Những chuyện tình cảm động ở trại phong
Bỏ xứ ra đi tìm chốn dung thân, những người mắc bệnh phong chỉ mong tìm được nơi bình yên. Và chính từ trại phong này có những chuyện tình cảm động ngọt ngào.
Tìm hạnh phúc trong “bóng tối”
Những người không may mắc phải căn bệnh phong, họ phải đối diện với “bản án” khắc nghiệt, bị mọi người ruồng bỏ, xa lánh, họ gần như bị “tẩy chay” khỏi cuộc sống. Không có được sự bao bọc của người thân hoặc bất lực trước sự xa lánh của mọi người, họ đành bỏ quê hương ra đi. Thời điểm những năm bệnh phong còn hoành hành, người mắc bệnh phong gần như chìm trong tăm tối, họ khép mình trước sự hành hạ của bệnh tật, xa lánh của mọi người.
Bệnh nhân đánh cờ giải trí lúc chiều muộn.
Người ta nói tình yêu có một sức mạnh phi thường, có thể vượt qua mọi nghịch cảnh và tạo nên những kỳ tích trong cuộc sống. Ở trại phong Ba Sao cái nơi mà những bệnh nhân phong xem như là nơi bấu víu cuối cùng, nơi cho họ cuộc sống, cho họ tìm thấy tình thương chân thành… Cũng chính từ nơi này, nhiều bệnh nhân đã tìm thấy được tình yêu từ những người đồng cảnh ngộ. Không ít những người trong trại phong Ba Sao tìm thấy hạnh phúc gia đình, thứ mà trước đó họ cho rằng đó là thứ gì đó xa xỉ đối với bản thân.
Không được đẹp và lãng mạn như những vần thơ trong những câu chuyện tình của các thi sĩ. Nhưng chuyện tình yêu của những bệnh nhân trong trại phong Ba Sao lại có một kết thúc có hậu. Từ nơi tăm tối nhất của cuộc đời, họ sống vật vờ sống trong nỗi sợ hãi, khinh bỉ, nhưng tình yêu đã cho họ ánh sáng, soi lối trên đường đời. Vào điều trị cùng nhau, thấu hiểu nỗi khổ của những người bị bệnh phong, từ đồng cảm, chăm sóc bao bọc lẫn nhau, nhiều bệnh nhân nảy sinh tình cảm rồi nên duyên vợ chồng. Đối với họ đó là thứ quý giá nhất trong cuộc đời tưởng chừng như đã tắt.
Chuyện tình của bà Vũ Thị Hiu (SN 1944), quê ở Tiên Lãng, Hải Phòng và ông Bùi Văn Kiều (SN 1942), quê ở Vụ Bản, Nam Định là một trong những câu chuyện tình yêu cảm động ở trại phong Ba Sao. Hai con người ở hai nơi khác nhau, cùng nhau vào điều trị lúc trại phong mới được thành lập. Bà Hiu vào trại phong Ba Sao từ năm 24 tuổi, ông Kiều vào từ năm 26 tuồi. Từ quan tâm, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, họ nảy sinh tình cảm với nhau.
Ban đầu họ cũng chẳng dám nghĩ đến chuyện sẽ kết hôn, sinh con đẻ cái, vì căn bệnh quái ác còn hành hạ. Đến năm 30 tuổi, căn bệnh phong của 2 người được điều trị khỏi. Thế rồi, một đám cưới “tự túc” ngay trong trại phong được tiến hành. Khách mời chủ yếu là tập thể y bác sỹ cùng các bệnh nhân. Không cỗ, kh ông bàn, không bánh kẹo, chỉ là những chén nước chè…
Sân bóng chuyền của trại phong Ba Sao luôn đông đúc mỗi khi chiều đến.
Cũng từ đấy, hai ông bà xin ra ở riêng, do trại phong rộng đến 86 ha, nên ban giám đốc cũng tạo điều kiện cho hai ông bà dựng một cái nhà tạm bợ để sinh hoạt. Sau hơn 30 năm kết hôn, hai ông bà cũng đã có cháu, từ lúc bỏ quê ra đi, hai người cũng không dám nghĩ mình sẽ có ngày hôm nay.
Cũng như chuyện tình của bà Hiu ông Kiều, câu chuyện tình của ông Đặng Xuân Thành (81 tuổi) và bà Nguyễn Thị Toán (80 tuổi) cũng là câu chuyện cảm động về tình yêu. Dù tuổi đã cao, nhưng hai ông bà vẫn chăm lo và hết mực yêu thương nhau. Ông Thành và bàToán vào điều trị cùng một năm. Hai số phận đồng cảm quyết định “góp gạo thổi cơm chung”, họ xem trại phong Ba Sao chính là mái nhà, là một gia đình của mình.
Video đang HOT
Trong trại phong Ba Sao, ngoài mối tình nên duyên vợ chồng của bà Hiu, ông Kiều, bà Toán, ông Thành còn phải kể đến nhiều những cặp đôi là bệnh nhân nên duyên vợ chồng khác. Họ đang và vẫn sống hạnh phúc trong mái ấm bình dị ấy.
Hạnh phúc bắt đầu từ điều bình dị nhất
Những người mắc bệnh phong đa phần đều khuyết tật một phần cơ thể, những bệnh nhân lập gia đình cũng không ngoại lệ, ngoài việc gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, họ còn đối mặt với rất nhiều thứ khác. Nhưng chưa bao giờ họ kêu than, với họ có được một mái ấm gia đình đó là cả “gia tài” không thứ gì có thể đánh đổi.
Nhiều đôi vợ chồng không con cái, nhưng họ luôn chăm sóc bảo vệ nhau, với họ thế là hạnh phúc lắm.
Bà Đinh Thị Hợi (80 tuổi), quê Nam Định kết hôn với ông Phạm Sỹ Hào, quê ở Hà Nam, nhưng ông Hào mất cách đây 10 năm trước, còn mình bà vẫn gắng gượng sống. Mặc dù thời gian ở bên nhau không dài , nhưng với bà Hợi, những ngày tháng được ông Hào chăm sóc là quãng thời gian bà không bao giờ quên.
Bà Hợi tâm sự: “Chúng tôi về ở với nhau cũng được hơn chục năm, mỗi người mỗi quê, đồng cảm với nhau thì đến với nhau. Nói thật với chú chứ, nếu cách đây mấy chục năm thì chẳng ai dám bén mảng đến gần chúng tôi, người dân sợ chúng tôi như sợ ma vậy. Chỉ có những người cùng hoàn cảnh mới đủ sức bao bọc nhau. Ông ấy là người sống tình cảm, chân thành lắm, thời gian đó với tôi rất hạnh phúc”.
Cũng như bà Hợi, ông Thành tâm sự: “Vợ chồng chúng tôi bây giờ cũng già cả rồi, tháng ngày trước kia đen tối cũng có, hạnh phúc cũng có. Rất may chúng tôi đã vượt qua quãng thời gian khó khăn nhất khi bệnh tật bủa vây. Mặc dù chúng tôi không có con cháu, chỉ biết sống dựa vào nhau, bầu bạn. Lúc còn trẻ khỏe, hai chúng tôi còn làm được ruộng như trồng ngô, sắn, kiếm thêm cái ăn. Bây giờ già cả rồi, những lúc tôi ốm đau thì có bà ấy xoa bóp và ngược lại. Chúng tôi cũng chỉ cẩn có thế, hạnh phúc lắm”.
Từ khi chồng mất bà Hợi một mình lủi thủi, bà không bao giờ quên tháng ngày hạnh phúc khi lập gia đình.
Cuộc sống với những người trong trại phong Ba Sao vô cùng vất vả, mỗi tháng chỉ được hỗ trợ 540 nghìn đồng. Những người khỏe mạnh một chút có thể tăng gia sản xuất, nhưng họ vẫn không còn lành lặn gì, dù khó khăn vất vả, nhưng chưa bao giờ họ kêu than.
Chiều muộn dần, sân bóng chuyền của trại phong đông đúc, từ các y bác sỹ, bệnh nhân và con cháu của những bệnh nhân nơi đây tham gia tập luyện, những tiếng vỗ tay, tiếng hò reo, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của mỗi người. Bên cạnh đó, khu điều trị cũng nhộn nhịp với những bàn cờ căng thẳng… Với họ cuộc sống vốn dĩ công bằng lắm, hạnh phúc cũng từ những điều tưởng chừng như rất đơn giản…
Đức Văn
Theo Dantri
Kỳ diệu những giếng nước ngọt giữa biển khơi
Bao nhiêu năm mưu sinh bằng nghề nuôi ngao, sống trong những chiếc chòi giữa biển khơi, chịu cảnh không điện, không nước ngọt, giờ đây những ngư dân đã làm nên điều kỳ diệu là tìm ra nguồn nước ngọt giữa biển khơi - thứ nước ngọt hơn cả trên đất liền.
Một ngày đầu đông, tôi theo chân những ngư dân Hậu Lộc, Nga Sơn (Thanh Hóa) đi trên một chiếc thuyền máy ra vùng nuôi ngao của họ. Để ra được những chiếc chòi canh ngao đang nằm giữa bao la sóng nước phải vượt quãng đường dài hơn 2 hải lý.
Con thuyền máy nổ phành phạch đưa chúng tôi qua những cánh rừng phòng hộ. Từ cách xa khoảng chừng vài trăm mét, chúng tôi đã bắt đầu thấy thấp thoáng những chiếc chòi canh ngao dựng lô nhô giữa bốn bề sông nước. Phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ chúng mới đến được nơi được gọi là "xứ sở của ngao". Ở đó, tôi bắt gặp những gương mặt sạm đen, rám nắng, mặn mòi gió biển.
Hàng trăm chiếc chòi canh ngao của ngư dân lênh đênh trên biển cách đất liền hơn 2 hải l
Anh Bùi Văn Dũng, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc vừa đưa chúng tôi đi vừa kể: "Trước đây, nghề nuôi ngao chưa được nhiều người biết đến nên những ai nuôi ngày đó thì giàu to. Nhưng những năm gần đây, người ta nuôi nhiều, giá ngao rớt nên lời chẳng được bao nhiêu, đó là chưa kể đến có những năm mưa bão, không kịp gom ngao mà chỉ lo bỏ của chạy lấy người vào đất liền thôi".
Nói rồi anh Dũng thở dài, đàn ông thì không sao, phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng đã gắn với nghề thì cũng cứ phải quăng quật ngày đêm ở ngoài này. Nghề nuôi ngao, lấy đêm làm ngày vì lúc đó nước mới rút, ngao nổi lên thì mới bắt được. Khi thủy triều rút để lộ những vệt loang lổ trên những những chiếc cọc chòi canh ngao là buổi lao động cực nhọc của ngư dân bắt đầu.
Sau một đêm lao động, xúc, rửa sạch sẽ, ngư dân sẽ đưa ngao vào bờ. Sau những chuyến vào đất liền, ngư dân lại vất vả chuẩn bị cơ man là thức ăn, đồ dùng. Những năm trước, không có nước ngọt, họ phải dùng những chiếc xô nhựa, can... để đựng nước, làm sao để có thể dùng cho ít nhất 1 tuần.
Bao nhiêu năm qua, công việc của người nuôi ngao cứ lặp đi lặp lại như thế. Việc có được nước ngọt giữa biển khơi bao la này chỉ là giấc mơ. Vậy mà hơn 1 năm nay, điều kỳ diệu ấy đã trở thành sự thật khi sáng kiến khoan giếng của người dân được thực hiện.
Nước giữa biển ngọt hơn nước đất liền
Việc khoan giếng để tìm nước ngọt giữa biển đã là khó tin vậy mà nguồn nước ngọt ngư dân tìm thấy lại ngọt hơn cả nước trên đất liền. Bao đời nay, do ảnh hưởng của nguồn nước mặn nên nước mà người dân vùng biển Hậu Lộc, Nga Sơn dùng vẫn có vị của biển, không những thế, năm nào cũng phải đối mặt với nỗi lo thiếu nước ngọt trong mùa nắng hạn. Để chống chọi với hạn hán, hầu hết các gia đình ở đây đều phải xây bể dự trữ nước mưa dùng quanh năm. Vậy nên, việc tìm ra nguồn nước ngọt giữa biển khơi mênh mông nước mặn này được xem như là một kỳ tích.
Chúng tôi đến thăm chiếc chòi canh ngao nhà anh Bùi Xuân Ngãi (Nga Tân- Nga Sơn). Anh Ngãi là một trong những người đầu tiên tìm ra nguồn nước ngọt trên biển.
Thứ nước ngọt tìm thấy giữa biển ngọt hơn so với nước ở một số vùng ven biển
Nói về giếng nước ngọt, anh hồ hởi kể lại như khoe về một "chiến tích". Sau khi vay mượn được vài trăm triệu đầu tư vào đồng ngao để mưu sinh, nhưng vì không có nước ngọt, hai vợ chồng anh cứ một tuần lại thay nhau dong thuyền về chở nước ra, vừa vất vả lại tốn kém. Khi nghe người ta nói ở đồng ngao Kim Sơn, Ninh Bình có người khoan được giếng nước ngọt, anh đã chạy ra tận nơi để hỏi thực hư. Nhưng rồi anh được biết thứ nước giếng mà người ngư dân ở Ninh Bình tìm được cũng chỉ để tắm giặt vì vẫn bị lợ, không thể nấu ăn được. Anh thất vọng quay về nhưng vẫn muốn thử ở vùng biển của mình.
Anh quyết tâm tìm thợ chuyên khoan giếng đưa thiết bị máy móc ra chiếc chòi canh lênh đênh giữa biển. Vậy là tranh thủ khoảng 3 tiếng mỗi ngày, khi thủy triều rút khỏi bãi ngao, anh và đội thợ lại hì hụi khoan. Mất 3 ngày, mũi khoan mới chạm đến độ sâu 110m. Và may mắn, mũi khoan đã chạm đúng mạch nước ngọt nằm sâu dưới đáy biển.
"Lúc phát hiện ra mạch nước ngọt, vui đến trào nước mắt. Để chắc rằng thứ nước không bị mặn hay lợ, tôi lấy tất cả nồi niêu, xoong chảo, thùng, can nhựa trong chòi ra đổ nước vào theo dõi. Sau nhiều ngày đựng trong xoong nhôm, thùng nhựa, nước từ giếng khoan vẫn trong veo không đóng váng, không đổi màu đỏ sắt, không có mùi lạ" - anh Ngãi vui mừng nói.
Anh Nguyễn Ngọc Minh, xã Ngư Lộc cũng vui mừng không kém khi nói về giếng nước ngọt đã được tìm thấy của gia đình. "Để khoan một chiếc giếng như thế này phải mất cả tuần mới xong vì vừa khoan vừa dò mạch nước. Như chiếc giếng này, thợ phải khoan sâu 120m. Tính tổng chi phí mất khoảng hơn chục triệu đồng" - anh Minh cho biết.
Có nước ngọt, ngư dân thoải mái dùng sinh hoạt mà không vất vả vào tận đất liền lấy như những năm trước
Theo lời kể của anh Minh thì những năm trước khi chưa có nước ngọt, khoảng một tuần anh lại phải vào bờ chở nước ra để sinh hoạt nên phải dè xẻn. Mỗi lần vào bờ là lỉnh kỉnh đủ thứ can lọ đựng nước ngọt mang ra chủ yếu là phục vụ nấu ăn. Còn tắm giặt có khi để dành vào bờ mới dám tắm. Mỗi lần vào, ra mất đứt 6-7 lít dầu máy. Những ngày nước thủy triều lên cao thì không sao, gặp hôm nước kém, thủy triều xuống cạn thì việc đi lại càng thêm vất vả. Bây giờ thì nước ngọt dùng thoải mái mà quanh năm không bao giờ hết, mà nấu ăn cũng cảm giác ngon hơn thứ nước được chở từ đất liền ra.
Qủa thật, chỉ khi vộc tay lấy một ít nước thử tôi mới tin ngư dân ở đây đã nói không sai, tôi không thể phát hiện ra bất cứ vị mặn, lợ như thứ nước khoan trong đất liền ở các huyện ven biển Thanh Hóa mà tôi đã từng uống.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng may mắn khoan được giếng nước ngọt. Nghe tin anh Ngãi tìm được nước ngọt, hàng trăm chủ đồng nuôi ngao ở vùng Hậu Lộc, Nga Sơn kéo đến xem. Họ không tin được ở giữa chốn biển khơi lại có thể mọc lên một giếng nước ngọt. Khi được mục sở thị, nhiều chủ đồng đã mạnh dạn thuê thợ về khoan giếng, nhưng hầu hết đều thất bại. Hàng trăm mũi khoan xuống nhưng chỉ có khoảng mấy chục mũi trúng được nguồn nước ngọt.
Anh Nguyễn Văn Ngọc, trú tại xã Ngư Lộc cho biết: "Chúng tôi cũng đã khoan thử nhưng không được. Có những chỗ khoan sâu đến 140m mà vẫn không thấy nước. Trong khi đó cách nhà tôi không xa, nhà hàng xóm bên cạnh lại có".
Chia tay những gương mặt sạm đen, rám nắng trên những chiếc chòi lênh đênh giữa biển, chúng tôi trở lại đất liền khi thủy triều lên cao, những cơn gió thổi phần phật trên các mái chòi, từng con sóng lớn nối nhau tung bọt trắng xóa tựa như niềm vui của ngư dân khi tìm ra nguồn nước ngọt giữa biển khơi bao la...
Nguyễn Thùy
Theo Dantri
Công khai đồng tính, tôi đã gặp nghịch cảnh Tôi công khai giới tính nhưng gia đình không chấp nhận. Nghĩ sẽ gây dựng kinh tế để cha mẹ nguôi ngoai ai ngờ thất bại, gần như mất trắng. ảnh minh họa Tôi 25 tuổi, sinh ra trong gia đình có hai anh em trai, cha mẹ hết mực yêu thương, nhưng số phận trớ trêu, tôi lại là người đồng tính....