Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3
Xe máy chuyên dùng không được chạy quá 40 km, quy định về khoảng cách xe cơ giới, giá khám chữa bệnh ở bệnh viện công, tư…là hàng loạt những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3 tới.
Trợ cấp khó khăn đột xuất cho thân nhân công an
Có hiệu lực từ 1/3, Nghị định số 05 của Chính phủ quy định chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân. Theo đó, thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ bị ốm đau từ một tháng trở lên hoặc điều trị một lần tại bệnh viện từ 7 ngày trở lên được trợ cấp 500.000 đồng/suất/lần.
Gia đình hạ sĩ quan, chiến sĩ gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến nhà ở bị sập, trôi, cháy hoặc phải di dời chỗ ở được trợ cấp 3.000.000 đồng/suất/lần. Mỗi đối tượng trên chỉ được trợ cấp không quá 2 lần trong năm.
Ngoài ra, thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ từ trần, mất tích cũng được trợ cấp 2.000.000 đồng/suất.
Nâng tốc độ xe cơ giới
Tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới lưu thông khu đông dân cư được nâng lên 60km từ 1/3 tới. Ảnh minh hoạ: Bá Đô
Theo Thông tư 91 của Bộ Giao thông về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới có hiệu lực từ 1/3 thì xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự, tốc độ tối đa được xác định theo báo hiệu đường bộ và không quá 40 km/h (trừ đường cao tốc).
Video đang HOT
Tốc độ tối đa cho xe cơ giới trong khu dân cư, đô thị sẽ là 60 km/h với đường đôi có dải phân cách giữa và đường một chiều có từ hai làn xe trở lên; 50 km/h với đường không có phân cách giữa và đường một chiều có một làn xe cơ giới (quy định trước đó là 40-50 km/h tùy theo loại phương tiện).
Tương ứng với các loại đường trên, khi đi ngoài đô thị, ôtô đến 30 chỗ ngồi (trừ xe buýt), ôtô tải đến 3,5 tấn được chạy tối đa lần lượt là 90 km/h và 80 km/h. Ôtô trên 30 chỗ ngồi, trên 3,5 tấn được chạy tối đa 80 km/h và 70 km/h. Các loại xe buýt, đầu kéo sơ mi rơ moóc được chạy tối đa 70 km/h và 60 km/h…
Thống nhất giá khám, chữa bệnh BHYT
Cũng có hiệu lực từ 1/3, Thông tư liên tịch 37 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Giá dịch vụ khám bệnh, giá dịch vụ ngày giường điều trị, giá dịch vụ kỹ thuật được quy định cụ thể tại các
Các dịch vụ khám, chữa bệnh chưa được quy định mức giá cụ thể tại Thông tư liên tịch này sẽ áp dụng theo mức giá của các dịch vụ được Bộ Y tế xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện.
Các cơ sở tư nhân sẽ áp dụng giá khám bệnh, giá ngày giường điều trị theo mức giá của một trong các hạng bệnh viện quy định tại Phụ lục I, II của Thông tư liên tịch này. Các dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc quy định trên sẽ được thống nhất áp dụng mức giá quy định tại Phụ lục III Thông tư liên tịch này.
Quy trình hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai
Quyết định 01/2016 của Thủ tướng về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho địa phương khắc phục hậu quả thiên tai có hiệu lực kể từ ngày 5/3 quy định nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ dân sinh, khôi phục hạ tầng như sau: Chỉ xem xét hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương với những địa phương có mức thiệt hại vượt quá khả năng cân đối ngân sách địa phương. Việc hỗ trợ được phân nhóm: Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương có điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%.
Các địa phương còn lại, ngân sách địa phương tự đảm bảo kinh phí; Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng quyết định.
Quy định về quyết toán dự án thuộc nguồn vốn nhà nước
Cũng có hiệu lực từ ngày 5/3, Thông tư 09 của Bộ Tài Chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước. Cụ thể, chi phí đầu tư được quyết toán là toàn bộ chi phí hợp pháp thực hiện trong quá trình đầu tư xây dựng để đưa dự án vào khai thác, sử dụng. Chi phí hợp pháp là toàn bộ các khoản chi phí thực hiện trong phạm vi dự án, thiết kế, dự toán được duyệt; hợp đồng được ký kết kể cả phần điều chỉnh, bổ sung được duyệt theo quy định và đúng thẩm quyền.
Còn chi phí đầu tư được quyết toán phải nằm trong giới hạn tổng mức đầu tư được phê duyệt hoặc được điều chỉnh theo quy định của pháp luật.
Quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND
Có hiệu lực từ 10/3 Nghị định số 8 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Theo đó, đối với đơn vị hành chính ở nông thôn, tỉnh loại I có không quá 4 Phó Chủ tịch UBND; tỉnh loại II, loại III có không quá 3 Phó Chủ tịch UBND. Huyện loại I có không quá 3 Phó Chủ tịch UBND; huyện loại II, loại III có không quá 2 Phó Chủ tịch UBND. Xã loại I có không quá 2 Phó Chủ tịch UBND, xã loại II, loại III có 1 Phó Chủ tịch UBND.
Đối với đơn vị hành chính ở đô thị, Nghị định quy định thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có không quá 5 Phó Chủ tịch UBND; thành phố trực thuộc trung ương còn lại có không quá 4 Phó Chủ tịch UBND. Quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại I có không quá 3 Phó Chủ tịch UBND; quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại II, loại III có không quá 2 Phó Chủ tịch UBND.
Bá Đô
Theo VNE
Không thể giảm cước vận tải nếu chỉ một người thấy 'nhục'
Bài báo 'Tôi thấy nhục vì doanh nghiệp vận tải bị nói chây ỳ, móc túi' đăng trên Báo Giao thông vừa qua đã gây chú ý trong dư luận, nhận được nhiều chia sẻ và bình luận trên các mạng xã hội.
Ông Nguyễn Văn Thanh bức xúc với ý kiến của một số doanh nghiệp khi đưa lý do không thuyết phục cho việc chậm giảm giá cước vận tải.
Bài báo đăng tải tâm tư của ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam trong cuộc họp với các đơn vị vận tải nhằm có biện pháp điều chỉnh giá cước vận tải phù hợp với mức giảm của giá xăng dầu sáng 22/2. Ông Thanh nói mình cảm thấy "nhục" khi bị dư luận, báo chí nói là doanh nghiệp vận tải chây ỳ, móc túi người tiêu dùng vì không chịu giảm giá cước theo giá xăng dầu.
Đồng thời, ông Thanh bức xúc với ý kiến của một số doanh nghiệp khi đưa lý do không thuyết phục cho việc chậm giảm giá cước vận tải.
Bình luận về bài báo, bạn Nguyễn Quyền viết: "Xăng lên thì đòi tăng giá, xăng xuống thì chây ỳ giảm giá. Móc túi người tiêu dùng thêm được ít nào hay ít đó, một mình ông Thanh thấy nhục thì cũng chẳng làm được gì đâu. Tiếc là các doanh nghiệp không nghĩ được như ông Thanh".
Trong khi đó, bạn đọc Phạm Tuyên bình luận: "Sau phát ngôn này tôi nghĩ Hiệp hội cần phải thực hiện triệt để vai trò của mình, hoặc góp ý điều chỉnh chính sách chứ không thì quá khổ cho ông Chủ tịch, nỗi nhục sẽ kéo dài".
Trước ý kiến của Hiệp hội và các doanh nghiệp, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết đã đi thực tế cơ sở và thấy rằng giá xăng dầu giảm rất sâu, nên sau cuộc họp này taxi và xe khách tuyến cố định cần tính toán để giảm giá ngay đợt này. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết, liên Bộ Tài chính và Bộ GTVT sẽ tính toán để đưa ra một biên độ nhất định của xăng dầu, tương ứng với mức tăng, giảm của cước vận tải. Việc đổi mới có thể theo hướng, nếu xăng dầu tăng, giảm 10% thì DN vận tải tự động tăng, giảm cước mà không phải báo cáo.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đề nghị các hiệp hội và doanh nghiệp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với xã hội và phải coi đó là văn hoá doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, trong buổi tọa đàm về giá cước vận tải gần đây do Báo Giao thông tổ chức, Luật sư Trương Thanh Đức từng nêu ý kiến cho rằng, giá taxi và cước vận tải nên để thị trường quyết định, không nên khống chế miễn là các bên không vi phạm Luật Cạnh tranh.
Theo Báo Giao Thông
Phát triển công nghiệp dược, giảm hàng tỷ USD nhập khẩu thuốc Mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra hàng tỷ USD để nhập khẩu thuốc chữa bệnh và nguyên liệu sản xuất thuốc bởi thuốc thành phẩm sản xuất trong nước mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu, trong đó 90% nguyên liệu để sản xuất thuốc phải nhập khẩu. Bà Phạm Khánh Phong Lan, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội...