Những chuyện thú vị ở chợ sâm lớn nhất nước
Mỗi phiên chợ người dân huyện Nam Trà My ( Quảng Nam) mang bán hàng chục kg sâm thu về gần chục tỷ đồng. Khách đến chợ muốn sở hữu sản phẩm phải bỏ ra rất nhiều tiền, bởi giá bán mặt hàng này quá đắt đỏ.
Đắt đỏ
Tháng 6/2017, huyện Nam Trà My – thủ phủ sâm Ngọc Linh biến nhà thi đấu thể thao thể dục thành chợ sâm đầu tiên của nước ta. Phiên chợ họp từ ngày 1 đến ngày 3 hàng tháng và quy tụ hàng chục gian hàng của người dân, doanh nghiệp địa phương bày bán trong khuôn viên rộng gần ngàn mét vuông. Cả chợ chỉ có một cửa chính được mở để ra vào, không có cửa phụ; lực lượng công an, quản lý thị trường… túc trực ngày đêm. Cách làm này nhằm tránh kẻ gian ra vào trộm cắp hoặc đưa sâm giả trà trộn bán.
Từ ngày 1 đến 3 hàng tháng phiên chợ sâm Ngọc Linh được tổ chức trong nhà thu đấu huyện Nam Trà My
Tôi nghe tiếng về phiên chợ đã lâu nhưng mới đây mới có dịp “mục sở thị” ngôi chợ tiền tỷ này. Từ sáng sớm, anh Hồ Văn Riêu, xã Trà Nam mang 1kg đến chợ bán. Đến đầu cửa chợ, anh Riêu phải tuân thủ quy định đưa hàng hóa đến tổ thẩm định để kiểm tra chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và xác định trọng lượng. Những củ sâm được kiểm tra bằng mắt thường và kinh nghiệm của những “cao niên” trồng sâm ở đỉnh núi Ngọc Linh.
Công đoạn này mất hết khoảng 5 phút, sau đó anh Riêu đưa vào bàn của gian hàng trưng bày và niêm yết giá 60 triệu đồng. Số hàng của anh Riêu còn nguyên cây với các bộ phận củ, rể, lá và thân. Thấy nhiều vị khách đến xem, anh Riêu giấy thiệu sản phẩm. “Tuổi đời của các cây sâm trên 7 năm được tôi trồng trên đỉnh núi Ngọc Linh. Nếu ai có nhu cầu mua thêm tôi sẽ về nhổ mang xuống bán tiếp”, anh Riêu cho hay.
Theo anh Riêu, mặt hàng sâm Ngọc Linh không sợ ế, sâm không bán được thì đưa về vườn trồng lại hoặc bán cho các thương lái. “Hiện tại chưa có giá chuẩn nên quá trình mua bán hai bên mặc cả, khi thống nhất về số tiền thì tôi sẽ chuyển nhượng”, anh Riêu nói và thông tin các phiên chợ sâm trước bán được vài kg thu hàng trăm triệu đồng.
Sâm bán ở chợ có hai loại, một loại nguyên cản thân, lá, củ và rễ; một loại chỉ còn củ và rễ
Chị Lê Thị Hồng Liên, chủ một công ty tham gia bán hàng tại chợ, đưa 3 kg sâm đến bán. Theo chị Liên khi chợ được thành lập, công ty đăng ký một gian hàng bán sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác. “Chúng tôi trồng trên đỉnh núi, sâm có tuổi đời gần 10 năm. Mỗi phiên chợ diễn ra, doanh nghiệp chọn lựa những cây sâm có tuổi đời nhiều năm và mang xuống chợ Nếu số lượng người mua lớn thì thu gom sâm trong vùng bán cho khách hàng”, chủ gian hàng này bộc bạch.
Khác với những người bán sâm trồng, anh Hồ Văn Hạnh tìm được một củ sâm Ngọc Linh tự nhiên, có tuổi đời vài chục năm. Chúng to bằng ngón tay, dài khoảng 20cm. Trên củ có nguyên thân cây và lá nặng hơn 2 lạng, anh ra giá hơn 200 triệu đồng.
Sau một buổi trương bày, đến chiều cùng ngày có một vị khách ở ngoài Bắc đến mua củ sâm này. “Sâm tự nhiên bây giờ rất khó kiếm, lâu lâu có người gặp may mới đào được một củ”, anh nói và cho hay củ sâm này mua lại của một người dân và anh đưa xuống bán kiếm lời.
Một kg sâm Ngọc Linh được niêm yết giá 80 triệu đồng
Video đang HOT
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch huyện Nam Trà My, cho biết địa phương trồng 1.300 ha sâm Ngọc Linh. Hiện có hơn 1.500 hộ dân đăng ký trồng 2.500 ha; ngoài ra có sáu doanh nghiệp, một tập đoàn đăng ký trồng với tổng diện tích gần 300 ha. “Hiện nay khâu sản xuất giống hết sức khó khăn, chất lượng giống chưa được kiểm định. Vì vậy cần có một cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm tạo giống, kiểm định chất lượng giống để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh”, ông Bửu nói.
Tại chợ sâm Ngọc Linh, sâm được bán có hai loại, một loại để cả nguyên cây, củ, rễ và loại chỉ còn củ, rễ. Giá bán tùy thuộc vào tuổi đời, sâm càng nhiều năm thì giá càng cao. Ngoài mặt hàng sâm củ thì ở chợ có nhiều loại đã qua chế biến. Trong đó, có rượu sâm Ngọc Linh được trưng bày rất nhiều với giá bán vài trăm triệu đồng.
Theo thống kế của huyện Nam Trà My trong những ngày diễn ra Hội chợ có trên 10.000 lượt người đến tham quan, mua sắm, với doanh thu thống kê được trên 8,3 tỷ đồng, trong đó riêng mặt hàng sâm củ Ngọc Linh đưa vào bày, bán tại hội chợ khoảng 110 kg, thu về khoảng 8 tỷ đồng.
“Thí sinh” sâm
Hôm tôi đến chợ đúng dịp huyện Nam Trà My tổ chức lễ hội sâm Ngọc Linh. Lần này chính quyền tổ chức cuộc thi sâm để tìm ra những củ sâm, cây sâm đẹp và trao bốn giải Nhất, mỗi giải 1,2 triệu đồng; bốn giải Nhì 800.000 đồng/giải; bốn giải Ba 500.000 đồng/giải và bốn giải Khuyến khích 300.000 đồng/giải.
Cuộc thi này có 35 người dân có sâm đến thi. Sâm đưa đến chợ còn nguyên củ, thân, lá và rễ. Các “thí sinh” được bỏ vào chậu và đặt trên bàn, khi ban giám khảo gọi đến tên thi họ đưa ra để chấm giải. Theo quy chế, sâm dự thi còn nguyên cây, không bị sứt gãy.
Ông Hồ Văn Liêm, xã Trà Linh mang hai cây có tuổi đời bảy năm đến dự thi và chia sẻ, ông trồng trên núi Ngọc Linh hàng nghìn cây dưới tán rừng cổ thụ nhưng chọn hai cây có củ to, rễ phát triển đều, lá và thân lớn. Các tiêu chí này đã đáp ứng mà ban tổ chức đưa ra.
Một bình rượu sâm có giá 250 triệu đồng
Hai cây sâm của ông Liêm cao gần một mét, nặng gần hai lạng được ban giám khảo chấm điểm. Những người này quan sát bằng mắt thường và đánh giá bằng kinh nghiệm.
Ông Hồ Văn Liêm mang hai cây đi thi
“Sâm Ngọc Linh có đặc điểm mỗi mắt là một năm, như cây này có tuổi đời bảy năm. Nó đạt trọng lượng hơn 1 lạng chứng tỏ trồng ở vùng đất tốt”, ông Hồ Văn Du – thành viên giám khảo nói.
“Những cây sâm dự thi thường có củ đẹp, tuổi đời nhiều năm nên giá bắt sẽ đắt gấp nhiều lần so với sâm bình thường. Chúng được mua để phục vụ mục đích chơi sâm là chính”, ông Trịnh Minh Quý, Giám đốc Trung tâm sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My thông tin.
Ban giám khảo chấm điểm cho các “thí sinh” sâm
Sâm Ngọc Linh sống trên dãy núi cùng tên, cao nhất miền Trung Việt Nam, thuộc địa phận tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Từ xa xưa được người dân Xê Đăng dùng để chữa bệnh, họ gọi đó là “thuốc dấu”. Những năm chiến tranh, người dân thường dùng trị vết thương, sốt rét… cho bộ đội.
Loài cây được biết đến rộng rãi vào năm 1973, khi dược sĩ Đào Kim Long được Bộ Y tế giao nhiệm vụ đi tìm và nghiên cứu các loại thuốc quý để chữa bệnh cho bộ đội. Sau hàng năm trời cuốc bộ dọc dãy Trường Sơn, dược sĩ Long tìm ra loài cây mà người dân Xê Đăng vẫn dùng để trị bách bệnh. Ông sau đó đặt tên cho loài cây là sâm Ngọc Linh, hay sâm K5. Việc cây thuốc quý được biết đến rộng rãi vô tình khiến cho hàng trăm người tứ xứ đổ xô lên núi săn lùng.
Tháng 9/2015, Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng ra bảy xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với 30.000 ha, đầu tư trên 9.000 tỷ đồng. Đầu tháng 6/2017, sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) trở thành sản phẩm quốc gia.
LỘC HÀ
Theo nongnghiep
Người Quảng Nam trồng sâm kết hợp bảo vệ rừng
Cây sâm cần tán rừng già để sinh trưởng, mang lại kinh tế cho người trồng, vì vậy, giữ rừng cũng là giữ sâm quý.
Theo ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Trà My, Quảng Nam, người dân nơi đây ổn định kinh tế nhờ cây sâm. Cây sâm nhờ rừng tồn tại. Vì vậy, giữ và phát triển sâm cũng là giữ rừng.
Hiện, với mỗi cây sâm trồng dưới tán rừng, cây sâm 5 năm thu hoạch đạt khoảng ba củ một cân, giá trị 46 - 52 triệu đồng một cân, loại hai củ một cân giá 70-72 triệu đồng một cân. Không chỉ thu hoạch củ, lá sâm tươi cũng có giá khoảng 5 triệu đồng một cân.
Trồng dược liệu trong đó có cây sâm dưới tán rừng đang là một trong những biện pháp bảo vệ rừng tại Quảng Nam. Ảnh: Bizmedia.
Những cây sâm Ngọc Linh đầu tiên được tìm thấy ở độ cao 1.800m thuộc phía Tây Nam núi Ngọc Linh do đoàn công tác dẫn đầu với tiến sĩ Đào Kim Long phát hiện năm 1973.
Cùng năm đó, cây sâm được gửi ra Hà Nội kiểm tra và thấy đây là loài sâm thứ 20 được phát hiện trên thế giới. Công tác phân lập, xác định hoạt chất sinh học cùng lúc tại Việt Nam và Liên Xô đã kết luận hàm lượng chất Saponin trong sâm Ngọc Linh cao gấp 42 lần sâm Nhật Bản.
Theo kết quả nghiên cứu, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác, trong khi sâm Triều Tiên chỉ có khoảng 25 saponin.
Ngoài các loại saponin, sâm Ngọc Linh còn chứa các polyacetilen, axit béo, axit amin, gluxit, tinh dầu và cả các yếu tố vi lượng.
Cây sâm chỉ sinh trưởng tốt dưới tán rừng già, vì vậy, chẳng ai nỡ phá rừng mà phá luôn cây sâm. Ông Hồ Văn Đoàn - người công tác tại trại sâm Tắc Ngo, Trung tâm Sâm Ngọc Linh Nam Trà My cho biết, Sâm Ngọc Linh chỉ trồng được ở độ cao quy định 1.000 - 2.400m so với mực nước biển, độ che phủ của rừng khoảng 70%, nhiệt độ trung bình 20 độ, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm trong khoảng 15 độ.
Cây sâm Ngọc Linh sinh trưởng tốt dưới tán rừng già. Ảnh: Bizmedia
Sâm nhạy cảm với nguồn nước. Nước đọng, củ dễ hư, nên những vùng trồng sâm phải là vùng đất dốc cỡ 15 độ trở lên để thoát nước tốt. Thảm che có tác dụng giữ lại mùn đồng thời khi lá mục tạo thành mùn núi để làm chất dinh dưỡng cho cây
Khi cây bị sâu ăn lá, chỉ bắt thủ công và đi diệt chứ không sử dụng thuốc hóa học. Ngoài thu hoạch củ có giá trị, lá và thân cũng có giá trị, hàm lượng saponin cao nên người trồng thu hoạch luôn thân và lá để bán. Hàng năm, mỗi củ chỉ lên một lá, đến cuối tháng 11 là rụng, qua tháng một, hai năm sau lại lên lá mới. Khi cuống lá rụng đi để lại dấu vết trên củ. Đây cũng là cách quan sát để nhận biết độ tuổi cây sâm.
Khi hoa lớn, tháng 7, tháng 8 có thể thu hoạch hạt để gieo thành cây con. Tuy nhiên, để cây giống có chất lượng, cần tuyển chọn hạt. Hiện, Quảng Nam đã gây dựng được vùng sâm giống gốc, tuyển chọn hạt từ những cây sâm gốc để cung cấp, hỗ trợ cho các xã trong vùng quy hoạch phát triển.
Từ hạt nhỏ lên đến hạt trưởng thành có thể thu hoạch được đem gieo mất khoảng 4, 5 tháng. Cây bốn tuổi mới bắt đầu ra hoa, cho hạt, nhưng cây từ 5 năm tuổi mới lấy giống được. Cây sâm 5 năm tuổi thì cho một củ khoảng 3, 4 lạng tùy theo độ tuổi, nơi nào đất tốt thì củ lớn hơn.
Sâm Ngọc Linh được nhân giống từ các hạt chín chọn lọc. Ảnh: Bizmedia
Tuy nhiên, cách dùng phổ thông của cây sâm hiện nay vẫn là cắt lát, ngâm rượu, ngâm mật ong, chiết xuất thành viên nang thực phẩm chức năng hoặc làm thành phần bổ sung cho nhiều vị thuốc.
Ông Hồ Quang Bửu chia sẻ, từ kinh nghiệm rút ra về cách phát triển vùng sâm của người Hàn Quốc, đó là làm sao đa dạng hóa sản phẩm, đưa sâm đến gần hơn với người dùng, mức giá đáp ứng nhu cầu của đại trà, ông Bửu đã đưa cây sâm quý của người Việt đến được với người Việt, biến cây sâm quý thành thương hiệu không chỉ riêng Quảng Nam hay Kon Tum, mà của người Việt.
Tháng 9/2015, Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh. Theo đó, đến năm 2030 sẽ mở rộng vùng trồng ra 7 xã thuộc huyện Nam Trà My với diện tích lên đến 30.000 ha, đầu tư trên 9.000 tỷ đồng. Tháng 6/2017, sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) trở thành sản phẩm quốc gia.
Hiện, Quảng Nam có dự án di thực cây sâm về các vùng có điều kiện tương tự để mở rộng diện tích vùng sâm nguyên liệu. Đồng thời, để quảng bá giới thiệu cây sâm Ngọc Linh đến đông đảo người dùng, tạo ra địa chỉ uy tín cho người mua sâm, từ tháng 8/2017, huyện Nam Trà My định kỳ tổ chức phiên chợ sâm hàng tháng từ ngày mùng một đến mùng ba.
Theo Giang Tạ (VNE)
Mỗi năm, sâm Ngọc Linh sẽ "đẻ" ra 2.000 tỷ đồng: Có thực tế không? Đề án phát triển sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh), thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 hoàn thiện quy trình công nghệ và đầu tư sản xuất sản phẩm chất lượng cao từ sâm Việt Nam đạt tổng quy mô giá trị tương đương với 2.000 tỷ đồng/năm. Ngày 12.1, ông Hồ Quang...