Những chuyện nhỏ trên cung đường du lịch Tây Bắc
Tây Bắc gồm 6 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái. Trong số đó, Sơn La giữ một vị trí đặc biệt thuận lợi, là trung tâm của cánh cung Tây Bắc.
Nhiều chuyên gia du lịch đánh giá, nếu có thể làm nổi bật hơn nữa giá trị vốn có và xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc thù thì trong tương lai không xa, Sơn La sẽ trở thành một điểm đến hàng đầu trên hành trình khám phá Tây Bắc rực rỡ sắc màu.
LTS: Có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ, địa hình, địa chất độc đáo, văn hóa các dân tộc đặc sắc cùng truyền thống lâu đời… Tây Bắc luôn là vùng đất “gây thương nhớ” cho bất cứ ai từng đặt chân đến dù chỉ một lần. Với những gì được nhiên nhiên ưu ái ban tặng, các sản phẩm du lịch của Tây Bắc hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước.
Hai năm đại dịch với mức độ tàn phá khủng khiếp về kinh tế, giao thương, hoạt động xê dịch của cả thế giới dường như đóng băng. Ngay khi “bầu trời mở cửa” trở lại, trong khi các vùng du lịch tiềm năng khác còn đang loay hoay phục hồi thì du lịch Tây Bắc đã nhanh chóng ổn định và hút khách. Những đợt nghỉ lễ, nhiều điểm tham quan lưu trú ở các tỉnh Tây Bắc luôn kín chỗ. Phục hồi nhanh sau đại dịch dù là tín hiệu đáng mừng, nhưng Tây Bắc vẫn còn nhiều thứ phải hoàn thiện. Đó là phải đầu tư, định hướng để làm sao phát triển đồng bộ, tạo sinh kế cho người dân, đồng thời vẫn bảo tồn được giá trị truyền thống, bảo tồn được cảnh quan thiên nhiên và môi trường. Đây thực sự là bài toán đang trong quá trình đi tìm lời giải của lãnh đạo các tỉnh Tây Bắc.
Tour săn mây từ lâu đã là “đặc sản” của du lịch Sơn La và các tỉnh Tây Bắc
Những điểm đến xanh trên cao nguyên
Bây giờ, Mộc Châu (Sơn La) đã thực sự thay da đổi thịt, cái sinh lực mạnh mẽ và dồi dào của đất và người nơi này đủ để xua đi những đói nghèo, lạc hậu của những ngày tháng cũ. Những mô hình kinh tế xanh, du lịch xanh, trang trại xanh đang được gây dựng ngày càng nhiều khiến du khách đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ở xã Tân Lập (huyện Mộc Châu) không ai là không biết đến ông Hà Văn Quý, chủ nhân của Bản Hoa homestay. Ông là Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới – danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng để ghi nhận những đóng góp của ông đối với mảnh đất Tân Lập này. Trò chuyện với chúng tôi dưới hiên ngôi nhà sàn bằng gỗ xinh xắn được ông dựng lên vừa là để làm nơi sinh hoạt của gia đình, vừa là nơi đón khách lưu trú cuối tuần, ông chậm rãi kể: “Trong quãng thời gian công tác suốt 38 năm 6 tháng cho tới trước khi nghỉ hưu, tôi có tới 20 năm làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Lập. Tôi hiểu mảnh đất này hệt như bản thân mình vậy. Nỗi trăn trở làm sao để gia đình, bà con trong thôn, trong xã vươn lên thoát nghèo luôn đeo đẳng trong suy nghĩ tôi suốt mấy chục năm ròng”.
Thế rồi, mãi đến năm 2012, ông Quý quyết định mua một mảnh đất nhỏ ở Bản Hoa, dựng ngôi nhà sàn theo đúng truyền thống của dân tộc Thái, xung quanh nhà là ao cá, vườn cây… Năm 2014, “mô hình kinh tế tư nhân” của gia đình ông chính thức đi vào hoạt động. Mỗi du khách một lần đến ở nhà ông đều như một vị sứ giả du lịch. Người nọ truyền tai người kia, lại thêm sự kết nối với một số doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội, homestay của gia đình ông Quý đón khách đều. Khó khăn nhất là giai đoạn dịch bệnh Covid-19, gia đình ông mất gần 2 năm đứt đoạn do những chính sách về giãn cách và phòng dịch. Nhưng ngay sau khi các dịch vụ mở cửa trở lại, giao thương và đi lại được phục hồi, gia đình ông lại túc tắc đón khách tới lưu trú. Hôm chúng tôi đến nhà ông, ngoài bờ giếng đang mổ lợn. Con lợn cắp nách nhà nuôi, nhưng có khách đến thì đưa “lên mâm”, đảm bảo nguồn thực phẩm thật sạch. Ngoài vườn thì giàn su su đang đến mùa rộ quả, cứ thế mà luộc lên thôi cũng đủ ngon ngọt rồi. Măng ở sau vườn, thích ăn củ nào thì đào củ ấy, chỉ có cá ở dưới ao là khó bắt. Nhưng cũng có nhiều du khách khi đến nhà ông là đòi trải nghiệm bắt cá cho bằng được. Thì đấy, cần câu sẵn, lưới cũng sẵn, có khó gì đâu.
Bữa đó, nhờ “tài năng” của những người đồng nghiệp cùng chuyến đi, mâm cơm tối ngoài lợn mán, măng tre, su su luộc vốn đã đủ thịnh soạn rồi lại còn có thêm cả cá nướng, phần thưởng cho những người biết… đi câu. Bên chén rượu men lá thơm nồng, ông Quý vui vẻ ngồi ăn cơm cùng khách, cứ nhẩn nha vừa chiêu từng hớp rượu nhỏ vừa kể về những ngày tháng đã qua, về những đồi chè bao la ngoài cửa sổ và cả về những nỗ lực vươn lên xây dựng nông thôn mới của những người dân nơi này….
Chèo SUP hiện đang trở thành tour ăn khách ở Mộc Châu
Cách nghĩ mới, hướng phát triển mới
Video đang HOT
Cùng với Bản Hoa, Bản Dọi, xã Tân Lập cũng đang được xem như một điểm sáng cho sự phát triển du lịch cộng đồng. Bản Dọi cách Bản Hoa chỉ khoảng vài cây số đường núi, đường sá cũng đã được mở rộng không còn khó đi như trước. Dù ra đời sau, nhưng những homestay ở Bản Dọi lại được đầu tư bài bản hơn, hệ thống hơn. Đáng chú ý, tại Bản Dọi có 7 hộ nằm trong dự án do Action on Poverty (AOP), một tổ chức phi chính phủ Australia tài trợ.
Ông Hà Văn Quyết, chủ nhân của homestay Hà Quyết kể, cơ sở lưu trú của gia đình ông chính thức đi vào hoạt động từ ngày 10-6-2020. Mới đầu còn bỡ ngỡ lắm, nhưng rồi qua một vài lần đón khách, được sự góp ý trực tiếp từ du khách cũng như sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các đơn vị tư vấn, lữ hành du lịch, các hạng mục sinh hoạt, ăn, ở của gia đình ông cứ thế mà hoàn thiện dần dần. Mỗi lần khách đến, khách đi đều mang lại cho gia đình những kinh nghiệm quý báu, để từ đó có thể phục vụ du khách tốt hơn trong những lần tới. Ông Quyết nhớ lại: “Lần đón khách nước ngoài đầu tiên là khi ngôi nhà của tôi vừa được hoàn thiện và đi vào hoạt động. Cặp vợ chồng du khách người Đức đến “xông nhà”, dù phong tục tập quán và quan niệm sinh hoạt của 2 nền văn hóa Á – Âu có khác nhau, xong họ cũng đã nhiệt tình để lại nhiều góp ý thiện chí khiến tôi có thêm những kinh nghiệm cho lần sau”.
Đồi chè ở Mộc Châu (Sơn La) đang trở thành điểm đến được nhiều du khách ưa thích
Bây giờ, khách đã đến homestay của ông Quyết đều đặn, có đoàn lên tới mấy chục người, vợ chồng ông phải thuê thêm nhân lực phục vụ. Các công ty lữ hành cũng bắt đầu trao đổi, liên hệ, dù nguồn thu nhập từ làm du lịch chưa được đều và chưa đủ để trang trải toàn bộ cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, đó cũng là một cách nghĩ mới, một hướng phát triển kinh tế mới. Quan trọng hơn cả là những nếp nhà truyền thống ở Bản Dọi vẫn giữ được nguyên vẹn, giữ được cây, được rừng và cả những phong tục ngàn đời. Đó mới là điều mà người dân nơi này mong mỏi và hy vọng.
Tiềm năng sẵn có, khai thác thế nào?
Nhận định về du lịch Sơn La, ông Nguyễn Văn Tài – Giám đốc Công ty Vietsense Travel cho biết: “Sơn La hội tụ đầy đủ tài nguyên du lịch, có thiên nhiên đẹp, khí hậu ôn hòa, di tích nhiều, văn hóa đa dạng, ẩm thực ngon, lạ. Có thể nói tài nguyên du lịch của tỉnh là vô cùng giàu có và hiếm nơi nào sánh được”.
Ông Hà Văn Quý dẫn du khách tham quan xưởng sản xuất chè Ô Long của gia đình ông
Ông Nguyễn Văn Tài kể thêm, ông và Vietsene Travel “bén duyên” với du lịch Sơn La từ năm 2011, khi mà Mộc Châu bắt đầu được chú ý đến với cao nguyên xanh có khí hậu mát mẻ, có các đồi chè đẹp và một số điểm tham quan như thác Dải Yếm, Hang Dơi… rất phù hợp với các tour 2 ngày cuối tuần. Ngoài ra Sơn La còn nằm trên con đường Tây Bắc đến Điện Biên nên các điểm đến như Nhà tù Sơn La, Bảo tàng Sơn La cũng là nơi dừng thăm của các tour kéo dài trong 4 ngày 3 đêm. “Đã hơn 11 năm tôi làm tour đến Sơn La, nơi này cũng có nhiều thay đổi. Thương hiệu du lịch Mộc Châu được biết đến nhiều hơn, cơ sở lưu trú, ăn uống nhiều và tốt hơn, nhiều mô hình du lịch “check in” hơn như vườn cải, vườn hồng, vườn đào… nhưng chừng đó là chưa tương xứng với tiềm năng vì vẫn chỉ khai thác được chương trình 2 ngày như trước” – ông Nguyễn Vân Tài cho biết.
Là người đã có nhiều năm gắn bó với các tour du lịch Sơn La và Tây Bắc, ông Tài đưa ra những nhận định về vị trí đắc địa của Sơn La: “Đây vừa là điểm đến, vừa là trạm trung chuyển, thậm chí vừa là thị trường khách. Xét về điểm đến, Sơn La có thể là đích cho các hành trình với trung tâm là Mộc Châu – Vân Hồ trải đến thành phố và các huyện phía Tây giáp Điện Biên. Xét về kết nối thì là cửa ngõ của Tây Bắc kết hợp với Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu. Ngoài ra còn có thể kết nối với một số vùng của Thanh Hóa và Lào. Rõ ràng đây là vị trí quá thuận lợi để hợp tác phát triển nhiều hành trình du lịch thú vị. Về thị trường khách, với tình hình kinh tế tốt của tỉnh hiện nay, hoàn toàn có thể kết hợp với các tỉnh xuyên với trung tâm là Hà Nội và các tỉnh phía Đông Bắc, Bắc Trung bộ để phục vụ người dân Sơn La đi du lịch”. Ông Nguyễn Văn Tài bật mí, hiện VietSense Travel đang có kế hoạch mở văn phòng tại Sơn La. Việc này vừa để phục vụ khách đến đồng thời cũng khai thác khách đi phục vụ nhân dân Sơn La và các tỉnh Tây Bắc.
Khung cảnh thiên nhiên trong lành cùng các vườn cây trái trĩu quả đang là lợi thế để Sơn La và các tỉnh Tây Bắc phát triển du lịch nông nghiệp
Ông Nguyễn Tuấn Linh – Giám đốc Công ty Mr Linh’s Adventures nêu quan điểm, Sơn La từ lâu đã là một địa điểm du lịch nổi bật tại vùng Tây Bắc, trong đó được biết đến nhiều nhất là di tích Nhà tù Sơn La – nơi ghi dấu lịch sử về cuộc kháng chiến chống thực dân. Thực tế, Sơn La vẫn chưa làm nổi bật lên sức mạnh tiềm năng, lợi thế vốn có. Đặc biệt, Mộc Châu gần đây được khá nhiều khách du lịch nhắc đến mỗi khi nghĩ về Tây Bắc. Song, cũng có đôi chút đáng tiếc, những tiềm năng đó hầu hết chỉ được một bộ phận nhỏ khách du lịch nội địa biết đến. Vì thế, việc xây dựng thêm những sản phẩm đặc thù, những sản phẩm mang bản sắc của Sơn La nói chung và Mộc Châu nói riêng là việc làm hết sức cần thiết trong thời gian tới để Sơn La thực sự là điểm đến không thể bỏ qua chứ không phải điểm dừng chân trên hành trình Tây Bắc.
(Còn tiếp)
Hùng vĩ Tây Bắc - Kỳ 4: Từ chân núi Sơn Bạc Mây
Sin Suối Hồ khép nép, nguyên sơ dưới chân núi Sơn Bạc Mây. Bản làng của người H'Mông đẹp lạ lùng trong sắc vàng ruộng bậc thang và màu xanh rừng núi. Đến Sin Suối Hồ mới thấy cách người Lai Châu mạnh dạn làm du lịch gắn với thế mạnh núi rừng, văn hóa bản địa.
Cách TP. Lai Châu khoảng 30 km, bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ) nằm yên bình dưới chân núi Sơn Bạc Mây. Nơi đây có 148 hộ gia đình người Mông sinh sống. Ảnh: ST
Bức tranh nên thơ giữa núi rừng
Sin Suối Hồ nằm cách TP. Lai Châu 30km. Bản làng với nếp nhà truyền thống của đồng bào dân tộc H'mông, những homestay xinh xắn với khu vườn ngập tràn sắc hoa.
Trên đường đi vào bản, có nhiều vườn địa lan Trần Mộng nức tiếng, vốn được người bản địa lấy giống từ núi rừng. Ở Sin Suối Hồ, địa lan không cần che nắng hay bón phân, vì tiết trời nơi đây dịu mát, cây lan phát triển tuyệt đẹp. Bản lá to dài, giả hành mập mạp và hoa thì khỏi chê.
Cô gái H'Mông Hảng Thị Qua dẫn chúng tôi thăm bản. "Trong tiếng Mông, Sin Suối Hồ nghĩa là suối có vàng", Qua giải thích.
Không biết, "suối có vàng" như lời Qua nói thật không. Nhưng đến với rẻo đất nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, được hòa mình vào biển mây mỗi sớm bình minh, đắm mình dưới dòng nước mát của thác Tình Yêu, thác Trái Tim... thì cũng đủ mê ly bất tận.
Chị gái của Qua là Hảng Thị Sú, có một quán cà phê xinh đẹp và nổi tiếng bậc nhất ở Sin Suối Hồ. Sú lấy chồng người Sài Gòn. Cũng bởi thế, đồ uống ở Kasha Coffee của cặp vợ chồng trẻ là sự hòa trộn của dư vị 2 miền. Cà phê Sài Gòn cũng có, mà siro táo mèo lại càng nhiều. Điều tuyệt vời ở Kasha Coffee là du khách có thể ngắm bình minh, tận hưởng thú vui chụp ảnh với những góc độc, lạ.
Trưởng bản Vàng A Chỉnh năm nay hơn 50 tuổi, nhưng nhanh nhẹn như chàng trai trẻ. Ông bày tiệc đón chúng tôi với các món hấp dẫn của đồng bào miền núi phía Bắc: lợn bản đủ món, nộm rau dớn rừng, lẩu cá tầm, sâu măng chiên giòn, nộm hoa chuối, xôi nếp nương, rau cải mèo....
Vàng A Chính thuộc lớp người tiên phong làm du lịch ở Sin Suối Hồ. Năm 2015, Sin Suối Hồ được công nhận là bản du lịch cộng đồng. Từ đó, người dân bắt đầu xây dựng homestay, quán cà phê... Dịch vụ mở ra, đa dạng và đáp ứng đủ nhu cầu đã kéo khách đến tham quan, khám phá ngày một nhiều.
Bản có 148 hộ, chủ yếu đồng bào dân tộc H'Mông. Bản đã từng là "bản nghiện", cuộc sống người dân vô cùng khó khăn. Nhưng từ khi làm du lịch, cuộc sống ở bản thay đổi như trở ngược bàn tay. Bà con xây dựng "bản 5 không": không uống rượu; không hút thuốc phiện, không xả rác bừa bãi, không tệ nạn và mâu thuẫn cộng đồng, không chèo kéo khách.
Hiện nay, bản có 12 hộ kinh doanh homestay, trong đó có những bungalow Tổ chim (phòng nghỉ dựng trên cây giữa rừng), mỗi năm lượng khách du lịch tham quan bản hơn 3.000 lượt người.
"Từ ngày làm du lịch, những sản phẩm do chính tay người H'Mông làm ra (áo, váy, vòng tay, vòng cổ, khăn...) và các đặc sản (thịt trâu gác bếp, măng rừng, lá thuốc...) đến với nhiều du khách trong và ngoài nước, tạo thu nhập cho nhiều gia đình. Đời sống của người H'mông đang khá lên từng ngày", Trưởng bản Vàng A Chính phấn khởi.
Đoàn công tác của Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, Báo Lai Châu và cô gái H'mông Hảng Thị Qua chụp hình lưu niệm tại Bản Sin Suối Hồ. Ảnh: NHẬT LINH
Muôn điểm để khám phá, chinh phục
Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ chỉ là một trong rất nhiều những sản phẩm du lịch độc đáo ở Lai Châu. Với lợi thế khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa đa dạng, Lai Châu tập trung phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái nghỉ dưỡng, leo núi, thể thao mạo hiểm...
Trong số các tỉnh miền núi Tây Bắc, Lai Châu sở hữu 6 trong 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam với suối, thác nước, hang động, thảm thực vật phong phú, đa dạng. Đây là lợi thế để tỉnh tập trung phát triển nhất các loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm, đặc biệt checking, leo núi đang được các bạn trẻ ưa chuộng. Nhiều du khách đã ví "Bạch Mộc Lương Tử" (cao 3.046m) như thiên đường mây"; "Pu Si Lung" đỉnh núi khó chinh phục nhất với độ cao 3.083m; "Pu Ta Leng" đỉnh núi đẹp nhất cao 3.049m.
Leo núi Bạch Mộc Lương Tử vào mùa đông cũng là một trải nghiệm đầy thử thách nhưng cũng khá thú vị khi được chiêm ngưỡng cảnh tuyết rơi phủ trắng núi tạo nên khung cảnh vô cùng bắt mắt. Ảnh: ST
Ngoài 3 đỉnh núi trên, Lai Châu còn có Tả Liên Sơn (cao 2.993m), Phàn Liên San (3.012m), Pờ Ma Lung (2.967m)... Những du khách đam mê du lịch mạo hiểm vô cùng yêu thích các đỉnh núi ở Lai Châu vì giữ được hiện trạng nguyên sơ của những cánh rừng già, cung đường khám phá thách thức mọi giới hạn về sự kiên trì, lòng dũng cảm.
Lai Châu còn quan tâm và tạo điều kiện hỗ trợ người dân phát triển loại hình du lịch nông nghiệp. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành và đưa vào khai thác sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp phục vụ khách tham quan trải nghiệm, chụp ảnh, ghi hình như: khu vườn ăn quả đào, lê, mận tại khu vực các xã Hồ Thầu, Giang Ma (huyện Tam Đường); vùng trồng dược liệu đương quy, đỗ trọng, sâm tại huyện Sìn Hồ; mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Bản Chát, Huổi Quảng (huyện Than Uyên); đồi chè huyện Tân Uyên; các sản phẩm chợ phiên vùng cao như: chợ đêm San Thàng (TP. Lai Châu); chợ phiên Dào San (huyện Phong Thổ)...
Top những điểm săn mây tuyệt đẹp tại Tây Bắc Nếu như bạn là một tín đồ mê xê dịch thì chắc chắn săn mây là một trải nghiệm chắc chắn bạn phải thử qua. Cụm từ "săn mây" được cộng đồng những người đam mê du lịch đặc biệt là các phượt thủ nhắc nhiều trong khoảng 2 năm trở lại đây. Gọi là "săn mây" bởi biển mây chỉ xuất hiện...