Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6
Miễn giảm tiền sử dụng đất trên địa bàn đặc biệt khó khăn, quy định về kiến thức tối thiểu để tốt nghiệp đại học hay phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo khi sinh con sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng…là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6.
Theo Nghị định về quản lý chất thải, phế liệu thì tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phân loại chất thải tại nguồn nhằm mục đích tăng cường tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng. Ảnh: Nguyễn Đông
Quy định mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014
Từ 1/6, hệ thống tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) sẽ có thêm TAND cấp cao, Ngoài ra, các TAND được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử. Xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của luật tố tụng.
Miễn, giảm tiền sử dụng đất ở địa bàn đặc biệt khó khăn
Theo Quyết định 11/2015 của Thủ tướng, các hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo được miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi làm sổ đỏ.
Giảm 50% tiền sử dụng đất theo mức thu tại Nghị định 45/2014 của Chính phủ trong hạn mức giao đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Đối với phần diện tích vượt hạn mức giao đất ở (nếu có) thì hộ gia đình, cá nhân nộp tiền sử dụng đất theo quy định.
Quy định về kiến thức tối thiểu để tốt nghiệp đại học
Thông tư của Bộ Giáo dục về khối lượng kiến thức tối thiểu đối với các trình độ đào tạo của giáo dục đại học được quy định như sau: Trình độ đại học 120 tín chỉ; ngành có thời gian đào tạo 5 năm là 150 và 6 năm là 180 tín chỉ.
Video đang HOT
Trình độ thạc sĩ: 60 tín chỉ (30 đối với ngành ở trình độ đại học có khối kiến thức tối thiểu tích lũy từ 150 tín chỉ trở lên). Trình độ tiến sĩ: 90 đối với người tốt nghiệp thạc sĩ, 120 đối với người tốt nghiệp đại học.
Cơ sở đào tạo nếu không đảm bảo khối lượng kiến thức tối thiểu và yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp sẽ bị đình chỉ tuyển sinh 12 tháng, nếu tái phạm thì bị thu hồi quyết định mở ngành đào tạo.
Phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo sinh con đúng chính sách được hỗ trợ 2 triệu đồng
Theo Nghị định 39 của Chính phủ, phụ nữ là người dân tộc thiểu số hoặc phụ nữ là người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn (trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) sẽ được hỗ trợ khi sinh con thuộc một trong các trường hợp như: Sinh một hoặc hai con; Sinh con thứ ba, nếu cả hai vợ chồng hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người…
Nghị định quy định đối tượng thụ hưởng sẽ được nhận trực tiếp 2 triệu đồng/người bằng tiền mặt từ tháng đầu sau khi sinh con. Đối tượng thụ hưởng phải tự nguyện cam kết bằng văn bản không sinh thêm con, nếu vi phạm phải hoàn trả lại kinh phí đã nhận hỗ trợ.
Quản lý chất thải, phế liệu
Nghị định số 38 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải bao gồm chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, sản phẩm thải lỏng, nước thải, khí thải công nghiệp và các chất thải đặc thù khác; bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu.
Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tăng cường áp dụng các biện pháp về tiết kiệm tài nguyên và năng lượng; sử dụng tài nguyên, năng lượng tái tạo và sản phẩm, nguyên liệu, năng lượng sạch thân thiện với môi trường; sản xuất sạch hơn; kiểm toán môi trường đối với chất thải và các biện pháp khác để phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải;
Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phân loại chất thải tại nguồn nhằm mục đích tăng cường tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng…
Vi phạm về chi trả dịch vụ môi trường rừng bị phạt tới 50 triệu đồng
Nghị định số 40 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 20/6, trong đó bổ sung quy định xử phạt vi phạm quy định về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với mức phạt lên đến 50 triệu đồng.
Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, thầy thuốc Nhân dân
Có hiệu lực từ ngày 20/6, Nghị định số 40 của Chính phủ quy định về tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú” quy định, danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú” được xét tặng cho các thầy thuốc đạt 5 tiêu chuẩn theo quy định. Danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân” được xét tặng cho thầy thuốc đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú” và đạt thêm 4 tiểu chuẩn theo quy định.
Bá Đô
Theo VNE
Không có tham nhũng trong dự án triệu "đô" điện mặt trời
Bộ trưởng - Chủ nhiệm UB Dân tộc Giàng Seo Phử thông tin, đã cho thanh tra dự án điện mặt trời sử dụng vốn vay ODA. Có hiện tượng cột ăng ten phơi mưa nắng nhưng không gây thất thoát, lãng phí, cũng không có tham nhũng ở đây.
Chủ nhiệm UB Dân tộc là Bộ trưởng tham gia trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 21/7.
Liên quan đến việc triển khai một số dự án sử dụng vốn vay ODA của nước ngoài, Bộ trưởng Giàng Seo Phử nhận được thắc mắc của người dân về sự lãng phí ở Dự án điện mặt trời (do Phần Lan tài trợ vốn ODA lên đến hàng tỷ đồng) khi các thiết bị đưa về phải nằm phơi mưa phơi nắng, chưa đem lại hiệu quả sử dụng.
Ông Phử giải thích, theo quyết định của Bộ Công thương và Thủ tướng, Dự án này tài trợ và lắp 6 hệ điện cho 17 huyện của 8 tỉnh và 70 xã vì tính đến năm 2010, điện lực Việt Nam không có khả năng kéo đến vùng đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, ông Phử lưu ý, dù là điện mặt trời nhưng dự án chỉ kéo điện cho 70 xã đến trụ sở UBND xã, không phải là điện thắp sáng. Năm 2014, 6 hệ thống điện này đã hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng.
Chủ nhiệm UB Dân tộc xác nhận thực tế, dự án được tài trợ hoàn toàn bằng thiết bị, vì thế sắt thép, cột ăng ten phải để ngoài trời chứ không có nhà kho. Khẳng định cần nhận thức lại khi người dân phản ánh hiện tượng đã nhìn thấy các thiết bị này để phơi nắng, phơi mưa nhưng ông Phử khẳng định, việc này không gây thất thoát, lãng phí.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm UB Dân tộc Giàng Seo Phử.
"Thông qua báo chí, Thủ tướng đã có ý kiến. Chúng tôi là người đứng đầu của dự án và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về việc này. Tôi quyết định thành lập đoàn thanh tra, thanh tra toàn diện Dự án. Đến thời điểm này kết thúc thanh tra và kết luận thanh tra khẳng định, các nhà thầu có khó khăn vì đường sá không thuận tiện nên chủ yếu là chậm tiến độ và một số vật tư nhỏ, có thể là thất lạc. Tôi khẳng định không có thất thoát vật tư, không có tham nhũng lãng phí. Đây là kết quả kết luận thanh tra chính thức" - ông Phử nói.
Chuyển sang vấn đề di dân và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, ông Phử cho biết, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho UB Dân tộc chủ trì với các bộ ngành rà soát lại toàn bộ các chính sách cho đồng bào dân tộc miền núi. Để khắc phục tình trạng thiếu đất các địa phương phải tự cân đối đất, bình xét thực sự là thiếu đất chứ không phải lợi dụng chính sách của nhà nước để lấy đất.
Ngoài ra, nhà nước bố trí đất để bà con chuyển đổi ngành nghề và mở rộng các ngành nghề sản xuất, không chỉ sản xuất nông nghiệp mà phải kết hợp với xuất khẩu lao động, dạy nghề...
Để giải quyết tình trạng người dân ở một số tỉnh phía Bắc di cư vào Tây Nguyên, theo ông Phử, cần phải bố trí đầu tư các tỉnh phía Bắc đủ nước. Chủ nhiệm UB Dân dộc dẫn chứng, Hà Giang là địa phương rất thiếu đất, thiếu nước thì phải xây bể, làm thủy lợi, có bể chứa cho đồng bào có nguồn nước sinh hoạt; sắp xếp lại các dự án dọc toàn tuyến Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia để vùng đồng bào này đỡ khó khăn.
Về điểm đến trong di dân, Bộ trưởng Giàng Seo Phử nhấn mạnh, cần có dự án sắp xếp dân cư cho ổn định, bố trí cho dân chỗ ở để không phải chuyển sâu vào trong rừng; phải bố trí, sắp xếp lại để có quỹ đất, không hiệu quả thì chuyển đổi đất, chuyển giao cho chính quyền địa phương để có quỹ đất không để cho người dân không có đất sản xuất, không có đất ở, đảm bảo nâng cao đời sống cho đồng bào. Đây là chủ trương đúng, cần xúc tiến thường xuyên, những vùng bức xúc cần giải quyết ngay, giải quyết sớm.
Việc di dân, đối phó với mùa mưa bão năm nay, ông Phử cho biết, UB Dân tộc trước nay vẫn phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặc biệt là vùng dễ bị lũ quét, lũ ống và sạt lở đất chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lãnh đạo UB Dân tộc sẽ trao đổi thống nhất, chỉ đạo địa phương với chức năng của mình tiếp tục thông báo để đồng bào phát hiện vùng nào là vùng nguy cơ sạt lỡ, lũ quét, đặc biệt là vùng ven sông, suối, vùng cao để chủ động phòng tránh.
Ông Phử cũng đề nghị cấp ủy chính quyền các tỉnh miền núi phía Bắc chỉ đạo các sở ngành, các cơ quan chức năng, UBND các huyện, xã và người dân phải khảo sát ngay lập tức những vùng có nguy cơ sạt lở và đề nghị các địa phương chủ động phòng tránh là chính, chuẩn bị nguồn lực ứng cứu khi sự cố xảy ra, chuẩn bị mọi phương án cứu hộ cứu nạn để ứng cứu kịp thời người dân nơi xảy ra thiên tai.
P.Thảo
Theo Dantri