Những chuyện đằng sau bản tin chiến thắng ngày 30/4/1975
“Người phóng viên mang bản tin chiến thắng về để phát sóng trên Đài tiếng nói Việt Nam đã gặp tai nạn trên đường, vừa đến cổng Đài cô ấy đã ngất lịm đi…”- 40 năm sau, NSƯT Kim Cúc vẫn nhớ như in những câu chuyện đằng sau bản tin chiến thắng ngày 30/4/1975.
40 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức của NSƯT- BTV Kim Cúc, người đọc bản tin chiến thắng trên sóng phát thanh Đài tiếng nói Việt Nam ngày 30/4/1975 vẫn vẹn nguyên những câu chuyện cũ, như thể câu chuyện ấy chỉ mới vừa xảy ra ngày hôm qua. Bà vẫn có thể đọc thuộc lòng, rõ ràng, mạch lạc cho PV Dân trí nghe từng chữ trong bản tin đã được viết cách đây 40 năm. Và bà vẫn đọc với giọng xúc động như thế, hào sảng như thế, đầy tự hào như thế.
NSƯT Kim Cúc hiện tại, bà vẫn nhớ như thể mọi việc vừa mới xảy ra ngày hôm qua, 40 năm như chớp mắt lịch sử (Ảnh: Hiền Hương)
NSƯT Kim Cúc chia sẻ, bản tin chiến thắng ngày 30/4/1975 là bản tin quan trọng nhất bà từng đọc trong cuộc đời làm biên tập viên ở Đài tiếng nói Việt Nam. Là bản tin đáng nhớ nhất, xúc động nhất, quan trọng nhất trong cuộc đời bà. Là bản tin có tác động mạnh mẽ nhất. Và là bản tin hùng tráng nhất trong lịch sử phát sóng của Đài tiếng nói Việt Nam.
“Hôm ấy, thật may mắn và vinh dự, đúng vào ca trực của tôi. 11h45 trưa, một bản tin ngắn gọn, súc tích đã được gửi về đài thông báo, quân ta đã tiến vào Sài Gòn, lật đổ cánh cổng cơ quan đầu não của ngụy quân, ngụy quyền, và giải phóng hoàn toàn thành phố. Tôi là người trực nên có trách nhiệm lập tức đọc bản tin này trên sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam, bản tin lúc 11h45. Sau đó, một bản tin khác được làm lại, dựng thêm thông tin, thêm nhạc nền là ca khúc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, và bản tin này được phát thanh vào lúc 18h ngày 30/4/1975. Sau này, mọi người chỉ nghe và biết đến bản tin phát thanh lúc 18h, nhiều người đã thắc mắc tại sao một thông tin quan trọng như thế lại phát muộn như thế? Với một cơ quan thông tấn lớn nhất miền Bắc khi ấy là Đài tiếng nói Việt Nam? Thực tế, chúng tôi đã phát đi một bản tin vào lúc 11h45 trưa ngày 30/4/1975, tôi đọc là phát thanh trực tiếp, đọc thẳng không sao in lại, không thu lại (do điều kiện kỹ thuật còn đơn sơ), nên ít người biết điều này”- NSƯT Kim Cúc nhớ lại.
Đằng sau bản tin chiến thắng trên sóng phát thanh ngày 30/4/1975 có nhiều câu chuyện, đến bây giờ NSƯT Kim Cúc vẫn nhớ như in.
NSƯT Kim Cúc được Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt tay nhân một lần Đại tướng đến thăm Đài tiếng nói VN
Video đang HOT
Phóng viên- người mang bản tin từ Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam về để kịp phát thanh trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam hôm ấy trên đường đi đã gặp tai nạn. Khi về đến cổng Đài, nữ phóng viên đã ngất lịm. Một người khác đã ngay lập tức cầm bản tin ấy đưa sang phòng thu. Lúc ấy, BTV Kim Cúc cùng với một nữ BTV nói tiếng miền Nam đang trực. Bản tin được gấp rút thu thanh và phát trên Đài tiếng nói Việt Nam vào lúc 11h45 ngày 30/4/1975.
NSƯT Kim Cúc còn nhớ, “Bản tin rất ngắn gọn, súc tích với nội dung như sau “ Mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng ta mới nhận được. Đúng 11h30, quân ta tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm dinh Độc Lập. Bộ Tổng tham mưu Ngụy- Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng“”. Theo NSƯT Kim Cúc, bản tin rất ngắn gọn, nhưng chứ đủ thông tin giống như lời hiệu triệu, cổ vũ, động viên quân và dân ta tiếp tục tranh đấu để đi đến toàn thắng.
Bản tin chỉ với bấy nhiêu chữ nhưng đã đủ khiến cả một dân tộc vỡ òa trong niềm vui, hạnh phúc vô bờ.
“Bản thân tôi khi đọc bản tin chiến thắng, ngoài việc gửi gắm niềm vui, sự sung sướng đến đồng bào mình, tôi còn có một niềm riêng khác là 2 em trai tôi khi ấy đang ở chiến trường. Tôi còn mới biết tin, một em trai của tôi bị thương trên chiến trường Quảng Trị. Vì thế, khi đọc bản tin chiến thắng ngày 30/4/1975, tôi vừa đọc vừa mong mỏi các em tôi sẽ nghe được bản tin này, để động viên, cổ vũ tinh thần cho các em tôi sẽ vững vàng hơn, mạnh mẽ hơn- khi nghe thấy giọng nói của chị đọc tin chiến thắng”- NSƯT Kim Cúc tâm sự.
Nữ phóng viên bị ngất khi đưa bản tin chiến thắng từ Bộ Tổng tham mưu Quân đội NDVN về Đài tiếng nói VN là Anh Trang (ngoài cùng bìa phải). Ngoài đời, nữ phóng viên Anh Trang và NSƯT Kim Cúc (giữa) cùng với chồng của NSƯT Kim Cúc (ngoài cùng bìa trái) là 3 người bạn thân.
40 năm đã trôi qua, nhưng ngồi nghe trực tiếp NSƯT Kim Cúc đọc lại rõ ràng bản tin chiến thắng, người viết thực sự xúc động. Theo NSƯT Kim Cúc, hẳn lúc ấy bà đọc sẽ còn tốt hơn, vì “khi ấy còn trẻ trung, sức khỏe dồi dào, lại còn nguyên cảm xúc vỡ òa của ngày chiến thắng. Bây giờ, sau 40 năm, tôi đã già rồi. Sức khỏe yếu đi nhiều. Giọng nói không còn “phong độ”. Nhưng quả thực, cảm xúc vẫn như dâng đầy trong tôi khi nhớ lại ngày này 40 năm trước”.
Ngay sau khi bản tin chiến thắng phát trên sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam, người dân Hà Nội đã đổ ra đường reo hò, phất cờ, mừng chiến thắng. “Tin chiến thắng được người Hà Nội nghe qua loa lắp đặt trong nhà (thường để nghe báo động máy bay), ngay khi bản tin phát xong, tôi đã thấy bên kia đường mọi người hoan hô, vỗ tay, và hét vang: Chiến thắng rồi! Đại sứ quán Cu-Ba ở ngay gần phòng thu của Đài, họ cũng đổ ra đường nhảy múa, cầm xoong cầm nồi khua tứ tung, và họ cũng hô vang “Viva Việt Nam! Viva Việt Nam (Việt Nam muôn năm)”. Rồi suốt những ngày sau đó, cả Hà Nội không ngủ, cả Hà Nội vui như hội. Ai nấy đều mặc quần áo đẹp, đi ra đường, ra bờ Hồ để ăn mừng chiến thắng. Tiếp đó, là công việc đưa người vào Nam tiếp quản Sài Gòn, tái thiết miền Nam sau độc lập… Cả đất nước hân hoan, rộn ràng mừng lịch sử dân tộc sang trang mới”- NSƯT Kim Cúc kể lại.
Và bà nhắc đi nhắc lại.
“Ngay sau bản tin chiến thắng ấy, lịch sử dân tộc đã sang trang!”
Hiền Hương
Theo Dantri
Tổng kết và trao giải Cuộc thi viết "Xuân 1975 - Bản hùng ca toàn thắng"
Ngày 24/4, tại Hà Nội, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết "Xuân 1975 - Bản hùng ca toàn thắng".
Đến dự buổi lễ có các đồng chí: Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và Hà Nội.
Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại buổi lễ.(Ảnh: K.T)
Sau gần 1 năm phát động (từ tháng 6/2014), Cuộc thi viết "Xuân 1975 - Bản hùng ca toàn thắng" đã nhận được hơn 1.600 bài dự thi từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Điểm độc đáo là tác giả các bài viết hầu hết là những nhân chứng lịch sử, các cựu chiến binh từng trực tiếp tham gia và có những kỷ niệm sâu sắc về Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Là hồi ức của những "người trong cuộc", với cách tiếp cận khác nhau, mỗi câu chuyện là một khúc tráng ca phản ánh chân thực, xúc động và khá toàn diện những ngày tháng chiến đấu hào hùng trên khắp các mặt trận trong mùa xuân lịch sử. Nhiều kỷ niệm đẹp của tình đồng đội, gương hy sinh anh dũng qua những câu chuyện kể đã chạm đến trái tim của thế hệ hôm nay. Tư tưởng xuyên suốt các tác phẩm dự thi là ca ngợi truyền thống anh dũng, quật cường, mưu trí sáng tạo, tinh thần xả thân hy sinh chiến đấu và ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc, quân đội ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Qua 4 vòng chấm thi, Ban Tổ chức đã chọn ra 62 bài xuất sắc để trao giải; trong đó có 1 giải Nhất, 5 giải Nhì, 12 giải Ba, 44 giải Khuyến khích. Ngoài ra, có 7 phần thưởng đặc biệt trao tặng 7 vị tướng có bài dự thi và 10 Bằng khen cho những tập thể tham gia tích cực vào Cuộc thi.
Phát biểu tại Lễ trao giải, đồng chí Lê Hồng Anh đánh giá cao sáng kiến tổ chức cuộc thi của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và gửi lời chúc mừng các tác giả đoạt giải. Đồng chí khẳng định, mỗi bài viết là hình ảnh đẹp và kỷ niệm sâu sắc của các tác giả về những trận chiến đấu gian khổ, ác liệt đã trực tiếp tham gia. Cuộc thi đã ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống anh dũng, quật cường, mưu trí, sáng tạo và ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc ta, đồng thời khơi dậy ý chí và niềm tin trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đồng chí Đinh thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao giải cho các tác giả đoạt giải. (Ảnh: K.T)
Nói về Đại thắng mùa Xuân 1975, đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh: Cách đây 40 năm, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã làm thất bại cuộc chiến tranh xâm lược và xóa bỏ ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Có được chiến thắng đó là do sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, ý chí quật cường, trí thông minh, sáng tạo, đoàn kết một lòng của nhân dân Việt Nam được đúc kết qua hàng ngàn năm lịch sử; đồng thời tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới, kết hợp chặt chẽ giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi. Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975 đã tạo những tiền đề và xung lực to lớn để nhân dân ta có thêm bản lĩnh, niềm tin, sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Phát huy tinh thần chiến thắng 30/4 trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn mới, đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị Hội Cựu chiến binh Việt Nam quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Thường xuyên chăm lo giáo dục, bồi dưỡng cho cán bộ, hội viên về mục tiêu, lý tưởng; kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; quán triệt và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Hội cần tập hợp, đoàn kết, hướng dẫn hội viên tham gia có hiệu quả vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và bảo vệ nhân dân; nêu cao ý chí tự lực tự cường, đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát khỏi đói nghèo và nâng cao đời sống, góp phần tích cực vào thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và xóa đói, giảm nghèo trong cả nước.
Tại buổi lễ, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã trao giải Nhất cho Đại tá Nguyễn Văn Hồng, nguyên Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 2, Sư đoàn 3, Quân khu 5, người trực tiếp tham gia trận tiến công tại cầu Cỏ May và thành phố Vũng Tàu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh - Xuân 1975 với tác phẩm "Cầu Cỏ May - ngày ấy, bây giờ" và các tác giả đoạt giải khác.
Theo K.T
Báo Đảng Cộng Sản Việt Nam
Việt Nam phản đối Canada thông qua đạo luật sai trái S-219 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: "Đạo luật S-219 của Canada là hoàn toàn sai trái, chứa đựng nhiều nội dung xuyên tạc lịch sử cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam... Đây là bước lùi trong quan hệ giữa hai nước." Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình...