Vào những lúc thiên tai, khó khăn này, chúng ta mới có thể cảm nhận được đầy đủ về sức mạnh đoàn kết cũng như tinh thần tương thân tương ái của dân tộc.
9 câu chuyện tình người ấm áp trong những ngày lũ dữ miền Trung
Miền Trung những ngày tháng 10, lũ chồng lũ, bão chồng bão. Gần 10 ngày qua, mưa lớn, lũ lụt nhấn chìm nhiều khu vực đồng bằng dọc miền Trung trong biển nước.
Hàng trăm ngàn ngôi nhà bị bủa vây giữa mênh mông nước lũ, đẩy hàng trăm ngàn gia đình vào cảnh cô lập. Số người chết, mất tích và bị thương vẫn tăng.
Video đang HOT
Khi tình trạng ngập lụt được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng, người ta chỉ còn cách dựa vào nhau, nỗ lực cùng vượt qua cơn lũ dữ. Và đó là lúc những câu chuyện đẹp, ấm áp tình người được thắp lên, tiếp thêm tinh thần cho người dân miền Trung chống chọi với tình cảnh phức tạp này.
1. Thủy Tiên kêu gọi được hàng chục tỷ đồng cứu trợ đồng bào miền Trung: xắn quần, đi ghe mang đồ tiếp tế vào vùng ngập nặng
Đứng trước sự khó khăn mà miền Trung đang phải gánh chịu khi liên tiếp đối mặt với dịch Covid-19 và bão lũ, nhiều sao Việt đã quyết định đứng ra quyên góp, giúp đỡ một phần nào cho cuộc sống của đồng bào.
Trong đó không thể không kể đến nữ ca sĩ Thủy Tiên. Cô quyết định tự mình đi tiền trạm thực tế tại một số tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất ở miền Trung (trước mắt là Huế, Quảng Trị, Quảng Bình) để chia sẻ, giúp đỡ và cứu trợ trực tiếp.
Dưới sự kêu gọi của Thủy Tiên, hàng dài ghe chở đồ tiếp tế đã cùng theo chân đoàn của nữ ca sĩ vào vùng khó khăn bị ngập lụt nặng
Sau vài ngày kêu gọi ủng hộ, Thuỷ Tiên vui mừng thông báo đến chiều 15/10 quỹ cứu trợ miền Trung đã lên tới 25 tỷ đồng. Thuỷ Tiên trực tiếp mua đồ dùng, nhu yếu phẩm, đích thân đi vào vùng sâu gặp khó khăn, đưa tận tay những người nghèo khó. Trên fanpage cá nhân, cô công khai lịch trình cứu trợ và livestream để cộng đồng nắm rõ hoạt động quyên góp, phân phát thực phẩm, đồ dùng cho bà con được diễn ra như thế nào.
Sự quan tâm, chu đáo của Thủy Tiên khiến người dân vô cùng cảm động. Bởi vậy, khi thấy đoàn của nữ ca sĩ, rất nhiều người dân đã chủ động cho mượn ghe để chở đồ tiếp tế giúp. Hình ảnh đẹp của nữ ca sĩ cùng liên tục được cộng đồng mạng chia sẻ.
2. Chiếc ghe giải cứu trong cơn nước lũ
Hơn 2 ngày mưa lũ không ngớt, người dân khu phố Vĩnh Phước (phường Đông Lương, Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) bàng hoàng nhìn cảnh nước từ bờ sông bao vây xóm làng. Cả xóm có hơn 20 hộ dân thì quá nửa là người cao tuổi. Lo ngại trước cảnh lũ có thể dâng cao hơn nữa, hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Ái (40 tuổi, một thợ sơn) quyết định chèo chiếc ghe nhỏ của mình, lần lượt đưa hơn 20 hộ dân đi sơ tán ngay khi thấy có dấu hiệu nước lên.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Ái chèo ghe giúp di tản người bị nạn (Ảnh: Trường Trung)
Lo xong được hòm hòm câu chuyện trốn lũ, anh Ái cùng vợ chèo ghe về nhà, lặng nhìn cả đàn gia súc lẫn đồ nghề thợ sơn của gia đình đã theo dòng nước lũ từ con sông Thạch Hãn, trôi đi khuất tầm mắt. Câu chuyện khiến nhiều người không khỏi xót xa.
3. Những người dưng giúp đưa sản phụ đi cấp cứu
Khoảng 1h sáng 10/10, chị Phan Thị Ánh Mỹ (26 tuổi, ngụ thôn Triều Thủy, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) có dấu hiệu chuyển dạ ngay tại thời điểm hai vợ chồng đang loay hoay kê đồ đạc lên cao, tránh nước lũ tràn vào nhà.
Nếu không có người tài xế tốt bụng, rất có thể những tình huống xấu nhất sẽ xảy đến với sản phụ này
Xung quanh bốn bề nước lũ, trạm y tế xã bị cô lập. Chồng chị Mỹ đánh liều đưa vợ ra quốc lộ, tìm cách di chuyển tới Bệnh viện Trung ương Huế. Thế nhưng mưa ào ào như thác đổ, nước dâng cao, chẳng có tài xế nào dám nhận chuyến xe này.
Trong lúc đang rơi vào bế tắc, hai vợ chồng bất ngờ được một chiếc xe tải chạy hướng trung tâm thành phố để ý. Biết đây là tình huống cấp bách, người tài xế này lập tức lùi xe, đưa chị Mỹ tới thẳng bệnh viện, mặc cho nguy cơ kẹt cứng do nước lũ có thể khiến tình trạng càng tồi tệ thêm.
Không chỉ có trường hợp của chị Mỹ mà ở xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế khi nước lũ chia cắt, chị Trang (26 tuổi) có dấu hiệu chuyển dạ. Xung quanh là nước lũ, chị buộc phải di chuyển bằng thuyền, hy vọng ra tới quốc lộ sẽ bắt được xe để di chuyển tới bệnh viện.
Dẫu là những người xa lạ, họ vẫn cố gắng giúp đỡ sản phụ này vượt cạn mẹ tròn con vuông - Ảnh: Đàm Linh
Tuy nhiên chưa tìm được thuyền thì tình trạng của chị Trang ngày một nguy cấp. Anh Đặng Linh (28 tuổi) đang di chuyển bằng thuyền vượt lũ về nhà, bắt gặp tình huống nguy hiểm, bèn dừng lại trợ giúp, quay thuyền đưa sản phụ tới cơ sở y tế gần nhất. Bằng sự giúp đỡ của anh Linh và bạn, chị Trang đã có giây phút vượt cạn thành công nhưng không kém phần nguy hiểm ngay trên chiếc thuyền đơn sơ.
4. Hiệu trưởng lội qua dòng nước lũ, chèo thuyền mang đồ ăn cho sinh viên
Suốt 3-4 ngày nay, nhiều điểm ở thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) ngập nặng. Dự báo được tình hình này, ngay từ tối 9/10, lãnh đạo trường Đại học Nông Lâm Huế (Đại học Huế) đã mở cửa đón sinh viên vào trường trú bão. Tuy vậy, một số khu vực trong trường cũng rơi vào tình trạng ngập sâu. Riêng khu vực tầng 1 đã ngập hoàn toàn.
Thầy hiệu trưởng lội qua dòng nước, mang thực phẩm đến tận tay cho sinh viên
Đích thân thầy Hiệu trưởng Trần Thanh Đức trực tiếp tham gia vào công tác hỗ trợ sinh viên. Thầy cùng các giảng viên khác của trường đã không quản ngại khó khăn, chèo xuồng, lội nước mang đồ ăn tiếp tế tới tận nơi cho sinh viên giữa cảnh lụt nặng.
Nhà trường trích quỹ để đi mua mì tôm, thực phẩm, thay nhau cử giảng viên túc trực, đảm bảo an toàn cho sinh viên trong những ngày này.
5. Đoàn ô tô chắn gió cho xe máy qua cầu an toàn
Liên tiếp những hình ảnh đẹp xuất hiện, làm ấm hơn bao giờ hết tình người nơi miền Trung rốn lũ. Mới đây trên mạng xã hội đã xuất hiện clip ghi lại hình ảnh một đoàn ô tô đang di chuyển chậm chạp trên cầu Rồng, dọc tuyến đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, thành phố Đà Nẵng, song song với rất nhiều xe máy khác.
Đoàn ô tô giúp những phương tiện khác qua cầu an toàn
Do ảnh hưởng của mưa lũ và áp thấp nhiệt đới, gió giật mạnh khiến việc lưu thông trên cầu trở nên khó khăn và nguy hiểm với các phương tiện nhỏ. Do đó, đoàn ô tô này quyết định đi chậm, chủ động đánh ga nối đuôi nhau nhằm chắn gió lớn, đảm bảo an toàn cho loạt xe máy đi bên cạnh.
6. Nhóm thanh niên tình nguyện bơi vào vùng nước lũ cứu người bị kẹt
Xóm Cồn Nậy, thuộc Thôn An Mỹ (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) bất ngờ bị nước lũ ập vào, gây cô lập chỉ sau vài tiếng khi cơn mưa lớn trút xuống. Nước dâng ngày càng nhanh, nhiều người dân của xóm rơi vào cảnh nguy hiểm, thiếu nước uống và lương thực.
Nhóm thanh niên dũng cảm bơi xuyên dòng nước lũ, cứu trợ những người đang bị kẹt - Ảnh: Phương Thuý
Biết rằng việc bơi giữa nước lũ dù có áo phao cũng vẫn vô cùng nguy hiểm, nhưng nghĩ tới tình làng nghĩa xóm, nhóm thanh niên của xóm Cồn Nậy quyết định bơi tới từng nhà để tiếp tế lương thực, đưa người bị mắc kẹt trên đỉnh lũ xuống bè phao, sơ tán họ tới vùng an toàn.
7. Tự tay nấu hàng trăm suất cơm, tiếp tế cho người dân vùng lũ
Chị Lê Thị Ngọc Ánh, 25 tuổi chạy từ nhà chồng lên nhà cha mẹ ruột để nấu 100 hộp cơm, 200 hộp xôi cho những gia đình ở nơi ngập nặng. Tự nhận bản thân may mắn khi nhà ở vùng không lụt, chị Ánh mong muốn góp chút công sức, cứu trợ bà con ở xóm Duy Tân, nằm sát sông Sê Pôn (giáp biên giới Việt - Lào), nơi đã vài ngày liên tiếp bị cô lập bởi mưa lũ.
Hàng trăm suất cơm được chị Ánh đưa tới trợ giúp người dân Lao Bảo và trưa 9/10 - Ảnh: Ngọc Ánh
Chị Ánh cho biết, từng ấy chút công sức chẳng xá gì so với những cực khổ mà người dân đang phải gánh chịu. Một người anh của chị cũng phụ giúp việc đưa cơm tới các vùng bị ngập sau khi mượn được một chiếc thuyền nhỏ.
8. Chuyến đò 0 đồng trở người ốm tới bệnh viện
Cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều nơi ở thành phố Hội An (Quảng Nam) ngập sâu. Từng là những người kinh doanh du lịch, chịu sự 'đóng băng' suốt cả năm 2020 vì dịch bệnh, nay ông Nguyễn Thanh Quang (46 tuổi) cùng hai người bạn hàng xóm là Lê Nhật (46 tuổi) và Nguyễn Tấn Hải (50 tuổi) quyết định lấy đò đi chở người ốm, bị mắc kẹt trong mưa lũ tới bệnh viện.
Ba ông Quang, Nhật, Hải miệt mài chèo thuyền đi khắp Hội An, đưa những người đau ốm tới bệnh viện - Ảnh: BD
Người bỏ công, người bỏ của, chuyến đò của ba ông Quang, Nhật, Hải đã giúp đỡ biết bao người dân khỏi cảnh nguy nan. Những người được họ giúp đỡ là một cụ ông 90 tuổi bị tai biến giữa đêm, là hai cháu nhỏ không may bị thương, là bà bầu đang tới kì vượt cạn... Họ chẳng nhớ chuyến đò 0 đồng đã đi bao nhiêu chuyến. Họ chỉ biết khi tay chèo chưa mỏi, khi nước lũ chưa rút, họ sẽ vẫn lên đường khi có người cần.
9. Hơn 5 năm đưa người dân từ vùng lũ về nơi an toàn
Chỉ là một người làm thuê ăn lương, lâu lâu có đi đánh bắt cá tôm ở con sông gần nhà, gia đình không khá giả gì nhưng vào mùa lũ, anh Phạm Văn Nam (35 tuổi, Quảng Trị) lại không ngại ngần cùng anh trai mình là Phạm Văn Nhơn chèo ghe đưa người dân vùng ngập nước đến nơi an toàn. Chỉ cần một cuộc điện thoại cầu cứu, họ sẽ thu xếp đưa ghe đến hỗ trợ bà con.
Anh Nam cùng Mạnh Thường quân đưa hàng đi cứu trợ bà con gặp nạn
Đợt lũ dữ năm nay, dự đoán nước sẽ dâng cao, chưa kịp dọn đồ cho gia đình mình nhưng nhận được điện thoại của người dân cần thì anh Nam cũng chèo ghe đi giúp họ ngay lập tức. ' Mình nhiệt tình giúp thì được bà con động viên, cám ơn. Điều đó khiến mình có thêm động lực. Có những khi chở người dân qua những chỗ nước chảy xiết, tôi cũng sợ chứ. Giống như hôm gần đây, tôi và anh đi đón bà con rồi chèo ghe ra đến cổng thì gặp đường hẹp, nước xiết xô ghe tôi tạt vào hàng rào gần đó.
Ghe bị nước vào và mất thăng bằng nhưng mà tôi và anh trai vẫn gắng bình tĩnh, vững tay lái để đảm bảo an toàn cho mọi người. Nghĩ đến nhiều người cần tôi nên tôi cứ cố gắng' - anh Nam vui vẻ kể.
Mong sao những ngày tới, mưa giảm, nước rút để người dân được trở về cuộc sống thường nhật. Dù khó khăn phía trước nhưng tin rằng với tình người ấm áp, chúng ta sẽ vượt qua.
4 câu chuyện về tình người trong mưa lũ ở miền Trung Ôtô chắn gió cho xe máy qua cầu, người dân "giải cứu" cỗ cưới bị "ế", tài xế vượt lũ đưa sản phụ đến bệnh viện là những câu chuyện ấm tình người trong lũ lụt tại miền Trung. Những ngày qua, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng ngập trong mưa lũ, cuộc sống của người dân...